Top 14 Trò chơi học tập ở tất cả các môn cho học sinh tiểu học thú vị nhất
Chơi là một nhu cầu cần thiết đối với học sinh tiểu học, có thể nói nó quan trọng như ăn, ngủ, học tập trong đời sống các em. Chính vì vậy các em luôn tìm mọi cách và tranh thủ thời gian trong mọi điều kiện để chơi. Và trong bài viết ngày hôm nay, Toplist xin giới thiệu đến các bạn những trò chơi học tập ở tất cả các môn cho học sinh tiểu học thú vị nhất.
1. Trò chơi môn Toán dành cho lớp 1
- Trò chơi sắp xếp thứ tự
Mục đích:
Học sinh nhận biết được thứ tự các số.
Rèn tính nhanh nhẹn chính xác trong khi làm bài tập.
Chuẩn bị: Giáo viên chuẩn bị sẵn các tấm bìa, mỗi tấm bìa có ghi sẵn số đã học từ 1 đến 10.
Luật chơi: Xếp các số theo thứ tự từ bé đến lớn hoặc từ lớn đến bé.
Cách tiến hành: Giáo viên phát cho mỗi em tham gia chơi một tấm bìa có ghi sẵn số để các em chuẩn bị. Khi nghe giáo viên hô: 1, 2, 3 học sinh lập tức mỗi em cầm tấm bìa có ghi sẵn số lên đứng vào vị trí của mình, khi nghe hô dừng thì các em không được thay đổi vị trí nữa.
Giáo viên cùng cả lớp nhận xét tuyên dương những em biết xếp đúng vị trí.
- Trò chơi tô hình đúng, màu đẹp
Mục đích: Củng cố khả năng nhận dạng tam giác, hình vuông, hình tròn, rèn luyện sự khéo tay, óc thẩm mĩ.
Chuẩn bị: giấy khổ lớn với các nhóm hình
Cách chơi:
Chia lớp thành 2 đội, mỗi đội cử 3 bạn đại diện lên chơi.
Giáo viên phát cho mỗi đội 3 bút màu (xanh, đỏ, vàng). Yêu cầu quan sát kĩ các hình vẽ.
Khi GV hô: ‘Tô màu đỏ vào hình tam giác, tô màu xanh vào hình vuông, tô màu vàng vào hình tròn”. Trong 3 phút đội nào tô đúng, đẹp (không bị nhoè màu ra ngoài hình, không tô màu nọ chồng lên màu kia do nhầm) thì đội đó thắng cuộc.
- Trò chơi “Xếp hình theo mẫu”
Mục đích: Củng cố về nhận dạng hình tam giác, hình tròn. Rèn khả năng quan sát, nhận xét quy luật của dãy hình.
Chuẩn bị:
Mỗi học sinh lấy sẵn các hình tròn, hình tam giác (trong bộ đồ dùng học toán 1) đặt trên bàn.
Giáo viên chuẩn bị dãy hình mẫu sau (có thể vẽ hoặc đính sẵn trên bảng phụ):
Cách chơi: Cả lớp cùng chơi.
Giáo viên đưa dãy hình mẫu ra cho cả lớp quan sát trong một thời gian ngắn (có thể đếm từ 1 đến 10), sau đo cất đi.
Khi giáo viên ra hiệu lệnh, học sinh dùng các hình đã chuẩn bị sẵn của mình để xếp thành dãy hình theo đúng mẫu của giáo viên đưa ra.
Trong khoảng thời gian định trước (1 phút hoặc 2 phút), những học sinh nào xếp đúng, đẹp sẽ được thưởng.
- Trò chơi "truyền điện"
Mục đích: Luyện tập và củng cố kỹ năng làm các phép tính cộng trừ trong phạm vi 10. Luyện phản xạ nhanh ở các em.
Chuẩn bị: Không cần chuẩn bị bất kỳ đồ dùng nào
Cách chơi: Giáo viên hỏi, chẳng hạn 4 + 5 = ?”( hoặc 9 - 3 =? hoặc “mấy cộng 0 bằng 3 ?” ….) rồi chỉ một bạn bất kì trả lời. Bạn này trả lời xong, lại hỏi (tương tự như trên) rồi chỉ một bạn khác trả lời. Cứ tiếp tục nhưng vậy cho tới khi nào giáo viên ra hiệu lệnh dừng lại. Bạn nào được chỉ định phải trả lời thật nhanh. Bạn nào trả lời sai thì chịu phạt.
2. Trò chơi môn Toán dành cho lớp 2
- Trò chơi: Ai nhanh hơn
Mục đích: Luyện tập củng cố kỹ năng cộng 2 số có nhớ trong phạm vi 100. Tập cho học sinh cách đánh giá, cho điểm.
Chuẩn bị:
Một chữ A và một chữ B
Một số hình ảnh về các loài hoa được cắt bằng giấy màu cứng, mặt trước màu trắng ghi các phép tính (trong phạm vi 100)
Phấn màu
Đồng hồ theo dõi thời gian
Chọn 3 học sinh khá nhất lớp làm giám khảo và thư ký.
Cách chơi: Chia lớp làm 2 đội, khi nghe hiệu lệnh “bắt đầu” lần lượt từng đội cử người lên bốc hoa trên bàn giáo viên, người chơi có nhiệm vụ làm nhanh phép tính ghi trên bông hoa, sau đó cài bông hoa lên cây của đội mình. Người này làm xong cài hoa lên cây thì lại đến lượt người khác. Cứ như vậy cho đến hết 2 phút. Sau khi giáo viên hô hết giờ thì 2 đội mỗi đội cử 1 đại diện lên đọc lần lượt từng phép tính trên cây của mình đồng thời giơ cho cả lớp xem bông hoa đó. Giám khảo đánh giá và thư ký ghi lại kết quả.
