
Củ sen là phần củ của cây sen, có giá trị dinh dưỡng cao, đặc biệt củ sen có tác dụng giúp cải thiện lưu thông máu, kiếm soát cân nặng, điều hòa huyết áp, ngăn ngừa táo bón....
Củ sen là gì?

Sen là loài thực vật thân thảo sống lâu năm. Cây có chiều cao trung bình khoảng 150 cm, tán ngang có thể lan rộng đến 3 mét. Phần rễ mọc sâu dưới bùn, hình trụ tròn, thường có màu trắng ngà đến nâu đỏ.
Lá sen hình tròn, nổi trên mặt nước, có kích thước lớn, đường kính lên đến 60 cm. Bề mặt lá có khả năng chống thấm nước tự nhiên, lõm như chiếc chén. Thân cây sen vươn lên mặt nước, dày và chắc, hoa sen cũng là một loài hoa lưỡng tính có hình elip thuôn hoặc hình trứng, đường kính dao động từ 10 đến 25 cm. Hoa có hương thơm nhẹ, thường nở vào ban ngày và khép lại vào buổi tối. Cánh hoa có màu trắng hoặc hồng phớt và xếp thành nhiều lớp nhìn rất đẹp.
Quả sen có hình dạng giống quả hạch, nhẵn, thuôn dài và chuyển màu nâu khi trưởng thành.
Trong Đông y, phần rễ của cây sen được gọi là liên ngẫu – tức là củ sen. Đây chính là bộ phận mọc sâu trong lớp bùn. Tên khoa học của nó là Rhizoma Nelumbinis. Củ sen là một nguyên liệu dùng để chế biến nhiều món ăn vừa là một vị thuốc.
Giá trị dinh dưỡng của củ sen

Không chỉ là một thực phẩm thơm ngon, củ sen còn được xem như một vị thuốc trong Đông Y, theo đó, củ sen có vị ngọt, tính bình, có khả năng an thần, bổ phế tỳ, giúp cầm máu và bổ dương. Bên cạnh đó, củ sen còn chứa hàm lượng tinh bột cao (khoảng 70%), cùng các loại axit amin, vitamin A, vitamin B, vitamin C, vitamin PP, tyrosine, asparagin, glucose, arginine, trigonelin và khoáng chất.
Củ sen giúp bổ máu, dưỡng da, cải thiện sinh lực và hỗ trợ giấc ngủ. Đặc biệt, người suy nhược, thiếu máu, cơ thể gầy yếu, kinh nguyệt không đều, huyết hư... đều có thể dùng thực phẩm này để cải thiện.
Củ sen có tác dụng gì?
Củ sen vừa là thực phẩm vừa là một vị thuốc trong Đông y, mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Nhờ chứa hàm lượng dinh dưỡng phong phú như vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa, củ sen có nhiều tác dụng như:
Hỗ trợ hệ tiêu hóa

Củ sen có nhiều chất xơ, giúp cải thiện hệ tiêu hóa và giảm táo bón hiệu quả. Chất xơ không chỉ tăng khối lượng phân, giúp đào thải chúng ra khỏi cơ thể dễ dàng hơn thông qua quá trình đại tiện, mà còn kích thích nhu động ruột. Những công dụng này cũng giúp bạn tăng khả năng hấp thu dinh dưỡng và tiết dịch vị.
Những ai bị táo bón, có thể thêm một ít củ sen vào thực đơn.
Duy trì cân nặng
Củ sen là thực phẩm lý tưởng cho những ai đang muốn kiểm soát cân nặng. Nhờ chứa lượng calo thấp nhưng lại giàu chất xơ và chứa nhiều chất dinh dưỡng, củ sen không chỉ cung cấp năng lượng vừa đủ mà còn giúp bạn duy trì trạng thái no lâu, giúp giảm cảm giác thèm ăn, hạn chế nạp calo vào cơ thể, từ đó giúo bạn giảm cân. Tuy nhiên, để giảm cân hiệu quả, bạn chỉ nên ăn một ít củ sen, kết hợp cùng chế độ ăn uống và tập luyện phù hợp.
Điều hóa huyết áp

