Hoạt động san lấp, lấn biển để xây dựng khu nghỉ dưỡng, nhà hàng… đã trực tiếp làm suy thoái, phá hủy các hệ sinh thái biển tại nhiều khu vực ven biển, ven đảo ở thành phố Phú Quốc (Kiên Giang).
Kiến Nghị Tăng Cường Kiểm Soát Khu Bảo Tồn Biển Phú Quốc
Theo Vườn quốc gia Phú Quốc (Kiên Giang), hiện nay việc quản lý Khu bảo tồn biển Phú Quốc còn bất cập, hạn chế và đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, cần tăng cường này hiệu quả hơn để bảo vệ tốt các hệ sinh thái biển, ven biển và hải đảo, góp phần phát triển bền vững kinh tế biển trên địa bàn tỉnh.
Ông Nguyễn Văn Tiệp, Giám đốc Vườn quốc gia Phú Quốc, cho biết tình trạng ô nhiễm môi trường, hoạt động san lấp, lấn biển để xây dựng các khu nghỉ dưỡng, nhà hàng, khách sạn, cầu dẫn, âu tàu diễn biến hết sức phức tạp tại các khu vực ven biển, ven đảo trên địa bàn các xã Bãi Thơm, Hàm Ninh, Dương Tơ và phường An Thới (thành phố Phú Quốc) đã trực tiếp làm suy thoái, phá hủy các hệ sinh thái biển.
Mặt khác, tình trạng phát triển du lịch biển tự phát không theo quy hoạch, không gắn với bảo vệ môi trường, bảo tồn giá trị hệ sinh thái đất ngập nước ven biển, ven đảo, làm mất nơi sinh sống của các loài sinh vật biển.
Cùng với đó là, tình trạng sử dụng hóa chất độc, chất nổ, xung điện, phương tiện, ngư cụ khai thác có tính hủy diệt để khai thác thủy sản vẫn còn diễn ra, vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo tồn biển chưa được giải quyết triệt để, các quy định về xử phạt của các cơ quan chức năng chưa đủ sức răn đe.
Ngoài ra, nguồn lực và kinh phí đầu tư cho Vườn quốc gia quản lý Khu bảo tồn biển Phú Quốc còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ thực tế; một số địa phương trên địa bàn chưa chú trọng bảo tồn biển.
Trước tình trạng phức tạp này, Vườn quốc gia Phú Quốc kiến nghị tỉnh chỉ đạo ngành chức năng bố trí lực lượng kiểm ngư tăng cường tuần tra, kiểm soát, thực thi pháp luật thủy sản và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong Khu bảo tồn biển Phú Quốc.
Ngành chức năng kiểm tra, xử lý các cơ sở nuôi trồng, mua bán, chế biến thủy sản, các cửa hàng kinh doanh đồ thủ công mỹ nghệ có nguồn gốc thủy sản nguy cấp, quý hiếm bị nghiêm cấm khai thác đánh bắt.
Tiếp đến, các ngành chức năng hữu quan tăng cường kiểm tra, xác minh, xử lý các hành vi vi phạm trong khai thác khoáng sản như bơm cát, san lấp, khai thác đá… phá vỡ cảnh quan, môi trường, di tích thắng cảnh Khu bảo tồn biển Phú Quốc.
Ngành chức năng rà soát, đánh giá tác động của các dự án có liên quan đến Khu bảo tồn biển, nhất là các dự án phát triển du lịch, khu nghỉ dưỡng, khu đô thị lấn biển, khu đô thị ven biển được cấp có thẩm quyền phê duyệt hoặc hoạt động không đúng theo quy hoạch từ trước đến nay để có giải pháp xử lý.
Bên cạnh đó, Vườn quốc gia Phú Quốc kiến nghị tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng xử lý các phương tiện tổ chức du lịch, khai thác san hô, cỏ biển, khai thác và nuôi trồng thủy sản trái phép trong Khu bảo tồn biển Phú Quốc.
Thành phố Phú Quốc kiểm tra, xử lý các công trình xây dựng trái phép trên biển, đảo, ven biển; bao chiếm, lấn chiếm đất rừng trên các cụm đảo, lấn chiếm hành lang bảo vệ bờ biển; hoạt động đưa khách tham quan du lịch, thả phao, nuôi trồng, khai thác thủy sản trái phép trong Khu bảo tồn biển Phú Quốc.
Giải quyết các vấn đề này, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Kiên Giang Lê Quốc Anh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Quản lý khu kinh tế Phú Quốc, Công an tỉnh, Bộ đội Biên phòng tỉnh và thành phố Phú Quốc triển khai các giải pháp cấp bách, kiểm tra, xử lý vi phạm và ngăn chặn xâm hại, góp phần quản lý, bảo vệ nghiêm ngặt Khu bảo tồn biển Phú Quốc.
Khu bảo tồn biển Phú Quốc tổng diện tích hơn 40.909ha thuộc Vườn quốc gia Phú Quốc, gồm 3 phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, phục hồi sinh thái, dịch vụ-hành chính. Ngoài ra, còn thiết lập vùng đệm để hạn chế các tác động trực tiếp của các hoạt động kinh tế-xã hội từ bên ngoài vào vùng bảo tồn san hô và thảm cỏ biển trong khu bảo tồn biển.
Khu bảo tồn biển Phú Quốc nhằm phục hồi sinh cư (san hô) và các nhóm nguồn lợi quan trọng trong các hệ sinh thái (bàn mai, bào ngư, hải sâm cát, ốc đụn, cá ngựa…), góp phần gia tăng quần đàn sinh sản, tăng sinh khối và khả năng bổ sung tự nhiên, tăng sản lượng khai thác bằng phương thức nuôi tự nhiên thân thiện với môi trường; phục hồi hệ sinh thái, tái tạo nguồn lợi thủy sản cho ngư trường; tạo những sản phẩm mới cho du lịch, quan trắc tài nguyên và môi trường./.
--------------------------------------------------------------
Theo TTXVN
Đăng ngày: 19/01/2022