Giới thiệu chung
Phương pháp Steiner là một trong những phương pháp giáo dục trẻ mầm non nổi tiếng trên thế giới giúp các bé phát triển khả năng tư duy độc lập và khả năng sáng tạo phù hợp với khả năng và tính cách của các em.
Trong những năm đầu đời, phương pháp giáo dục Steiner giúp các bé có thể học tập và tiếp thu kiến thức bằng cách xây dựng một môi trường mà trẻ có thể khám phá thế giới thông qua các hoạt động thực tiễn một cách vô thức. Nghĩa là trẻ được học tập thông qua các ví dụ, trò chơi tưởng tượng, tập trung vào trải nghiệm của chính bản thân mình.
Mục tiêu của phương pháp này là giúp bé có những cảm giác và trải nghiệm tốt đẹp với thế giới xung quanh.
Phương pháp giáo dục trẻ mầm non Steiner
Có nhiều hoạt động lặp lại
Hầu hết các hoạt động trong chương trình mầm non áp dụng phương pháp giáo dục Steiner đều được lặp đi lặp lại hàng ngày bao gồm các môn nghệ thuật hoặc trò chơi tự do như vui chơi ngoài trời, vẽ tranh, tưới cây, làm vườn… với nhiều hình thức đa dạng. Việc lặp đi lặp lại các hoạt động này giúp bé hình thành khả năng dự đoán những điều sắp xảy ra trong chuỗi hành động lặp lại.
Một điểm nổi bật khi áp dụng phương pháp Steiner chính là thông qua các hoạt động vui chơi ngoài trời sẽ giúp bé có thêm nhiều kiến thức và trải nghiệm với thiên nhiên, môi trường, thời tiết và 4 mùa Xuân – Hạ – Thu – Đông trong năm.
Giáo viên là người hướng dẫn trẻ
Trong quá trình học tập, trẻ sẽ được học hỏi và làm theo thông qua việc quan sát giáo viên làm mẫu. Khi lựa chọn áp dụng phương pháp Steiner vào giảng dạy, trường học được coi là ngôi nhà thứ 2 của các bé, giáo viên cũng sẽ tiến hành thực viện các công việc như bố mẹ các em tại nhà bao gồm may vá quần áo, đọc truyện cho bé, nấu cơm…
Từ đó, thông qua việc quan sát giáo viên, trẻ cũng sẽ học được cách làm những công việc đó. Trong phương pháp giáo dục này, giáo viên sẽ luôn là tấm gương cho trẻ noi theo, nên các thầy cô phải luôn bình tĩnh và giải quyết vấn đề tinh tế và thấu đáo mọi việc.
Có nhiều đồ chơi phát huy khả năng sáng tạo
Trong phương pháp Steiner, các học cụ và đồ chơi cho trẻ mầm non thường không khá đa dạng, đôi khi có thể là những đồ chơi bình thường hoặc một khối gỗ . Đồ chơi và học cụ thường khá đơn giản, tự nhiên nhằm phát triển tối đa trí tưởng tượng, khả năng sáng tạo của trẻ.
Các học cụ và đồ chơi cho trẻ mầm non trong phương pháp giáo dục này thường làm từ chất liệu có nguồn gốc tự nhiên, không sử dụng đồ chơi bằng nhựa nhân tạo. Rudolf Steiner cho rằng chất liệu tự nhiên sẽ giúp các giác quan của trẻ phát triển tốt hơn. Các chất liệu như nilon, nhựa, hay các chất liệu tổng hợp tuy có hình thù đẹp mắt nhưng không có sức sống với các bé.
Chân thật và nhẹ nhàng
Nghiên cứu của Rudolf Steiner chỉ ra rằng khoảng thời gian 7 năm đầu đời của trẻ được gọi là “trạng thái mơ màng”. Trong giai đoạn này, đặc biệt là mốc thời gian trước 3 tuổi, trẻ mầm non thường chưa nhận thức rõ ràng về bản thân và mọi thứ xung quanh.
Sau 3 tuổi trạng thái này sẽ biến mất dần. Vì thế, nhà giáo dục Rudolf Steiner cho rằng trong 3 năm đầu tiên, các bậc phụ huynh không nên thúc ép trẻ phải hiểu biết nhiều về thế giới mà hãy để mọi chuyện diễn ra thật nhẹ nhàng và từ tốn. Điều kiện tốt nhất để trẻ phát triển một cách tự nhiên là môi trường không có thiết bị điện tử, mà chỉ có hoạt động nhẹ nhàng, gần gũi do giáo viên và trẻ cùng thực hiện như nhảy múa, vẽ tranh, ca hát,…