Lưng vốn được xem như bản lề của cột sống, duy trì mọi hoạt động sống hàng ngày vì vậy việc chăm sóc bảo vệ lưng tránh khỏi các tổn thương là điều cực kì quan trọng.
Đau lưng là gì?
Đau lưng là các cơn đau tê gần hay chạy dọc theo cột sống. Cảm giác đau có thể âm ỉ, dữ dội hoặc kèm nóng rát. Thậm chí, một số người, cơn đau có thể lan đến các chi, gây tê bì tay chân hoặc yếu cơ. Tình trạng đau có thể xuất phát từ các vấn đề ở cơ, xương, khớp, dây thần kinh hoặc từ những bộ phận cấu thành cột sống. Có khi do ảnh hưởng từ cấu trúc khác bên trong cơ thể như túi mật, thận, động mạch chủ, tuyến tụy. Khi khám, tùy theo bạn bị đau lưng ở vị trí nào mà bác sĩ sẽ điều trị khác nhau. Thông thường, đau lưng được chia thành 4 khu vực chính:
- Đau lưng trên
- Đau lưng dưới
- Đau lưng giữa
- Đau lưng một bên (phải hoặc trái).
Ngoài ra, đau lưng còn được phân thành 2 loại, cụ thể:
- Đau lưng cấp tính: thường bắt đầu đột ngột, có thể kéo dài tới 6 tuần.
- Đau lưng mạn tính: phát triển trong thời gian dài, thường kéo dài hơn 3 tháng. Tùy theo thời gian đau, bác sĩ sẽ biết được cơn đau lưng thuộc mức độ cấp tính, bán cấp tính hay mạn tính.
Vị trí đau lưng thường gặp
- Đau lưng dưới: còn gọi là đau cột sống thắt lưng, thường xảy ra do tiến trình lão hóa tự nhiên, hoăc thừa cân, béo phì. Ngoài ra, người bệnh còn bị đau lưng dưới do chấn thương, chuyển động đột ngột, sai tư thế trong khi nâng vật nặng… Nếu không điều trị sớm, người bệnh chịu đựng các cơn đau dai dẳng đi kèm cảm giác nóng rát, co thắt cơ, căng tức khó chịu.
- Đau lưng giữa: rất thường gặp, với các biểu hiện đau lưng âm ỉ hay dữ dội, tức ngực, tê ngứa ở ngực hay tay, chân…
- Đau lưng trên: xảy ra từ cổ tới hết khung sườn, thường gặp nhất là ở đốt sống ngực (T1 - T12). Cơn đau có thể khởi phát đột ngột và biến mất hay kéo dài dai dẳng, kèm theo cảm giác bỏng rát, tê, ngứa ran, yếu cơ…
- Đau lưng một bên (bên trái hoặc bên phải): do sai lệch giữa những khớp ở đốt sống vùng chậu, thắt lưng hay khớp hông.
Triệu chứng đau lưng
Triệu chứng đau lưng thường gặp như đau nhức, khó chịu khi kích hoạt bất kỳ vị trí nào trên lưng. Một số trường hợp, cơn đau còn lan tới mông, chân hoặc cánh tay; thậm chí lan tới các bộ phận khác trong cơ thể sẽ tùy thuộc vào dây thần kinh bị ảnh hưởng.
Đau lưng là triệu chứng của bệnh gì?
- Thoái hóa cột sống: thường xuất hiện ở vị trí sụn khớp và đĩa đệm. Cơn đau tăng khi cúi người, vặn mình hay nâng vác vật nặng. Và khi người bệnh bị thoái hóa cột sống bị thoái hóa sẽ đau vùng lưng dưới liên tục.
- Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng: do nhân nhầy của đĩa đệm cột sống lệch ra khỏi vị trí bình thường, dễ chèn ép lên các rễ thần kinh, gây tê bì và đau nhức. Nguyên nhân có thể do bị chấn thương hay đĩa đệm đã bị thoái hoá, có khả năng xảy ra ở bất cứ vị trí nào của cột sống. Cơn đau thường lan tỏa từ thắt lưng xuống chân (đau dây thần kinh tọa).