Cách tính điểm:
Mỗi phép tính đúng được 10 điểm
Tổng hợp số điểm của từng đội.
Đội nào nhiều điểm hơn là đội đó thắng cuộc.
- Trò chơi xếp hàng thứ tự
Mục đích: Giúp học sinh củng cố so sánh và sắp xếp thứ tự các số. Từ các số tự nhiên đã cho học sinh tự so sánh, chọn lựa để có thể xếp theo thứ tự từ bé đến lớn hoặc ngược lại.
Chuẩn bị:
Giáo viên: chuẩn bị 2 lá cờ hiệu (Cờ giấy nhỏ, 2 lá có màu khác nhau)
Học sinh: mỗi đội 5 mảnh bìa ép lasstis để ghi các số.
Chọn đội chơi: Mỗi đội khỏng 4, 5 em tuỳ theo yêu cầu bài tập; các em tự đặt tên cho đội mình (Ví dụ: tên gọi tương ứng với màu sắc của cờ hiệu như đội Xanh, đội Đỏ)
Cách chơi: Hai đội trưởng lên nhận bìa của tổ và phát bìa cho mỗi bạn ở đội mình. Giáo viên yêu cầu hai đội quan sát, tự so sánh các số vừa nhận trong nhóm với nhau (trong 1 phút )
Khi cô giáo hô hiệu lệnh và giơ 2 lá cờ trên 2 tay song song về phía trước các em tập hợp hàng dọc theo yêu cầu như: “ Tập hợp theo thứ tự từ bé đến lớn ” ; “ Tập hợp theo thứ tự từ lớn đến bé ” sau đó đổi các biển giữa hai đội rồi tiếp tục chơi.
Sau 5 phút kết thúc trò chơi đội nào nhiều điểm sẽ thắng cuộc
Trò chơi có thể sử dụng ở các tiết: So sánh các số trong phạm vi 1000, Các số từ 101 đến 110, Các số từ 111 đến 200, Ôn tập các số trong phạm vi 1000 với các bài tập xếp các số theo thứ tự từ bé đến lớn và từ lớn đến bé.
- Trò chơi giải đáp nhanh
Mục đích chơi: Luyện kỹ năng tính nhẩm các phép tính cộng, trừ (tròn chục, tròn trăm, tròn nghìn), nhân chia trong bảng. Rèn kỹ năng tính toán nhanh nhạy.
Chuẩn bị: Chọn 2 đội chơi, mỗi đội tự đặt tên cho mình (chẳng hạn thỏ Trắng - thỏ Nâu ). Cử ban giám khảo, thư ký, các em còn lại cổ vũ cho đội mình.
Cách chơi: Chơi thi đua giũa hai nhóm. Đại diện 2 nhóm oản tù tì xem bên nào ra đề trước. Nhóm thứ nhất nêu tên một phép nhân, chia đã học hay một phép tính cộng trừ các số tròn chục, tròn trăm. Nhóm thứ hai trả lời kết quả (Nếu nói sai thì khán giả được quyền trả lời).
Sau khi trả lời, nhóm thứ hai nêu nhanh một phép tính khác yêu cầu nhóm thứ nhất trả lời. Tiến hành tương tự sau khoảng 5 phút thì dừng lại, ban thư ký tổng hợp xem hai nhóm có bao nhiêu kết quả đúng. Mỗi kết quả đúng ghi 10 điểm. Nhóm nào nhiều điểm sẽ thắng cuộc.
3. Trò chơi môn Toán dành cho lớp 3
- Trò chơi truyền điện
Mục đích: Luyện tập và củng cố kỹ năng làm các phép tính cộng trừ không nhớ trong phạm vi 1000. Luyện phản xạ nhanh ở các em.
Chuẩn bị: Không cần chuẩn bị bất kỳ đồ dùng nào
Cách chơi: Các em ngồi tại chỗ. Giáo viên gọi bắt đầu từ 1 em xung phong. Ví dụ em nói to 1 số trong phạm vi 1000 chẳng hạn “400 và chỉ nhanh vào em B bất kỳ để “truyền điện”. Lúc này em B phải nói tiếp, ví dụ “trừ 200 rồi chỉ nhanh vào em C bất kỳ. Thế là e C phải nói tiếp “bằng 200”. Nếu C nói đúng thì được quyền xướng to 1 số như A rồi chỉ vào một bạn D nào đó để “truyền điện” tiếp. Cứ làm như thế nếu bạn nào nói sai thì phạt.
Lưu ý:
Trò chơi này không cần phải chuẩn bị đồ dùng, giáo cụ…
Trò chơi này có thể áp dụng được vào nhiều bài (Ví dụ: Luyện tập các bảng cộng trừ, nhân chia) và có thể thay đổi hình thức “truyền”. Ví dụ : 1 em hô to 7×3 và chỉ vào em tiếp theo để truyền thì em này chỉ việc nói kết quả bằng 21.
Trò chơi này không cầu kỳ nhưng vẫn gây được không khí vui, sôi nổi, hào hứng trong giờ học cho các em.
- Trò chơi Ai nhiều điểm nhất
Mục đích: Luyện tập củng cố kỹ năng cọng 2 số có nhớ trong phạm vị 100. Tập cho học sinh cách đánh giá, cho điểm.
