Đem câu hỏi lớn này đến trò chuyện cùngnhà giáo dục Giản Tư Trung, ông chia sẻ một cách chân thành:"Nhìn qua, mọi người có thể thấy tôi tham gia nhiều tổ chức, làm nhiều việc, nhưng thực chất tôi chỉ làm một nghề, một việc thôi, đó là, gắn bó với sự học khai phóng, chỉ là tôi làm việc này với các đối tượng, với các cộng đồng khác nhau ở các tổ chức, dự án khác nhau. Tôi nghĩ, một đời người có thể làm nhiều việc, nhưng để có thể làm thật tốt thì ta cần phải tập trung cho một việc trong một thời gian đủ dài. Và với tôi, gắn bó với sự học khai phóng chính là công việc đời người mà tôi lựa chọn."
Xin ông nói rõ hơn về khái niệm khai phóng và giáo dục khai phóng?
- Từ khai phóng trong tiếng Việt gần với sự khai sáng. Khai phóng có thể hiểu là: Khai minh và giải phóng. Khai là mở và minh là sáng. Con người sinh ra vốn dĩ tăm tối, nên cần được đưa ánh sáng vào để làm cho mình sáng ra. Ánh sáng đó chính là chân lý, tự do và sự thật. Nếu con người không được khai minh thì sẽ tối bền vững. Ngược lại, khi được khai minh, con người sẽ nâng cao khả năng minh định của mình, khi đó sẽ minh định được ai là ai, cái gì là cái gì và mình là ai; minh định được đúng-sai, phải-trái, chân-giả, thiện-ác, chính-tà trong cuộc sống và trong thế giới của mình. Còn giải phóng là hệ quả tất yếu của khai minh, vì chẳng có ai được khai minh mà lại không giải phóng mình ra khỏi vô minh, giáo điều, ấu trĩ, tăm tối, ngộ nhận và lệch lạc…
Nghĩa thứ hai của khai phóng là khai mở tâm trí và giải phóng tiềm năng của mình. Khai mở tâm trí để có một cái đầu sáng nhằm có thể minh định được con đường đúng cùng một trái tim nóng để thôi thúc hành động. Khi tâm trí khai mở, việc phát huy hết tiềm năng để thăng hoa trong công việc và cuộc sống là điều hiển nhiên.
00:12:45
Nhìn ở những góc độ như thế này, ta có thể thấy, sự học khai phóng là cần thiết cho tất cả mọi người, mọi độ tuổi, mọi ngành nghề, và mọi xã hội, nhất là trong thời đại ngày nay.
Lâu nay mọi người vẫn nói: "Giáo dục hư học nhiều quá"; thế nhưng, cho dù giáo dục đã có thực học đi chăng nữa mà chỉ tập trung vào chuyên môn nghề nghiệp thì thật ra vẫn chưa đủ. Bởi lẽ, còn tồn tại một thứ giáo dục quan trọng hơn cả "giáo dục nghề nghiệp", đó là "giáo dục khai phóng".
Có thể nói, nếu như giáo dục chuyên môn giúp người ta có nghề thì giáo dục khai phóng giúp người ta có tầm. Do vậy, ta không chỉ học để có bằng và có nghề mà còn học để có tầm; không chỉ học để làm nghề, mà còn học để làm người. Nếu như giáo dục phổ thông giúp ta có nền tảng văn hóa thì giáo dục đại học giúp ta có tầm vóc văn hóa. Nói cách khác, nếu chỉ học đối phó thì có khi chỉ có bằng mà không có nghề, còn nếu thực học chỉ tập trung vào chuyên môn thì có thể trở thành người giỏi, nhưng không thể trở thành người lớn. Bởi lẽ, chỉ có giáo dục khai khóng, sự học khai phóng mới có thể giúp con người xây dựng tầm vóc văn hóa để trở thành "người lớn", trở thành con người tự do.
Và nền tảng, tầm vóc văn hóa này được định hình bởi nhân tính, quốc tính và cá tính của chính mình. Nói rõ hơn, nhân tính, quốc tính và cá tính là đặc tính của con người tự do và con người tự do là đích đến của giáo dục khai phóng. Đó cũng chính là triết lý giáo dục mà tôi thường chia sẻ.
Có vẻ như ngày nay có nhiều người hiểu "tự do" theo nghĩa là muốn làm gì thì làm, ông nghĩ sao?
- Đúng vậy, ngày nay có không ít bạn trẻ ngộ nhận về khái niệm con người tự do. Tự do không phải là muốn làm gì thì làm. Con người tự do thì khác với con người hoang dã, con người nô lệ, con người công cụ, con người phận vị, con người nổi loạn... Con người tự do là con người biết sống theo cách của mình, nhưng có tự trọng và biết tôn trọng. Tự trọng tức là coi trọng lương tri và phẩm giá của mình, luôn cố gắng không làm gì trái với lương tri và phẩm giá. Còn tôn trọng ở đây có nghĩa là tự do của mình không phương hại đến tự do của người khác, và nếu vượt qua giới hạn này thì sẽ rất dễ trở thành con người hoang dã.
