Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã huyện Vĩnh Thuận đã có những đổi mới tiến bộ nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của các mô hình kinh tế tập thể.
Nội dung
Thực hiện Kế hoạch số 148/KH-UBND ngày 19/9/2020 của UBND tỉnh Kiên Giang về việc xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế tập thể tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2021-2025. Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã huyện Vĩnh Thuận (gọi tắt là Ban Chỉ đạo) đã có những đổi mới tiến bộ nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của các mô hình kinh tế tập thể.
Toàn huyện hiện có 23 HTX, trong đó 19 HTX nông nghiệp, 04 HTX phi nông nghiệp (tổng vốn đăng ký: 29.953 triệu đồng, với 504 thành viên, có khoảng 80-90% hộ nông dân là thành viên HTX), trong năm 2022 đã giải thể 03 HTX. Qua đánh giá kết quả hoạt động:
- 05 HTX hoạt động khá
- 09 HTX hoạt động Trung bình
- 08 hoạt động yếu
- 01 HTX mới thành lập chưa đánh giá.
Ảnh: BCĐ đổi mới, phát triển KTTT, HTX huyện Vĩnh Thuận đã có những đổi mới tiến bộ nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của các mô hình KTTT
Hoạt động của các HTX nông nghiệp tiếp tục được duy trì và có bước phát triển, từng bước khẳng định HTX là vai trò nền tảng trong tổ chức lại sản xuất nông nghiệp ở nông thôn theo hướng làm ăn mới, liên kết các HTX chủ yếu là sản xuất lúa giống; hoạt động dịch vụ của các HTX ngày càng đa dạng: bơm tưới, sạ lúa và phun thuốc bằng máy,…một số HTX chủ động hợp tác, liên kết với các doanh nghiệp trong việc ứng trước vật tư, phân bón, giống cây trồng, góp phần giảm bớt khó khăn về vốn đầu tư ban đầu cho các hộ thành viên.
Doanh thu bình quân của HTX nông nghiệp năm 2022 ước đạt 250 triệu đồng/năm, trong đó doanh thu đối với thành viên là 15 triệu đồng/năm/người; lợi nhuận bình quân của HTX khoảng 80 triệu đồng/năm.
Bên cạnh đó, có 80 THT hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp (có 16 tổ hợp tác làm ăn có hiệu quả, 36 tổ trung bình và 28 tổ yếu kém). Trong năm 2022, thành lập mới 01 THT nuôi ốc Bươu đen, tăng 01 THT so với năn 2021, không có giải thể hay xóa tên THT nào. Số lượng thành viên THT là 807.
Đạt được kết quả trên, trước hết là công tác củng cố Ban Chỉ đạo (BCĐ), tổ giúp việc được thực hiện, đảm bảo hoạt động có hiệu quả, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Đồng thời chỉ đạo Đảng ủy các xã, thị trấn từng bước củng cố, kiện toàn lại BCĐ hoạt động theo đúng chức năng, nhiệm vụ của mình.
Các thành viên BCĐ căn cứ chức năng, nhiệm vụ của mình, thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn các xã, thị trấn trong việc thành lập, tổ chức hoạt động các Hợp tác xã (HTX), Tổ hợp tác (THT). Cụ thể, trong năm 2022 đã tổ chức thành lập đoàn công tác tiến hành khảo sát tình hình tổ chức, hoạt động, xây dựng phương án sản xuất - kinh doanh của các HTX, đồng thời chỉ ra những tồn tại, hạn chế, yếu kém của các HTX, THT để có hướng củng cố, chấn chỉnh hoạt động trong thời gian tới.
Phối hợp với Trung tâm xúc tiến, đầu tư, thương mại tỉnh, Liên minh Hợp tác xã tỉnh khảo sát các HTX đăng ký việc xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm nông nghiệp chủ lực, cũng như việc ký kết các hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm như: Dưa Hoàng kim, sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, tôm càng xanh VietGAP,... Ngoài ra, còn phối hợp Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh hướng dẫn các HTX có sản phẩm tham gia đăng ký sản phẩm OCOP cấp tỉnh, Trong năm 2022 công nhận thêm 03 sản phẩm OCOP 3 sao, nâng tổng số sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện là 8 sản phẩm.
