Mặc dù việc sử dụng năng lượng mặt trời đã giúp các hộ nông dân tiết kiệm được chi phí tiền điện đáng kể mỗi tháng, đồng thời giảm thiểu ô nhiễm môi trường, nhưng vẫn tồn tại những thách thức.
Lợi ích lâu dài
Trong bối cảnh năng lượng tái tạo ngày càng được chú trọng, việc áp dụng năng lượng mặt trời trong sản xuất nông nghiệp tại tỉnh Kiên Giang đã giúp nhiều nông dân thu được lợi ích kép khi tiết kiệm được chi phí tiền điện đáng kể mỗi tháng, đồng thời giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong hoạt động chăn nuôi và trồng trọt.
Năm 2020, bà Danh Thị Huôl, dân tộc Khmer ở xã Minh Hòa, huyện Châu Thành (Kiên Giang) quyết định đầu tư gần 100 triệu đồng để lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời cho trang trại của gia đình.
Trang trại của gia đình bà Huôl chăn nuôi theo hình thức bán công nghiệp với quy mô 50 con lợn thịt, 8 con lợn nái; riêng chuồng gà thường thả nuôi từ 1.000 đến 1.500 con/vụ. Sáu tấm pin mặt trời với công suất 3 kWp được lắp đặt trên mái của khu vực chuồng nuôi, cung cấp đủ điện cho cả trại sử dụng mỗi ngày.
“Cả nuôi lợn và gà tôi đều cần nguồn điện để vệ sinh chuồng trại và sưởi ấm. Trước đây khi lắp điện năng lượng mặt trời, mỗi tháng tôi đóng tiền điện từ 2,2 triệu - 2,5 triệu đồng. Còn nếu như ở mức giá điện mới tăng lên như hiện tại, tiền điện gia đình tôi chắc hơn 3 triệu đồng/tháng”, bà Huôl chia sẻ.
Theo bà Huôl, bỏ ra số tiền cả trăm triệu đồng để lắp điện mặt trời thời điểm cách đây 4 năm không phải là số tiền nhỏ với gia đình. Tuy nhiên, nhận thấy lợi ích lâu dài khi các tấm pin có thể sử dụng được tới 15 năm, qua đó tiết kiệm được số tiền lớn đồng thời có thêm các lợi ích khác nên không ngần ngại thực hiện. “Ngoài giảm tiền điện hàng tháng, mình lắp đặt các tấm pin trên mái trang trại còn góp phần giảm độ nắng nóng, bảo vệ sức khỏe đàn vật nuôi”, bà Huôl nói.
Cũng nhìn thấy lợi ích mà điện mặt trời mang lại, anh Nguyễn Trần Văn Hưng ở huyện Giồng Riềng (Kiên Giang) đã lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời phục vụ cho tưới tự động vườn sầu riêng trồng xen canh ổi và một số loại rau màu trên diện tích 6.000 m2. Người nông dân này cho biết, chi phí lắp đặt hệ thống năng lượng điện mặt trời công suất 6 kWp với 12 tấm pin với hệ thống vòi tưới phun tự động vào đầu năm 2021 với chi phí hơn 170 triệu đồng.
“Trước đây tài chính gia đình cũng eo hẹp nên tôi phải vay ngân hàng thương mại 100 triệu đồng với lãi suất hơn 6%/năm để đầu tư hệ thống điện năng lượng mặt trời và tưới phun tự động. Trong suốt hơn 2 năm qua, nguồn điện sử dụng rất tốt, giúp vườn cây phát triển tươi tốt”, anh Hưng nói.
Theo bà Huỳnh Thị Ngọc Kiều, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Giồng Riềng, đến nay, trên địa bàn huyện có khoảng 200 hội viên nông dân sử đụng điện năng lượng mặt trời trong sản xuất nông nghiệp; trong đó, tập trung chủ yếu ở các hộ nuôi lợn, nuôi gà, nuôi lươn theo quy mô gia trại và một số nhà vườn đầu tư để tưới tiêu.
