Sáng 23/4, tại thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang, UBND tỉnh An Giang tổ chức lễ thông xe cầu Châu Đốc thuộc dự án xây dựng tuyến đường liên kết đoạn từ thị xã Tân Châu đến thành phố Châu Đốc, kết nối tỉnh Kiên Giang và Đồng Tháp.
Kết nối hành lang biên giới Tây Nam
Đây là cây cầu thứ 3 bắt qua sông Hậu thông xe sau hơn 24 tháng thi công; sau 2 cây cầu đã đi vào hoạt động là cầu Cần Thơ (nối Vĩnh Long – Cần Thơ) và cầu Vàm Cống (nối Đồng Tháp – Cần Thơ).
Lãnh đạo An Giang Cắt băng thông xe cầu Châu Đốc
Cầu Châu Đốc được khởi công xây dựng vào ngày 28/3/2022. Dự án có chiều dài 667 m, rộng 14m với 4 làn xe, được xây dựng bằng bê tông cốt thép vĩnh cửu, nối thị xã Tân Châu và thành phố Châu Đốc, An Giang. Trong đó chiều dài cầu chính 260m, chiều dài cầu dẫn phía thị xã Tân Châu 213,55m và chiều dài cầu dẫn phía thành phố Châu Đốc 193,45m; khổ thông thuyền ngang 75m và đứng 11m.
Cầu Châu Đốc là công trình cấp 1, có nhịp giữa 120m được đúc tại chỗ. Tổng mức đầu tư công trình trên 534 tỷ đồng.
Công trình cầu Châu Đốc do Ban Quản lý dự án công trình giao thông và nông nghiệp tỉnh An Giang làm chủ đầu tư; 2 đơn vị liên doanh thi công là Công ty Cổ phần Xây dựng Tân Nam và Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Hạ tầng 620. Đây là dự án bắt qua sông Hậu có quy mô lớn nhất từ trước đến nay về mặt kỹ thuật và quy mô xây dựng được triển khai tại An Giang.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước phát biểu tại lễ thông cầu Châu Đốc.
Phát biểu tại lễ thông xe, ông Lê Văn Phước, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết, cầu Châu Đốc bắc qua sông Hậu, là công trình giao thông quy mô lớn, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần thông tuyến Quốc lộ N1, kết nối theo trục ngang của các tỉnh Tây Nam bộ nằm trên trục hành lang biên giới các tỉnh Long An - Đồng Tháp - An Giang - Kiên Giang. Qua đó, từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ và hiện đại liên vùng, phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và của tỉnh An Giang nói riêng, gắn với mục tiêu đảm bảo quốc phòng - an ninh khu vực biên giới phía Tây Nam của Tổ quốc.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang nhấn mạnh, bên cạnh việc góp phần thông tuyến Quốc lộ N1, cầu Châu Đốc với vị trí giao thoa, còn góp phần khơi thông kết nối, đồng bộ tải trọng đường bộ với các tuyến Quốc lộ 91, Quốc lộ 91C và Quốc lộ 80B; khơi thông kết nối, đồng bộ tải trọng trong khu vực, rút ngắn thời gian di chuyển. Đặc biệt, cầu Châu Đốc còn là đòn bẩy, tạo động lực trong phát triển kinh tế biên mậu, du lịch, dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp,… góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI; đáp ứng sự kỳ vọng, mong chờ của nhân dân tỉnh An Giang.
Những chiếc xe đầu tiên lưu thông qua cầu Châu Đốc bắc qua sông Hậu.
Cầu Châu Đốc vượt sông Hậu có vai trò, ý nghĩa hết sức quan trọng, phá vỡ thế ngăn cách, tạo kết nối giao thông giữa thành phố Châu Đốc, các huyện, thành phố khác trong tỉnh với thị xã cù lao Tân Châu. Cầu hoàn thành giúp rút ngắn thời gian đi lại giữa hai bờ sông Hậu từ thành phố Châu Đốc qua thị xã Tân Châu và ngược lại chỉ còn 5 phút so với 30 phút khi đi phà.
Theo Ban Quản lý dự án công trình giao thông và nông nghiệp tỉnh An Giang: Sau khi hoàn thành, cầu Châu Đốc đóng vai trò quan trọng kết nối thông thương với cửa khẩu quốc tế đường bộ Vĩnh Xương (Tân Châu), góp phần tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh An Giang.
Đặc biệt, cầu Châu Đốc sẽ góp phần thông tuyến Quốc lộ N1 kết nối theo trục ngang của các tỉnh Tây Nam bộ nằm trên trục hành lang biên giới Long An – Đồng Tháp – An Giang – Kiên Giang và hoàn thiện hệ thống giao thông liên khu vực trong vùng. Từ đó, rút ngắn thời gian di chuyển từ thành phố Châu Đốc, thị xã Tân Châu đến Tp. Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Đông Nam Bộ, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội tỉnh An Giang, góp phần đảm bảo an ninh quốc phòng khu vực biên giới Tây Nam.
Cầu Châu Đốc là một trong các hạng mục chính thuộc Dự án xây dựng tuyến đường liên kết vùng đoạn từ thị xã Tân Châu đến thành phố Châu Đốc, kết nối với tỉnh Kiên Giang và Đồng Tháp với tổng chiều dài 20,96 km với tổng mức đầu tư 2.131 tỷ đồng. Dự án có điểm đầu tại nút giao với đường tỉnh 954 (phường Long Sơn, thị xã Tân Châu) và điểm cuối tại nút giao với Quốc lộ 91 (phường Vĩnh Mỹ, thành phố Châu Đốc). Dự án hoàn thành đưa vào sử dụng đồng bộ cùng với cầu Châu Đốc góp phần thông tuyến quốc lộ N1 kết nối theo trục ngang của các tỉnh Tây Nam Bộ nằm trên trục hành lang biên giới Long An - Đồng Tháp - An Giang - Kiên Giang và hoàn thiện hệ thống giao thông liên vùng.
Nguồn trích dẫn
Bài viết được trích dẫn từ:
- Nguồn: Tin Tức Thông Tấn Xá Việt Nam
- Tin, ảnh: Thanh Sang (TTXVN)
Để xem chi tiết bài viết gốc, vui lòng truy cập vào liên kết bên dưới...