Hơn 180 hộ dân ở xóm Rớ, phường Phú Đông, TP Tuy Hòa đang phải đối mặt với tình trạng triều cường diễn biến ngày càng phức tạp. Giữa cái nắng chang chang của mùa hè, xóm Rớ vẫn nóng hổi những câu chuyện bi ai gắn với hai chữ “Triều cường”.
Triều cường thường xuyên đánh bổ vào khu dân cư ở xóm Rớ, phường Phú Đông – Ảnh: LÊ HẢO
Người ta chỉ lo bão lũ tháng chín tháng mười, còn bà con xóm Rớ thì nơm nớp quanh năm. Sống bên bờ biển lở là vậy. Triều cường có thể xuất hiện bất cứ lúc nào. Sóng ập vào là mất. Người mất việc, kẻ mất nhà và cả làng biển nghèo này mất đất.
Từ năm 2003, xóm Rớ đã bị nước biển xâm thực. Triều cường thường xuyên dâng cao hàng chục mét. Năm 2012, triều cường bắt đầu dữ dội, khó lường. Đầu năm 2013, khi người ta chuẩn bị đón Tết Nguyên đán, xóm Rớ còn đột ngột đón cả một trận triều cường. Thế là qua 3 đợt triều cường từ tháng 12/2012 đến tháng 2/2013, xóm Rớ mất đứt chừng 30m đất. Trong đó, có cả một con đường tên Đinh Tiên Hoàng rộng cho xe lớn chạy và đến 2 lớp nhà, đều biến mất. Cảnh tan hoang của xóm Rớ sau triều cường vẫn hiện hữu cho đến bây giờ. Những ngôi nhà chỉ phân nửa, lạ thay, vẫn còn người ở. Những ngôi nhà còn mỗi góc tường nhô ra giữa bãi cát, lại trở thành điểm chơi trò cút bắt của đám trẻ con. Ở đây, nhìn tụi nhỏ chơi đùa, người lớn chẳng thể vui theo.
Ông Lương Thững, ở tuổi 85, theo nghề đóng tàu từ 25 tuổi, có thể gọi là lão làng ở cái làng biển này. Ông rành rọt đến tên của từng sợi dây trên thuyền, được tiếng là rành nghề, hiểu được lòng người. Vậy mà ông chẳng thể đo được lòng biển. Ngồi tư lự bên cái cọc từng dùng để kéo thuyền, nay nằm trơ ra đó, ông xót xa nhìn làng biển mình đang ngày càng thu dần. Ông nói: “Chỗ đây trong năm nay, không cần nhiều, bão cỡ cấp 7, cấp 8 là bị quét hết trơn. Năm thuận trời thì bớt bão gió, bớt mất đất, còn năm nào bão gió nhiều thì sóng nó kéo đi mất, đất đâu mà ở?”
Xóm Rớ có đến 13 xưởng đóng tàu thì bây giờ chỉ còn lại 4. Người mất cả xưởng đóng tàu, kẻ chẳng còn việc để làm. Đám thợ thuyền rủ nhau đi tìm việc nơi khác. Khi trục đường chính đi qua khu dân cư xóm Rớ bị triều cường nuốt chửng, các xe tải cỡ lớn đã không còn cơ hội đến được bến cá Phú Đông. Xóm Rớ hết rồi cái không khí rộn ràng, nhộn nhịp của ngày trước.
Anh Nguyễn Kim Huyện cùng một vợ, hai con vẫn phải tá túc trong ngôi nhà chỉ còn khúc sau. Đến giờ, vợ chồng anh vẫn không thể quên được chuyện hãi hùng vào cuối năm ngoái. Con sóng triều cường phập vào nhà anh ngay giữa ban ngày. May mà lúc đó vợ chồng anh đang chở con đi học nên bảo toàn tính mạng. Khi về thì nhà chẳng còn là nhà. Đồ đạc được bà con xung quanh thương tình thu gom, chất ra ngoài đường. Thế nhưng gia đình anh vẫn ở vậy vì không biết đi đâu. Qua một đợt làm ăn thua lỗ, nợ nần lên đến 200 triệu đồng, nay anh lại càng nghèo hơn. Hoàn cảnh ấy khiến gia đình anh buộc phải bám vào làng biển vốn mang nhiều nguy cơ này.
Còn đến ngôi nhà của anh Nguyễn Văn Máy, có lẽ ai cũng có cái cảm giác chơi vơi. Nhà còn mỗi cái vách và sân trước. Biển số nhà 164 còn trên vách như để chứng thực đây từng là nhà. Vợ chồng anh che chắn thêm ra ở tạm. Đàn con 5 đứa phải gởi nhà ông bà cho an toàn. Còn vợ chồng anh vẫn bám trụ ở đây để kiếm sống. Chị Ma Thị Bề, vợ anh Máy than thở: “Phải di dời đi nơi khác mới ổn. Bà con ở đây sống mà lo phập phồng. Tối ngủ thì sóng ào ào. Giờ chưa có nhà, về nhà nội, nhà ngoại ở vài ngày rồi dọn lại đây ở lại chớ biết làm sao. Con 5 đứa, do công việc làm biển, ở gần biển, thì phải bám biển sống”.
Tháng 4 vừa qua, sau khi kiểm tra thực tế tình hình sạt lở tại xóm Rớ, lãnh đạo tỉnh Phú Yên đã nhận định là “rất nghiêm trọng”. Ban Quản lý dự án Thủy lợi và Phòng chống thiên tai khẩn trương lập phương án và hồ sơ xử lý khẩn cấp tình hình sạt lở tại đây. Một phương án xây kè được tính đến. Đây cũng là mong mỏi của nhiều người dân xóm Rớ. Tuy nhiên, một khi có kè chắn sóng, họ lại e ngại một điều.
Đó là nhiều thuyền chẳng thể vào được cảng. Bến cảng mà thuyền không vào được thì sẽ ra sao?
Ông Nguyễn Văn Trợ, một chủ thuyền ở Khánh Hòa, đang sửa chữa thuyền ở cảng biển này cũng trăn trở: “Bà con ngư dân ở Khánh Hòa và Phú Yên hầu hết là tập trung vào cảng này để bán cá, kéo ghe. Mà cảng mất đi rồi thì chạy đi đâu kéo đây? Các tỉnh liên cận là Quy Nhơn, rồi trở về Khánh Hòa, mà Khánh Hòa thì phải chạy trực tiếp đến cầu Bống mới kéo được. Chớ ở Đại Lãnh đâu có kéo được số ghe như vầy đâu. Nếu như mất đi cái cảng này, người dân ở đây phải chạy đi nơi khác, khổ vậy”.
Ngày 28/6/2013 tại Văn phòng UBND tỉnh Phú Yên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Trúc chủ trì cuộc họp bàn phương án xử lý khẩn cấp sạt lở ven bờ biển tại xóm Rớ, phường Phú Đông, TP Tuy Hòa. Phó chủ tịch UBND tỉnh – Lê Văn Trúc đã có kết luận như sau:
Phương án khẩn cấp, trước mắt: Xử lý khẩn cấp tình hình sạt lở ven bờ biển, hoàn thành trước mùa mưa lũ năm 2013 và phải đảm bảo hạn chế đến mức tối đa nước biển xâm thực, lấn thêm vào đất liền. Phương án kiên cố, đảm bảo lâu dài: Chấp thuận về nguyên tắc chủ trương đầu tư dự án. Giao Ban QLDA Thủy lợi và PCTT tỉnh phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư hoàn tất các thủ tục, làm cơ sở trình Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương xin hỗ trợ vốn đầu tư từ ngân sách Trung ương.