1. Những điểm giống nhau của hợp đồng BCC và hợp đồng liên doanh
Nhìn chung, hai loại hợp đồng trên có khá nhiều điểm tương đồng:
- Cơ sở pháp lý hình thành nên quan hệ đầu tư là hợp đồng
- Chủ thể của hợp đồng đều có thể bao gồm hai bên hoặc nhiều bên (song phương hoặc đa phương) và đều bao gồm các đối tượng là “nhà đầu tư” theo quy định của pháp luật của Việt Nam
- Nội dung của hợp đồng đều chứa đựng sự thỏa thuận làm hình thành quyền, nghĩa vụ trong hoạt động đầu tư.
2. Những điểm khác biệt của hợp đồng BCC và hợp đồng liên doanh
Khác với hợp đồng BCC, pháp luật Việt Nam không coi hợp đồng liên doanh là hình thức đầu tư độc lập. Hợp đồng liên doanh không chỉ có mục đích là sự thỏa thuận làm hình thành các quyền và nghĩa vụ của các nhà đầu tư khi họ chung vốn cùng hoạt động đầu tư mà còn có mục đích tạo cơ sở pháp lý cho việc thành lập một doanh nghiệp liên doanh.
Do đó, hợp đồng liên doanh có một số điểm khác biệt hợp đồng BCC như sau:
2.1. Về chủ thể của hợp đồng
- Hợp đồng BCC: Không giới hạn các nhà đầu tư, có thể là nhà đầu tư trong nước kí kết hợp tác kinh doanh với nhà đầu tư nước ngoài hoặc những nhà đầu tư trong nước kí kết hợp đồng với nhau
- Hợp đồng liên doanh: Bắt buộc phải có sự kí kết của một hoặc nhiều nhà đầu tư trong nước với một hoặc nhiều nhà đầu tư nước ngoài, sự tham gia của nhà đầu tư trong nước là điều kiện bắt buộc để hình thành nên hợp đồng liên doanh.
2.2. Về bản chất của hợp đồng
- Hợp đồng BCC là sự thỏa thuận của các bên để tiến hành hợp tác kinh doanh với nhau và được pháp luật coi là một hình thức đầu tư (được quy định tại Điều 28 Luật đầu tư năm 2014), nó tồn tại độc lập với các hình thức đầu tư khác.
- Hợp đồng liên doanh không được coi là hình thức đầu tư, nó chỉ là cơ sở pháp lí ghi nhận quan hệ đầu tư. Hệ quả của quá trình kí kết hợp đồng liên doanh là một doanh nghiệp liên doanh ra đời. Do đó đây sẽ là một văn bản bắt buộc phải có trong hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận đầu tư.
2.3. Về nội dung thỏa thuận trong hợp đồng
- Hợp đồng BCC: Việc kí kết hợp đồng không dẫn đến thành lập một tổ chức kinh tế mới tại Việt Nam phải hoạt động theo luật Doanh nghiệp. Do vậy trong hợp đồng này các bên cùng thỏa thuận những nội dung liên quan đến: thể thức góp vốn, phân chia lợi nhuận, kết quả kinh doanh…
Hợp đồng liên doanh: Việc kí kết hợp đồng dẫn đến việc thành lập một pháp nhân theo Luật Doanh nghiệp Việt Nam nên nội dung của sự thỏa thuận ngoài những nội dung tương tự hợp đồng BCC, hợp đồng liên doanh còn có sự thỏa thuận về loại hình doanh nghiệp, lĩnh vực, ngành nghề và phạm vi kinh doanh, vốn điều lệ, phần vốn góp của mỗi bên, phương thức, tiến độ góp vốn điều lệ, điều kiện chấm dứt hoạt động, giải thể doanh nghiệp…Như vậy, hợp đồng liên doanh thuộc loại hợp đồng mang tính tổ chức hay hợp đồng thành lập công ty. Điều lệ hoạt động của doanh nghiệp liên doanh phải được xây dựng dựa trên những nội dung thỏa thuận của hợp đồng. Sau khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư, cùng với điều lệ hoạt động của doanh nghiệp liên doanh, hợp đồng liên doanh là văn bản có hiệu lực pháp luật trong suốt quá trình thực hiện dự án đầu tư.
2.4. Về việc triển khai hợp đồng
- Hợp đồng BCC: Các nhà đầu tư phải tự tiến hành hoạt động đầu tư với quy chế do chính họ đặt ra và thỏa thuận trong hợp đồng, có thể coi sự thỏa thuận trong hợp đồng thể hiện sự nhất trí cao độ.
- Hợp đồng liên doanh: Tính hiệu quả trong quá trình đầu tư của nhà đầu tư (đối với hình thức thành lập doanh nghiệp liên doanh) sẽ được phản ánh qua chính tình hình hoạt động liên doanh đó.
2.5. Về việc sử dụng dấu, tư cách giao dịch
- Sau khi ký xong hợp đồng BCC, thường các bên phải thỏa thuận sử dụng dấu và danh nghĩa của một bên để giao dịch.
- Trong hợp đồng liên doanh thì sau khi thành lập công ty liên doanh sẽ là pháp nhân độc lập và giao dịch với các bên khác.