Ảnh: Nhiều sản phẩm của HTX tham gia đăng ký sản phẩm OCOP cấp tỉnh
Chỉ đạo các phòng, ban, ngành, đoàn thể huyện triển khai kịp thời, sâu rộng một số chủ trương, chính sách quan trọng trong xây dựng và phát triển kinh tế tập thể của Đảng và Nhà nước như:
- Luật Hợp tác xã năm 2012;
- Kết luận số 56-KL/TW ngày 21-02-2013 của Bộ chính trị về đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết TW5 Khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể;
- Nghị định số 193/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số Điều của Luật hợp tác xã;
- Chỉ thị số số 19/CT-TTg ngày 24/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh triển khai thi hành Luật Hợp tác;
- Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 về việc tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới;
- Quyết định số 2261/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Chỉ đạo BCĐ các xã, thị trấn thực hiện xây dựng KTTT, HTX gắn với xây dựng nông thôn mới. Từng bước tạo nhận thức trong đoàn viên, hội viên và nhân dân về KTTT, HTX nâng lên rõ rệt. Nhiều HTX, THT được thành lập trên tinh thần tự nguyện của người dân, nhà nước đóng vai trò hướng dẫn hoạt động theo đúng Luật HTX năm 2012.
Để nâng cao trình độ quản lý của các HTX, hàng năm huyện phối hợp với Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Liên minh Hợp tác xã tỉnh Kiên Giang mở các khóa đào tạo ngắn hạn, tập trung vào các nội dung như:
- Công tác quản lý của các HTX;
- Tuyên truyền những quy định hoạt động của HTX theo Luật HTX năm 2012;
- Đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ.
Bên cạnh đó, hàng năm tạo điều kiện cho các HTX tham gia các lớp khởi sự doanh nghiệp. Công tác bồi dưỡng đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao trình độ, nhận thức, năng lực thực hiện nhiệm vụ cho cán bộ quản lý HTX trên địa bàn huyện Vĩnh Thuận.
Phối hợp vận động, tư vấn trình tự, thủ tục thành lập và thông tin, kiến thức về KTTT cho hơn 15 đơn vị. Đồng thời, cung cấp tài liệu, tư vấn chuẩn bị thành lập nhiều HTX trên địa bàn huyện.
Phối hợp với Liên minh HTX tỉnh tư vấn, hướng dẫn cho 01 HTX xây dựng các phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả, để vay vốn từ các tổ chức tín dụng, từ đó giúp HTX mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh như:
- Trang bị máy móc, phương tiện phục vụ dịch vụ sau thu hoạch. Với tổng số tiền HTX vay được trên 2 tỷ đồng (HTX DV NN Hiểu Phát xã Phong Đông).
- Hỗ trợ liên kết sản xuất bao tiêu sản phẩm cho 01 HTX (cho HTX sản xuất lúa hữu cơ Thuận Nông, thị trấn Vĩnh Thuận).
- Phối hợp với Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh và UBND xã Vĩnh Thuận tổ chức nghiệm thu hỗ trợ mua máy móc, thiết bị thuộc kinh phí chương trình mục tiêu quốc gia với tổng kinh phí hỗ trợ là 75 triệu đồng.
Hàng năm, ngân sách huyện bố trí kinh phí thông qua chương trình khuyến nông, vốn sự nghiệp khoa học công nghệ để triển khai các dự án hỗ trợ HTX như:
- Đưa giống mới, công nghệ sinh học vào sản xuất;
- Hỗ trợ HTX ứng dụng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, chương trình nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng quảng bá thương hiệu, tham gia hội chợ triển lãm, tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh của HTX.
Qua đó, năm 2022 tổ chức 22 lớp tập huấn phổ biến kỹ thuật canh tác các loại hình nông nghiệp trên địa bàn với 430 nông dân tham dự; thực hiện được 01 cuộc tọa đàm thả tôm đầu vụ, 47 nông dân tham dự; triển khai 03 điểm nuôi gà và 07 điểm nuôi vịt tại xã Vĩnh Bình Bắc, Vĩnh Bình Nam, Bình Minh, Phong Đông, 2 điểm nuôi lươn không bùn, Mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực.
Đã hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để các HTX ký kết hợp đồng với các doanh nghiệp cung cấp vật tư đầu vào (như: Giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật theo thời vụ thu hoạch). Kêu gọi nhiều doanh nghiệp ký kết hợp đồng bao tiêu đầu ra cho các HTX đối với các mặt hàng chủ lực như lúa khoảng 2.000 ha và tôm, mặt hàng thủ công.
Hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị và được tỉnh công nhận 01 làng nghề Đan lục bình tại ấp Ruộng Sạ 2, xã Phong Đông, nâng tổng đến nay, huyện có 06 làng nghề, nghề truyền thống.