Ngày nay, không chỉ có sự ngộ nhận giữa tự do và hoang dã, mà còn có sự ngộ nhận giữa đức tin và mê tín, giữa cá tính và quái tính, giữa chân thật và trơ trẽn, giữa mạo hiểm và liều mạng, giữa tự trọng và sĩ diện, giữa "hãy là chính mình" và "tôi là trên hết"… Nền tảng của tự do hay cá tính hay đức tin chính là khai minh và cách duy nhất để thoát khỏi sự ngộ nhận này là khai phóng bản thân. Chỉ có sự học khai phóng và khai phóng bản thân thì mới có thể có tự do, có đức tin, có cá tính, có chính mình một cách đúng nghĩa.
Có thể thấy ông hoạt động trong rất nhiều lĩnh vực, làm rất nhiều nghề, đặc biệt là trong lĩnh vực giáo dục và doanh trí. Ông đã tạo ra những giá trị nổi bật nào?
- Nhiều người hay hỏi, mấy chục năm tôi gắn bó với sự học của các doanh nhân như vậy, chắc hẳn tôi đã thay đổi nhiều vạn doanh nhân trên khắp cả nước? Tôi thường trả lời, tôi chưa thay đổi bất cứ doanh nhân nào. Người duy nhất mà tôi có thể thay đổi là chính tôi. Bởi lẽ không ai có thể thay đổi một người, ngoại trừ chính họ.
Nhưng tôi đã làm được một công việc rất bền bỉ với rất nhiều cộng đồng và độ tuổi khác nhau, trong nhiều năm. Đó là đồng hành với sự học khai phóng của doanh giới, của giáo giới, của giới trẻ, của cộng đồng, tùy theo dự án.
Chẳng hạn như, Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh tập trung vào những vấn đề văn hóa nền tảng chung của xã hội, Trường Doanh nhân PACE đồng hành cùng sự học của doanh giới, còn Viện Giáo dục IRED đồng hành cùng sự học của giáo giới, của phụ huynh và học sinh…
Ngoài ra,mọi người còn có thể thấycông việc của tôi qua việc khai lập và điều hành Học bổng Lãnh đạo Khai phóng IPL, Dự án Khuyến đọc Sách Hay, Giải thưởng Sách Haythường niên, Chương trình Sách cho trại giam, Chương trìnhKhai phóng TopSkills (dành cho sinh viên), Chương trình Khai phóng PLEMS (dành cho học sinh),Chương trình Khai phóng Teacher Mindset (dành cho giáo viên), Chương trình Khai phóng Parent Mindset (dành cho phụ huynh), cũng như hàng loạt tủ sách thiết yếu như Tủ sách Doanh trí, Tủ sách Giáo dục và Tủ sách Khai phóng. Gần đây là đồng khởi xướng Giai đoạn II củaDự án Tủ sách Tinh hoa Thế giới (kế tục công việc của Quỹ văn hóa Phan Châu Trinh và NXB Tri Thức).
Và mới đây nhất, chúng tôi ra mắt Bộ sách "Lịch sử văn minh thế giới" của Will Durant, đây là công trình dịch thuật đồ sộ bậc nhất Việt Nam từ trước tới nay, do Viện IRED thực hiện (gần 50 tập sách).
Song song đó là khởi xướng Trường Khai phóng Trực tuyến OpenEdu hoàn toàn miễn phí bằng tiếng Việt có bản quyền với kho tri thức và bài giảng phong phú, có tính khai phóng cao để tiếp sức cho hành trình "Tự lực khai phóng" của mỗi người (được triển khai từ 2018).
Thế đấy, cuộc đời tôi đã trải qua nhiều ngành nghề, lĩnh vực, làm nhiều việc với các tổ chức, dự án khác nhau, nhưngcó thể tóm lại cho mình một con đường mà thôi, đó là con đường cách mạng sự học và gắn bó với giáo dục khai phóng. Và tôi xem đó là một hạnh phúc lớn của đời mình!
Vì sao ông chuyển cách tiếp cận từ cách mạng giáo dục sang cách mạng sự học?
- Ngày trước, tôi nghĩ thường đến chuyện làm cách mạng giáo dục, làm sao để chấn hưng, cải cách giáo dục… Tuy nhiên, sau nhiều năm tôi nhận ra rằng giải quyết vấn đề này chẳng khác nào khiến mình tự "đâm đầu vào đá". Cách mạng giáo dục là cuộc cách mạng của "toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta", nên nếu chỉ là một nhóm người thì cũng khó mà xoay chuyển được.
Từ đó, tôi bắt đầu thay đổi hướng đi và cách tiếp cận của mình. Đó là năm 2004. Tôi không còn quá bận tâm đến cách mạng giáo dục nữa, mà tập trung vào câu chuyện cách mạng sự học của mỗi người. Bởi lẽ, thay đổi thì không chỉ có một cách là từ trên xuống (Top-Down) mà còn là từ dưới lên (Bottom-Up), và cách mạng sự học là cuộc cách mạng "của tôi, do tôi và vì tôi", nghĩa là bất kỳ ai cũng có thể làm được. Để hoàn thành một cuộc cách mạng về giáo dục có khi phải mất 10-20 năm, thậm chí 30-50 năm. Nhưng để thực hiện cách mạng sự học thì có thể bắt đầu ngay bây giờ, không phụ thuộc vào bất cứ ai.
