
Trà xanh là một thức uống lành mạnh, tuy nhiên bạn không nên uống thuốc bằng nước trà, vì nó có thể làm giảm hiệu quả của thuốc, thậm chí gây ra những tác dụng phụ không mong muốn.
Trà có những chất gì?

Trà chứa nhiều hợp chất có lợi, nổi bật nhất là polyphenol là một chất chống oxy hóa mạnh mẽ. Polyphenol là từ khóa để gọi chung các chất phenolic và những dẫn xuất của nó, như flavanol (catechin), flavonoid, flavonol, anthocyanin và axit phenolic, trong đó catechin là chất quan trọng nhất, mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe.
Đặc biệt, trà xanh rất giàu tannin – một dạng polyphenol, cùng với caffeine và theophylline. Những chất này có khả năng kích thích hệ thần kinh, giúp tinh thần sảng khoái và tỉnh táo sau khi thưởng thức một tách trà cũng là do vậy.
Tuy nhiên, các hợp chất hòa tan trong trà có cấu trúc hóa học phức tạp. Khi kết hợp với thuốc (bao gồm cả Đông y và Tây y), những thành phần này có thể gây ra phản ứng hóa học, làm giảm hiệu quả của thuốc hoặc gây ra các phản ứng phụ khác. Vì vậy, tốt nhất bạn không nên uống trà với thuốc.
Tại sao không nên uống thuốc với trà?
Mặc dù trà xanh mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, nhưng khi kết hợp với một số loại thuốc, nó có thể gây phản ứng bất lợi hoặc làm giảm hiệu quả điều trị. Vì thế để đảm bảo an toàn và tác dụng của thuốc thì bạn không nên uống thuốc chung với trà.
Dưới đây là những nhóm thuốc không nên uống cùng trà xanh:
Thuốc điều trị rối loạn nhịp tim

Caffeine và theophylline có trong trà có thể làm cho nhịp tim tăng lên, gây thêm áp lực lên hệ tim. Điều này khiến các loại thuốc kiểm soát loạn nhịp tim không thể phát huy tối đa tác dụng, như vậy có thể gây ra những vấn đề nguy hiểm.
Thuốc nhóm alkaloid
Một số thuốc như berberin (trị bệnh lỵ) hoặc ephedrin (giảm ho) là những loại thuốc thuộc nhóm alkaloid. Khi kết hợp với trà, axit tannic sẽ tương tác tạo kết tủa với các alkaloid này, từ đó làm giảm tác dụng điều trị của thuốc.
Thuốc an thần

Caffeine trong trà tuy có hàm lượng không quá lớn, những nó bản chất vẫn là một chất kích thích nhẹ, có thể làm giảm công dụng của các thuốc an thần như diazepam hoặc phenobarbital. Nên nếu uống thuốc an thần, gây ngủ, thì bạn không nên dùng cùng trà.
Các chế phẩm enzyme sinh học
Những enzyme tiêu hóa như pepsin, pancreatin hay lactase, amylase là những chế phẩm có đặc tính không ổn định. Polyphenol trong trà có thể phản ứng với các enzyme sinh học này, khiến thuốc tiêu hóa hay men tiêu hóa này mất đi tác dụng vốn có.
Thuốc kháng sinh

Thành phần axit tannic trong trà xanh khi dùng chung với kháng sinh nhóm tetracycline (như minocycline, doxycycline) và macrolide (như spiramycin,...), sẽ gây ức chế khả năng kháng khuẩn của những loại thuốc này.
Ngoài ra, thuốc có thể cản trở quá trình chuyển hóa của theophylline có ở trà, khiến cho độc tính của hoạt chất này tăng lên, dẫn đến các triệu chứng như buồn nôn, và nhiều tác dụng phụ khác.
Thuốc chứa sắt, kẽm, canxi
Trà xanh có thể làm giảm khả năng hấp thu các khoáng chất thiết yếu như canxi, sắt, kẽm... do phản ứng giữa axit tannic và ion kim loại trong thuốc (như sắt sulfat, kẽm gluconate, canxi gluconate hoặc nhôm hydroxit...). Việc uống trà với các thuốc có chứa thành phần này có thể làm ảnh hưởng tới đường tiêu háo, gây ra các vấn đề như táo báo, đau bụng, đồng thời còn khiến cho thuốc bị giảm hiệu quả.
Các loại thuốc bổ Đông y

Nhiều bài thuốc Đông y, đặc biệt là thuốc bổ thường có chứa thành phần saponin (như nhân sâm), có thể bị phá hủy các hoạt chất của thuốc khi gặp axit tannic trong trà. Ngoài ra, các thảo dược như ma hoàng hay những vị thuốc đông y khác, cũng không nên dùng chung với trà vì có thể làm mất đi công dụng ban đầu của thuốc.
Ngoài trà, thì bạn cũng không nên dùng nước trái cây, sữa… khi uống thuốc. Thay vào đó, hãy uống với nước đun sôi để nguội.
Uống thuốc bằng nước trà có sao không?

Trà có thể ảnh hưởng đến sự hấp thu và hiệu quả của một số loại thuốc, điều này là vì trà có chứa các thành phần như tannin. Chất này có thể liên kết với một số loại thuốc và hình thành các phức hợp không hòa tan.
Các phức hợp này có thể làm cho hiệu quả của thuốc giảm đi, thậm chí có thể gây ngộ độc.
Bên cạnh đó, trà còn chứa caffein nên nếu bạn uống thuốc với đồ uống này, nó có thể phản ứng kết tủa không tan, khi uống một số loại thuốc có chứa sắt chẳng hạn. Nó cũng có thể giảm công dụng của thuốc có chứa thành phần an thần, gây khó ngủ, mất ngủ, cảm giác mệt mỏi...
Khi uống trà xanh cần lưu ý
Tra xanh là một thức uống phổ biến nhưng cũng cần được sử dụng đúng cách, đặc biệt đối với những người có bệnh lý nền hoặc đang dùng thuốc điều trị.
Những điểm cần lưu ý về trà xanh mà bạn nên nhớ như:
Mua trà chất lượng

Trà xanh nguyên chất, không chứa phụ gia hoặc hương liệu nhân tạo, là lựa chọn hàng đầu, bạn nên mua trà xanh ở những nhà cung cấp uy tín, có nguồn gốc rõ ràng, ưu tiên trà xanh hữu cơ.
Thời điểm uống trà

Tránh uống trà xanh lúc bụng đói vì nó có thể gây kích ứng dạ dày. Bạn cũng không nên uống trà xanh ngay sau bữa ăn vì nó có thể làm giảm hấp thu sắt trong thực phẩm, nếu muốn uống thì cần chờ ít nhất 1- 2 tiếng sau khi ăn.
Liều lượng hợp lý
Tuy rằng trà xanh có lợi cho sức khỏe, nhưng bạn không nên uống quá nhiều, mà nên tiêu thụ vừa phải (khoảng 2-3 tách trà/ngày) để tránh các tác dụng phụ như mất ngủ hoặc các vấn đề không mong muốn khác.