Chuẩn bị:
2 cây chậu cảnh có đánh số 1, 2
Một số bông hoa bằng giấy màu cứng, mặt trước màu trắng ghi các phép tính
Phấn màu
Đồng hồ theo dõi thời gian
Chọn 3 học sinh khá nhất lớp làm giám khảo và thư ký
Cách chơi: Chia lớp làm 2 đội, khi nghe hiệu lệnh “bắt đầu” lần lượt từng đội cử người lên bốc hoa trên bàn giáo viên, người chơi có nhiệm vụ làm nhanh phép tính ghi trên bông hoa, sau đó cài bông hoa lên cây của đội mình. Người này làm xong cài hoa lên cây thì lại đến lượt người khác. Cứ như vậy cho đến hết 2 phút. Sau khi giáo viên hô hết giờ thì 2 đội mỗi đội cử 1 đại diện lên đọc lần lượt từng phép tính trên cây của mình đồng thời giơ cho cả lớp xem bông hoa đó. Giám khảo đánh giá và thư ký ghi lại kết quả.
Cách tính điểm:
Mỗi phép tính đúng được 10 điểm
Tổng hợp số điểm của từng đội. Đội nào nhiều điểm hơn là đội đó thắng cuộc.
- Trò chơi Ong đi tìm nhụy
Mục đích: Rèn tính tập thể. Giúp cho học sinh thuộc các bảng nhân, chia
Chuẩn bị:
2 bông hoa 5 cánh, mỗi bông một màu, trên mỗi cánh hoa ghi các số như sau, mặt sau gắn nam châm
10 chú Ong trên mình ghi các phép tính, mặt sau có gắn nam châm
Phấn màu
Cách chơi:
Chọn 2 đội, mỗi đội 4 em
Giáo viên chia bảng làm 2, gắn mỗi bên bảng mộ bông hoa và 5 chú Ong, ở bên dưới không theo trật tự, đồng thời giới thiệu trò chơi.
Cô có 2 bông hoa trên những cánh hoa là các kết quả của phép tính, còn những chú Ong thì chở các phép tính đi tìm kết quả của mình. Nhưng các chú Ong không biết phải tìm như thế nao, các chú muốn nhờ các con giúp, các con có giúp được không ?
2 đội xếp thành hàng. Khi nghe hiệu lệnh “bắt đầu” thì lần lượt từng bạn lên nối các phép tính với các số thích hợp. Bạn thứ nhất nối xong phép tính đầu tiên, trao phấn cho bạn thứ 2 lên nối, cứ như vậy cho đến khi nối hết các phép tính. Trong vòng 1 phút, đội nào nối đúng và nhanh hơn là đội chiến thắng.
4. Trò chơi môn Toán dành cho lớp 4
- Trò chơi xây hàng rào
Chuẩn bị: giáo viên vẽ hàng rào như chữ X, ghi các số theo quy luật nhất định do giáo viên quy định. Ví dụ: Tích hai số trái và phải bằng tổng của hai số trên và dưới.
Hướng dẫn cách chơi: ghi một số vào bên trái của hàng rào, ghi một số vào bên phải hàng rào, nhân hai số này lại ra kết quả thì ghi nhớ rồi nhẩm tính xem số trên và số dưới nào của hàng rào cộng lại bằng kết quả của hai số trái và phải đã tìm được, sau đó ghi hai số này vào bên trên và bên dưới hàng trào. Ví dụ: 7 X 2 Mỗi nhóm 3 em. Trong 2 phút nhóm nào xây nhiều hàng rào nhất và làm đúng kết quả là thắng cuộc.
- Trò chơi điền số thích hợp
Chuẩn bị: vẽ các vòng tròn nhỏ
Cách chơi: điền số từ 1 đến 7 vào các vòng tròn nhỏ sao cho tổng của ba số trên cùng một vạch thẳng đều bằng nhau. Chia lớp thành các nhóm, mỗi nhóm 4 em. Mỗi nhóm điền số vào bảng con , trong 5 phút nhóm nào điền đúng được nhiều bảng có tổng khác nhau hơn là thắng và được cả lớp tuyên dương.
Lưu ý: tổng các số từ 1 đến 7 bằng 28. Tổng của ba tổng trên các vạch bằng 28 cộng hai lần số ở vòng tròn giữa, và số này phải chia hết cho 3. Vì vậy, ta có các trường hợp sau: Số giữa là 1: tổng =28+2=30 (chia hết cho 3) – tổng ba số trên một vạch là 10.. Số giữa là 2 : tổng = 28+4=32 (không chia hết cho 3) – không được.. Số 3, 5, 6 cũng đều không được.
5. Trò chơi môn Toán dành cho lớp 5
- Trò chơi: Ai đúng? Ai nhanh?
Mục đích chơi: Giúp học sinh nắm vững khái niệm cách đọc, viết cấu tạo phân số và so sánh sắp thứ tự phân số.Rèn luyện tác phong nhanh nhẹn, trí thông minh sáng tạo.Đối tượng chơi: Dành cho học sinh trung bình trở lên.
Thời gian chơi: 5 - 7 phút.
Chuẩn bị: Giáo viên chuẩn bị 2 con xúc sắc bằng gỗ trên các mặt có ghi các số trong phạm vi từ 1 đến 9. Học sinh chuẩn bị giấy nháp và bút để ghi
Hướng dẫn cách chơi: Chơi theo nhóm, gồm 4 nhóm, mỗi nhóm 3 học sinh, cả 4 nhóm đứng thành hàng đối diện quan sát kết quả thầy giáo tung xúc sắc 3 lần liên tiếp. Các nhóm có thể phân công nhau ghi kết quả từng lần tung. Sau đó có 5
phút để:
Viết các phân số sau mỗi lần tung.