Qua quá trình sử dụng của người dân, bà Kiều nhận thấy các hộ dân sử dụng điện mặt trời cho để trồng trọt, chăn nuôi đều giúp tiết kiệm tiền điện mỗi tháng vài triệu đồng. Tuy nhiên không phải gia đình nào cũng có điều kiện đầu tư do chi phí ban đầu khá lớn.
Kiên Giang là tỉnh có nhiều tiềm năng để phát triển năng lượng tái tạo, nằm trong vùng có số giờ nắng cao từ 2.200-2.500 giờ/năm; bình quân từ 1.733-1.846 giờ nắng/năm, cường độ bức xạ trung bình từ 4,74-5,05 kWh/m²/ngày, được xem là lý tưởng để phát triển điện mặt trời.
Theo mục tiêu đến năm 2025, tỉnh khuyến khích phát triển các nguồn năng lượng tái tạo; trong đó, tỷ lệ các nguồn năng lượng tái tạo trong tổng cung năng lượng sơ cấp đạt 15% vào năm 2030 và đạt 25% vào năm 2045.
Để đạt được mục tiêu nói trên, Kiên Giang sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, các nhà đầu tư triển khai các dự án điện, phát triển năng lượng; trong đó, khuyến khích các tổ chức, cá nhân sử dụng năng lượng mặt trời và năng lượng gió để phát điện; tổ chức tuyên truyền vận động người dân dân hạn chế sử dụng than trong sinh hoạt, các đơn vị sản xuất kinh doanh chuyển đổi nhiên liệu than trong các khâu sản xuất sang sử dụng nhiên liệu sạch, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường; khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển hệ thống giao thông vận tải tiết kiệm năng lượng, sử dụng năng lượng sạch, thân thiện môi trường…
Các giải pháp này được kỳ vọng sẽ giúp Kiên Giang giảm phát thải khí nhà kính từ hoạt động năng lượng so với kịch bản phát triển ở mức bình thường 15% vào năm 2030 lên 20% vào năm 2045.
Cần thêm ưu đãi để người dân dễ tiếp cận năng lượng sạch
Mặc dù việc sử dụng năng lượng mặt trời đã giúp các hộ nông dân tiết kiệm được chi phí tiền điện đáng kể mỗi tháng, đồng thời giảm thiểu ô nhiễm môi trường, nhưng vẫn tồn tại những thách thức.
Chi phí ban đầu để lắp đặt các hệ thống này không hề nhỏ, khiến nhiều gia đình nông dân gặp khó khăn trong việc tiếp cận. Đây là vấn đề cần được quan tâm, không chỉ từ phía các cơ quan chức năng mà còn cả từ các tổ chức tài trợ và ngân hàng, để thúc đẩy sự phát triển bền vững của năng lượng tái tạo trong nông nghiệp.
Gần 3 năm nay, hệ thống điện mặt trời đã giúp vườn sầu riêng của anh Nguyễn Trần Văn Hưng (huyện Giồng Riềng, Kiên Giang) phát triển tốt, đồng thời tiết kiệm một khoản tiền điện không nhỏ. “Nhưng tôi cũng ngán khoản tiền lãi đóng cho ngân hàng khi vay để lắp đặt nó”, anh Hưng nói và mong muốn nhà nước có chính sách cho vay vốn lãi suất ưu đãi cho những hộ dân đầu điện năng lượng mặt trời vào sản xuất nông nghiệp để tiết kiệm chi phí, vừa góp phần ổn định nguồn điện lưới quốc gia về dài lâu.
Chủ tịch Hội Nông dân huyện Giồng Riềng Huỳnh Thị Ngọc Kiều cho rằng, nếu muốn phát triển nguồn năng lượng này thì cần có chính sách hỗ trợ vay vốn sản xuất nông nghiệp thông qua hình thức ủy thác giữa ngân hàng và các cơ quan, đơn vị để người dân dễ dàng tiếp cận hơn.