Củ sen giàu kali, nó là một khoáng chất có vai trò quan trọng trong việc cân bằng điện giải. Kali giúp giảm tác động tiêu cực của natri trong máu, đồng thời hỗ trợ thư giãn mạch máu, làm giảm áp lực lên tim.
Ngoài ra, kali cũng là thành phần cần thiết cho hoạt động thần kinh, hỗ trợ đưa máu và chất lỏng lên não.
Phòng ngừa bệnh tim mạch
Nhờ củ sen có chứa kali, chất xơ nên nó có nhiều lợi ích trong việc giảm nguy cơ bị bệnh tim. Kali giúp làm giãn mạch, trong khi đó chất xơ lại giúp loại bỏ cholesterol. Đồng thời, vitamin B6 có tác dụng tích cực trong việc kiểm soát nồng độ homocysteine - tác nhân gây bệnh tim.
Tăng cường lưu thông máu

Củ sen có khả năng hỗ trợ quá trình lưu thông máu diễn ra trơn tru, cũng như giúp vận chuyển oxy đến các cơ quan trong cơ thể. Nhờ vậy mà giúp các cơ quan nhận đủ năng lượng và tăng cường chức năng.
Bên cạnh đó, củ sen còn có hàm lượng đáng kể sắt và đồng, hai khoáng chất này này giúp thúc đẩy quá trình sản xuất hồng cầu. Việc bổ sung củ sen vào khẩu phần ăn thường xuyên có thể giúp ngăn ngừa tình trạng thiếu máu và hỗ trợ tăng lưu lượng máu.
Nguồn cung cấp chất chống oxy hóa
Trong 100g củ sen có thể cung cấp đến 73% nhu cầu vitamin C mỗi ngày. Vitamin C là chất chống oxy hóa mạnh mẽ, giúp thúc đẩy tổng hợp collagen, bảo vệ toàn vẹn của các cơ quan, làn da và mạch máu.
Không chỉ vậy, vitamin C còn giúp củng cố hệ miễn dịch, bảo vệ cơ thể khỏi các gốc tự do gây hại - một trong những nguyên nhân hàng đầu gây lão hóa và ung thư.
Những người nào không nên ăn củ sen?
Mặc dù củ sen rất bổ dưỡng nhưng củ sen không phù hợp với tất cả mọi người. Dưới đây là những người không nên ăn củ sen:
Người có vấn đề về dạ dày

Đối với những ai đang mắc các bệnh lý như viêm loét đại tràng, các vấn đề liên quan đến dạ dày thì không nên ăn củ sen, vì nó có thể gây ra các tình trạng như khó tiêu, đầy bụng, khiến người bệnh khó chịu và ảnh hưởng tới bệnh lý hiện tại.
Người mắc bệnh tiểu đường
Củ sen có hàm lượng tinh bột khá cao, nên nếu bạn tiêu thụ quá nhiều có thể làm tăng đường huyết. Vì vậy, người bị tiểu đường nên hạn chế hoặc tránh ăn củ sen, còn nếu bạn vẫn muốn ăn thì nên ăn liều lượng theo hướng dẫn của bác sĩ.
Nguy cơ nhiễm ký sinh trùng nếu ăn sống củ sen
Củ sen sinh trưởng trong môi trường bùn lầy, ở dưói đất, nên vốn dễ nhiễm vi sinh vật và ký sinh trùng. Nên việc bạn rửa nhiều lần cũng không thể loại bỏ ấu trùng có trên củ sen, nếu ăn sống củ sen, thì sẽ có nguy cơ cao bị nhiễm ký sinh trùng.
Do đó, để đảm bảo an toàn, bạn cần chắc chắn củ sen đã được nấu chín hoàn toàn trước khi sử dụng, đồng thời chọn mua sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, được sơ chế sạch sẽ.