Ở Việt Nam, trà là thức uống phổ biến, từ các dòng trà bình dân đến thượng hạng như trà xanh, trà đen, trà ô long, trà trắng ( bạch trà), trà Shan Tuyết...
Định nghĩa về trà
Trà là một thức uống phổ biến trên thế giới, được làm từ lá của cây trà (Camellia sinensis), một loại cây thân gỗ mọc ở các vùng nhiệt đới. Trà có nhiều loại khác nhau, tùy thuộc vào cách chế biến, mà trà có màu sắc, hương vị và công dụng khác nhau. Trà có thể uống nóng hoặc lạnh, và có thể kết hợp với các nguyên liệu khác như đường, sữa, trân châu hay bánh ngọt để tạo nhiều thức uống ngon miệng. Trà cũng có nhiều lợi ích cho sức khỏe, như giảm stress, chống oxy hóa, bảo vệ tim mạch và tiêu hóa.
Có nhiều loại trà như trà đen, trà trắng, trà ô long, trà xanh, trà Shan Tuyết....
Top 5 loại trà nổi tiếng và ngon nhất ở Việt Nam
Ở Việt Nam, trà được nhiều người ưa chuộng và sử dụng như một thói quen lành mạnh, dưới đây là những loại trà chất lượng cao ở Việt Nam:
Bạch trà
Bạch trà cũng là loại trà được chế biến từ cây cổ thụ, với nguyên liệu chủ yếu là được lựa chọn từ những búp trà non, chất lượng. Trà sẽ được làm héo vừa đủ, lúc này lá trà khô thẳng và đã có một màu trắng bạc nên được gọi là bạch trà.
Trước đây, bạch trà không được biết đến nhiều ở Việt Nam, khi lá trà cổ thụ thường được dùng để chế biến thành trà xanh hơn là bạch trà.
Tuy nhiên, nhiều năm lại đây, những nghệ nhân giàu kinh nghiện chế biến trà đã sáng tạo và tận dụng nguồn nguyên liệu hiện có, để sản xuất ra nhiều loại bạch trà khác nhau, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, một số loại như bạch trà Tước Thiệt, trà móng rồng.
Bạch trà có hương vị nhẹ nhàng, ngọt và có hương hoa, vị đắng chát nhẹ, dễ uống.
Trà ô long
Trà ô long, một loại trà mới Việt Nam được canh tác với diện tích lớn trong vài chục năm gần đây, trà đang thu hút sự quan tâm và được nhiều người ưa chuộng.
Nói đến trà ô long, không thể không nhắc đến Lâm Đồng, được biết đến là vùng canh tác trà ô long lớn nhất và có chất lượng tốt nhất ở Việt Nam hiện nay. Những thương hiệu trà lâu đời như Cầu Đất và B’lao (ở Bảo Lộc - Lâm Đồng), cây trà đã được trồng ở đây từ năm 1927 tại Cầu Đất, sau đó mở rộng sang Di Linh và Bảo Lộc trong vài năm sau đó.
Tỉnh Lâm Đồng, là một nơi có nhiều loại trà, trong đó nổi tiếng như trà xanh, các loại trà ướp hương và cà phê. Ở đây bắt đầu trồng và chế biến trà ô long từ những năm 1990, khi doanh nghiệp Đài Loan xuất hiện. Các doanh nghiệp Việt Nam cũng đã tham gia và nhanh chóng chiếm thị phần, biến Lâm Đồng thành vùng trà ô long lớn nhất nước.
Các loại trà ô long Việt Nam có chất lượng rất cao và được ưa chuộng, thậm chí không thua kém gì với một số loại trà ô long tốt của Đài Loan. Một sự kiện thực tế vào năm 2017 khiến cho thế giới thán phục của trà ô long Việt Nam, khi một nông dân Đài Loan, mang trà ô long đi thi đấu, sau đó bị phát hiện là đã dùng trộn trà ô long Việt Nam với trà Đài Loan, và sau đó giành giải bạc trong cuộc thi, là minh chứng cho chất lượng xuất sắc của trà ô long Việt Nam. Trà ô long của Việt Nam cũng được xuất khẩu và ưa chuộng trên nhiều quốc gia trên thế giới.
