1. Khái quát
Hiểu đơn giản, Sketchnote là một phương pháp ghi chép lại nội dung bằng các hình vẽ tay, chữ viết, biểu tượng theo phong cách riêng của bạn.
Nhờ đó sẽ giúp bạn dễ dàng phát triển tư duy, ghi nhớ nội dung tốt hơn nhờ vào hình ảnh thay vì chi chít như kiểu ghi chép truyền thống.
2. Mục đích
Kích thích trí tưởng tượng của bản thân
Khác với phương pháp ghi chép truyền thống thì Sketchnote sẽ giúp kích thích phát triển trí tưởng tượng của bản thân rất là nhiều, bởi vì bạn sẽ cần phải ghi nhớ và tưởng tượng về vật thể mà mình cần vẽ. Sau đó bạn sẽ phác thảo nó lên bản trình bày bằng chính phong cách riêng của bản thân bạn. Vậy nên phương pháp này cực kì hữu ích để đánh thức, vận động lại não bộ một cách tuyệt vời.
Chia sẻ với cộng đồng
Như bạn cũng đã thấy thì Internet hiện nay đã phủ kín mọi nơi, vậy nên bạn cũng có thể chia sẻ bản trình bày của mình đến với nhiều người, cũng như là tham khảo những cách vẽ đơn giản, sáng tạo từ những người khác trong cộng đồng.
Thực hành rèn luyện trí nhớ
Thực hành sử dụng Sketchnote nhiều trong quá trình học tập hay khi đi làm sẽ giúp bạn rèn luyện được khả năng lắng nghe từ người nói, phân tích và chọn lọc được nội dung cần chú ý để thêm vào sketchnote.
3. Những nét vẽ
6 hình khối cơ bản
Nếu bạn chưa biết, mọi vật thể xung quanh chúng ta đều được tạo nên từ các hình dạng cơ bản bao gồm: dấu chấm, đường thẳng, hình vuông, hình tròn, hình tam giác. Bây giờ bạn nhìn thử xung quanh coi có phải không nhé!
Quy tắc 4S
Ngoài ra, khi mới bắt đầu tập vẽ sketchnote thì bạn cũng cần phải tìm hiểu thêm quy tắc 4s như sau:
- Special: Thêm yếu tố đặc biệt, điểm nhấn cho hình vẽ, icon của bạn.
- Simple: Vẽ một cách đơn giản, đừng cầu kỳ quá khiến nội dung bị rối.
- Single - line: Vẽ liền mạch một nét cho từng chi tiết.
- Sense of humor: Thêm yếu tố hài hước, dễ thương cho hình của bạn.
Những yếu tố cần quan tâm khi học Sketchnote.
Khi học vẽ Sketchnote, bạn sẽ cần quan tâm đến những yếu tố sau: chữ viết, bố cục trình bày nội dung, hình ảnh, biểu tượng, màu sắc.
- Chữ viết: Mặc dù phương pháp chủ yếu để ghi nhớ đó là hình ảnh nhưng bạn cũng phải cần quan tâm đến kiểu chữ viết của mình. Kích thước cỡ chữ lớn sẽ dùng cho những tiêu đề ý chính, còn các tiêu đề phụ thì bạn hãy dùng cỡ chữ nhỏ hơn để phân biệt. Đối với những ý cần nhấn mạnh thì bạn hãy tô đậm phần chữ đó.
- Bố cục trình bày: Có rất nhiều bố cục khác nhau để bạn có thể diễn đạt được ý của mình, không nhấ thiết là phải màu mè hoa lá lẹ rồi dẫn đến bị rối trong chính bản ghi chép của mình. Bạn có thể xem qua các bố cục Sketchnote trong phần tiếp theo.
- Hình ảnh, biểu tượng: Việc sử dụng hình ảnh thay thế cho chữ viết sẽ giúp bạn dễ dàng liên tưởng và kích thích khả năng ghi nhớ thông tin lâu hơn.
- Màu sắc: Cuối cùng là màu sắc, bạn chỉ nên chọn từ 1 đến 3 màu chủ đạo cho chủ đề của mình, đồng thời thêm màu sắc vào bản ghi chú cũng giúp nội dung thêm sinh động, ấn tượng lâu dài hơn.
4. 5 Bước hoàn thiện Sketchnote
Bước 1: Xác định chủ đề chính mà bạn muốn ghi chép và nó cần phải đơn giản, súc tích, dễ nhớ. Sau đó, bạn cần xác định tiếp nội dung cần trình bày là có bao nhiêu ý, liệt kê những ý đó ra một cách ngắn gọn, dễ hiểu.
Bước 2: Xác định bối cảnh để bạn có cách trình bày sao cho hợp lý, bạn dùng Sketchnote để ghi chép, thuyết trình khi họp nhóm hay làm báo cáo trong công việc?
Bước 3: Chọn bố cục cho Sketchnote
Bước 4: Chọn hình ảnh icon phù hợp, bạn có thể chọn cách ghi chép bằng các nét vẽ đơn, liền mạch, các loại bút màu, hình khối.
Bước 5: Lựa chọn màu sắc chủ đạo cho Sketchnote bằng 1 đến 3 màu chính và bạn cũng đừng nên cho quá nhiều màu vô bản trình bày của mình vì nó sẽ khiến nội dung bị rối.