Huyện Phong Ðiền (TP Cần Thơ) nổi tiếng với nhiều loại trái cây đặc sản, góp phần hình thành nên thương hiệu nông sản đặc trưng của Cần Thơ. Hiện Phong Ðiền đang chú trọng mở rộng các vùng chuyên canh cây ăn trái được sản xuất theo tiêu chuẩn sạch gắn với phát triển du lịch sinh thái bền vững.
Phong điền phát triển du lịch sinh thái gắn với cây ăn trái
Du khách tham quan vườn nhãn tại Phong Điền.
TP Cần Thơ hiện có hơn 24.500ha vườn cây ăn trái, riêng tại Phong Ðiền là gần 9.000ha, chiếm hơn 1/3 diện tích trồng cây ăn trái của toàn thành phố. Ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Ðiền, cho biết: “Phong Ðiền có thế mạnh về du lịch sinh thái, đặc biệt tập trung các sản phẩm liên quan đến cây ăn trái. Với định hướng xây dựng thương hiệu cây ăn trái xuất khẩu và phát triển du lịch sinh thái bền vững, Phong Ðiền hiện đang tập trung phân vùng sản xuất, tạo điều kiện hỗ trợ nông dân mở rộng diện tích vườn cây”.
Phong Ðiền hiện có 65 điểm tham quan du lịch và di tích lịch sử - văn hóa, trong đó các điểm vườn, khu du lịch sinh thái có đến hơn 30 điểm, tập trung nhiều ở xã Mỹ Khánh, Nhơn Ái, Nhơn Nghĩa, thị trấn Phong Ðiền; nổi bật với nhiều loại trái cây đặc sản như: dâu Hạ Châu, sầu riêng, măng cụt, vú sữa… Bà Ðào Thị Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ, thông tin: “Phong Ðiền có thế mạnh phát triển du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp. Nhiều năm qua, Phong Ðiền là một trong những địa phương thu hút nhiều du khách đến Cần Thơ, từ đó cũng hình thành những sản phẩm sinh thái đặc trưng của vùng đất này. Ngành Du lịch thành phố có định hướng phát triển du lịch theo hướng bền vững, tạo điều kiện và khuyến khích các điểm vườn mở rộng vườn cây kết hợp làm du lịch. Hiện chúng tôi đang tập trung đề xuất xây dựng các cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển du lịch nông nghiệp”.
Ông Nguyễn Tấn Quang, chủ vườn du lịch sinh thái Giáo Dương, chia sẻ: “Gia đình tôi vừa làm vườn vừa làm du lịch đến nay đã hơn 30 năm. Trái cây trong vườn chủ yếu là đặc sản của Phong Ðiền. Gia đình canh tác, kinh doanh thuận tự nhiên. Bình thường thì bán cây giống, tới mùa trái cây thì kết hợp vừa bán vừa để khách vô vườn tham quan. Vừa làm vườn vừa làm du lịch tạo nguồn thu nhập cho gia đình trong nhiều năm qua”. Còn ông Trần Văn Thìn, vườn du lịch sinh thái Tuấn Tường, cho biết: “Gia đình tôi làm du lịch theo hướng gần gũi thiên nhiên, thân thiện môi trường. Vườn cây lâu năm chúng tôi giữ nguyên để khách tham quan; kết hợp dịch vụ trải nghiệm làm bánh, thưởng thức ẩm thực miền quê. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng có định hướng phát triển sản phẩm trái cây sấy dẻo, sấy khô hướng đến xây dựng sản phẩm OCOP. Mục tiêu của chúng tôi là làm du lịch sinh thái theo hướng bền vững, kết hợp khai thác các làng nghề địa phương”. Ông Trần Thiện Cảnh, chủ vườn sinh thái, cơ sở bánh hỏi mặt võng Út Dzách (xã Nhơn Ái), chia sẻ: “Gia đình tôi có vườn cây lâu năm, mỗi năm thu hoạch khoảng vài chục tấn trái cây. Với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, chúng tôi bắt đầu kết hợp phát triển vườn với làm du lịch từ năm 2014. Từ khi kết hợp như thế, thu nhập ổn định hơn”.
Thực tế, vườn cây ăn trái đã góp phần hình thành nên bản sắc miệt vườn của du lịch Phong Ðiền, giúp địa phương có dấu ấn riêng trên thị trường và trong ấn tượng của du khách. Lợi nhuận kép từ kinh tế vườn và du lịch đã góp phần thúc đẩy nhiều hộ dân tại Phong Ðiền chuyển sang làm du lịch nông nghiệp. Ông Trần Văn Chiến, nông dân ở xã Trường Long, cho biết: “Tôi có vườn cây 3ha, dự kiến kết hợp làm kinh tế vườn với du lịch và đang tiếp cận các chính sách hỗ trợ”. Trong khi đó, ông Ðỗ Thanh Tùng ở thị trấn Phong Ðiền, nói: “Tôi cũng muốn chuyển đổi mô hình kinh tế và đang tìm hiểu khi làm vườn kết hợp hoạt động du lịch sẽ cần những tiêu chí gì”. Ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Ðiền, thông tin: “Ðịnh hướng phát triển của Phong Ðiền có nội dung phát triển vùng sản xuất trái cây sạch, an toàn, kết hợp xây dựng thương hiệu cây ăn trái xuất khẩu gắn với các hoạt động du lịch. Do đó, chúng tôi có quy hoạch vùng trồng, vùng phát triển du lịch, trong đó định hướng bà con trồng các cây đặc sản có giá trị kinh tế cao theo phương pháp sản xuất an toàn, chất lượng cao, đạt chuẩn VietGAP, các chuẩn xuất khẩu; đồng thời hỗ trợ kỹ thuật, cây giống, liên kết các đơn vị thu mua, liên kết điểm đến về du lịch, quảng bá và xây dựng thương hiệu nông sản”.
Bên cạnh đó, Phong Ðiền có Ðề án Phát triển du lịch sinh thái an toàn giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Ðề án xác định xây dựng hình ảnh huyện Phong Ðiền là điểm đến an toàn, lý tưởng; phát triển du lịch Phong Ðiền theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại và bền vững; Phấn đấu đưa Phong Ðiền trở thành địa bàn trọng điểm phát triển du lịch sinh thái của TP Cần Thơ, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và đóng góp tích cực vào việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Trong khi đó, ngành Du lịch thành phố cũng có định hướng phát triển du lịch nông nghiệp với Ðề án “Phát triển du lịch nông nghiệp trên địa bàn TP Cần Thơ giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030”. Trong đề án cũng xác định khai thác hiệu quả các giá trị tài nguyên trong nông nghiệp gắn với phát triển du lịch theo định hướng phát triển bền vững, đồng thời nâng cao sức cạnh tranh của các sản phẩm, góp phần làm đa dạng hóa hệ thống sản phẩm, dịch vụ du lịch tại Cần Thơ; xây dựng thương hiệu du lịch nông nghiệp Cần Thơ…
Như vậy, phát triển nông nghiệp sạch gắn với du lịch là định hướng phát triển bền vững mang về nhiều lợi ích cho ngành nông nghiệp và du lịch. Qua đó sẽ góp phần xây dựng các thương hiệu nông sản sạch, hình thành các mô hình du lịch nông nghiệp đa trải nghiệm: homestay, farmstay… góp phần đa dạng hóa hệ thống sản phẩm du lịch thành phố.
Ái Lam/Báo Cần Thơ