1. Một thế giới VUCA bước ra từ sách giáo khoa
Sau năm 1990, từ khi bức tường Berlin sụp đổ, quân đội Mỹ đã đưa ra khái niệm thế giới VUCA để mô tả thế giới hiện đại, không bao giờ còn như trước nữa. Dần dà, khái niệm này được phổ biến rộng rãi trên toàn thế giới, đặc biệt trong giới kinh doanh.
Sự thay đổi diễn ra quá nhanh và khó đoán định. Các doanh nghiệp phải đối mặt với bốn đặc tính của thời đại mới: khó dự báo (sự xuất hiện của Covid-19, tốc độ phát triển chóng mặt của các công nghệ số với những ứng dụng chưa từng thấy), không chắc chắn (sự bất ổn của nguồn cung, các nguy cơ khủng hoảng truyền thông, tấn công mạng), sự phức hợp của các mối quan hệ (những trao đổi của doanh nghiệp và khách hàng có thể được đưa lên mạng xã hội, báo chí tạo ra những khủng hoảng lớn, sự phát triển của các phong trào xã hội, NGO làm cho các mối quan hệ phải xử lý tăng lên), sự mơ hồ (fake news, các cuộc tấn công vào danh tiếng, tài nguyên dữ liệu xảy ra nhiều hơn, nhanh hơn và không xác định được nguồn gốc trong hay ngoài nước).
Covid-19 thực sự là một minh chứng cho tất cả các đặc tính của thế giới VUCA nói trên. Trong làn sóng thứ nhất các doanh nghiệp tại Việt Nam có thể nói đã bàng hoàng và chưa có đối sách phù hợp, và làn sóng Covid-19 đợt 4 càng làm khó khăn tăng lên. Tuy nhiên, trong “nguy” có “cơ”: dịch Covid-19 làm rõ nét những thay đổi trước kia đã manh nha trong một loạt lĩnh vực và thúc đẩy sự sáng tạo trong cách làm của các doanh nghiệp.
2. Những thay đổi từ Covid-19
2.1 Về mô hình kinh doanh và giỏ sản phẩm
Bán hàng qua mạng, bán hàng mang về không còn là xu hướng mà đã trở thành hiện thực. Điều này hoàn toàn phù hợp với ngành hàng ăn uống bình dân, đặc biệt là các đồ ăn thức uống dành cho giới trẻ. Covid-19 không những làm tăng yêu cầu đặt hàng từ nhóm khách hàng ngày càng đông này mà còn giúp làm xuất hiện những khách hàng lần đầu hoặc dần đặt hàng thường xuyên hơn.
Các tổ chức đào tạo buộc phải chuyển lên dạy online và phát triển các sản phẩm mới từ đó. Online school trở thành dự án ưu tiên ở nhiều doanh nghiệp. Các thương hiệu rượu chuyển 1 phần công suất sang sản xuất cồn rửa tay, công ty ô tô sản xuất máy thở, thương hiệu thời trang làm khẩu trang,…tất nhiên các sản phẩm mới vẫn giữ được ADN của doanh nghiệp.
2.2 Về tổ chức nhân sự và công việc
WFH (Work From Home – làm việc từ xa) là những chữ viết tắt xuất hiện ngày càng nhiều trong các cuộc trao đổi công việc. Mô tả công việc cũng thay đổi. Mỗi nhân sự giờ làm kiêm nhiệm nhiều vị trí. Một người bán hàng cũng có thể tham gia truyền thông của công ty và truyền thông thông qua zalo, facebook của chính mình. Cũng nhân viên ấy có thể trở thành shipper, thủ quỹ. Một đầu bếp cũng trở thành youtuber, instagrammer để thu hút người xem.
Covid-19 cũng trở thành một dịp “thanh lọc nhân sự” công ty lọc đi những nhân sự không hiệu quả đồng thời cũng có cơ hội vượt trội để kiếm được nhân sự tốt rời bỏ các công ty hiện tại họ đang làm. Đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp chuyển từ tư duy kiểm soát bằng vân tay và giờ làm sang quản trị bằng hiệu quả công việc. Với các doanh nghiệp làm dịch vụ tư vấn, sáng tạo, cần chuyển từ tư duy làm việc ở chỗ cố định sang WFE Work From Everywhere. Với người lao động là sự dịch chuyển cần thiết từ đi làm full time sang bán sức lao động, chất xám theo giờ, với giá cao.
2.3 Về sự dịch chuyển trọng tâm sang digital marketing – communication
Covid đã biến các kênh truyền thông tự có như website, facebook, zalo của công ty và của cán bộ nhân viên trở thành kênh truyền thông chính của nhiều doanh nghiệp. Các chi tiêu cho quảng cáo ngoài trời, báo in sụt giảm, thay vào đó là các hình ảnh, video, nội dung ngắn gọn, ấn tượng xuất hiện trên không gian mạng ngày càng nhiều. Các nội dung mang tính giải trí nhiều hơn, âm nhạc được sử dụng nhiều hơn.