Như vậy, hợp đồng BCC có lợi thế không phải thành lập pháp nhân nên quy trình, thủ tục đầu tư nhanh chóng và không tốn nhiều chi phí. Tuy nhiên, hai bên trong hợp đồng sẽ gặp khó khăn trong việc kiểm soát được các hoạt động đầu tư, kinh doanh, đăc biệt là việc hạch toán chi phí, vì bắt buộc hai bên phải lựa chọn sử dụng danh nghĩa (con dấu pháp nhân) của một bên để tiến hành các giao dịch. Trong trường hợp này, chi phí chỉ có thể được hạch toán vào bên được lựa chọn sử dụng danh nghĩa. Trong khi đó, các bên trong hợp đồng liên doanh phải đăng kí thành lập một pháp nhân mới nên tốn nhiều thời gian và chi phí hơn. Bù lại, pháp nhân được thành lập có hoạt động độc lập và tách khỏi hoạt động riêng của hai bên liên doanh nên đảm bảo được sự minh bạch, rõ ràng và dễ kiểm soát các vấn đề như quản lý điều hành, hạch toán chi phí. Sau khi hoạt động đầu tư, kinh doanh chấm dứt, các bên liên doanh phải tiến hành thủ tục giải thể doanh nghiệp.
3. Nội dung hợp đồng BCC
Nội dung của hợp đồng hợp tác kinh doanh gồm các thỏa thuận về nội dung hợp tác giữa các bên. Theo Điều 29 Luật Đầu tư năm 2014, hợp đồng hợp tác kinh doanh gồm những nội dung chủ yếu sau đây:
- Tên công ty, doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư, địa chỉ trụ sở chính, người đại diện theo pháp luật hoặc người có thẩm quyền của các bên tham gia hợp đồng; địa chỉ giao dịch hoặc địa chỉ nơi thực hiện dự án
- Mục tiêu, mong muốn của việc kết hợp với nhau để thực hiện dự án và phạm vi theo không gian và thời gian hoạt động đầu tư kinh doanh
- Sự đóng góp về vốn như tài sản cố định, tài sản lưu động… của các bên tham gia hợp đồng và với mục đích tối đa hóa lợi nhuận thì việc phân chia kết quả đầu tư sản xuất, kinh doanh giữa các bên cũng là điều đáng lưu tâm
Ngoài ra, cần thỏa thuận tiến độ (thời gian các công đoạn thực hiện dự án) và thời hạn thực hiện hợp đồng;
- Cần thỏa thuận rõ ràng quyền, nghĩa vụ của các bên tham gia hợp đồng để tránh phát sinh tranh chấp
- Cần phải thỏa thuận, thương lượng các trường hợp sửa đổi, chuyển nhượng hoặc chấm dứt hợp đồng; Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng như phạt vi phạm, bồi thường thiệt hại; phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại hay Tòa án
Trong quá trình thực hiện hợp đồng, các bên tham gia hợp đồng được thỏa thuận sử dụng tài sản hình thành từ việc hợp tác kinh doanh để thành lập doanh nghiệp thường sẽ thành lập công ty TNHH hoặc công ty cổ phần theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp. Các bên tham gia hợp đồng có quyền thỏa thuận những nội dung khác không trái với quy định của pháp luật và đưa vào hợp đồng hợp tác kinh doanh.
Về cơ bản thì quy định về nội dung của hợp đồng hợp tác kinh doanh theo Luật Đầu tư năm 2014 là cái riêng, cái cụ thể tương tự như quy định của Bộ Luật Dân sự năm 2015 là cái chung, cái bao quát về nội dung hợp đồng hợp tác. Bộ luật Dân sự năm 2015 chỉ bổ sung thêm hai nội dung:
- Đóng góp bằng sức lao động, nếu có. Quy định này khá hay và giúp nhà đầu tư vận dụng linh hoạt khi trong trường hợp nhà đầu tư không có sẵn hoặc có ít vốn như tiền mặt, tài sản… để đầu tư thì có thể đóng góp bằng sức lao động như cung cấp ra nguồn nhân lực như kỹ sư, đội ngũ nhân viên, người lao động dồi dào, giỏi, giàu kinh nghiệm mà đối tác bên kia không thể có.
- Các điều kiện tham gia và cũng như rút khỏi hợp đồng hợp tác của thành viên để tránh phát sinh tranh chấp.
Tuy nhiên, Luật Đầu tư năm 2014 cũng đã có dự liệu khi quy định về các nội dung khác các bên có quyền thỏa thuận và đưa vào hợp đồng, miễn là không trái quy định của pháp luật.
BCC – Với vai trò là hợp đồng kinh tế mang lại nhiều lợi ích của hình thức đầu tư này là dễ tiến hành, dự án triển khai nhanh, thời hạn đầu tư không bị kéo dài, nhà đầu tư có thể sớm thu được lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh do không mất thời gian thực hiện thủ tục thành lập pháp nhân và đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất mới.
Tại Việt Nam, hình thức hợp đồng BCC có ý nghĩa rất lớn đối với hoạt động phát triển mạng lưới viễn thông.
Ths Luật, Nhà báo Hoàng Tuấn