Có thể thấy, BCĐ đang từng bước phát huy hiệu quả kinh tế, góp phần xây dựng nông thôn mới, xóa đói, giãm nghèo tại địa phương, nâng cao đời sống một bộ phận người dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Phát triển kinh tế hộ thành viên thông qua tạo việc làm, tăng thu nhập, giảm chi phí, tăng giá thành sản phẩm, nâng cao hiệu quả kinh tế. Giữa hộ thành viên tham gia HTX và không tham gia HTX có sự chênh lệch về chi phí sản xuất và giá thành sản phẩm. HTX, THT có vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế nói chung, khắc phục tình trạng manh mún, nhỏ lẽ, giữ vai trò liên kết theo chuổi giá trị sản phẩm và hỗ trợ nâng cao phúc lợi, đảm bảo an sinh xã hội cho thành viên. Một số HTX đã phát huy sức mạnh của tập thể thành viên thông qua việc huy động vốn để mở rộng sản xuất, kinh doanh, cạnh tranh trên thị trường.
Công tác tuyên truyền, vận động thành lập mới HTX được thực hiện khá tốt, theo đúng quy trình hướng dẫn, từng bước khắc phục tình trạng thành lập chạy theo chỉ tiêu, hình thức, không mang lại hiệu quả thiết thực. Các chính sách ưu đãi về KTTT được các cấp ủy Đảng, chính quyền cơ sở quan tâm hỗ trợ đã góp phần rất lớn về thực hiện chính sách thu hút nguồn lao động và liên kết sản xuất của nhân dân ngày càng phát triển. Đặc biệt các chính sách mới ban hành trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động KTTT.
Từ đó, các HTX, THT nông nghiệp đã phát huy được vai trò tập hợp, vận động thay đổi cách nghĩ, cách làm của một bộ phận người dân, ứng dụng tiến bộ KHKT, nâng cao hiệu quả sản xuất, trong đó có một số HTX đã thực hiện việc liên kết, liên doanh với doanh nghiệp, đảm bảo đầu ra cho sản phẩm. Từng thành viên HTX, THT nâng lên tinh thần tương thân, tương ái, giúp đỡ, hỗ trợ trong sản xuất, thắt chặt tình làng nghĩa xóm, góp phần giữ vững an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương.
Tuy nhiên, năng lực quản trị của HTX, nhìn chung còn hạn chế; hoạt động của HTX chủ yếu là làm dịch vụ trong nội bộ thành viên, giá trị gia tăng sản phẩm chưa nhiều, hiệu quả kinh doanh thiếu ổn định. Hầu hết HTX có quy mô nhỏ, mức vốn bình quân thấp, khả năng huy động vốn còn hạn chế; một số HTX thiếu vốn hoạt động.
Việc triển khai quán triệt các chủ trương, Nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về KTTT ở một số ngành, địa phương thực hiện chưa thường xuyên, thiếu chiều sâu; nhận thức của một bộ phận cán bộ, nhân dân về mục đích, ý nghĩa của HTX chưa đầy đủ, chưa thật sự tin tưởng vào mô hình HTX kiểu mới; có lúc, có nơi còn tư tưởng phân biệt và xem nhẹ vai trò của KTTT.
Trong năm 2023, BCĐ huyện sẽ tiếp tục củng cố, mở rộng và phát triển KTTT trong các ngành, lĩnh vực, lấy HTX là nòng cốt; khuyến khích phát triển HTX trong các lĩnh vực nông nghiệp, xây dựng các mô hình HTX kiểu mới; từng bước hình thành các cụm sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, gắn với công nghiệp chế biến để tăng giá trị gia tăng của sản phẩm nông nghiệp.
Chú trọng phát triển các HTX ở các xã, thị trấn theo chương trình, kế hoạch xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 của tỉnh, nhằm đáp ứng được yêu cầu, tiêu chí xây dựng nông thôn mới; tạo điều kiện để các THT liên kết, phát triển thành HTX; các HTX liên kết, phát triển thành Liên hiệp HTX.
Khuyến khích phát triển KTTT với nhiều hình thức hợp tác đa dạng, lồng ghép việc triển khai thực hiện các chương trình, dự án trên địa bàn nhằm hỗ trợ phát triển, mở rộng liên kết hợp tác, nhất là HTX sản xuất các sản phẩm nông nghiệp có lợi thế cạnh tranh, có giá trị kinh tế cao, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động, tạo việc làm, tăng thu nhập cho các hộ thành viên.