Với định hướng bắt tay cùng nhau xây dựng mô hình trồng mận bền vững, nhiều nhà vườn thuộc xã Phong Hòa, huyện Lai Vung (tỉnh Đồng Tháp) tiến tới thành lập Tổ hợp tác (THT) mận bao lưới Phong Hòa với 12 thành viên; diện tích sản xuất mận hơn 8ha, được canh tác theo quy trình VietGAP.
Ý tưởng Mận bao lưới
Mận là một loại cây ăn trái có nhiều loại vitamin, khoáng chất, hàm lượng đường thấp rất tốt cho sức khỏe. Loại cây này được trồng rải rác khắp nơi ở các tỉnh Miền Tây nhưng tập trung nhiều ở xã Phong Hòa – Lai Vung – Đồng Tháp với diện tích trên 70 ha.
Với mong muốn nâng cao hiệu quả sản xuất, nhiều nhà vườn xã Phong Hòa, huyện Lai Vung (Đồng Tháp) tìm tòi, nghiên cứu chuyển đổi mô hình canh tác nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng mận bao lưới.
Mô hình trồng mận này được sản xuất theo quy trình an toàn, đảm bảo sức khỏe của người nông dân, người tiêu dùng, góp phần xây dựng nền nông nghiệp xanh, bền vững.
Theo ông Nguyên - một trong những người khởi xướng mô hình canh tác mận bao lưới, mô hình mận bao lưới, giải pháp này mang lại nhiều hữu ích cho nông dân, nhất là trong việc hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Thay vì trước đây, vào đầu mùa mưa, nông dân trồng mận thường có tâm trạng lo lắng khi trái bị ruồi vàng tấn công, ảnh hưởng lớn đến năng suất. Tuy nhiên, từ khi áp dụng mô hình trồng mận bao lưới, nhà vườn hạn chế được tối đa các loại dịch hại tấn công và thu hoạch với năng suất tăng gấp đôi so với trước đây.
Ông Nguyên chia sẻ: “Mỗi năm, mô hình trồng mận trong nhà lưới giúp tôi tiết kiệm được vài chục triệu đồng từ việc giảm chi phí sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Ngoài ra, điểm nhấn của mô hình này là vào mùa mưa, nhà vườn vẫn có thể áp dụng quy trình để cây cho trái”.
Theo ông Dũng, xây dựng nhà lưới không tốn nhiều chi phí trong khi thời gian sử dụng khá dài từ 3 - 4 năm. Mô hình này còn giúp nông dân tiết kiệm chi phí sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và nhân công phun thuốc, góp phần bảo vệ môi trường và sức khỏe người tiêu dùng, người sản xuất.
Ưu điểm mô hình trồng mận bao lưới
- Thứ nhất: Tiết kiệm chi phí phun thuốc trừ sâu, để phòng ngừa sâu đục trái, ruồi đục trái và bệnh thán thư ở hai vụ thu hoạch chính (số tiền trên chiếm 50% chi phí đầu tư mua lưới mùng).
- Thứ hai: Hạn chế số lượng mận rụng, nhất là cho trái nghịch mùa. Vì lúc trái mùa, sản lượng mận toàn vùng ĐBSCL ít, giá cao nên thu được số tiền bán mận trái mùa khá lớn.
- Thứ ba: Trồng mận trong nhà lưới không phun thuốc trừ sâu, nên các thương lái rất an tâm thu mua mận với giá cao hơn 50% so với mận thông thường. Đặt biệt gần đây Công ty Eco thuộc tập đoàn Vingroup ký hợp đồng thu mua với giá cao và ổn định nên nhà vườn rất an tâm đầu tư nhà lưới sản xuất, không còn lo cảnh được mùa rớt giá như trước đây.
- Thứ tư: Trồng mận trong nhà lưới cho màu sắc vỏ quả mận đẹp hơn, vị ngọt hơn so với mận bao trái.
- Thứ năm: Nhà vườn phải liên kết thông qua việc thành lập các tổ ngành nghề (cụ thể là tổ trồng mận trong nhà lưới) để ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với nhà phân phối. Hội nông dân có điều kiện tập hợp hội viên. Đổi mới phương thức hoạt động của Hội thông qua các tổ hội theo các loại hình kinh tế.
Nguồn trích dẫn
Bài viết được trích dẫn từ link bên dưới…