Trong nghiên cứu của mình bà Maria Montessori đã từng viết: “Quan sát một em bé, chúng ta nhận ra rằng sự phát triển về tâm trí của trẻ là kết quả của vận động.” Nếu phụ huynh chỉ chú trọng cải thiện tư duy mà bỏ qua những hoạt động phát triển thể chất trong 6 năm đầu đời sẽ khiến trẻ trở nên yếu ớt, lười vận động, ảnh hưởng khả năng học tập và tiếp thu, đồng thời rất dễ mắc các vấn đề về tâm lý.
1. 3 Yếu tố ảnh hưởng đến thể chất của trẻ
Theo ông Sugo Tatsuya – chuyên gia thể chất đến từ Tập đoàn JACPA Nhật Bản, có 3 yếu tố chính ảnh hưởng đến quá trình phát triển thể chất của trẻ bao gồm giấc ngủ, dinh dưỡng và vận động. Muốn con lớn lên thật khỏe mạnh, ba mẹ cần chăm sóc từng giấc ngủ của con, chú ý đến chế độ dinh dưỡng và thường xuyên cho con hoạt động thể lực trong 6 năm đầu đời:
Tập cho con ngủ đúng giờ và đủ giấc
Ngủ ngon và đủ giấc giúp cho não có thời gian sắp xếp và hệ thống lại các kiến thức trẻ được tiếp thu trong ngày, giúp quá trình ghi nhớ hiệu quả hơn và cải thiện kết quả học tập. Sau một giấc ngủ dài, cơ thể trẻ được phục hồi năng lượng và sẵn sàng cho các hoạt động của ngày tiếp theo. Ba mẹ nên tập cho trẻ ngủ sớm vì giai đoạn từ 22h đến 1h là lúc cơ thể tiết ra lượng hoocmon tăng trưởng (GH) cao nhất để hỗ trợ cho quá trình phát triển thể lực và chiều cao.
Bổ sung đủ dinh dưỡng trong mỗi bữa ăn
Khẩu phần ăn hàng ngày cần đầy đủ đạm, bột đường, chất béo, vitamin và khoáng chất,…để phát triển thể chất, xây dựng hệ cơ xương khỏe mạnh. Không cho trẻ bỏ bữa hoặc ăn uống thất thường vì dễ dẫn đến thiếu hụt dinh dưỡng, suy dinh dưỡng, chậm lớn.
Hoạt động thể lực thường xuyên và đúng cách
Vận động giúp cơ thể trẻ thêm dẻo dai, linh hoạt, tăng chất khoáng trong xương và tăng mật độ xương, thúc đẩy quá trình trao đổi chất, tăng cường sức đề kháng, giảm nguy cơ thừa cân béo phì hoặc mắc các bệnh mãn tính. Hai khung giờ vàng ba mẹ có thể khuyến khích con vận động là từ 9h-11h30 hoặc sau 15h chiều.
2. Môi trường Montessori và phát triển thể chất
Tại lớp học Montessori, trẻ luôn tự mình lấy dụng cụ học tập, vận động hoặc học với dụng cụ trong suốt thời gian học, sau đó tự tay sắp xếp lại học cụ thật gọn gàng, ngăn nắp. Để hoàn tất một hoạt động học tập trẻ cần thực hành nhiều loại vận động đan xen nhau giúp trẻ điều khiển linh hoạt cử động tay, chân và toàn cơ thể.
Bài tập 1: Kẹp theo chấm tròn
- Đồ dùng cần thiết: Hộp đựng các loại cặp quần áo có màu giống các chấm tròn càng tốt. Tấm bìa có dán hình các chấm tròn để trẻ cặp theo đúng hình.
- Cách thực hiện: Giáo viên đặt khay trước mặt mình và đặt hộp đựng cặp ở phía trái. Giáo viên dùng tay cặp kẹp quần áo theo đúng chấm và kiểm tra nó một cách kỹ lưỡng. Giáo viên hướng dẫn các em tự thực hành và hướng dẫn các em tháo tất cả các cặp đó vào trong hộp.
- Lưu ý và điều chỉnh: Thay đổi số lượng cac loại cặp, khi trẻ cặp thành thạo, yêu cầu chọn cặp đúng với màu chấm tròn.
- Tự kiểm tra: Cặp đúng vào các cặp phù hợp với chấm tròn.
Bài tập 2: Xâu dây
- Đồ dùng cần thiết: Họp chứa các dây xâu khác nhau. Các tấm bìa có đục lỗ theo khoảng cách khác nhau.
- Cách thực hiện: Giáo viên đặt tấm bìa ở trước mặt. Dùng tay trái cầm tấm bìa, tay phải bắt đầu xỏ dây theo lỗ. Tiếp tục xâu theo các lỗ kế tiếp cho đến khi hết các lỗ. Giáo viên hướng dẫn các em xâu và tháo dây đã xỏ xong, cất vào hộp.
- Lưu ý và điều chỉnh: Thay đổi hình dạng tấm bìa, thay đổi khoảng cách giữa các lỗ, sử dụng các loại dây khác nhau.
- Tự kiểm tra: Xâu đúng lỗ và hoàn thành hết nhiệm vụ.
Bài tập 3: Xúc gạo
- Đồ dùng cần thiết: Hộp đựng gạo, thìa, 2 bát, khay.
- Cách thực hiện: Giáo viên đặt khay ở trước mặt, đổ gạo từ hộp ra bát ở phía tay trái. Giáo viên dùng thìa xúc gạo từ bát phía trái sang phía phải. Khi xúc hết xoay khay 180 độ tiếp tục xúc gạo lại.
- Lưu ý và điều chỉnh: Có thể thay đổi nhiều vật liệu khác nhau.
- Tự kiểm tra: Gạo không vãi ra khay là được.
Bài tập 4: Mở khóa
- Đồ dùng cần thiết: Khóa, chìa với kích thước khác nhau, khay và rổ đựng khóa riêng, rổ đựng chìa riêng.
- Cách thực hiện: Lần lượt xếp khóa từ to đến nhỏ dần trên khay. Để chìa đúng kích thước theo đúng phía dưới khóa. Dùng chìa tra vào khóa và mở dần từng khóa một. Giáo viên hướng dẫn trẻ khóa lại và để lại khóa theo trình tự và chìa để riêng rổ. Cho hai rổ vào khay và cất đồ dùng.
- Lưu ý và điều chỉnh: Có thể thay đổi số lượng, kích thước chìa.
- Tự kiểm tra: Mở đúng chìa đúng khóa là được.