Các giống trà ô long nổi tiếng của Việt Nam như trà ô long Tứ Quý, trà ô long Kim Huyên, trà ô long Thuý Ngọc, trà ô long Thanh Tâm và một số giống trà khác. Bên cạnh đó, qua tay những nghệ nhân làm trà Việt, họ đã làm ra nhiều dòng trà khác như trà Thiết Quan Âm, trà Động Đình, trà Đông Phương Mỹ Nhân...
Ngoài ra, vùng núi cao Tây Bắc nước ta có một loại trà quý, giàu dinh dưỡng đó chính là trà trà Shan Tuyết.
Trà xanh
Người Việt Nam, giống như những nước ở vùng Đông Á khác, có niềm đam mê lớn với trà xanh. Đó cũng là lý do Việt Nam nổi tiếng với nhiều loại trà xanh cao cấp.
Trà xanh Thái Nguyên
Trà xanh Thái Nguyên - Đặc sản trà đỉnh cao, "đệ nhất danh trà" của Việt Nam
Thái Nguyên, một tỉnh ở phía bắc nước ta, tự hào là vùng trà nổi tiếng. Khí hậu và thổ nhưỡng tại đây đặc biệt phù hợp cho cây trà sinh trưởng và phát triển, tạo ra chất lượng trà xanh cực kỳ cao.
Trà xanh Thái Nguyên nổi tiếng với hương cốm đặc trưng, vị đậm, ngậy béo, và hậu vị ngọt kéo dài. Sự ngon ngọt và vị umami của nó làm cho nó trở thành một loại trà phổ biến và được ưa chuộng nhất.Còn được biết đến với các tên gọi khác như trà Bắc Thái hoặc Chè Thái Nguyên, vùng này trở nên nổi tiếng với cây trà độc đáo và chất lượng.
Lịch sử và uy tín:
- Trái ngược với một số tỉnh có lịch sử trồng trà lâu dài, Thái Nguyên chỉ vào khoảng đầu thế kỷ 20 mới bắt đầu trồng cây trà. Cây giống mới được đưa về và canh tác tại xã Tân Cương.
- Sự kết hợp của khí hậu và thổ nhưỡng đã khiến cho cây trà phát triển rất tốt ở Thái Nguyên, nhanh chóng tạo ra những sản phẩm trà xanh độc đáo và chất lượng cao. Dần dần, Thái Nguyên trở thành một trong những địa điểm nổi tiếng sản xuất trà xanh ở Việt Nam. Ngoài trà xanh ra thì Thái Nguyên còn nổi tiếng với nhiều loại trà khác như trà móc câu, trà đinh, trà nõn tôm....
Trà xanh Shan Tuyết
Trà xanh Shan Tuyết là dòng trà xanh được chế biến từ lá của cây trà cổ thụ. Những gốc trà cổ thụ sống lâu năm, có những gốc sống tới hàng trăm năm tuổi, thân cây lớn, tán lá rộng và có nhiều nhánh.
Cây trà cổ thụ một số nơi gọi nó là Đại Diệp trà hay loại trà lá to. Do đó, cánh trà cổ thụ thường có kích thước to hơn so với loại trà được canh tác ở vườn. Cây trà thường sinh trưởng ở vùng nùi cao khoảng 1 300 m - 2 500m so với mực nước biển ( tùy khu vực). Ở đây khí hậu lạnh, quanh năm được mây mù bao phủ. Trà có cánh trà lớn, mập mạp, được phủ bởi một lớp lông tơ mịn, có màu trắng muốt như tuyết. Do đó, loại trà này được gọi là Shan Tuyết. Shan là núi cao.
Thưởng thức trà Shan Tuyết là một thú vui tao nhã của đấng mày râu Việt vào khoảng thế kỷ 19 và thế kỷ 20.
Nhưng sau đó Mạn Hảo bị chuyển sang thuộc Vân Nam (Trung Quốc) vào thời Pháp thuộc. Thế nhưng Việt Nam vẫn còn nhiều rừng trà cổ thụ có chất lượng rất cao.