VD: Viết PS từ số trên mặt (mặt trên là số 4, mặt dưới là số 5) của xúc sắc: 5
4
;
…
- So sánh và sắp thứ tự các phân số sau từng lần tung.
- So sánh và sắp thứ tự các phân số cả nhóm đã viết được.
- GV cùng cả lớp sẽ làm trọng tài kiểm tra 4 nhóm.
Luật chơi:
- Viết đầy đủ các phân số trong các lần tung: 10 điểm.
- So sánh và sắp thứ tự từng cặp đúng: 10 điểm.
- So sánh sắp thứ tự tất cả các phân số đã viết trong nhóm thì cộng: 20 điểm
(có 1 phần sai hoặc thiếu sẽ không được tính điểm).
Nhóm nào xong trước và đúng thì được cộng thêm 1 điểm.
Nhóm thắng cuộc là nhóm đạt nhiều điểm hơn.
6. Trò chơi giờ học Tiếng Việt ở lớp 1
- Trò chơi ghép tranh với hình tương ứng
Mục tiêu: Hiểu nghĩa của từ để ghép đúng tranh. Rèn luyện sự nhanh nhạy, tự tin.
Chuẩn bị: Một số tranh (ảnh) các con vật, một số thẻ từ (ghi sẵn).
Cách chơi:
Phát tranh và thẻ từ cho các nhóm.
Nêu yêu cầu các nhóm thi đua ghép các tranh (ảnh) với các từ tương ứng. Nhóm nào ghép đúng và nhanh hơn thì thắng cuộc.
- Trò chơi “Ai tinh mắt?”
Mục đích:
Giúp học sinh nhìn, nhận diện và phát hiện được các chữ cái, các tiếng có chứa các dấu thanh (sắc, huyền, hỏi, ngã, nặng).
Phân biệt được chữ cái này với các chữ khác có nét gần giống; phân biệt được dấu thanh này với các dấu có nét gần giống.
Chuẩn bị: Cờ hiệu 3 cái. Bảng cài lớn 1 bảng. Bảng cài nhỏ 3 bảng. Thẻ chữ 24 thẻ. Chữ ghi (các chữ cái hoặc dấu thanh).
Luật chơi:
Chọn thẻ được ghi chữ cái (hoặc dấu thanh) giữa các thẻ mang chữ gần giống. Gắn được vào bảng cài của đội thẻ ghi chữ cái đó.
Khi lên tìm thẻ chữ, từng học sinh trong nhóm chơi, tay cầm cờ hiệu, chạy lên bảng cài lớn, chọn thẻ có ghi chữ cái đúng, cầm về gắn vào bảng cài của đội. Sau đó chuyển cờ hiệu cho người thứ hai. Người này thực hiện tiếp công việc. Cứ thế cho đến hết.
Đội nào xếp đủ, đúng, nhanh, đẹp 4 chữ vào bảng cài của đội là đội thắng cuộc.
Tổ chức chơi:
Giáo viên gắn các thẻ chữ vào bảng cài lớn.
Chia lớp thành 3 đội chơi.
Giáo viên nêu yêu cầu của cuộc chơi.
Từng học sinh trong các đội thay nhau tìm và cài chữ vào bảng cài của đội.
Hết giờ, giáo viên cho các đội tính điểm của từng đội.
7. Trò chơi giờ học Tiếng Việt lớp 2
- Trò chơi thi đọc tiếp sức
Mục đích: Rèn kĩ năng đọc đúng và nhanh bài Tập đọc, luyện tác phong nhanh nhẹn, tập trung chú ý để phối hợp nhịp nhàng giữa các bạn trong nhóm với nhau khi đọc thành tiếng từng câu nối tiếp.
Thời gian chơi: 5 – 7 phút
Chuẩn bị:
- Một đồng hồ (bấm thời gian chơi)
- Chọn một học sinh làm trọng tài
Chọn đội chơi: Chọn 3 đội chơi, mỗi đội có 5 em
Tổ chức chơi: 12 - 3 đội chơi lần lượt lên bảng đứng thành hàng ngang, quay mặt về phía các bạn; mỗi thành viên trong đội chơi cầm một quyển SGK đã mở sẵn (bài quy định sẽ đọc).
- Khi nghe lệnh trọng tài hô “bắt đầu”, người số 1 (đầu hàng bên phải hoặc bên trái) phải đọc câu thứ nhất của bài một cách rõ ràng, chính xác và nhanh. Dứt tiếng cuối cùng của câu thứ nhất, người số 2 (cạnh vị trí của người số 1) mới được đọc tiếp câu thứ 2 …cứ như vậy cho đến người cuối cùng của nhóm; nếu chư chưa hết bài, câu tiếp theo lại đến người số 1 đọc – người số 2 đọc…cho đến hết bài thì dừng lại. Trọng tài tính thời gian và ghi số phút đọc xong toàn bài của từng nhóm.
Trọng tài cùng các nhóm theo dõi bạn đọc cùng nhận xét và tính điểm “thi tiếp sức” như sau: mỗi câu văn đọc chính xác, đúng quy định được 1 điểm; không được tính điểm nếu vi phạm một rong các trường hợp sau:
+ Đọc sai, lẫn hay thừa, thiếu tiếng trong câu.
+ Đọc tiếp câu sau khi người đọc câu trước chưa xong.
+ Đọc liền hai câu trở lên.
- Khi các nhóm đã đọc xong, trọng tài công bố kết quả về thời gian đọc và điểm số của từng nhóm. Nhóm nào được nhiều điểm nhất (ít hoặc không mắc lỗi) và có thời gian đọc ít nhất là nhóm đó giành phần thắng trong cuộc thi “đọc tiếp sức” theo sách.
