Sau một thời gian tích cực chuẩn bị, ngày 10/5/2022, tại Thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, Hội sản xuất Nước mắm Thành phố Phú Quốc tổ trọng thể tổ chức thành công Đại hội lần thứ V, nhiệm kỳ (2022-2027)..
Tổ chức thành công Đại hội lần thứ V
Tổ chức thành công Đại hội lần thứ V, nhiệm kỳ (2022 - 2027)
Sau một thời gian tích cực chuẩn bị, ngày 10/5/2022, tại Thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, Hội sản xuất Nước mắm Thành phố Phú Quốc tổ trọng thể tổ chức thành công Đại hội lần thứ V, nhiệm kỳ (2022-2027).
Về dự đại hội có đại diện của Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang, các Sở Ngành: sở Khoa học Công nghệ, Sở Y tế, Sở Công thương, Sở Nội vụ, Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên & Môi trường; Các Chi cục Quản lý chất lượng Nông Lâm Thủy sản, Chi cục An toàn Vệ sinh Thực Phẩm, Chi cục phát triển Nông thôn, Chi cục Bảo vệ môi trường, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh Kiên Giang… Đại biểu Hội Bạn về dự đại hội có Hội Lương thực Thực phầm TP.HCM, Hội Thực phẩm minh bạch TP.HCM, Hội hàng Việt Nam chất lượng cao TP.HCM, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Kiên Giang, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Kiên Giang, Hội sản xuất nước mắm Phan Thiết, Hội sản xuất nước mắm Nha Trang, Công ty Cổ phần chế biến dịch vụ Thủy sản Cát Hải, Công ty CP Hải Sản Thái Bình…; Đại diện địa phương: Ủy Ban nhân dân TP Phú Quốc, đại diện các ban ngành đoàn thể cấp thành phố, đại diện Phường Dương Đông, An Thới… đại diện các Công ty Vận tải, Tàu thu mua, Ngân hàng, các cơ quan thông tấn báo chí, đài Phát Thanh truyền hình…với tổng số 88 đại biểu, trong đó có 50/54 Hội viên đại biểu chính thức về dự Đại hội.
Theo báo cáo kết quả nhiệm kỳ IV (2016-2021), Hội sản xuất nước mắm Phú Quốc luôn chú trọng tiếp thu các văn bản chỉ đạo của cấp ngành liên quan, thường xuyên mỗi 6 tháng tổ chức triển khai tới toàn thể hội viên. Cùng với sự quyết tâm của Ban chấp hành và toàn thể hội viên cùng nhau gắn kết và hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định. Trong đó, chú trọng hướng dẫn hội viên thực hiện tốt Quyết định số 1401/QĐ-UBND của UBND tỉnh Kiên Giang ngày 25/06/2014 về việc thực hiện sử dụng Chỉ dẫn địa lý vào quy trình sản xuất và kinh doanh nước mắm. Kết quả, có 37/54 hội viên lập hồ sơ đăng ký với Sở khoa học Công nghệ tỉnh Kiên Giang cấp giấy chứng nhận Chỉ dẫn địa lý, các doanh nghiệp chấp hành tốt đóng mã số thùng, hướng tới 100% hội viên thực hiện đóng chai được cấp tem bảo hộ sản phẩm. Kết quả đầu nhiệm kỳ có 09 doanh nghiệp thực hiện sử dụng Chỉ dẫn địa lý, đến cuối nhiệm kỳ tăng lên 20 doanh nghiệp, đạt 222% kế hoạch.
Nhìn chung, đánh giá kết quả hoạt động sản xuất và kinh doanh nhiệm kỳ của hội vẫn được duy trì. Tuy nhiên sản lượng và doanh thu tăng không cao so với đầu nhiệm kỳ do những khó khăn khách quan: giá cả xăng dầu biến động (giá cá cơm tăng 20-30%, giá nước mắm tăng 35%). Tác động của biến đổi khí hậu, thời tiết không thuận lợi ảnh hưởng tới sản lượng cá cơm. Đặc biệt trong 2 năm gần đây, phần lớn hội viên sản xuất kinh doanh gặp khó khăn do dịch Covid-19.
