1. Công nghệ thực tế ảo VR là gì? Khác gì với thực tế ảo tăng cường AR?
Thực tế ảo hay còn gọi là thực tại ảo (tiếng Anh là virtual reality, viết tắt là VR) là thuật ngữ miêu tả một môi trường được giả lập (ảo hóa) được tạo ra bởi con người nhờ vào các phần mềm chuyên dụng, và được điều khiển bởi một thiết bị thông minh.
Ngoài việc tạo ra không gian ảo, công nghệ thực tế ảo VR còn có thể tương tác thực tế với người dùng qua cử chỉ và nhiều giác quan khác nhau như: Thính giác, khứu giác và xúc giác.
Bên cạnh công nghệ thực tế ảo VR, chắc hẳn bạn đã từng nghe đến công nghệ thực tế ảo tăng cường AR. Để phân biệt giữa 2 công nghệ này, bạn chỉ cần chú ý đến cách thức hoạt động của nó. Ví dụ, VR sẽ tạo ra một môi trường hoàn toàn ảo, trong khi đó AR sẽ dựa trên không gian thật của môi trường xung quanh, sau đó thêm một vài yếu tố ảo hóa vào bên trong.
AR và VR là 2 không phải là đối thủ của nhau, mỗi công nghệ đều có những ứng dụng riêng biệt mà công nghệ còn lại không có, vậy nên chúng sẽ tồn tại song song với nhau.
2. Các thiết bị hỗ trợ công nghệ thực tế ảo VR
Để hòa mình vào không gian ảo hóa bằng công nghệ VR, người dùng cần một thiết bị đeo đầu chuyên dụng, và phổ biến nhất hiện nay chính là kính VR.
Loại kính này sẽ bao trùm tầm nhìn của đôi mắt bạn, sau đó phủ lên một lớp hình ảnh ảo hóa. Tùy vào chủng loại và tính năng đi kèm, kính VR có khả năng tương tác với người dùng, tức là bạn có thể điều khiển không gian ảo hóa thông qua ngôn ngữ cơ thể (chạy, cầm nắm, nhìn, gật đầu...).
Một số hãng kính VR phổ biến hiện nay là Google Cardboard, Samsung Gear VR, Lenovo VR và đặc biệt là Oculus Rift. Tùy vào chất lượng và các tính năng đi kèm, giá bán kính VR dao động từ vài trăm nghìn đến vài triệu đồng.
Trên thị trường hiện nay xuất hiện một số loại kính VR với giá rẻ không tưởng, dưới 100.000 đồng. Tất nhiên chất lượng đi kèm cũng rất đáng thất vọng.
3. Ứng dụng công nghệ thực tế ảo VR vào thực tế
3.1. Ứng dụng VR vào giải trí
Đây được xem là mục đích lớn nhất mà công nghệ thực tế ảo ra đời, người dùng có thể sử dụng VR để chìm đắm vào không gian ảo hóa của một trò chơi hay thậm chí những video giải trí, khám phá khoa học viễn tưởng...
Ưu điểm khi ứng dụng VR vào giải trí là cho cảm giác thật, tức là mọi thứ diễn ra trong không gian ảo hóa sẽ tương tác mạnh mẽ đến cảm giác của con người.
Ví dụ, nếu xem một bộ phim giả lập bằng kính thực tế ảo VR thì người dùng có thể di chuyển xung quanh không gian phim, có thể quay đầu sang trái, sang phải để thay đổi góc nhìn. Còn đối với một bộ phim thông thường thì điều đó là hoàn toàn không thể.
3.2. Ứng dụng vào du lịch số
Ngày nay với công nghệ hình ảnh 3D, người ta có thể tạo ra những bối cảnh 3 chiều rất giống với thực tế. Điển hình nhất chính là tái hiện lại các kỳ quan thiên nhiên, danh lam thắng cảnh, và con người có thể sử dụng kính VR để hòa mình vào đó mà không cần phải đi đâu xa.
Một số hệ thống thực tế ảo VR đặc biệt sẽ tích hợp thêm rất nhiều yếu tố như: Gió, nước, hiệu ứng ánh sáng, rung... để tăng cảm xúc cho người dùng khi sử dụng VR.
3.3. Bất động sản
Một ứng dụng khá thực tế nữa mà công nghệ thực tế ảo có thể đem đến là tham quan kiến trúc từ các dịch vụ bất động sản. Tức là người dùng có thể xem chi tiết, rõ ràng các bối cảnh của một căn hộ, tòa nhà thông qua hệ thống thực tế ảo VR.
Điều này sẽ giúp người dùng có cái nhìn khái quát nhất, chính xác hơn về những gì sẽ được tạo ra trong tương lai. Hiện tại, ứng dụng VR vào bất động sản vẫn còn đang bị bỏ ngõ vì rào cản chi phí, tuy nhiên với khả năng di động đến bất kỳ đâu thì dự kiến trong tương lai công nghệ này sẽ phát triển rất nhanh chóng.