2.4 Về phong cách làm marketing truyền thông
Người ta nói ít hơn về B2B, B2C mà nói nhiều hơn về H2H: Human to Human – truyền thông với bộ mặt nhân văn. Các hoạt động CSR trước đây bỗng trở nên một công cụ truyền thông sắc bén của các doanh nghiệp khi đưa ra công chúng một hình ảnh nhân văn của doanh nghiệp: doanh nghiệp như một con người biết cảm thông, chia sẻ, hào hiệp, nhân văn, tích cực khi tham gia các cuộc quyên góp, chủ động tổ chức giúp đỡ người khó khăn bằng nhiều biện pháp. ATM gạo là một sáng kiến tuyệt vời về mặt truyền thông cho nhiều doanh nghiệp. VP Bank ghi dấu ấn với sáng kiến học viện tiểu thương, dạy cho tiểu thương kinh doanh trên mạng, góp phần tăng thu nhập cho người gặp khó khăn…
Những thay đổi này đặt câu hỏi lớn để các nhà quản trị doanh nghiệp suy nghĩ lại về khả năng quản trị sự thay đổi, quản trị sự sáng tạo, củng cố văn hóa doanh nghiệp, truyền thông nội bộ và đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ nhân viên như thế nào. Những câu hỏi vốn trước đây hay nằm trong các cặp hồ sơ hoặc ở dưới cùng của list-to-do của các lãnh đạo.
3. Những kinh nghiệm thú vị
Khi “bị dồn vào chân tường” người ta lại có những ý tưởng thú vị. Một đặc điểm trong thời Covid-19 là khách hàng dành nhiều thời gian online hơn để giải trí, giao tiếp, tiêu dùng và làm việc. Thu hút được sự chú ý và giữ được sự tương tác được với khách hàng là điều vô cùng cần thiết với mỗi doanh nghiệp.
3.1 Về nội dung
Sức khỏe là nội dung được quan tâm hàng đầu của khách hàng trong thời Covid-19. Nhãn hàng Dove rất nhanh chóng đưa ra video hướng dẫn rửa tay thông qua kênh youtube tự có của mình và đã thu hút được hàng triệu views. Nhiều nhà hàng đã đưa đầu bếp của mình lên mạng để giới thiệu các công thức nấu ăn….
Thương hiệu làm nội thất thì có video hướng dẫn trang trí lại nhà cửa hoặc hướng dẫn cả nhà vẽ hình trang trí lại nhà cửa. Các trung tâm fitness, yoga và cả giáo viên thể chất của một số trường cũng có những lớp đào tạo tập luyện online. Có những nhãn hàng dành nhiều giờ tư vấn tâm lý miễn phí cho khách hàng vượt qua khó khăn thời dịch bệnh…
Cần chủ động đón đầu các cơ hội đang đến. Mới đây, Thái Lan đã chủ động làm nhiều video giới thiệu cảnh đẹp online của mình để định hướng khách có passport covid đến thăm những cảnh đẹp này khi đất nước mở cửa trở lại. Tình hình mới yêu cầu các doanh nghiệp phải rất chủ động để tranh thủ được cơ hội.
3.2. Về hình thức
Hình ảnh và video lên ngôi. Trong thời gian giãn cách, người ta đã thấy nhiều thương hiệu “chơi”với logo của mình. 4 chiếc vòng trong logo Audi tách xa nhau ra, thương hiệu bán chuối Chiquita đã “cất” cô gái trên logo đi vì cô ấy đi giãn cách. Giải thi đấu thể thao US Open đã hài hước làm biến đổi tagline của thương hiệu thành US Closed.
Lần đầu tiên nhiều công trình văn hóa, nhà hát, bảo tàng đã mở cửa online. Ai Cập đã cho phát những video trực tiếp thăm một trong những hầm mộ ít mở cửa cho công chúng, nhà hát ba lê huyền thoại của Nga Bolshoi, hay nhà hát London đã biểu diễn miễn phí cho công chúng xem những màn trình diễn trước đây chưa từng công bố đầy đủ trên mạng… Tất cả là để duy trì sự chú ý của công chúng và tương tác với họ.
3.3. Về nguồn phát thông tin
Quan điểm truyền thông hiện đại nhấn mạnh vào việc mỗi nhân viên là một đại sứ thương hiệu. Chính vì thế Covid-19 là dịp để đưa hình ảnh thương hiệu một cách hiệu quả và tích cực qua mỗi cán bộ nhân viên. Một hình ảnh đẹp, một hành động đẹp, của mỗi cá nhân trong công ty, của các khách hàng, đối tác cũng mang lại hiệu ứng tích cực về hình ảnh cho công ty, doanh nghiệp.
Sau thời kỳ dịch bệnh, nếu cán bộ nhân viên đã biết cách tự truyền thông trên mạng thì cũng là một sức mạnh bổ sung cho doanh nghiệp nơi họ làm. Rà soát data khách hàng, nâng chất lượng và hiệu quả của các kênh truyền thông đang có cũng là việc cần làm. Đây cũng là dịp tăng gắn kết nội bộ, theo dõi sự quan tâm của cán bộ nhân viên dành cho công ty.
Thế giới luôn thay đổi duy chỉ có một điều không bao giờ thay đổi đó là sự thay đổi và bây giờ, Covid đã thay đổi ngay cả sự thay đổi. Chính vì vậy, doanh nghiệp nên tập trung phát triển các nội dung nhân văn, hữu ích với người tiêu dùng, theo một phong cách thân thiện, dễ gần và đưa lên các kênh truyền thông để tiếp cận với công chúng. Tích cực đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp để tiếp cận được với những cơ hội mới. Đó chính là những thay đổi cần có trong tư duy và cách làm của doanh nghiệp trong một điều kiện kinh doanh – “bình thường mới”.
Theo: vneconomy