Chương trình Tăng cường năng lực quản lý đất đai và môi trường (SEMLA) nằm trong khuôn khổ hiệp định giữa chính phủ hai nước Việt Nam và Thụy Điển. Qua 2 năm thực hiện, chương trình đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của ngành Tài nguyên và Môi trường Phú Yên.
Tại Phú Yên, Chương trình SEMLA được thực hiện từ đầu năm 2007. Sở Tài nguyên – Môi trường cùng các sở, ngành và địa phương liên quan đã thành lập 3 nhóm chuyên đề về đất đai, môi trường, nâng cao năng lực cán bộ và nhận thức cộng đồng, để triển khai thực hiện 8 nội dung với 45 hoạt động. Đến cuối tháng 3/2009, Chương trình SEMLA Phú Yên đã hoàn thành 35 hoạt động, 10 hoạt động còn lại đang gấp rút hoàn thành để đảm bảo tiến độ chương trình vào tháng 6 năm nay.
Về xây dựng văn bản pháp quy: Đã rà soát, chỉnh sửa bổ sung Chiến lược Bảo vệ môi trường (BVMT) tỉnh Phú Yên ban hành từ năm 2001 thành Chiến lược BVMT tỉnh Phú Yên đến năm 2015 và định phướng đến năm 2025; lập quy hoạch quản lý chất thải rắn và quy hoạch hệ thống nghĩa trang trên địa bàn tỉnh Phú Yên; xây dựng Chiến lược phát triển nguồn nhân lực ngành Tài nguyên – Môi trường đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020; xây dựng Chiến lược truyền thông và nâng cao nhận thức cộng đồng đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020.
Về xây dựng cơ sở dữ liệu: Hoàn thành các báo cáo tổng hợp và cơ sở dữ liệu về tài nguyên và môi trường các vùng đất ngập nước đầm Cù Mông, vịnh Xuân Đài và đầm Ô Loan; về danh mục hóa chất đang lưu hành và sử dụng trên địa bàn tỉnh, tình hình sản xuất kinh doanh và công nghệ sử dụng trong công tác BVMT của các doanh nghiệp; số hóa và chuyển hệ tọa độ được 410 tờ bản đồ từ HN72 sang VN2000, 51 sổ mục kê, 80 sổ địa chính, cấp 1039 giấy CNQSDĐ cho 13 xã tại huyện Tây Hòa, Sông Cầu và Tuy An. Trên cơ sở hỗ trợ của Chương trình SEMLA, Phú Yên triển khai thực hiện 2 mô hình mới về quản lý đất đai và môi trường ở cấp cơ sở. Đó là mô hình về xây dựng hương ước và cam kết BVMT thực hiện đầu tiên tại xã An Chấn, huyện Tuy An (người dân địa phương soạn thảo ra các điều khoản của hương ước và chính họ phải thực hiện nội dung do mình đưa ra) và mô hình về lập quy hoạch sử dụng đất chi tiết cấp xã có lồng ghép với yêu cầu BVMT tại xã Xuân Phương huyện Sông Cầu. Ở mô hình này, vai trò của người dân cũng không kém phần quan trọng trong quá trình đưa ra quyết định. Họ đã được tham gia triển lãm quy hoạch sử dụng đất và có ý kiến phản hồi cho chính quyền, đơn vị tư vấn nếu như chỉ tiêu sử dụng đất và vị trí quy hoạch cho từng loại đất chưa hợp lý, có thể tác động xấu đến môi trường.
Về tăng cường năng lực cho cán bộ ngành Tài nguyên – Môi trường từ cấp tỉnh đến cấp xã và một số sở, ngành có liên quan: Đã tổ chức 17 khóa đào tạo cho 691 lượt học viên, chủ yếu là cập nhật kiến thức và nâng cao kỹ năng xử lý các tình huống trong công tác quản lý Tài nguyên – Môi trường; nâng cao kỹ năng thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và đăng ký cam kết BVMT; bồi dưỡng, nâng cao trình độ quản lý cho các cấp lãnh đạo; bồi dưỡng, nâng cao trình độ tiếng Anh cho cán bộ Sở Tài nguyên – Môi trường; tập huấn, chuyển giao phần mềm Vilis, Elis cho cán bộ ngành Tài nguyên – Môi trường từ cấp tỉnh đến cấp xã; bồi dưỡng kỹ năng đăng ký đất đai và giao tiếp khách hàng cho cán bộ Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất cấp tỉnh, cấp huyện… Ngoài ra, chương trình còn hỗ trợ trang thiết bị, phần mềm quản lý cho các địa phương tham gia để phục vụ các hoạt động của chương trình và công tác quản lý nhà nước ở cấp cơ sở.
Về nâng cao nhận thức cộng đồng: Chương trình đã biên soạn và phát hành 46.000 tờ rơi tuyên truyền về giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, bảo vệ môi trường, rác thải sinh hoạt, nuôi trồng thủy sản, rừng ngập mặn. Phối hợp với Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Phú Yên, Báo Phú Yên và Đài Phát thanh Phú Yên xây dựng chương trình tuyên truyền về tài nguyên và môi trường. Lồng ghép với việc xây dựng hương ước BVMT tại xã An Chấn, chương trình tổ chức thi vẽ tranh, đố vui, biểu diễn văn nghệ tuyên truyền về BVMT và rác thải sinh hoạt… Ngoài ra, chương trình đã thiết lập và tổ chức tập huấn cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên của 109 xã, phường, thị trấn; cấp huyện và cấp tỉnh.
Tuy vậy, so với yêu cầu đề ra, việc thực hiện của một số hoạt động còn chậm do trong quá trình triển khai, Chương trình SEMLA Phú Yên gặp không ít khó khăn vì nguồn lực của ngành Tài nguyên – Môi trường còn hạn chế. Năng lực, chuyên môn nghiệp vụ của một số cán bộ địa chính cấp xã và cấp huyện còn hạn chế, đặc biệt là về lĩnh vực môi trường, tài nguyên nước, khoáng sản, do đó gặp khó khăn trong quá trình thực hiện các hoạt động liên quan đến địa phương. Công tác tổ chức thực hiện của các nhóm chuyên đề còn hạn chế, việc xây dựng đề cương, phương án kỹ thuật của các hoạt động mất quá nhiều thời gian. Trong khi đó, nhận thức cộng đồng về quyền và lợi ích khi được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũng như vai trò của họ đối với công tác quản lý tài nguyên thiên nhiên và BVMT còn thấp. Do đó, việc vận động người dân tham gia vào một số hoạt động liên quan đến cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và BVMT còn gặp nhiều khó khăn.