Bạn đã từng đi du lịch miền Tây hay chưa? Và cho dù đã từng hay chưa từng đi thì bạn nên biết đến vùng đất An Giang, nơi quy tụ của những câu chuyện tâm linh huyền bí. Với khung cảnh nên thơ của một vùng đất yên bình và nét văn hóa giao lưu độc đáo đã tạo nên một An Giang rất đẹp và độc đáo. Và khi đã đến An Giang thì bạn không nên bỏ qua chùa Hang ở Châu Đốc, ngôi chùa xinh đẹp và linh thiêng trong tín ngưỡng của người dân nơi đây.
Chùa Hang Châu Đốc ở đâu?
Chùa Hang một cái tên rất quen thuộc với tất cả người dân trên cả nước, bởi lẽ, đây là tên gọi chung của 7 ngôi chùa trên cả nước. Rất dễ nhầm lẫn nếu bạn không gọi cả địa danh của ngôi chùa tọa lạc. Và trong bài viết này chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về chùa Hang - Châu Đốc An Giang nhé! Ở Châu Đốc An Giang, cái tên chùa Hang được người dân biết đến với tên gọi khác là chùa Phước Điền. Trong đó, từ Phước là ý chỉ đến phước lành, còn Điền là điền địa (ruộng đất), đây là cái tên ý nghĩa muốn nói đến mảnh đất gieo trồng phước lành.
Về miền Tây ghé thăm chùa Hang nổi tiếng ở Châu Đốc - An Giang. @Sưu tầm
Ngôi chùa tọa lạc ngay trên sườn núi Sam, nằm trong thành phố Châu Đốc tỉnh An Giang. Đây là địa điểm hấp dẫn rất nhiều khách du lịch tìm đến mỗi năm, đặc biệt vào các ngày lễ lớn thì nơi này trở nên càng tấp nập và nhộn nhịp hơn. Hiện nay chùa Hang đã được công nhận là Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp Quốc gia, điều đó làm tăng sức hấp dẫn của ngôi chùa trong lòng du khách.
Đến đây bạn sẽ cảm nhận được sự yên bình, được hòa mình vào thiên nhiên đồng thời tận hưởng kiến trúc độc đáo của ngôi chùa. Từ chùa Hang bạn có thể đến các địa điểm du lịch hấp dẫn khác của An Giang một cách thuận tiện như Miếu Bà Chúa Xứ, Lăng Thoại Ngọc Hầu, chùa Tây An, chợ Châu Đốc…
Đến chùa Hang bằng cách nào?
Nếu bạn ở các tỉnh miền Bắc và Trung thì bạn nên đặt vé máy bay đi Thành phố Hồ Chí Minh trước, rồi từ đó bạn có thể đặt vé hoặc thuê xe du lịch và đi đến An Giang khoảng 6 tiếng đồng hồ. Hoặc có thể bạn có thể đặt vé máy bay đi Rạch Giá trên Traveloka, từ TP. Rạch Giá của Kiên Giang đi đến TP. Châu Đốc của An Giang chỉ mất tầm 3 tiếng đồng hồ.
Chùa Hang hấp dẫn du khách mỗi dịp lễ lớn. @Mia
Để đến An Giang thì bạn cứ theo quốc lộ 91 mà chạy thẳng theo các bảng chỉ đường. Và khi đã đến được An Giang, bạn có thể hỏi người dân tại đây để tìm đường đến chùa Hang, nếu không đi xe bạn có thể thuê xe máy hoặc bắt taxi để đến tham quan chùa nhé! Một điều đặc biệt nữa là để đến được chùa Hang trên sườn núi Sam thì bạn có thể trải nghiệm đi cáp treo của khu du lịch núi Sam ở Châu Đốc, khi ngồi trên các Cabin ở đây bạn sẽ chứng kiến được toàn bộ cảnh quan của Thất Sơn ở An Giang, đồng thời ngắm nhìn được Miếu Bà và các cảnh đẹp của miền đất linh thiêng này.
Những lưu ý khi tham quan chùa Hang
Khi đến tham quan chùa Hang bạn cũng cần chú ý một số điều để tránh gặp những phiền hà không đáng có nhé, bao gồm:
- Không nên cười đùa hay nói chuyện quá to ảnh hưởng đến những người xung quanh cũng như không gian thanh tịnh và uy nghiêm của chùa.
- Trang phục cần gọn gàng, tuyệt đối không quá hở hang và phản cảm.
- Giữ gìn các vật dụng cá nhân của bản thân cẩn thận, tránh mất mát.
- Khi dâng hương cầu nguyện hãy cắm vào bát hương tại chùa, không nên cắm lung tung tại các khu vực khác.
- Bạn cũng nên chọn lựa cho mình đôi giày phù hợp để di chuyển lên các bậc thang dẫn đến chùa.
- Chỉ chụp hình hoặc quay video ở những địa điểm cho phép.
Điểm check in cực ấn tượng tại khuôn viên chùa Hang. @Sưu tầm
Chùa Hang Châu Đốc có gì đặc biệt?
Lịch sử và sự tích hình thành chùa
Chùa Hang Châu Đốc An Giang được bà Lê Thị Thơ, pháp danh là Diệu Thiện xây dựng vào khoảng những năm 1840 - 1850. Ban đầu ngôi chùa chỉ là một ngôi nhà nhỏ bằng tranh tre đơn sơ, đến năm 19885, ông Phạm Thông (tên thật là Nguyễn Ngọc Cang) và người dân Châu Đốc cảm thông, đã quyên góp tiền của để xây dựng nên ngôi chùa. Đến năm 1937, hòa thượng Thích Huệ Thiện cho tiến hành trùng tu, nâng cấp cho ngôi chùa và cho đến nay, chùa đã qua rất nhiều lần tu sửa để hoàn thiện về mặt hình thức bên ngoài.