Trong nhiệm kỳ, hội tích cực thực hiện những quy định, cải tiến kỹ thuật sản xuất nước mắm đáp ứng với tình hình phát triển, song hành với việc bảo vệ thành quả, gìn giữ nghề truyền thống các thế hệ cha ông để lại. Ban Thường vụ, Chấp hành Hội sản xuất Nước mắm Phú Quốc cùng tất cả hội viên luôn đoàn kết, chấp hành tốt quy trình sản xuất nước mắm truyền thống được EU bảo hộ. Qua báo cáo kết quả hoạt động của nhiệm kỳ IV, tổng hợp số liệu thống kê cho thấy:
Toàn thể Hội viên đang quản lý 7009 Thùng ủ chượp; 08 doanh nghiệp có phương tiện tàu đánh bắt cá cơm (tăng 02 doanh nghiệp so với đầu nhiệm kỳ); 10 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu nước mắm (tăng 04 Doanh nghiệp); Số lượng cá cơm thu mua sản xuất trung bình từ 30.000-40.000 tấn/năm; Số lượng nước mắm bán ra 20-30 triệu lít/năm (tính từ 25 đạm trở lên). Trong đó, nước mắm đóng chai từ 38 độ đạm có sử dụng nhãn Chỉ dẫn địa lý chiếm từ 2 triệu lít/năm (tăng 11 doanh nghiệp thực hiện so với đầu nhiệm kỳ). Với tình hình sản xuất ổn định, doanh thu bình quân từ 250-300 tỷ/năm; Nộp ngân sách nhà nước: Từ 20-25 tỷ/năm. Kết quả đã tạo việc làm cho hàng nghìn lao động. Trong đó sử dụng người lao động tại địa phương chiếm từ 70-80%. Đặc biệt, các doanh nghiệp quan tâm chú trọng phần mềm truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Hiện tại 14 doanh nghiệp đã và đang áp dụng phần mềm truy xuất nguồn gốc sản phẩm đối với sản phẩm nước mắm đóng chai.
Với thành tích đạt được trong sản xuất và kinh doanh nước mắm, hoạt động từ thiện an sinh xã hội, hoạt động đóng góp nghĩa vụ với nhà nước, đóng góp xây dựng địa phương của Hội nhiệm kỳ IV (2016-2021), nhiều cá nhân và doanh nghiệp được các cấp khen tặng. Đặc biệt, Hội sản xuất nước mắm Phú Quốc vinh dự nhận 02 Bằng khen của Ủy ban nhân dân tỉnh tặng với thành tích đột xuất, xuất sắc đóng góp thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19; thành tích xuất sắc trong xây dựng, quản lý và phát triển Hội nhiệm kỳ IV (2016-2022); Tập thể nhận giấy khen của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Kiên Giang với thành tích xuất sắc trong công tác phòng chống dịch Covid-19; Thực hiện hoạt động đóng góp, hỗ trợ, công tác an sinh xã hội, hội viên Hội nước mắm Phú Quốc nhận được nhiều giấy khen, thư cảm ơn, thư biểu dương…của Ủy ban nhân dân, đoàn thể, ngành huyện Phú Quốc, Thành phố Phú Quốc trong nhiệm kỳ;Đại hội Hội sản xuất nước mắm Phú Quốc nhiệm kỳ V (2022-2027) thành công tốt đẹp.
Đại hội thống nhất cao về đề án nhân sự cho nhiệm kỳ mới: có 15 Hội viên được bầu vào Ban Chấp hành, 05 ủy viên Ban Thường vụ, các chức danh Chủ tịch, 03 Phó chủ tịch và 01 Trưởng Ban kiểm tra. Bà Hồ Kim Liên trúng cử chức danh Chủ tịch Hội được đại hội bầu tín nhiệm cao.
Với tinh thần đoàn kết và sự quyết tâm của toàn thể hội viên tại đại hội, tin tưởng trong thời gian tới, Hội sản xuất nước mắm Phú Quốc sẽ tiếp tục đạt được nhiều thành tích cao hơn./.
Bùi Kim ChiênVăn phòng Hội