- Hẹp ống sống: là tình trạng ống sống bị thu hẹp, chèn ép lên tủy sống hay các rễ thần kinh. Người bệnh thường bị đau tại vùng thắt lưng, đau lan tới chân do gai xương phát triển, thoái hóa dây chằng khiến dây chằng dày lên và làm hẹp lòng ống sống, thoát vị đĩa đệm, viêm khớp cột sống…
- Căng cơ hoặc dây chằng: xảy ra do cơ thể nâng vật nặng liên tục hoặc cử động chuyển hướng bất ngờ có thể làm căng hệ thống cơ cạnh sống và dây chằng cột sống.
- Loãng xương: xảy ra phổ biến ở phụ nữ sau mãn kinh hay sử dụng corticoid kéo dài. Loãng xương được ví như kẻ giết người thầm lặng do diễn ra âm thầm, không có triệu chứng rõ ràng. Các đốt sống thắt lưng có thể bị gãy xẹp do loãng xương, gây đau nhức cho người bị loãng xương.
- Gai cột sống: khiến đau nhức khó chịu ở vùng thắt lưng, vai hoặc cổ. Các gai xương chèn ép lên dây thần kinh; thậm chí làm giảm hoặc mất khả năng vận động ở các vùng bị ảnh hưởng.
- Đau thần kinh tọa: xảy ra vì dây thần kinh tọa đảm nhiệm nhiều chức năng quan trọng vì đây là dây thần kinh dài nhất của cơ thể. Các cơn đau thần kinh tọa có thể xuất hiện nếu bạn bị thoái hóa cột sống, thoát vị đĩa đệm. Cơn đau đau diễn ra từ từ hay đột ngột với tính chất âm ỉ hay dữ dội; thậm chí khiến cơ thể rối loạn giao cảm, đại tiện không kiểm soát, mất khả năng vận động ở vùng bị ảnh hưởng.
- Cong vẹo cột sống: khiến cột sống cong sang một bên do thoái hóa đĩa đệm, gãy xẹp các đốt sống. Người bệnh thường cảm thấy đau lưng, đau hoặc tê chân. Đau thắt lưng và cứng khớp là những triệu chứng thường gặp nhất của cong vẹo cột sống.
- Khối u: hình thành từ các mô bất thường trong ống cột sống hay xung quanh cột sống, chèn ép làm tổn thương tủy sống, gây đau âm ỉ tới dữ dội. Người bệnh cần được điều trị sớm để tránh khối u di căn tới những vị trí khác trong cơ thể.
Một số nguyên nhân gây đau lưng khác
Một số yếu tố có thể làm gia tăng nguy cơ đau lưng như:
- Tuổi tác: phổ biến ở người trên 40 tuổi, chủ yếu người lớn tuổi.
- Ít vận động: các cơ dần yếu đi do không được sử dụng, đặc biệt cơ bụng và cơ lưng, dẫn đến đau nhức.
- Thừa cân, béo phì: trọng lượng dư thừa tạo nhiều áp lực lên cơ thể, từ đó vùng lưng bị căng thẳng quá mức khi vận động, di chuyển.
- Bệnh khác: có thể kích hoạt các cơn đau lưng như các bệnh viêm khớp, bệnh zona, hội chứng chùm đuôi ngựa, rối loạn giấc ngủ, một số bệnh nhiễm trùng…
- Tâm lý: những lo âu, căng thẳng trong cuộc sống có thể làm xáo trộn hoạt động của hệ thần kinh trung ương nên mạch máu co lại khiến máu không lưu thông đủ tới vùng liên quan, một số cơ, thần kinh hay dây chằng sẽ bị thiếu oxy, gây ra cảm giác đau nhức.