Thưởng – phạt:
- Đội thắng: Được giáo viên tuyên dương trước lớp bằng một tràng pháo tay.
- Đội thua: Xếp thành hàng, bắt chước tiếng kêu của các loài động vật: mèo, gà, lợn…
Lưu ý:
- Trong khi chơi, nếu người đọc câu trước lỡ đọc sang câu sau một vài tiếng rồi mới dừng lại thì người tiếp theo vẫn phải đọc lại từ đầu câu mà mình phải đọc, cả nhóm sẽ bị kéo dài thêm về mặt thời gian.
- Trò chơi được sử dụng ở tất cả các tiết Tập đọc. Giáo viên có thể thay đổi các bài Tập đọc khác nhau để tổ chức trò chơi phù hợp với nội dung và đối tượng Học sinh.
8. Trò chơi môn Tiếng Anh
- Trò chơi: Bingo (Lô tô)
Mục đích: Củng cố, khắc sâu kiến thức, thu hút học sinh say mê học tập.
Chuẩn bị: Không cần chuẩn bị đồ dùng.
Cách chơi: Chơi tựa như kiểu cờ ca rô.
Giáo viên sẽ kẻ trên bảng 16 hay 20 ô vuông, gồm 4 ô hàng dọc, 5 ô hàng ngang và giáo viên điền vào đó 20 số bất kỳ, trong 20 số đó sẽ có 20 câu hỏi tương ứng được định sẵn theo nội dung của bài học.
Giáo viên chia lớp thành 2 đội và quy định đội A đánh dấu X còn đội B đánh dấu O.
Đầu tiên mỗi đội sẽ cử 1 bạn làm nhóm trưởng đại diện chọn ô số, giáo viên sẽ đánh dấu bằng ký hiệu của đội đó vào ô đấy, đồng thời đọc câu hỏi được định sẵn trong mỗi ô cho đội kia trả lời.
Cuối cùng, đội nào chọn ô mà xếp được 3 ký hiệu của đội mình thẳng hàng thì hô thật to là Bingo.
Kết thúc trò chơi: Tặng một tràng pháo tay thật to chúc mừng đội thắng cuộc.
- Trò chơi: Slap blackboard (đập vào bảng)
Mục đích:
Giúp học sinh luyện đọc và củng cố kỹ năng nghe lại từ đã học, cũng như có thể nhận diện mặt chữ.
Luyện phản xạ nhanh cho các em.
Chuẩn bị: Không cần chuẩn bị bất cứ đồ dùng nào.
Cách chơi:
Giáo viên cho cả lớp ngồi trật tự tại chỗ, sau đó giới thiệu tên trò chơi và vẽ một số hình khác nhau lên bảng chẳng hạn như: hình tròn, hình vuông, hình tam giác, hình chữ nhật, hình thoi, hình ê líp,...
Tiếp theo, giáo viên ghi lại một số từ mới vừa học vào các hình trên.
Sau đó, giáo viên cho học sinh đứng trên bảng trong tư thế chuẩn bị.
Giáo viên sẽ đọc lần lượt các từ mới.
Học sinh đứng trước bảng, nghe giáo viên đọc và đập nhanh vào chữ đó.
Luật chơi:
Chơi theo cặp, giáo viên chia lớp làm hai đội và đặt tên cho mỗi đội, lần lượt mỗi đội cử ra từng bạn nên thi đấu với bạn của đội kia.
Hai bạn đứng trước bảng ở một khoảng cách nhất định và nghe giáo viên đọc rồi nhanh chóng đập tay vào chữ giáo viên vừa đọc được ghi trên bảng, ai đập nhanh và đúng sẽ mang về cho đội mình 1 điểm.
Tiếp tục với cặp thi đấu khác, kết thúc là đủ số từ mà giáo viên đã nêu ra trước khi đọc.
Kết thúc trò chơi: Cộng điểm đội nào nhiều điểm thì đội đó thắng, đội nào thắng sẽ được tặng một tràng vỗ tay.
Lưu ý: Trò chơi này cũng có thể được thực hiện như sau: cử ra một bạn giỏi lên để đọc những từ bất kỳ vừa ghi trên bảng và giáo viên sẽ cho hai bạn nghe nhận diện và đập tay vào hình có từ vừa đọc.
- Trò chơi: Lucky number (con số may mắn)
Mục đích: Tạo không khí hào hứng sôi nổi, cũng như luyện khả năng tập trung cao độ trong giờ học.
Chuẩn bị: Giáo viên chuẩn bị sẵn một số câu hỏi, câu trả lời sao cho bám sát nội dung bài học và không cần phải chuẩn bị bất cứ đồ dùng nào.Cách chơi:
Giáo viên sẽ kẻ một bảng gồm 15 ô vuông và ghi vào đó 15 số tự nhiên bất kỳ, trong đó sẽ có 12 ô chứa câu hỏi để học sinh trả lời còn 3 câu là 3 con số may mắn gọi là Lucky number.
Mỗi con số may mắn là một điểm 10 và không có câu hỏi.
Luật chơi:
Giáo viên sẽ chia lớp thành 2 đội và đặt tên cho các đội, mỗi đội cử ra một bạn nhóm trưởng để vằn tù tì xem đội nào được quyền chọn trước.
Trong đội sẽ thảo luận xem quyết định chọn con số nào, nếu chọn trúng câu có câu hỏi thì giáo viên đọc câu hỏi và cả đội phải thảo luận tìm ra câu trả lời và bạn cho nhóm trưởng đọc, trả lời đúng thì đội sẽ đạt 10 điểm, nếu sai thì đội kia được quyền trả lời.
