Theo thống kê của Bộ Y tế, tính từ đầu năm đến tháng 8/2014, cả nước có khoảng 301.570 trường hợp mắc tiêu chảy cấp. Riêng tại TP.Hồ Chí Minh, 6 tháng đầu năm 2014 ghi nhận 3.719 ca tiêu chảy cấp, trong đó huyện Bình Chánh chiếm tỷ lệ 7,87% số ca mắc (293 ca). Đáng chú ý, trong tháng 7/2014, một bé trai 10 tháng tuổi và một bé gái 29 tháng tuổi tại huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh đã tử vong vì bệnh truyền nhiễm này.
27% trẻ em nông thôn vẫn đi vệ sinh bên ngoài.
Mới đây nhất, có trên 200 trẻ tại trường Tiểu học Nguyễn Khuyến, quận 12 TP Hồ Chí Minh đã phải nghỉ học do vi khuẩn gây ngộ độc. Theo kết luận của Sở Y tế vào ngày 2/11, các học sinh mắc bệnh tại trường Tiểu học Nguyễn Khuyến, quận 12 từ ngày 21/10 đến nay là chùm ca bệnh Viêm dạ dày ruột do vi trùng Salmonella Enteritidis gây ra. Qua điều tra, phân tích các yếu tố nguy cơ cho thấy, nhiều khả năng sự lây lan của chùm ca bệnh này là do tình trạng vệ sinh môi trường trong nhà trường không đảm bảo.
Thực tế cho thấy, các nhà vệ sinh trường học tại các khu đô thị lớn thường rơi vào tình trạng trang thiết bị xuống cấp hoặc quá tải so với số lượng giáo viên và học sinh. Khảo sát tại các trường tại TP Hồ Chí Minh như Trường tiểu học Hiệp Bình Phước (Q.Thủ Đức), Trường THCS Trung Mỹ Tây 1 (Q.12), Trường tiểu học Bình Triệu (Q.Thủ Đức), Trường tiểu học Phong Phú (H.Bình Chánh)…, phần lớn nhà vệ sinh bẩn, thiếu nước, xuống cấp trầm trọng. Ngay cả bồn rửa tay cũng không được dùng nước sạch, không được lau chùi thường xuyên nên các vết ố vàng do nhiễm phèn từ nước giếng bị đóng cặn nhiều lớp như bùn.
Tại vùng nông thôn, tình trạng thiếu vệ sinh tại các nhà vệ sinh càng trầm trọng hơn. Đặc biệt, có 27% trẻ ở vùng nông thôn vẫn phải đi vệ sinh ở bên ngoài vì trường học và nhà ở không có nhà vệ sinh. Như huyện Đông Hòa (Phú Yên), Tuy Phước (Bình Định),.. tình trạng giáo viên nam và nữ phải dùng chung nhà vệ sinh, gây ra cảm giác rất bất tiện. Học sinh và thầy cô thường bấm bụng, bịt mũi để giải quyết vấn đề tiểu tiện. Mỗi khi đại tiện, cả trò lẫn thầy đều phải đi nhờ nhà người dân hoặc ngắt quãng chuyện học, chuyện dạy để về nhà giải quyết nhu cầu. Vì thế, phần lớn các học sinh nơi đây ít khi đi vệ sinh tại trường, thường nhịn để về nhà sử dụng.
Nguyên nhân của bệnh tiêu chảy:
Theo Bộ Y Tế, việc ngộ độc trong trường học do thiếu vệ sinh diễn ra không ít, nhưng trường hợp tử vong vì tiêu chảy cấp là hiếm gặp. “Đáng lo ngại, các trường hợp tử vong này xảy ra tại những địa phương có điều kiện vệ sinh kém, nước ao hồ tù đọng, cầu tiêu đặt trên ao cá, rác thải không được thu gom và thiếu nước sạch”, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết. Trong khi đó, rất ít người quan tâm đến bệnh truyền nhiễm do nhà vệ sinh… thiếu vệ sinh.
Thống kê của Tổ chức Y tế thế giới cho thấy, năm 2014 số người mắc và chết do tiêu chảy cấp hiện vẫn được xếp thứ 4 trong 10 nguyên nhân dẫn đầu của bệnh nhân nhập viện. Trong đó, nhà vệ sinh trường học được xem là nơi phát sinh nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhất. Thực tế, hơn 40% ca nhiễm tiêu chảy ở học sinh xuất phát từ trường học nhiều hơn từ nhà. Con số này được Unicef Việt Nam đưa ra khi lý giải nguyên nhân cuả bệnh tiêu chảy cấp của trẻ em.
Trong khi đó, bệnh tiêu chảy cấp ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của trẻ. Theo TS Hà Vinh, Trưởng Khoa Nhi B (Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TP Hồ Chí Minh), tiêu chảy sẽ dẫn đến suy dinh dưỡng, rồi đến lượt suy dinh dưỡng khiến trẻ dễ bị tiêu chảy. Vòng lặp luẩn quẩn này kéo dài dễ dẫn đến tử vong. Chưa kể, những đứa trẻ bị tiêu chảy càng nhiều thì càng ảnh hưởng đến phát triển chiều cao sau này. PGS, TS Nguyễn Thị Lâm, Viện trưởng viện Dinh dưỡng quốc gia cũng cho biết thêm, sau khi trẻ bị nhiễm trùng đường ruột (bị tiêu chảy, tả, thương hàn) thường bị giảm khả năng nhận thức, trẻ có thể mất 10 điểm IQ so với những trẻ không mắc bệnh.
Trước thực trạng trên, Cục Quản lý môi trường y tế - Bộ Y Tế đã phối hợp với công ty Unilever Việt Nam – nhãn hàng VIM thực hiện “Khung kế hoạch hợp tác chiến lược nâng cao điều kiện vệ sinh tại Việt Nam” trong vòng 5 năm, từ 2014 - 2018 thông qua chương trình “Hành trình nhà vệ sinh sạch khuẩn” . Trọng tâm của chương trình là nhắm đến mục tiêu nâng cao nhận thức và điều kiện vệ sinh cho 10 triệu người dân Việt Nam. Ngoài ra, công ty Unilever Việt Nam tiếp tục triển khai kế hoạch hợp tác thường niên với Unicef qua việc hỗ trợ Chương trình tiếp cận dựa vào cộng đồng để đạt được mục tiêu Vệ Sinh Toàn Diện (CATS) thông qua việc đẩy mạnh công tác cải thiện vệ sinh cho 400.000 người ở vùng nông thôn