Kiên Giang – Vụ nuôi tôm càng xanh năm 2021, tranh thủ thời tiết thuận lợi, bà con nông dân huyện An Minh đã thả giống sớm hơn mọi năm và thu về một mùa tôm bội thu vào những ngày cận Tết.
Một đất trúng 2 vụ
Bà con Miệt thứ Kiên Giang bội thu vụ tôm càng xanh dịp cận Tết Nguyên đán 2022. Ảnh: PV
Nhiều năm nay, trong cùng đơn vị diện tích trồng lúa, bà con nông dân vùng Miệt thứ An Minh thả nuôi tôm càng xanh xen canh. Đây là đối tượng thích nghi tốt với điều kiện nước ngọt trong ruộng lúa, ít dịch bệnh và dễ chăm sóc. Cùng thời điểm thu hoạch lúa, bà con cũng thu hoạch tôm càng xanh.
Thời điểm cận Tết Nguyên đán 2022, đến vùng Miệt thứ sẽ bắt gặp không khí rộn ràng của vùng quê vốn dĩ yên tĩnh. Ai cũng tất bật luôn tay cùng nhau thu hoạch tôm.
Đến thăm gia đình ông Âu Minh Vương, ngụ Thị trấn thứ 11, huyện An Minh năm nay ông thu hoạch tôm càng xanh sớm hơn mọi năm. Chỉ với 2,5ha đất sản xuất sau hơn 5 tháng thả nuôi cho thu hoạch trên 800kg tôm thương phẩm, tăng gần gấp đôi so với năm trước.
Với vụ tôm này không chỉ cải thiện kinh tế gia đình mà còn giải tỏa những lo lắng của bà con do tình hình dịch bệnh COVID-19 vừa qua. Ông Vương vui mừng nói: “Vụ này trúng đậm ngon lành, giá cả ổn định, thương lái vào thu mua cũng nhanh. Trừ hết chi phí, tôi còn lời khoảng trên 60 triệu đồng của vụ tôm. Tôm và lúa đều trúng mùa trúng giá, nông dân mình đỡ khổ biết là bao”.
Theo thống kê của ngành chuyên môn, năm 2021, toàn huyện An Minh thả nuôi khoảng trên 6.000ha tôm càng xanh, đến nay đã thu hoạch dứt điểm khoảng 80% diện tích, với năng suất bình quân 300 kg/ha. Hiện nay giá bán khá ổn định, từ 90 đến 120 ngàn/kg tùy kích cỡ tôm, nếu trừ chi phí mỗi ha có thể lợi nhuận trên 25 triệu đồng.
Định hướng sản xuất đúng đắn
Mô hình tôm càng xanh xen lúa đem lại hiệu quả cao cho nông dân Miệt thứ. Ảnh: PV
Theo bà con nông dân, vụ nuôi năm 2021 có thể còn cho hiệu quả cao hơn nữa nếu như dịch bệnh COVID-19 không diễn biến phức tạp. Trong giai đoạn giãn cách xã hội, nhiều người lo sợ khó khăn ở đầu ra của sản phẩm nên không thả nuôi.
Ông Nguyễn Thanh Điền, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện An Minh cho biết: “Hiệu quả của nuôi tôm càng xanh trong ruộng lúa đã được chứng minh qua thực tế và cũng góp phần đa dạng hóa tôm nuôi ở địa phương. Con tôm này ưu điểm là có giá trị kinh tế cao, có sức đề kháng tốt, ít xảy ra dịch bệnh nên bà con nuôi rất thuận tiện. Ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục tham mưu ủy ban trong việc xây dựng kế hoạch nuôi mới, khuyến khích bà con trong vùng quy hoạch tôm lúa tiếp tục thả nuôi kết hợp tôm càng xanh trong lúa, tận dụng ưu thế của mô hình bền vững này.”
Theo ông Điền, thành công của vụ nuôi tôm càng xanh trong ruộng lúa là 1 hướng đi để huyện An Minh định hướng sản xuất, bố trí cây trồng vật nuôi phù hợp để phát triển sản xuất hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới.
Để phục vụ tốt hơn cho yêu cầu sản xuất, huyện An Minh đang đẩy mạnh nhiều giải pháp thủy lợi nội đồng, nạo vét kênh, mương, hoàn thiện các cống, đập ngăn mặn; kiểm soát chặt chẽ con giống, tìm đầu ra cho sản phẩm… để sản xuất của người nông dân ngày càng chủ động và hiệu quả hơn.
Ông Nguyễn Hoàng Khải, Phó chủ tịch UBND huyện An Minh cho biết: “Phát huy kết quả đạt được, huyện An Minh chủ trương sẽ phấn đấu vụ mùa sau vận động bà con nông dân thả nuôi từ 7.000ha tôm càng xanh trở lên. Đồng thời ủy ban cũng chỉ đạo ngành nông nghiệp huyện sẽ theo sát và hỗ trợ bà con tối đa về kỹ thuật để có 1 vụ mùa mới đạt kết quả cao hơn nữa”.
--------------------------------------------------------------
NGUYÊN ANH
Đăng ngày: 12/01/2022