Là một trong trong những doanh nghiệp đầu tiên mang điện mặt trời về Kiên Giang, ông Phan Khắc Trưởng, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Trưởng Đại Thành (thành phố Rạch Giá) cho biết, thời điểm công ty lắp điện năng lượng mặt trời mái nhà, cũng như lắp độc lập ngoài nhà xưởng để phục vụ sản xuất nông nghiệp là vào năm 2017.
Do lúc đó lĩnh vực điện năng lượng mặt trời còn mới lạ, trong khi chi phí lắp đặt trước đây khá cao nên đa số các chủ hộ đều băn khoăn, lo lắng về hiệu quả của việc đầu tư. Cùng đó, công ty phải tốn nhiều thời gian đến thực tế tìm hiểu, nghiên cứu từng mô hình sản xuất để có phương án đầu tư hệ thống thiết bị cho đồng bộ, vừa đảm bảo hiệu quả vừa tiết kiệm chi phí cho khách hàng.
“Ví dụ hộ dân lắp điện sinh hoạt gia đình, vừa phục vụ chăn nuôi gia trại và ngoài ra cũng nắm được những dự tính trong tương lai họ còn áp dụng mô hình nào nữa…để đầu tư phù hợp cho người dân”, anh Trưởng chia sẻ.
Tính đến nay, Công ty Trưởng Đại Thành đã lắp đặt điện năng lượng mặt trời và hệ thống máy móc, thiết bị đi kèm phục vụ sản xuất nông nghiệp cho hơn 100 khách hàng ở Kiên Giang và một số địa phương ở tỉnh Cà Mau, An Giang; trong đó, chủ yếu là đầu tư để chăn nuôi gà, lợn, chồn hương; hệ thống tưới phun tự động trên các vườn cây ăn trái; hệ thống bơm tát nước phục vụ nuôi tôm, trồng lúa…
“Mặc dù việc đầu tư điện năng lượng mặt trời trong sản xuất nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế, góp phần bảo vệ môi trường, tuy nhiên do chi phí đầu tư ban đầu khá cao nên nhiều người không đủ khả năng tài chính để lắp đặt hệ thống điện này. Tôi nghĩ, để phát triển lĩnh vực điện năng lượng mặt trời trong sản xuất nông nghiệp, nhà nước cần có chính sách hỗ trợ vay vốn trả dần với lãi suất ưu đãi”, ông Phan Khắc Trưởng nêu quan điểm.
Ông Trưởng cũng tiết lộ hiện nay nguồn thu từ kinh doanh năng lượng mặt trời mỗi năm lên tới hàng chục tỷ đồng, chiếm đến 60% doanh thu của công ty, dù ban đầu đây không phải là lĩnh vực chính của doanh nghiệp.
Ông Lê Văn Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Kiên Giang đánh giá, kết hợp điện năng lượng mặt trời với sản xuất nông nghiệp có ý nghĩa rất tốt đẹp. Tuy nhiên, để sử dụng hiệu quả thì đầu tiên phải tính được bài toán kinh tế cho người nông dân, để họ thấy được khi sử dụng nguồn năng lượng này sẽ có lợi cho túi tiền của họ.
“Phải cho người dân thấy được khi sử dụng năng lượng mặt trời thì sẽ tiết kiệm được bao nhiêu tiền mỗi tháng, 20%, 30% hay 40%, phải có con số cụ thể. Đó là điều quan trọng nhất”.
“Kế đến, sử dụng năng lượng mặt trời thì sẽ giảm ô nhiễm môi trường, từ đó giúp giảm các rủi ro cho người dân trong quá trình chăn nuôi, trồng trọt. Khi môi trường tốt hơn thì dịch bệnh sẽ ít xuất hiện, sản xuất ổn định hơn. Đời sống người dân được đảm bảo, xã hội sẽ tốt đẹp hơn. Đây là những lợi ích mà nếu như tiếp tục sử dụng các nguồn năng lượng hóa thạch sẽ không bao giờ có được” ông Dũng nói.
Nguồn trích dẫn
- Bài viết được trích dẫn từ: Báo Bnews
- Được viết bởi: Thanh Liêm – Văn Sĩ (TTXVN)
Xem bài viết gốc ở link bên dưới...