1. Bối cảnh thế giới
Thế giới đang bước vào kỷ nguyên của chuyển đổi số - quá trình thay đổi gắn liền với việc ứng dụng công nghệ số vào mọi mặt đời sống xã hội của con người (Henriette et al., 2015): các tài sản vật lý hữu hình đang dần chuyển thành các tài sản số; nguồn nhân lực trong các tổ chức, doanh nghiệp đang chịu tác động sâu sắc khi các vị trí nghề nghiệp liên tục biến đổi; việc ra quyết định trở nên đặc biệt phụ thuộc vào quá trình quản trị tri thức và kỹ năng, mạng xã hội và công nghệ di động ảnh hưởng mạnh mẽ lên quá trình vận hành của các tổ chức, doanh nghiệp; năng lực số mang lại cơ hội lớn cho việc mở rộng cũng như tái định nghĩa lại các thị trường kinh doanh.
Thế hệ trẻ, những người sinh ra trong một môi trường được bao quanh bởi công nghệ số, sẽ mang những trải nghiệm, thói quen, hành vi liên quan đến các công nghệ này vào quá trình làm việc tại các tổ chức, doanh nghiệp, nơi các công cụ chia sẻ công việc cùng với mạng xã hội ngày một thắt chặt mối quan hệ giữa người dùng với hệ sinh thái của họ. Báo cáo về chuyển đổi số ở các nước ASEAN đã khẳng định rằng, các chính phủ cần hành động để thích ứng với những tác động từ chuyển đổi số đến nền kinh tế, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến giáo dục, đào tạo năng lực số nhằm đáp ứng những thay đổi trong nhu cầu về nhân lực của các tổ chức, doanh nghiệp (Change & Huynh, 2016).
2. Bối cảnh nghề nghiệp
Báo cáo khảo sát về năng lực của người trẻ trong kỷ nguyên số chỉ ra rằng nhu cầu của nhà tuyển dụng về các kỹ năng số đã tăng 200% trong ba năm vừa qua và trong vòng năm năm tới, con số này còn được dự báo sẽ tiếp tục tăng lên nhanh chóng. Tuy nhiên, những người trẻ chưa sẵn sàng với những thay đổi đó (Pangrazio, 2019). Với sự phổ biến của các phương tiện và dữ liệu số, việc phát triển kỹ năng và kiến thức của người học trong lĩnh vực này là điều tối quan trọng để nâng cao năng lực cạnh tranh và khả năng tìm kiếm việc làm. Trong chương trình đánh giá học sinh quốc tế (PISA) được xây dựng và điều phối bởi Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) gần đây, cứ 4 học sinh Úc ở độ tuổi 15 thì có hơn 1 học sinh (27%) cho thấy mức độ thông thạo thấp ở năng lực số (Thomson & De Bortoli, 2012).
3. Thực trạng tại Việt Nam
Theo các chuyên gia, quá trình chuyển đổi số cần có sự tham gia của tất cả nhân sự trong tổ chức. Chuyển đổi số không phải là ngành nghề riêng và sẽ không có một chương trình riêng nào có thể đào tạo đủ các yêu cầu về nhân sự số. Do đó, cần có nhiều chương trình đào tạo được thiết kế phù hợp từ khi họ là học sinh - sinh viên tới khi đi làm.
Các chuyên gia cũng cho rằng đào tạo nhân lực chuyển đổi số không chỉ là việc dạy cách làm chủ công nghệ, máy móc mà còn phải giúp họ thay đổi cả tư duy, hiểu đúng về giá trị của con người trong từng khâu chuyển đổi số của tổ chức. Điều này quan trọng với cả những người lao động phổ thông đến cấp quản lý, lãnh đạo.
Để giải quyết bài toán nhân sự, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định phê duyệt đề án “Nâng cao nhận thức, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.
Trong đề án này, Bộ Thông tin và Truyền thông đặt mục tiêu đào tạo 1.000 chuyên gia chuyển đổi số trong các ngành, lĩnh vực, địa bàn để làm lực lượng nòng cốt chuyển đổi số trên toàn quốc; 100% các trường "đại học số" phải hoàn thiện được mô hình tổ chức số, quản trị số, hoạt động số, chuẩn hóa dữ liệu số, kho học liệu số mở và được đầu tư trang bị đồng bộ hạ tầng, nền tảng công nghệ, trang thiết bị học và thực hành, sẵn sàng tuyển sinh và đào tạo nguồn nhân lực chuyển đổi số.
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định phê duyệt đề án “Nâng cao nhận thức, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.
Đồng thời, đào tạo được hơn 5.000 kỹ sư, cử nhân, thực hành chất lượng cao chuyên ngành công nghệ số tại các trường đại học, cao đẳng có thế mạnh trong đào tạo chuyển đổi số. Đến nay, đã có 15/63 tỉnh, thành phố ban hành Kế hoạch triển khai Đề án nêu trên, chứng tỏ sự quan tâm lớn của các địa phương đối với vấn đề nhân lực của quá trình chuyển đổi số.