Trà Shan Tuyết phát triển mạnh và phân bố nhiều nhất ở Hà Giang, ngoài ra còn có Sơn La, Cao Bằng, Lào Cai, Yên Bái, Điện Biên,…
Tuy đều là trà cây cổ thụ, nhưng trà Shan Tuyết ở mỗi khu vực sẽ có hình dáng và hương vị đặc trưng riêng, sự khác biệt này một phần là do khí hậu, điều kiện thổ nhưỡng, ....đồng thời còn do cách chăm sóc, phương pháp chế biến và kỹ thuật sản xuất trà của người dân bản địa.
Hồng trà
Việt Nam nổi tiếng với trà xanh và các loại trà ướp hương, trong khi trà đen và hồng trà không phổ biến bằng. Phần lớn các loại trà đen được chế biến tại Việt Nam đều dành cho xuất khẩu, đặc biệt là hướng tới các thị trường như Trung Đông, Châu Phi và Châu Âu - nơi có sự yêu thích đặc biệt về trà đen.
Trong số những loại hồng trà xuất sắc nhất của Việt Nam đến từ các vùng trà Shan Tuyết cổ thụ nổi tiếng. Trà cổ thụ không chỉ tạo nên hương vị đặc trưng của trà xanh mà còn được sử dụng để sản xuất nhiều loại trà khác, như bạch trà, hồng trà, hoàng trà...
Hồng trà cổ thụ có mùi thơm tinh tế, bạn sẽ cảm nhận được trà có mùi thơm dịu nhẹ của mạch nha và trái cây khô, với vị ngọt dịu, dễ uống và phù hợp với nhiều đối tượng. Các doanh nghiêp chế biến trà ở Lâm Đồng cũng đã sáng tạo ra nhiều loại hồng trà từ nguyên liệu có sẵn, ví dụ như hồng trà Tứ Quý hay hồng trà Ruby.
Trà Phổ Nhĩ
Trà Phổ Nhĩ, xuất phát từ Phổ Nhĩ thuộc tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, là một loại trà được làm từ cây trà cổ thụ. Tên gọi "Phổ Nhĩ" có nguồn gốc từ thị trấn này, nơi mà các thương nhân trà các vùng thường tập trung lại trước khi đi đến các khu vực như Tây Tạng hoặc di chuyển đến các vùng phía Bắc khác của Trung Quốc. Do đó, các loại trà được mang đi bán thường được gọi chung là trà Phổ Nhĩ.
Ngày xưa chưa có máy móc hay thiết bị hỗ trợ, nên vận chuyển trà chủ yếu là bằng sức người và lừa, nên cần nhiều thời gian, để bảo quản trà người ta đã ép trà Phổ Nhĩ thành các bánh trà và duy trì phong cách này đến ngày nay.
Trà Phổ Nhĩ có điểm tương đồng với trà xanh hay trà Shan Tuyết. Tuy nhiên, điểm độc đáo của nó là quá trình "diệt men một phần", vẫn giữ lại một phần men. Điều này giúp trà dễ dàng chuyển hoá khi lưu trữ trong thời gian dài, làm cho trà trở nên ngon và có giá trị hơn. Trà Phổ Nhĩ sống là trà được sản xuất mà không được ủ lên men. Trà Phổ Nhĩ chín là loại trà được sản xuất qua quá trình ủ lên men. Thông thường trà sẽ được ủ lên men và chín hoàn toàn sau khoảng 45 - 60 ngày. Giai đoạn làm trà chín là chỉ tính theo ngày còn trà Phổ Nhĩ sống thì mất hàng chục năm để lên men.
Ở Việt Nam, Hà Giang và Yên Bái là 2 tỉnh sản xuất trà Phổ Nhĩ nhiều nhất. Đặc biệt, Hà Giang là địa điểm nổi tiếng về trà Shan Tuyết, cũng là nơi có nhiều doanh nghiệp chế biến trà Phổ Nhĩ, không chỉ cung cấp trong nước mà còn xuất khẩu đến nhiều quốc gia khác.