Cà rốt là một loại củ rất giàu dưỡng chất và mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe.
Tìm hiểu về cà rốt
Cà rốt là loại củ thuộc họ hoa tán (Apiaceae), là một trong những loại rau củ có hàm lượng carotenoid dồi dào. Cà rốt có nhiều loại với màu sắc khác nhau như màu đỏ, màu vàng, màu trắng hoặc màu tím. Phần rễ cây phát triển thành củ, củ cà rốt có thể ăn sống hoặc chế biến thành nhiều món ăn thức uống hấp dẫn.
Về giá trị dinh dưỡng, trong 100g cà rốt có chứa những dưỡng chất như:
- 41 calo
- 2,8g chất xơ
- 88% là nước
- 0,065mg vitamin B1
- 0,14mg vitamin B6
- 4,7g đường
- 0,9g protein
- 9,6g carbohydrate
- 0,2g chất béo
- 280mg kali
- 30mg canxi
- 87mg natri
- 40mg phốt pho
- 0,24mg kẽm
- 0,15mg sắt.
Top 8 lợi ích tuyệt vời của cà rốt
Cà rốt có nhiều lợi ích cho sức khỏe nếu bạn sử dụng đúng cách và với liều lượng vừa phải, dưới đây là những công dụng nổi bật của cà rốt:
Có lợi cho tim mạch
Cà rốt không chỉ cung cấp chất xơ, carotenoid và vitamin C, mà còn có khả năng giảm cholesterol. Đặc biệt, hàm lượng kali cao có trong cà rốt giúp đào thải lượng natri dư thừa khỏi cơ thể, từ đó giúp điều hòa huyết áp một cách tự nhiên.
Có lợi cho bệnh tiểu đường
Cà rốt là thực phẩm có lợi cho người bị tiểu đường do chứa ít calo, nhưng lại chứa nhiều chất xơ và vitamin. Việc ăn cà rốt đúng cách và vừa phải giúp bạn cảm thấy no lâu hơn. Những người bị đái tháo đường loại 2, thường thiếu lượng vitamin B1 và vitamin B6, mà điều này có thể tăng nguy cơ làm bệnh nặng hơn.
Chống oxy hóa
Cà rốt có chứa các chất chống oxy hóa mạnh mẽ như polyacetylenes, carotenoid và anthocyanins, giúp ngăn chặn các gốc tự do gây tổn thương, từ đó làm giảm nguy cơ mắc một số bệnh.
Ngăn ngừa tình trạng táo bón
Chất xơ trong cà rốt giúp tăng cường hệ tiêu hóa bằng cách làm mềm phân, đồng thời thúc đẩy nhu động ruột hoạt động hiệu quả, giúp đào thải chất cặn bã ra ngoài dễ dàng. Nên tiêu thụ cà rốt có thể giúp bạn giảm tình trạng táo bón.
Cải thiện sức khỏe thị lực
Bệnh quáng gà là một bệnh lý về mắt, mà một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng này chính là do cơ thể bị thiếu vitamin A. Cà rốt, đặc biệt là cà rốt màu cam, rất giàu alpha-carotene và beta-carotene, đây là tiền chất của vitamin A, khi ăn cà rốt sẽ giúp bảo vệ và cải thiện thị lực.
Bên cạnh đó, cà rốt còn chứa nhiều lutein, một chất chống oxy hóa quan trọng giúp bảo vệ mắt. Nhiều nghiên cứu cho rằng, thành phần lutein có thể ngăn ngừa thoái hóa điểm vàng (AMD), một bệnh lý liên quan đến tuổi tác.
Hỗ trợ hệ miễn dịch
Vitamin A và vitamin C trong cà rốt đóng vai trò quan trọng trong quá trình hình thành kháng thể khỏe mạnh trong cơ thể và cải thiện hệ miễn dịch, giảm nguy cơ bị nhiễm trùng.
Vitamin C còn là một dưỡng chất rất có lợi cho làn da, nó giúp thúc đẩy sản sinh collagen, hỗ trợ làm lành vết thương.
Hỗ trợ xương khớp
Cà rốt chứa nhiều khoáng chất có vai trò quan trọng để duy trì và bảo vệ sức khỏe của xương, chỉ cần tiêu thụ 100g cà rốt là bạn đã nạp vào cơ thể khoảng 280mg kali, 30mg canxi, và 40mg phốt pho. Nhờ vậy mà ăn cà rốt cũng hỗ trợ sức khỏe xương và giảm nguy cơ lão hóa xương. Đồng thời, kali trong loại củ này cũng giúp cơ thể bạn hấp thu canxi từ đồ ăn tốt hơn.
