Vườn Quốc gia Bù Gia Mập
Vườn quốc gia Bù Gia Mập được chuyển hạng từ khu bảo tồn thiên nhiên Bù Gia Mập theo quyết định số 170/QĐ-TTg ngày 27 tháng 11 năm 2002 của thủ tướng chính phủ nhằm thực hiện mục tiêu phát triển bền vững tại địa phương và khu vực. Trước hết, Vườn quốc gia Bù Gia Mập được thành lập để bảo tồn và phát triển mẫu chuẩn hệ sinh thái rừng kín thường xanh trên đồi núi thấp có độ cao dưới 1.000m và đại diện cho khu vực chuyển tiếp từ Tây Nguyên xuống đồng bằng Nam bộ. Lâm phần của Vườn quốc gia Bù Gia Mập có tổng diện tích là 25.601,18 ha, trong đó đó diện tích rừng tự nhiên là 25.505 ha, rừng gỗ lá rộng là 5.918 ha (4.134 ha rừng giàu, 1.310 ha rừng trung bình, 169 ha rừng nghèo, 304,8 rừng phục hồi, rừng hỗn giao 17.851 ha, và rừng tre nứa, lồ ô 1.776,5 ha). Đây là nơi lý tưởng phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học nhằm bảo tồn nguồn gene quý hiếm của các loài động, thực vật. Với hệ sinh thái rừng thường xanh có độ che phủ trên 90%, Vườn quốc gia Bù Gia Mập góp phần phòng hộ và điều tiết nguồn nước cho các hồ thủy điện và hồ thủy lợi vùng hạ du sông Bé. Với những giá trị về cảnh quan và sinh thái, Vườn quốc gia Bù Gia Mập còn là điểm du lịch sinh thái hấp dẫn bởi hệ sinh thái rừng và các dãy núi chuyển tiếp từ khu vực cao nguyên xuống đồng bằng.
Vườn quốc gia Bù Gia Mập là khu vực chuyển tiếp từ khu vực Tây Nguyên xuống đồng bằng Nam Bộ nên có những đặc điểm riêng biệt về địa hình đồi núi và sông suối. Địa hình của vườn chủ yếu là đồi núi thấp và độ cao giàm dần từ Tây sang Đông và từ Bắc xuống Nam. Đỉnh núi cao nhất của vườn có độ cao 738m so với mực nước biển và các độ cao này xuất hiện chủ yếu tại khu vực giáp ranh với tỉnh Đăk Nông. Do chuyển tiếp từ cao nguyên xuống đồng bằng nên địa hình của lâm phần vườn bị chia cắt mạnh. Các dãy núi thường đan xen với các dòng suối tạo nên sự đa dạng về cảnh quan cũng như sinh cảnh sống cho các loài động thực vật trên toàn lâm phần vườn. Sự chia cắt về địa hình cũng tạo nên những thác nước nên thơ trong lâm phần vườn phục vụ cho các hoạt động du lịch sinh thái. Ngoài ra, những đặc điểm này tạo nên tính đa dạng của hệ động thực vât cũng như thể hiện rõ vai trò của hệ sinh thái rừng vườn quốc gia Bù Gia Mập trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học.
Vườn quốc gia Bù Gia Mập đóng vai trò quan trọng trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học không chỉ đối với quốc gia mà còn mang tầm cỡ quốc tế. Vườn quốc gia Bù Gia Mập nằm liền kề với các khu bảo tồn thiên nhiên thuộc vương quốc Cam Pu Chia, và các khu bảo tồn này tạo ra hành lang sinh thái Đông – Tây góp phần vào công tác bảo tồn các loài nguy cấp toàn cầu như vượn đen má vàng, tê tê java, voi châu Á, chà vá chân đen và nhiều loài quý hiếm khác. Đối với trong nước, vườn Quốc gia Bù Gia Mập là khu vực chuyển tiếp giữa cao nguyên và vùng đồng bằng trong đoạn cuối dãy Nam Trường Sơn, với các kiểu rừng đặc trưng của hệ sinh thái bán thường xanh và rừng thường xanh trên núi thấp, phân bố trên địa hình núi thấp có cao độ trung bình từ 300 – 750 m so với mực nước biển. Những đặc điểm địa hình này đã tạo ra sự đa dạng về loài và sinh cảnh trong lâm phần Vườn quốc gia Bù Gia Mập.