
Trà là một thức uống được chế biến từ cây Camellia sinensis, có thể dùng búp, chồi hay lá non để sản xuất, khi uống đúng cách và đúng liều lượng, trà mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe.
Trà là gì?

Trà là một trong những loại đồ uống lâu đời và phổ biến thứ 2 thế giới, chỉ đứng sau nước uống thông thường, được chế biến từ các bộ phận của cây trà ( Camellia sinensis) như lá non, chồi và đôi khi cả cành. Tùy vào phương pháp sản xuất, các nguyên liệu này có thể được ủ lên men, phơi nắng, rang hoặc sấy khô. Bên cạnh các loại trà truyền thống, thì con người còn sáng tạo bằng cách kết hợp trà với hoa, trái cây,... để tăng hương vị và giá trị dinh dưỡng trong trà.
Hiện nay, có 4 loại trà phổ biến như trà xanh, trà ô long, trà đen (hồng trà) và trà trắng. Dù mỗi loại trà sẽ mang đến sự trải nghiệm thú vị, đáp ứng với nhiều khẩu vị của người tiêu dùng, nhưng dòng trà này cũng có điểm chung đặc trưng đó là có hương thơm nhẹ nhàng, hòa quyện một chút đắng, chát nhưng rất dễ chịu.
Các nghiên cứu cho thấy, trong trà chứa đến hơn 400 hợp chất khác nhau, mang lại lợi ích cho sức khỏe. Nổi bật có thể kể đến EGCG, polyphenol, vitamin C, PP, theophylline, caffeine, xanthine, cùng nhiều khoáng chất như kali, phốt pho, canxi và sắt...
Trung Quốc, Ấn Độ và Kenya là những nước dẫn đầu trong ngành sản xuất trà. Việt Nam cũng năm trong những nước xuất khẩu trà lớn, xếp thứ 5 về xuất khẩu và thứ 7 về sản xuất trà.
Uống trà có tác dụng gì?
Trà là đồ uống có nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe như:
Cải thiện tiêu hóa

Nếu bạn có thói quen thường xuyên ăn các món nhiều dầu mỡ hoặc khó tiêu, thì sau bữa ăn khoảng 2- 3 tiếng có thể uống một tách trà. Một số thành phần có trong trà, nhất là các amin thơm, có thể làm tan chất béo. Nên khi thưởng thức trà sau bữa ăn, nó giúp bạn dễ tiêu hơn và ngăn ngừa tích tụ calo, giúp bạn kiểm soát cân nặng tốt hơn.
Có lợi cho đường hô hấp
Trong thành phần của trà có chứa theophylline - một hoạt chất có khả năng kích thích trực tiếp trung khu hô hấp, giúp ngăn ngừa co thắt, xoa dịu hen suyễn, ho kha và cả ho có đờm. Vì vậy, một tách trà ấm có thể giúp người đang gặp các vấn đề viêm đường hô hấp cảm thấy dễ chịu hơn.
Kháng viêm, diệt khuẩn

Đối với những người dễ bị nhiễm khuẩn, trà có thể là một phương pháp giúp bạn giảm tình trạng này. Các hoạt chất như xanthine và polyphenol trong trà đã được cho là có tác dụng ức chế sự phát triển của nhiều vi khuẩn và virus gây hại như E.coli, Staphylococcus. Nhờ sự kết hợp với đạm của chúng, điều này giúp cải thiện tình trạng nhiễm trùng, hay sưng đỏ do viêm nhiễm.
Làm chậm quá trình lão hóa
EGCG, polyphenol, vitamin C và xanthine đều là những chất chống oxy hóa có trong trà, những chất này vừa tốt cho tim mạch, thúc đẩy quá trình chuyển hóa, hỗ trợ giảm cân vừa làm chậm quá trình lão hóa. Việc uống trà đều đặn giúp làn da sẽ mịn và săn chắc hơn, giúp bạn trẻ lâu hơn.
Hỗ trợ tim mạch

