Cuốn sách thuộc thể loại kỹ năng, giúp người đọc hiểu đúng về tư duy, từ đó có những quan điểm đúng đắn để áp dụng vào công việc và cuộc sống một cách hiệu quả. Tác giả chỉ ra được nhiều thực trạng chưa tốt trong việc tự học, đồng thời cũng đưa ra được những phương pháp tốt/hữu ích hơn. Cuốn sách có bố cục 2 phần: “Tư duy và sự hình thành các quan niệm” và “Quan niệm về một số vấn đề của cuộc sống” (sự học, nghề nghiệp, đầu tư…). Cùng với cách trình bày vấn đề hấp dẫn, khoa học, mới lạ và các tình huống, ví dụ đa dạng khiến bản thảo vừa thú vị, mềm mại không khô cứng như những sách kỹ năng khác, nhưng vẫn chuyển tải được đầy đủ nội dung cần thiết về cách tư duy các vấn đề của cuộc sống cho bạn đọc.
+ TRÍCH ĐOẠN:
- “Bản chất vấn đề thường ít mang tính quyết định vấn đề đó thế nào và cách chúng ta tiếp cận, giải quyết chúng ra sao. Cách nhìn nhận, thái độ với vấn đề đó mới chính là yếu tố mang tính quyết định nhiều hơn. Quan niệm chính là bộ lọc đầu tiên khi ta tiếp cận mỗi vấn đề, trước cả khi vấn đề thực sự được đưa vào não xử lý để tìm ra phương pháp hay định hướng cảm xúc. Quan niệm là yếu tố tác động đầu tiên, ngay lập tức và xuyên suốt. Bởi vậy, ngoài việc rèn dũa kiến thức, kỹ năng, trải nghiệm cho bản thân thì xây dựng cho mình một hệ quan niệm phù hợp trước mỗi vấn đề của cuộc sống cũng rất quan trọng trong việc tạo ra cảm xúc, tìm kiếm giải pháp và hành động phù hợp”.
- “Dù học kiến thức, kỹ năng gì chúng ta sẽ ít nhiều bị giới hạn về công cụ, điều kiện để học, trải nghiệm. Nhưng với việc học tư duy, trang bị hệ quan niệm thì gần như không có bất kỳ giới hạn nào. Chỉ cần bước chân đi, đưa mắt nhìn và lắng tai nghe là chúng ta đã có thể học. Và trải nghiệm thực tế là cách tuyệt vời để trau dồi hệ quan niệm của bản thân cả về số lượng và chất lượng”.