Bột gạo lứt là một loại bột được xay từ gạo lứt, có thể chế biến thành nhiều thức uống cũng như các món ăn trong đó có bánh.
Bột gạo lứt là gì?
Bột gạo lứt là sản phẩm được làm từ hạt gạo lứt xay nhuyễn. Gạo lứt là gạo chỉ tách bỏ lớp vỏ ngoài, giữ lại lớp màng giàu dinh dưỡng với hơn 90% dưỡng chất. Do đó, bột gạo lứt vẫn có đầy đủ các chất bổ dưỡng như vitamin, khoáng chất, nguyên tố vi lượng giống như gạo lứt.
Bột gạo lứt có chứa nhiều hàm lượng chất xơ, omega 3 và IP6 giúp hạ cholesterol, phòng ngừa bệnh tim mạch và hỗ trợ cải thiện bệnh tiểu đường. Ngoài ra, bột gạo lứt còn có ích cho việc giảm cân nhờ lượng calo thấp và chất xơ cao.
Làm bánh bằng bột gạo lứt được không?
Có thể bạn đã từng tự hỏi liệu bột gạo lứt có thể được sử dụng để làm bánh không? Câu trả lời là có.
Bột gạo lứt không chỉ là nguyên liệu linh hoạt cho nhiều món ăn mà còn có thể biến thành những chiếc bánh thơm ngon và hấp dẫn. Bánh làm từ bột gạo lứt thường mang màu sắc đặc trưng của gạo lứt, từ nâu nhẹ cho đến màu nâu sậm, tạo nên một vẻ ngoài độc đáo. Bánh vẫn giữ nguyên hương vị tinh tế và giá trị dinh dưỡng của gạo lứt, những chiếc bánh này không chỉ ngon miệng mà còn mang lại lợi ích cho sức khỏe của bạn. Đặc biệt, với lượng calo thấp, bạn có thể thưởng thức những chiếc bánh này mà không phải lo lắng về việc tăng cân, đặc biệt là trong những thời điểm bạn đang ăn kiêng.
Cách làm bánh mì bằng bột gạo lứt
Dưới đây là hướng dẫn chi tiết để bạn có thể tự làm bánh mì từ bột gạo lứt, vừa có thể nhâm nhi ăn vặt vừa phù hợp với khẩu phần ăn kiêng:
Nguyên liệu
Trước khi làm bánh, bạn nên chọn bột gạo lứt chất lưognj, bạn có thể mua bột sẵn hoặc dùng gạo và xay thành bột. Những nguyên liệu cần có để làm bánh mì bằng bột gạo lứt gồm:
- Bột gạo lứt hoặc gạo lứt khoảng 80g
- Bột mì 420g
- Nước 260g
- Đường nâu 100g - có thể bớt tùy khẩu vị
- Men nở khô 5g.
Các bước thực hiện
Cách làm bánh cũng khá đơn giản, bánh này có thể dành cho người ăn kiêng nên nếu bạn là người không thích ngọt thì có thể giảm lượng đường cho phù hợp.
Bước 1: Chuẩn bị bột gạo lứt
Như đã nói ở trên, hoặc là bạn mua bột gạo lứt đã được xay sẵn, còn nếu bạn không có sẵn bột gạo lứt, thì cách làm cũng khá đơn giản, chọn gạo lứt ngon, sau đó mang đi rửa sạch gạo lứt với nước và xay nhuyễn. Trong quá trình xay bạn nên chia gạo ra thành nhiều mẻ nhỏ để xay, như vậy sẽ giúp xay bột mịn hơn cũng như để tránh hỏng máy vì gạo lứt khá cứng. Lọc bột qua rây để lấy bột mịn nhất.
Bước 2: Tiến hành nhào bột
Chuẩn bị một cái tô lớn, sau đó cho các nguyên liệu đã chuẩn bị gồm bột gạo lứt, bột mì, đường nâu, men nở và nước, sau đó trộn đều. Sau đó cho bột ra ngoài, dùng tay nhào bột nhiều lần, nhào khoảng 30 phút cho đến khi bột trở thành một khối và không dính vào tay.
Bước 3: Ủ bột gạo lứt
Bột gạo lứt khi đã nhào xong, bạn cho bột vào tô sạch, sử dụng màng bọc thực phẩm để bao phủ ở trên miệng to và ủ trong khoảng 2-3 tiếng để bột nở. Việc ủ bột là cần thiết nó giúp bánh ngon và dễ tạo hình.
Bước 4: Tạo hình bánh mà bạn thích
Sau khi ủ bột xong, bạn tiếp tục cho bột gạo lứt ra và tiến hành nhào bột lại trong khoảng 5 phút và dùng dụng cụ làm bánh cán bột cho đều, sau đó tùy sở thích cá nhân, có thể tạo thành một khối chữ nhật hoặc hình tròn, hoặc dùng các khuôn tạo hình. Thêm một ít nước nếu cần để bột mềm và dễ tạo hình.
Bước 5: Cho bánh vào lò và nướng bánh
Trước khi cho bánh vào lò, bạn nên làm nóng lò trước khi nướng ở mức nhiệt 230 độ C khoảng 10 phút. Bánh khi tạo hình xong, bạn lót giấy nến ở dưới rồi cho lên khay và nướng bánh khoảng 20 phút ở mức nhiệt 180 độ C.
Ngoài cách nướng bánh, thì bạn cũng có thể hấp bánh cho đến khi bánh chín mềm và thơm.
Bước 6: Thưởng thức
Bánh sau khi được nướng chín, bạn cho bánh ra ngoài, chờ bánh nguội là có thể thưởng thức, có thể ăn kèm thực phẩm khác để tăng hương vị.
Bánh mì gạo lứt không chỉ giàu dinh dưỡng mà còn có hàm lượng chất xơ cao hơn, giúp bạn cảm thấy no lâu và hạn chế cảm giác thèm ăn. Đây là một lựa chọn hoàn hảo cho bữa sáng hoặc các bữa ăn phụ trong chế độ ăn kiêng mà không cần phải lo lắng về việc tăng cân.