Hành trình về phương Đông giống với tên gọi của nó là về một chuyến đi, nhưng trùng hợp thay quá trình đọc cuốn sách này, độc giả cũng tựa như đang bước vào một hành trình … có thể gọi là tây du ký với 81 kiếp nạn, không phải ai cũng có thể kiên nhẫn đi hết con đường ấy, dù đi hết mà không có ngộ tính, trải nghiệm thì cũng khó có thể ngộ “chân kinh”. Chính bản thân mình cũng cảm thấy còn rất nhiều điều trong cuốn sách mà mình chưa thể cảm ngộ hay đồng tình được.
Tuy nhiên không thể phủ nhận Hành trình về phương Đông là cuốn sách đáng đọc, đáng để ta suy ngẫm về số phận và mục đích của bản thân, nhất là chữ “tĩnh” trong xã hội hiện nay. Không phải ai cũng dễ mở lòng để tiếp nhận những tư tưởng mới, những suy tư vượt ngoài nhu cầu của con người, đi ngược lại mong muốn và nhu cầu cũng như những định kiến đã ăn sâu bén rễ trong xã hội ngày nay.
Chỉ có sự khiêm tốn mới giúp ta học hỏi thêm những điều mới lạ. Các bạn hãy nhìn ly nước đầy trên tay tôi đây, nếu tôi tiếp tục rót thêm thì nước sẽ tràn ra ngoài. Trừ khi tôi
đổ bớt nước trong ly đi thì tôi mới rót thêm nước vào được. Kiến thức cũng thế, chỉ khi ta khiêm tốn gạt bỏ những thành kiến có sẵn ta mới tiếp nhận thêm được những điều mới lạ. Các bạn muốn nghiên cứu học hỏi những minh triết của xứ Ấn, nhưng vẫn giữ thành kiến của người Âu, khinh bỉ mọi sự thì có khác chi ly nước đầy, làm sao rót thêm nước vào được nữa ?