Cách tiêu thụ cà rốt tốt nhất cho sức khỏe
Cà rốt là một nguyên liệu giàu dinh dưỡng và dễ chế biến, nhưng nếu không biết cách sử dụng đúng, bạn có thể làm mất đi các chất dinh dưỡng quý giá. Dưới đây là một số gợi ý và lưu ý để tận dụng tối đa giá trị dinh dưỡng của cà rốt:
Chọn cà rốt tươi sạch
- Màu sắc và hình dáng: Chọn những củ cà rốt có màu cam đậm, không bị trầy xước, không bị dập, héo hay hư hỏng. Tránh những củ có hình dáng bất thường hoặc quá nhỏ, vì có thể chúng không đủ chất dinh dưỡng hoặc chứa nhiều hóa chất. Hãy chọn những củ có hình dáng tiêu chuẩn.
- Cuống xanh tươi: Củ cà rốt với lá hay cuống còn xanh tươi thường là dấu hiệu của sự tươi mới. Tránh những củ có lá héo úa hoặc vàng.
Rửa và gọt vỏ đúng cách
- Rửa sạch: Rửa cà rốt dưới vòi nước chảy hoặc cho vào chậu nước và dùng tay xoay nhẹ để loại bỏ bụi bẩn, đất
- Gọt vỏ mỏng: Nếu cà rốt không phải là loại hữu cơ hoặc có vết trầy, nên gọt vỏ. Khi gọt bạn dùng dao bào mỏng lớp vỏ, không nên gọt quá sâu làm giảm dưỡng chất của củ cà rốt.
Bảo quản đúng cách
- Lưu trữ: Bảo quản cà rốt trong ngăn mát tủ lạnh để giữ độ tươi ngon. Tránh để cà rốt tiếp xúc với ánh nắng mặt trời hoặc ở nơi có nhiệt độ cao, vì sẽ làm mất nước và chất dinh dưỡng.
- Cắt bỏ lá trước khi bảo quản: Lá cà rốt có thể hút nước từ củ, làm cà rốt héo nhanh hơn. Hãy cắt bỏ phần lá trước khi cho vào tủ lạnh.
Cách chế biến cà rốt
- Ăn sống: Cà rốt sống giữ nguyên được lượng vitamin C và các chất chống oxy hóa.
- Nước ép cà rốt: Nước ép cà rốt giúp bạn hấp thu dễ dàng và dễ tiêu hóa hơn, bạn có thể kết hợp cùng cần tây, táo,... để tăng hương vị
- Nấu chín: Nấu chín cà rốt có thể giúp tăng khả năng hấp thụ beta-carotene và các carotenoid khác. Nhưng bạn cần lưu ý, khi nấu thì chỉ nấu chín vừa phải, tránh nấu quá lâu hoặc ở nhiệt độ quá cao, điều này sẽ làm giảm dưỡng chất cũng như làm cà rốt không ngon như vốn có
Bằng cách chú ý đến các yếu tố này, bạn có thể tận dụng tối đa lợi ích dinh dưỡng từ cà rốt và giữ cho món ăn luôn tươi ngon và bổ dưỡng.
Khi ăn cà rốt cần lưu ý
Tuy ăn cà rốt rất có lợi cho sức khỏe nhưng nếu bạn lạm dụng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe. Khi ăn cà rốt bạn cần nhớ một số điểm sau:
Không dùng chung với thuốc chống đông máu
Nếu bạn đang uống thuốc chống đông máu như Warfarin, thì bạn nên tránh tiêu thụ cà rốt vì nó có thể làm ảnh hưởng đến hiệu quả của thuốc. Tốt nhất nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng.
Bị dị ứng không nên tiêu thụ cà rốt
Tuy rất hiếm gặp nhưng vẫn có một số trường hợp bị dị ứng với cà rốt hoặc các loại rau củ thuộc họ hoa tán. Dị ứng có thể khiến bạn bị ngứa, phát ban, sưng môi, lưỡi hoặc họng, khó thở, ho và thậm chí là sốc phản vệ. Nếu khi ăn cà rốt có dấu hiệu dị ứng, bạn nên tìm đến bác sĩ để được hỗ trợ.
Ăn cà rốt với liều lượng vừa phải
Cà rốt chứa nhiều beta carotene, một tiền chất của vitamin A. Nếu bạn lạm dụng tiêu thụ quá nhiều cà rốt, bạn có thể bị thừa vitamin A, gây ra tình trạng hypervitaminosis A. Là một điều nguy hiểm đối với cơ thể, có thể dẫn đến các vấn để như nhức đầu, mệt mỏi, buồn nôn, nổi mẩn, khô da, rụng tóc, xương mềm, gan to và thậm chí nguy hiểm hơn là suy gan.
Để tránh tình trạng này, bạn nên hạn chế ăn cà rốt quá nhiều và thường xuyên, một người trưởng thành chỉ nên tiêu thụ 100g cà rốt/ ngày, mỗi tuần ăn 3- 4 lần.