- Hút thuốc lá: dễ bị đau lưng hơn người bình thường. Hút thuốc làm giảm lưu lượng máu đến cột sống, giảm mật độ xương, làm tăng nguy cơ loãng xương.
Biến chứng đau lưng
- Nếu không được bác sĩ điều trị kịp thời, người bệnh yếu liệt các cơ chi dưới, tê bì hay mất cảm giác ở chân.
- Một số trường hợp nặng hơn có thể gây chèn ép hệ thần kinh, gây rối loạn tiểu.
- Người bệnh mất khả năng vận động, dẫn đến thừa cân, béo phì.
- Mất tập trung, giảm sút trí nhớ. Đau lưng mạn tính thường có nguy cơ mắc bệnh trầm cảm cao hơn người bình thường do chán nản, mất ngủ, khó kiểm soát cân nặng.
- Ảnh hưởng đáng kể tới đời sống tình dục.
Biện pháp phòng ngừa đau lưng
- Khi nâng vác vật nặng: Bắt đầu ở tư thế ngồi xổm, giữ thẳng lưng và ngẩng đầu lên. Khi đứng dậy, hãy dùng chân trụ để nâng vật, lưng vẫn luôn giữ thẳng.
- Duy trì cân nặng hợp lý: Kiểm soát tốt cân nặng sẽ giúp giảm áp lực đáng kể lên cột sống, hạn chế tổn thương tiến triển (nếu có).
- Chế độ ăn uống: Chế độ ăn uống đầy đủ canxi và vitamin D sẽ tốt cho cơ, xương, khớp. Chế độ ăn uống lành mạnh tránh tình trạng thừa cân, béo phì, gây áp lực lớn lên cột sống.
- Chọn nệm ngủ: đảm bảo nâng đỡ tốt cột sống, đặc biệt vùng vai và mông trong khi ngủ, cột sống phải được giữ thẳng. Nệm phải có độ mềm vừa phải, không quá cứng hoặc quá mềm.
- Nhân viên văn phòng: cần giữ tư thế ngồi đúng (giữ thẳng lưng, bàn làm việc phù hợp với chiều cao để tránh tình trạng gập lưng hoặc cúi quá mức cột sống cổ khi làm việc, vị trí ngồi nên có chỗ tựa lưng). Thường xuyên thay đổi tư thế, sau 60 phút ngồi nên đứng lên di chuyển hoặc vận động nhẹ nhàng tại chỗ.
- Thường xuyên tập thể dục: dành 30 phút để vận động cơ thể mỗi ngày, ưu tiên thực hiện những bài tập cơ bụng và cơ lưng, bài tập sức mạnh cho cơ chân. 6.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
- Đau lưng kèm sốt và ớn lạnh.
- Cơn đau trở nặng vào ban đêm hay đau lan xuống bụng dưới.
- Đau lưng ở người trên 50 tuổi hay nhỏ hơn 20 tuổi hay người từng bị ung thư.
- Cơn đau dai dẳng kèm cảm giác tê và yếu liệt chân.
- Bí tiểu hoặc tiểu không tự chủ.
- Bạn hãy đi gặp bác sĩ càng sớm càng tốt, nhất là khi cơn đau lưng sau một chấn thương nặng hay cơn đau lưng không khỏi sau 2 tuần.
Khi bạn có một trong các dấu hiệu trên hãy tới ngay Thiên Phúc Đường để được bác sĩ đầu ngành chuyên khoa YHCT thăm khám và điều trị kịp thời để không xảy ra những biến chứng nguy hiểm làm ảnh hưởng đến sức khỏe và cuộc sống của bạn.
PHÒNG KHÁM ĐA KHOA YHCT THIÊN PHÚC ĐƯỜNG
Đ/c: Số 148C-D, đường Hoàng Diệu 2, P. Linh Chiểu, TP. Thủ Đức
Hotline: 0964.341.404