Cách khen trẻ mầm non đúng đắn sẽ mang lại nhiều niềm vui và là chất xúc tác cho nhiều hoạt động của trẻ.
Nhưng cần biết cách khen để giúp trẻ tự tin và phát triển một cách tốt nhất
1. Cách khen trẻ mầm non như thế nào là phù hợp?
Khen đúng lúc
Một lời khen đúng lúc, đúng thời điểm sẽ có tác động tích cực đến trẻ. Khi trẻ đang làm bài tập mà gặp bài khó, chán chường thì những lời khuyến khích như: “Cố gắng suy nghĩ, mẹ tin con có thể làm được mà” sẽ giúp trẻ thêm động lực để tiếp tục làm bài.
Khen đúng việc
Đứa trẻ nào cũng muốn được khen ngợi nhưng không phải bất kỳ việc gì cũng nên khen. Khen quá thường xuyên với những việc lặp đi lặp lại hằng ngày gây ra nhàm chán. Ba mẹ không nên khen ngợi tùy tiện vì nghĩ lời khen có lợi.
Lời khen không nên miễn cưỡng, việc khen quá nhiều cũng có thể khiến trẻ cảm thấy hoàn hảo rồi và không cố gắng nữa. Ví dụ trẻ chơi phóng phi tiêu được nhưng chưa trúng tâm, thì thay vì khen: “Con giỏi quá”, ba mẹ động viên kiểu: “Mẹ thấy con sắp làm được rồi, cố gắng phóng lại và ngắm cho kỹ hơn nào”, sẽ hiệu quả hơn.
Khen đúng nơi, đúng chỗ
Việc khen trẻ thường xuyên ở nơi công cộng dễ khiến trẻ có suy nghĩ "mình là nhất", trở nên thiếu hòa đồng với các bạn, dần dần bị cô lập. Ba mẹ không nên khen kiểu so sánh con với bạn khác khi đang có mặt các bạn ở đó. Vì trẻ sẽ có tư tưởng hơn thua, khó mà tiến bộ. Cách khen trẻ mầm non cần khéo léo, tránh để trẻ tự ti hoặc tự cao.
Tránh khen ngợi so sánh
Cách khen trẻ mầm non bằng sự so sánh tuy sẽ giúp trẻ đốt lên ngọn lửa động lực ngay lập tức nhưng về lâu dài thì không tốt và không hiệu quả. Trẻ sẽ trở nên háo thắng, ganh đua thắng thua lặp đi lặp lại. Nếu chiến thắng người khác là nguồn động lực thì động lực sẽ mất và chán nản khi thua cuộc.
Nếu có so sánh ba mẹ nên so sánh trẻ với chính trẻ ở quá khứ. Ví dụ: “Một tháng trước, con mới đọc được bảng chữ cái mà nay đã đọc thuộc được cả thơ rồi, con mẹ tiến bộ quá”.
2. Lời khen ba mẹ nên dành cho con
"Con đã rất cố gắng"
Những nỗ lực là điều đáng được ca ngợi. Kết quả có thành công hay không còn phụ thuộc nhiều yếu tố nhưng miễn bé có cố gắng, ba mẹ cần khen ngợi bé. Bé sẽ hiểu và tận hưởng niềm vui của quá trình, hiểu hoàn thành hơn hoàn hảo, hiểu sự nỗ lực chắc chắn sẽ được đền đáp theo một cách nào đó.
"Mặc dù việc này rất khó, nhưng con đã không bỏ cuộc"
Sự kiên nhẫn, không bỏ cuộc, kiên trì bắt đầu lại sau nhiều lần thất bại là những đức tính đáng khen ngợi. Đây là cách khen trẻ mầm non khi trẻ làm những việc mà rất khó khăn nhưng vẫn nhiều lần cố gắng thử lại.
"Thái độ của con đặc biệt tốt"
Đôi khi ba mẹ không biết khen gì thì khen thái độ của trẻ khi trẻ đang tích cực với hoạt động nào đó cũng là một cách khen trẻ mầm non hay. Việc ghi nhận thái độ của trẻ sẽ giúp trẻ vui, cảm thấy được công nhận và cố gắng hơn.
"Con đã tiến bộ rất nhiều"
Đây là câu nói thể hiện sự ghi nhận công sức của trẻ. Những cải thiện dù nhỏ cũng cần được khen vì đó là sự nỗ lực. Ví dụ trẻ bê ly nước lần này đổ ra ngoài ít hơn thì có thể khen: “Mẹ biết việc không làm đổ nước ra ngoài còn khó khăn với con nhưng con đã tiến bộ vì lần này chỉ đổ tí xíu thôi, rồi con sẽ làm được”.