Lượt 2 đến đội kia chọn ô, nếu chọn vào ô may mắn thì sẽ không phải trả lời câu hỏi và sẽ được vỗ tay chúc mừng, đồng nghĩa với việc nhận được số điểm may mắn là 10 điểm.
Kết thúc trò chơi: Cộng điểm đội nào nhiều điểm thì đội đó thắng, khi đội nào chọn vào ô Lucky number sẽ được tặng một tràng vỗ tay.
Lưu ý: Giáo viên có thể thay đổi trò chơi để tăng tính cạnh tranh, tạo không khí hào hứng sôi nổi bằng cách quy định điểm, trong 15 ô thì sẽ chứa 12 ô có 5 điểm, 2 ô có 10 điểm và một ô đặc biệt được là 20 điểm.
9. Trò chơi môn Đạo đức
Trong giờ học đạo đức với đặc trưng của môn học người giáo viên có thể tổ chức trò chơi vào bất cứ lúc nào, tuỳ từng nội dung bài học có thể là khởi động, giới thiệu bài, có thể để học sinh tìm hiểu bài, phát hiện nội dung bài học hoặc có thể để củng cố, khắc sâu kiến thức cho học sinh. Ví dụ:
Trong bài “Biết ơn thương binh, liệt sĩ’ môn đạo đức lớp 3, ta có thể tổ chức trò chơi với tên gọi “Ném bóng”.
Luật chơi: Các nhóm đứng thành vòng tròn, bóng được truyền từ người này sang người khác một cách từ từ. Ai nhận được bóng phải hát ,đọc thơ ,kể chuyện về chủ đề thương binh, liệt sĩ cho cả lớp của mình nghe rõ. Cứ như vậy cho đến khi mọi người trong nhóm đều được nhận bóng và hát Ai hát, múa, kể chuyện sai hoặc không hát, múa, kể chuyện được thì sẽ phải nhảy lò cò một vòng.
Giáo viên cử ra nhóm trọng tài gồm ba em.
Tiến hành trò chơi: Giáo viên tổ chức cho một nhóm làm mẫu. Giáo viên rút kinh nghiệm và cho cả lớp tiến hành chơi thật. Giáo viên hô (có dự lệnh - động lệnh) “Trò chơi – Bắt đầu”. Giáo viên cùng trọng tài quan sát và điều chỉnh cho các nhóm hoạt động khẩn trương, đúng luật.
Tổng kết trò chơi: Giáo viên đánh giá chung cả lớp và riêng từng nhóm.
Giáo viên rút ra kết luận: Thương binh, liệt sĩ là những người đã hi sinh xương máu vì Tổ Quốc. Mỗi chúng ta cần ghi nhơ và đền đáp công lao to lớn đó bằng những việc làm thiết thực của mình.
10. Trò chơi môn Lịch Sử
Dân tộc Việt Nam ta có một nền văn hóa, một bề dày lịch sử lâu đời. Đó là những ngày đầu của vua Hùng dựng nước cho đến những năm tháng đấu tranh giữ nước và xây dựng Tổ quốc. Từng chặng đường, từng giai đoạn đã ghi lại những mốc son chói lọi, là niềm tự hào của cả dân tộc Việt Nam. Ai đã đi qua những chặng đường ấy luôn cảm thấy yêu quê hương và con người Việt Nam biết chừng nào. Thế hệ trẻ hôm nay sẽ viết tiếp những trang sử vàng cho dân tộc bằng tài năng, trí tuệ và nhiệt huyết của mình. Để làm được điều đó, trước hết các em phải yêu thích lịch sử quê hương, bởi vì “ Yêu Sử chính là làm cho tâm hồn ta luôn hướng về đất nước”. Ngay từ bậc tiểu học ở lớp 4 các em đã được học lịch sử qua một phân môn rõ rệt mà không lồng ghép chung với bất cứ phân môn nào. Điều này càng cho chúng ta thấy, việc dạy Sử trong nhà trường là điều cần thiết và quan trọng không thể lơ là. Vậy làm thế nào để các em yêu thích môn lịch sử, các em tự tìm đến với lịch sử của dân tộc? Các trò chơi học tập chính là câu trả lời.
- Trò chơi Ô chữ kỳ diệu
Mục đích:
Dùng để dạy các bài ôn tập, và các hoạt động củng cố cuối bài
Có thể sử dụng trong hoạt động khởi động.
Phát triển óc thông minh, sự nhanh nhẹn, có khả năng phân tích, phán đoán.
Kích thích hứng thú học tập của học sinh.
Chuẩn bị:
Bảng phụ hoặc giấy rôki kẻ sẵn ô chữ đã định.
Nội dung câu hỏi, câu trả lời.
Cách thực hiện:
Sau khi giáo viên tổ chức hoạt động để tìm hiểu nội dung ôn tập, giáo viên tổ chức cho học sinh chơi trò chơi này.
Giáo viên chia lớp thành 2 – 4 đội ( tùy vào số lượng học sinh).
Giáo viên đưa ra ô chữ gồm hàng ngang và hàng dọc. Mỗi ô chữ hàng ngang là nội dung kiến thức đã học kèm theo lời gợi ý.
Mỗi nhóm chơi sau khi nghe lời gợi ý xong suy nghĩ hội ý và phất cờ để giành quyền trả lời. Nhóm nào phất cờ trước, trả lời nhanh, đúng ghi được 10 điểm. Nhóm nào sai nhường quyền trả lời cho nhóm khác. Trong khi các nhóm trả lời giáo viên ghi lại các từ đó lên bảng để học sinh dưới lớp đối chiếu từ đó với ô chữ đã có và kiến thức đã học xem đã đúng chưa, nếu học sinh và giáo viên nhận xét đúng thì giáo viên ghi đáp án đó vào “Ô chữ kỳ diệu” Nhóm thắng cuộc là nhóm ghi được nhiều điểm nhất.