Chùa đã trải qua nhiều lần tu sửa đế có được dáng vẻ như hiện nay. @Sưu tầm
Khi đến tham qua chùa, chắc chắn bạn sẽ được người dân hoặc các nhà sư trong chùa kể về sự tích huyền diệu của nơi đây. Tương truyền rằng bên cạnh chùa có một hang núi sân và bên trong có một đôi rắn lớn rất hung dữ, nhưng từ khi Ni sư Diệu Thiện đến đây tu hành thì đôi rắn trở nên rất hiền lành, thường đến nằm nghe kinh và canh giữ không gian yên tĩnh phù hợp với việc tu hành của người. Ni sư cũng đặt tên cho cặp rắn này là Thanh Xà và Bạch Xà, chúng cùng bà tu luyện, cho đến khi Ni Diệu Thiện mất, cặp rắn cũng không còn xuất hiện nữa, nhưng người dân ở đây vẫn lập tượng thờ đôi rắn như là một linh vật của chùa. Hiện nay cũng có rất nhiều người đến cúng viếng cầu bình an tại tượng thờ cặp rắn, với quan niệm ở hiền gặp lành, chịu khó thì sẽ được phước đức, phù hộ.
Kiến trúc ấn tượng
Ngôi chùa nằm trên sườn núi Sam hướng mặt nhìn ngắm cảnh đẹp hùng vĩ của núi non Thất Sơn, bên cạnh đó không gian xung quanh được cây cối bao bọc, khiến cho không khí tại chùa rất trong lành và dễ chịu. Đứng ở chùa nhìn xuống bạn sẽ ngắm nhìn được cảnh thiên nhiên thanh bình của vùng đất miền Tây thân thương. Nhiều người ví nơi này như bức tranh thần tiên với điểm nhấn của chùa Hang với một kiến trúc cổ kính.
Cổng chùa Phước Điền (chùa Hang) dưới chân núi Sam. @Mia
Khi đến chân núi Sam, cánh cổng rộng lớn sẽ luôn mở để chào đón quý Phật tử tìm đến, tiếp đó nếu không sử dụng cáp treo của khu du lịch, bạn sẽ phải chinh phục 300m bậc thang để đến được khuôn viên chùa. Dọc theo đường lên chùa bạn sẽ chiêm ngưỡng được vẻ đẹp của những cảnh quan hài hòa của cảnh vật tại núi Sam. Trên đoạn đường này, bạn có thể vươn mắt ngắm thành phố Châu Đốc với điểm nhìn mới từ trên cao nhìn xuống. Đó chắc chắn là một trải nghiệm thú vị mà bạn không nên bỏ lỡVươn mắt ngắm nhìn cảnh đẹp thiên nhiên từ sườn núi Sam. @Sưu tầm
Đến chùa bạn sẽ cảm thấy sự hài hòa của thiên nhiên và kiến trúc xây dựng. Dù được lợp bằng những mái ngói đỏ, những cột trụ gỗ lớn được sơn đỏ tuy nhiên nó lại hòa hợp với thiên nhiên, tạo ra điểm nhất cho cả 2. Dạo quanh chùa bạn sẽ thấy được những đường nét chạm khắc nổi bật và độc đáo qua nhiều lần trùng tu. Cảnh bên ngoài chùa trở nên sống động hơn khiến bạn có cảm giác lạc vào chốn tiên cảnh. Khuôn viên chùa Hang còn có các điện thờ Phật Di Lặc, Quan Thế Âm Bồ Tát và bốn vị Hộ Pháp.
Tượng bốn vị Hộ Pháp hướng mắt về chân núi. @Sưu tầm
Chính điện chùa có mặt trước với lối kiến trúc độc đáo, chiều rộng của nơi này khoảng 11m, mặt bên rộng 10m sẽ là điểm ấn tượng với du khách lần đầu đến. Bên trong có bàn thờ Tam Bảo là nơi mà du khách dâng bái, cầu may, cầu chúc sức khỏe cũng như về công việc thuận lợi. Khi đã đến với chùa Hang điều khiến bạn ấn tượng đó chính là trong chánh điện bạn dù nhìn từ hướng nào cũng nhìn thấy được sự phản chiếu của tượng Phật, tạo nên một không gian tựa chốn tiên Phật đầy linh thiêng. Đến đây, dường như mọi ưu phiền và mệt mỏi của bạn sẽ được xoa dịu, mang bạn đến với nơi Phật ở với cảm giác tĩnh lặng và nhẹ nhàng.
Sự đối lập của màu sắc đã tạo nên điểm độc đáo cho ngôi chùa. @dulichnuisam
Theo như sự tích kể trên thì bên cạnh chùa còn có một hang núi sâu, nơi đây vách đá cũng được đặt tượng Phật cho các Phật tử đến viếng và khấn vái. Đi sâu vào hang bạn sẽ thấy được hai bên lối đi có tượng đôi rắn - linh vật trong truyền thuyết tại chùa Hang tạo cảm giác linh thiêng cho ngôi chùa.
Nguồn trích dẫn
Bài viết được trích dẫn từ:
- Nguồn: Treveloka
- Cre: Nguyễn Thụy Mộc Nhiên
Để xem chi tiết bài viết gốc, vui lòng truy cập vào liên kết bên dưới...