Tạo Điều Kiện Cho Kinh Tế Tập Thể Phát Triển Bền Vững Theo Hướng: Nông Nghiệp Thịnh Vượng - Nông Dân Giàu Có - Nông Thôn Văn Minh Hiện Đại
Sáng ngày 21-1, Ban Chỉ đạo phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi tỉnh tổ chức hội nghị tổng kết 5 năm phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi giai đoạn 2017-2021. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Quốc Anh - Trưởng Ban Chỉ đạo tỉnh chủ trì hội nghị.
Thông qua kế hoạch phát động thi đua
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Quốc Anh (bên phải)- Trưởng Ban Chỉ đạo phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi tỉnh trao bằng khen của UBND tỉnh cho các tập thể, cá nhân hộ tiêu biểu đạt chuẩn nông dân sản xuất kinh giỏi giai đoạn 2017-2021.
Qua 5 năm thực hiện phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi đã có 324.953/602.008 lượt hộ đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, chiếm 53% so với đăng ký, trong đó cấp cơ sở có trên 259.000 lượt hộ, cấp huyện 50.200 lượt hộ, cấp tỉnh 14.803 lượt hộ, cấp Trung ương có 940 lượt hộ. Qua các phong trào và các biện pháp hỗ trợ đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả như: Mô hình Tổ hội nghề nghiệp nuôi bò vỗ béo xã Thổ Sơn (Hòn Đất), hiệu quả lãi từ 100 triệu đồng/hộ/năm; chi hội nghề nghiệp trồng sầu riêng, măng cụt, xã Ngọc Hòa (Giồng Riềng), hiệu quả kinh tế 170 triệu đồng/ha; mô hình Dự án nuôi tôm càng xanh trong ruộng lúa tại Vân Khánh Tây và Đông Hưng (An Minh), hiệu quả 200 triệu đồng/ha; mô hình nuôi cá lồng bè xã Lại Sơn (Kiên Hải).
Từ phòng trào, trình độ, nhận thức, tập quán làm ăn của nhiều hộ nông dân được thay đổi chuyển từ sản xuất độc canh cây lúa sang sản xuất đa canh tổng hợp, nuôi trồng thủy sản, tập trung sản xuất nông sản hàng hóa, kinh doanh dịch vụ, có thu nhập khá cao; giai đoạn 2016-2020 đã chuyển đổi được trên 32.800 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây trồng khác và kết hợp nuôi trồng thủy sản, mang lại hiệu quả kinh tế. Các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao tiếp tục mở rộng và có thương hiệu trên thị trường như cá bóp, cá bóng mú vùng nuôi cá lồng bè Kiên Lương - Kiên Hải; tôm, cua, lúa vùng U Minh Thượng; rượu sim, hồ tiêu Phú Quốc. Đến nay toàn tỉnh có 107/120 sản phẩm trên địa bàn 15 huyện, thành phố được đánh giá đạt 3 sao trở lên (đạt 89% so với kế hoạch).
Bên cạnh đó, các đoàn thể cũng đã phối hợp với Ngân hàng chính sách xã hội tạo điều kiện cho gần 15.200 hộ vay 4.053 tỷ đồng để phát triển kinh tế gia đình; bằng nguồn quỹ hỗ trợ nông dân đã tạo điều kiện cho gần 3.000 lượt nông dân vay, với số tiền gần 68,6 tỷ đồng. Các hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi còn tạo điều kiện tương trợ, giúp đỡ hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn về kỹ thuật, cây, con giống… để vươn lên; góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh từ 4,14% (năm 2017) xuống còn 1,73% (năm 2021).
Ngoài ra, phong trào cũng góp phần thúc đẩy kinh tế tập thể, kinh tế trang trại, các chi, tổ hội nghề nghiệp phát triển đạt hiệu quả. Đến nay, toàn tỉnh đã thành lập 2.160 tổ hợp tác, 513 hợp tác xã; phát triển 29 trang trại. Riêng Hội Nông dân tỉnh đã chỉ đạo các cấp hội hướng dẫn thành lập 320 tổ hợp tác, 170 hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp nông dân, 156 tổ hội nghề nghiệp, 55 chi hội nghề ghiệp…
Phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cũng góp phần tích cực trong xây dựng nông thôn mới. Từ năm 2017 đến nay, các hộ nông dân đã đóng góp gần 13.000 ngày công, sửa chữa trên 198 km lộ giao thông, bắt 55 cây cầu, đóng góp 202 căn nhà đại đoàn kết… góp phần cùng toàn tỉnh được công nhận 90/116 xã đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm 77,6%), các xã còn lại đạt từ 12 tiêu chí trở lên; có 4 huyện gồm: Tân Hiệp, Giồng Riềng, Gò Quao và Vĩnh Thuận đạt chuẩn nông thôn mới; TP. Hà Tiên hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Quốc Anh biểu dương những kết quả nổi bậc đã đạt được trong thực hiện phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi giai đoạn 2021-2021. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Quốc Anh đề nghị trong thời gian tới Ban Chỉ đạo các cấp tiếp tục tuyên truyền vận động đoàn viên, hội viên vừa thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bênh Covid-19 vừa phát động sâu rộng phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi trong các tầng lớp nhân dân, xác định đây là phong trào chính của đoàn viên, hội viên, nông dân ở nông thôn, góp phần tái cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng chất lượng và bền vững. Duy trì và nhân rộng một số mô hình hay, hiệu quả theo định hướng về nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân thông minh… làm chuyển biến nhận thức của nông dân từ tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế, hướng tới những giá trị xanh được tạo nên từ chuyển đổi xanh, tiêu dùng xanh, kinh tế xanh.
Nâng cao trình độ sản xuất, giúp nông dân tiếp cận và khai thác có hiệu quả các chính sách đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Tạo điều kiện cho các hình thức kinh tế hợp tác, kinh tế tập thể, kinh tế trang trại phát triển ổn định và bền vững theo hướng: Nông nghiệp thịnh vượng - Nông dân giàu có - Nông thôn văn minh hiện đại.
Gắn phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi với các phong trào thi đua yêu nước của địa phương như phong trào xây dựng nông thôn mới, phong trào thi đua dân vận khéo, Học tập và làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và công tác củng cố, xây dựng tổ chức các đoàn thể ngày càng vững mạnh; tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của các đoàn thể, chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của nông dân.
Tại hội nghị, Ban Chỉ đạo tỉnh thông qua kế hoạch phát động thi đua nông dân sản xuất kinh doanh giỏi giai đoạn 2022- 2026. Dịp này, UBND tỉnh tặng bằng khen cho 18 tập thể, 153 cá nhân có thành tích xuất sắc trong Phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi giai đoạn 2017- 2021 tỉnh Kiên Giang./.
--------------------------------------------------------------
Mai Hương
Đăng ngày: 21/01/2022