- Trò chơi ghép từ
Mục đích:
Dùng để dạy các loại bài có các hoạt động minh họa bằng hình hoặc bằng sơ đồ trong sách giáo khoa thuộc môn lịch sử Củng cố kiến thức hiểu biết, sự nhanh nhẹn, thông minh, có kĩ năng tổng hợp thông tin thành chuỗi kiến thức liên hoàn.
Chuẩn bị: Các từ cần ghép thành sơ đồ của hoạt động dạy học (2 bộ từ).
Cách thực hiện trò chơi:
Sau khi cho học sinh làm việc với kênh hình và kênh chữ trong sách giáo khoa, giáo viên có thể chia lớp thành 2 đội
Giáo viên phổ biến luật chơi, quy định thời gian một cách rõ ràng.
Sau khi phổ biến luật chơi, cách chơi, giáo viên yêu cầu các nhóm lên thực hiện (hai đội cùng thực hiện với hai nhóm giấy bìa ).
Học sinh lên thực hiện bằng cách thi tiếp sức, hai đội thi nhau ghép chữ và dùng mũi tên để biểu diễn thành một sơ đồ.
Từng học sinh trong nhóm theo thứ tự lựa chọn từng thông tin trên mảnh giấy bìa để sắp xếp.
11. Trò chơi môn Địa lý
Trong quá trình giảng dạy các phân môn thuộc chuyên ngành xã hội, khi nói đến văn thì ngôn ngữ mượt mà, êm dịu, dễ đi vào lòng người, hay có sự lô - gích như sử. Còn nói đến Địa lý thì sao? Theo quan điểm nhìn nhận thực tế của học sinh và của mọi người thì đây là một môn học tuy thuộc lĩnh vực xã hội song lại mang lưỡng tính tự nhiên nhiều hơn. Đa phần có hàm lượng kiến thức khá trừu tượng, khó hiểu. Trông nó có vẻ “khô” quá. Học sinh phần lớn ít có hứng thú học môn này hơn so với văn, sử. Nhằm tạo hứng khởi cho học sinh đối với môn học này, các trò chơi cũng được các thầy cô áp dụng.
Với môn địa lý, các trò chơi ô chữ sẽ được áp dụng nhiều. Tùy vào từng chủ đề của mỗi bài học mà thầy cô sẽ thiết kế nên các trò chơi ô chữ với nội dung khác nhau.
Chẳng hạn Ô chữ có 9 hàng ngang và 1 ô hàng dọc. Chia lớp làm 2 đội A-B, mỗi đội lần lượt chọn ô chữ hàng ngang. Trong vòng 10 giây nếu trả lời đúng ghi được 10 điểm, nếu trả lời sai đội còn lại giành quyền trả lời. Đội nào đoán được ô chữ hàng dọc ghi được 30 điểm, nếu sai trò chơi sẽ tiếp tục cho đến khi tìm ra hết các từ hàng ngang. Đội nào ghi được nhiều điểm hơn sẽ giành chiến thắng.
12. Trò chơi môn khoa học
- Trò chơi: Đố bạn con gì? (Các bài sinh sản và nuôi con của động vật)
Mục tiêu: Giúp học sinh nắm lại đặc điểm chính về sự sinh sản và nuôi con của động vật.
Tiến hành:
Một học sinh được đeo hình vẽ của con vật ở sau lưng, em đó không biết đó là con gì nhưng cả lớp thì biết rõ. Học sinh đeo hình vẽ được đặt câu hỏi Đúng/Sai để đoán xem đó là con gì,cả lớp trả lời.
Ví dụ: Con này có bốn chân đúng hay sai? Con vật này ăn cỏ đúng hay sai? Nó sống thành bầy đúng hay sai? Con vật này đẻ trứng đúng hay sai? …Nếu học sinh đoán đúng con vật thì được khen, nếu sai sẽ bị phạt.
- Trò chơi: Đố bạn hoa gì? (Các bài sự sinh sản ở thực vật có hoa).
Mục tiêu: Giúp học sinh phân biệt được hoa đơn tính và hoa lưỡng tính.
Chuẩn bị: Học sinh chuẩn bị nhiều loại hoa đem đến lớp.
Tiến hành: Giáo viên chia lớp thành hai nhóm, các loại hoa học sinh sưu tầm được cắm vào hai lọ nhỏ, giáo viên hô “chuẩn bị” thì mỗi bạn cử ra hai bạn nhanh tay lên chọn hoa và xếp chúng thành hai loại hoa đơn tính và hoa lưỡng tính. Trò chơi diễn ra trong thời gian hai phút, nếu nhóm nào chọn được nhiều hoa và đúng thì nhóm đó thắng.
- Trò chơi Nên hay không nên. (Các bài về con người và môi trường.)
Mục tiêu: Giúp học sinh rèn luyện những kĩ năng phân biệt những việc không nên làm và nên làm của con người đối với môi trường.
Chuẩn bị: Sưu tầm một số tranh ảnh liên quan đến bài học.
Tiến hành:
Chia lớp thành các nhóm bốn đến sáu em, phát cho mỗi nhóm bốn đến năm tranh giấy to và hồ dán. Các nhóm thảo luận và dán các tranh theo hai cột: Nên; Không nên. Nhóm nào dán nhanh, dán đúng, dán đẹp nhóm đó thắng. Những trò chơi trên đây giáo viên có thể thay đổi cho phù hợp với từng kiểu bài, từng chương hoặc có thể thay đổi tên trò chơi để gây sự mới lạ cho học sinh.