Trà là nguồn cung cấp hàm lượng chất chống oxy hóa cao, chúng có khả năng giúp loại bỏ gốc tự do và kiểm soát mỡ máu. Nhờ đó, trà góp phần làm sạch hệ tuần hoàn, hạn chế xơ vữa động mạch và giảm nguy cơ gặp phải các vấn đề về tim mạch như tăng huyết áp, đột quỵ...
Ngoài ra, các hợp chất như caffeine và theophylline trong trà còn có khả năng làm giãn nở mạch vành, hỗ trợ quá trình vận chuyển dưỡng chất đến tim, từ đó giúp cải thiện sức khỏe của tim.
Tăng sự tỉnh táo
Caffeine trong trà tuy không mạnh như trong cà phê nhưng lại đủ để kích thích nhẹ hệ thần kinh, mang đến cảm giác tỉnh táo, sảng khoái mà không gây cảm giác “nôn nao, bồn chồn” như uống cà phê. Uống trà vào buổi sáng giúp bạn khởi đầu một ngày mới tràn đầy năng lượng, làm việc hiệu quả hơn.
Giúp giảm cân

Bên cạnh những lợi ích cho sức khỏe, trà còn có thể hỗ trợ giảm cân. Sự kết hợp hoàn hảo giữa polyphenol, vitamin C và vitamin PP trong trà có tác dụng tiêu mỡ. Khi cơ thể ít mỡ hơn, điều này không chỉ giúp bạn có được vóc dàng lý tưởng, mà điều này còn góp phần bảo vệ sức khỏe.
Một số lưu ý khi dùng trà
Dù trà mang lại nhiều lợi ích, song không phải ai cũng uống được. Để tận dụng tối đa lợi ích của trà, bạn cần chú ý những điều sau:
Không pha trà quá đậm

Trà pha quá đặc thì lượng tanin càng cao, khiến trà có vị đắng gắt, khó uống và ảnh hưởng không tốt đến hệ tiêu hóa. Tanin có thể khiến dạ dày co bóp nhiều, kết tủa protein và phá hủy một số vitamin nhóm B, cản trở việc hấp thu sắt của cơ thể.
Không để trà quá lâu
Trà sau khi pha bạn nên dùng ngay, nếu để quá lâu sẽ làm hao hụt các chất chống oxy hóa trong khi tanin và caffeine tăng cao. Đồng thời, vi khuẩn cũng có thể sinh sôi nếu trà để quá lâu hay để trà qua đêm. Do đó, nên uống trà tươi mới pha không được để trà qua đêm hay để quá lâu.
Không dùng nước quá nóng

Mỗi loại trà sẽ cần nhiệt độ nước pha khác nhau, nếu pha trà bằng nước sôi 100°C có thể phá vỡ cấu trúc của các hoạt chất trong trà như amin thơm, vitamin C,... khiến trà mất đi hương vị và dưỡng chất vốn có. Nên khi pha trà bạn có thể dùng nhiệt độ nước từ 80–85°C, để trà ngon và giữ được dưỡng chất cho trong trà.
Không uống trà khi đói
Lúc đói nếu uống trà có thể kích thích tiết axit dịch vị quá mức, rất dễ gây ra tình trạng viêm loét dạ dày nếu bạn liên tiếp thực hiện điều này. Vì thế, nếu muốn uống trà thì bạn cần uống sau bữa ăn khoảng 2- 3 tiếng.
Việc dùng trà trước hoặc sau bữa ăn ngay, khiến axit tanna trong trà phản ứng với sắt và đạm từ thực phẩm, gây kết tủa, khó tiêu. Nếu bữa ăn giàu chất sắt mà bạn uống trà ngay thì cơ thể sẽ khó hấp thu dưỡng chất này.
Không uống trà với thuốc
Uống thuốc bằng nước trà là điều không tốt. Một số hoạt chất trong trà có thể tương tác với thuốc, làm giảm công dụng hoặc gây ra các tác dụng phụ không mong muốn. Đặc biệt, như sắt, aspirin, paracetamol, ephedrin,... thì bạn cần dùng nước lọc để uống, và chờ ít nhất 2 tiếng sau mới dùng trà.