13. Trò chơi môn âm nhạc
- Trò chơi tập tầm vông
Tác dụng:
+ Rèn luyện, nhanh tay, tinh mắt.
+ Vui chơi, giải trí.
Chuẩn bị:
+ Cho học sinh ngồi hoặc đứng vào nhau thành từng đôi một, 1 trong 2 em cầm một viên sỏi nhỏ hoặc viên bi hay mẫu tẩy, mẫu giấy co tròn.
+ Nếu cả lớp thì để học sinh ngồi nguyên vị trí cũ, còn cô thay viên sỏi bằng cái kẹo hay quả mận.
Cách chơi:
+ Cách 1: Gíao viên hô: “Chuẩn bị…bắt đầu” sau lệnh đó, học sinh cầm sỏi trong tay đưa ra sau lưng khéo léo nắm viên sỏi vào một trong hai tay rồi đưa hai tay về phía trước giả vờ như chuyển viên sỏi từ tay nọ sang tay kia đồng thời cả lớp hát bài Tập tầm vông.
+ Cách 2: Giáo viên cầm một cái kẹo giơ cao lên cho học sinh cả lớp nhìn thấy, sau đó giáo viên đưa sau lưng nắm vào một trong hai bàn tay rồi chuyển về phía trước cho học sinh hát bài Tập tầm vông. Giáo viên cho các em xung phong đoán.
Sau mỗi trò chơi giáo viên cần nhận xét và tuyên dương những bạn chơi tốt.
- Trò chơi: Hát nhanh hát chậm
Tác dụng: Qua kí hiệu tay của giáo viên, học sinh biết hát nhanh, hát chậm theo đúng hiệu lệnh.
Chuẩn bị :
+ Một số bài hát đã học .
+ Giáo viên chuẩn bị động tác tay chuẩn
Cách chơi: Giáo viên quy ước kí hiệu tay:
+ Khi giáo viên guồng hai tay nhanh thì học sinh hát nhanh, guồng hai tay chậm thì học sinh hát chậm.
+ Giáo viên bắt nhịp các bài hát đã học và hát theo kí hiệu tay của giáo viên.
+ Lưu ý: Học sinh không hát quá nhanh, không hát dồn nhịp mà cần tập trung theo đúng hiệu lệnh.
14. Trò chơi môn thể dục
- Trò chơi chạy tiếp sức
Chuẩn bị: Kẻ vạch xuất phát và vạch đích cách nhau 6 – 8m. Có thể thay vạch đích bằng 2 – 4 lá cờ nhỏ (tương đương với số tổ HS trong lớp), cờ nọ cách cờ kia 1 – 2m. Tập hợp học sinh trong lớp thành 2 – 4 hàng dọc sau vạch xuất phát, các tổ có số người bằng nhau.
Cách chơi: Khi có hiệu lệnh, các em số 1 của mỗi hàng chạy nhanh, vòng qua cờ rồi chạy về vạch xuất phát chạm tay ( hoặc trao cho bạn một chiếc khăn hay quả bóng) bạn số 2, số 2 lại chạy như số 1 và cứ lần lượt như vậy cho đến khi hàng nào xong trước, ít phạm quy là thắng cuộc.
- Trò chơi nhảy ô tiếp sức
Chuẩn bị: Kẻ một vạch chuẩn bị dài 4m, sau đó kẻ vạch xuất phát dài 4m, cách vạch chuẩn bị 1m. Từ vạch xuất phát về trước 0,6 – 0,8m kẻ hai dãy ô vuông, mỗi dãy 10 ô, mỗi ô có cạnh 0,4 – 0,6m. Cách ô số 10: 0,6m kẻ vạch đích dài 4m ( hình 24 ).
Cách chơi: Tập hợp lớp thành 2 hàng dọc. Khi có lệnh, các em số 1 bật nhảy bằng hai chân vào ô số 1, sau đó bật nhảy hai chân vào ô số 2 và 3, nhảy chụm chân vào ô số 4 và cứ lần lượt nhảy như vậy cho đến đích, thì quay lại, chạy về vạch xuất phát đưa tay, chạm tay bạn số 2. Bạn số 2 bật nhảy như bạn số 1 và cứ lần lượt (lượt đi bật nhảy, lượt về thì chạy) như vậy cho đến hết, hàng nào xong trước, ít phạm quy là thắng cuộc.
- Trò chơi nhảy đúng nhảy nhanh
Chuẩn bị: Kẻ 2 ô vuông lớn, mỗi ô có cạnh 1m, rồi chia thành 4 ô nhỏ mỗi ô có cạnh 0,5m và đánh số như hình vẽ. Kẻ 2 vạch chuẩn bị và xuất phát cách nhau 1m. Cách vạch xuất phát 0,5m , kẻ ô số 1. Tập hợp học sinh thành 2 hàng dọc sau vạch chuẩn bị.
Cách chơi: Lần lượt từng em, bật nhảy bằng hai chân vào ô số 1, sau đó bật nhảy chân trái vào ô số 2, rồi bật nhảy chân phải vào ô số 3, nhảy chụm chân vào ô số 4, tiếp theo bật nhảy bằng hai chân ra ngoài. Em số 1 nhảy xong đến số 2 và cứ lần lượt như vậy cho đến hết.
Trên đây là danh sách các trò chơi học tập ở tất cả các môn cho học sinh tiểu học thú vị nhất do Toplist sưu tầm. Hi vọng bài viết sẽ giúp ích cho bạn!
Theo: Toplist