Từ cách mạng sự học sẽ dẫn đến cách mạng bản thân, từ cách mạng bản thân sẽ dẫn đến cách mạng tổ chức, và đó cũng là cội nguồn của mọi sự đổi thay của xã hội theo hướng tiến bộ hơn.
Tại Trường Doanh nhân PACE ("trường doanh nhân" đầu tiên trong lịch sử kinh thương Việt Nam), mỗi doanh nhân học viên đều chia sẻ tôn chỉ "Thực học vì doanh trí", hay nói đầy đủ hơn là "Tôi thực học vì doanh trí của tôi". Từ khi ra đời cho đến nay, 19 năm liên tục, không ngày nào chúng tôi không nghĩ về việc làm sao để giúp mỗi doanh nhân "nâng cao doanh trí bằng tri thức thế giới và giá trị thực học" và "cùng cộng đồng doanh nghiệp khai mở một nền quản trị mới tại Việt Nam", một nền quản trị hiệu quả và tiến bộ hơn.
Tại Viện Giáo dục IRED (một viện nghiên cứu giáo dục độc lập đầu tiên tại Việt Nam), chúng tôi giương cao ngọn cờ "Tự lực khai phóng", tự lực khai minh và giải phóng chính mình, tự lực khai mở tâm trí và giải phóng tiềm năng của mình, và đây cũng chính là cách tốt nhất để mỗi người đều có thể góp phần thúc đẩy sự hình thành và phát triển của giáo dục khai phóng ở Việt Nam ta.
Việc chuyển hướng từ cách mạng giáo dục sang cách mạng sự học là bước ngoặt rất lớn. Nó giải thoát cho chính tôi. Suy cho cùng, giáo dục hay giảng dạy cũng chính là giúp người khác tự học.
Trong cuốn sách được đón nhận nồng nhiệt của mình "Đúng việc - Một góc nhìn về câu chuyện khai minh", ông cũng có nói về việc định nghĩa lại giáo dục. Xin ông nói rõ thêm?
- Trong nhiều năm qua, công việc mà tôi làm nhiều nhất là góp phần định nghĩa lạigiáo dục, định nghĩa lại đại học, định nghĩa lại kinh doanh, định nghĩa lại quản trị, định nghĩa lại lãnh đạo, định nghĩa lại sự học, định nghĩa lại sự dạy…
Cuốn "Đúng việc" gợi mở việc cần định nghĩa lại mọi thứ, nỗ lực tìm về bản chất của mọi vấn đề, trả lại với chân giá trị của mọi chuyện. Đây cũng chính là hành trình khai minh của mỗi người, mỗi gia đình, mỗi tổ chức, mỗi xứ sở.Tức là gợi mở để mọi người cùng thảo luận, bàn về những vấn đề căn cốt của nhân sinh và từ đó mỗi người sẽ tự tìm ra chân lý cho riêng mình, bởi lẽ không ai độc quyền chân lý.
Chính vì cách tiếp cận đó, nên khi "Đúng việc" đi vào xã hội, từ doanh nhân, nhà giáo, cho đến giới trẻ, và cả các vị lãnh đạo đều rất ủng hộ, cho rằng cách tiếp cận rất ổn, phù hợp, không giáo điều, không hô hào, rất thực chất. Bởi những gì không thực chất thì chắc chắn không sống được.
Lâu nay, người ta hay tranh cãi việc Việt Nam đã có triết lý giáo dục hay chưa. Riêng ông Giản Tư Trung khẳng định: Thực ra Việt Nam đã có triết lý giáo dục, vấn đề là triết lý giáo dục đó đã phù hợp chưa, có thuyết phục không. Điều mà ít người quan tâm, triết lý giáo dục không phải là độc quyền của nhà nước. Một nhà trường vẫn cần có triết lý giáo dục riêng của mình để đào tạo học sinh. Một gia đình có triết lý giáo dục để dạy con. Một công ty có triết lý giáo dục để đào tạo nhân viên. Một nhà nước phải có triết lý giáo dục để giáo dục công dân. Triết lý giáo dục là trả lời 3 câu hỏi: Thế nào là con người; Muốn tạo ra con người như thế nào? Và làm sao để tạo ra con người như thế?
Ông thường nhắc đến giá trị của "thực học", nhưng liệu "thực học" có thể chống lại thói quen bằng cấp của cả xã hội?
- Thời trước, người nào có tấm bằng đại học trong tay là cầm nắm một lợi thế cạnh tranh rất lớn trên thị trường lao động chất xám, chưa cần bàn đến chuyện anh có chuyên môn hay không, vì lúc đó vào được đại học đã có phần hơn người rồi.
Nhưng ngày nay, tấm bằng đại học gần như có thể sở hữu khá dễ dàng khiến nhiều người có cảm giác như đại học đang được phổ cập khắp nơi, chính vì vậy, nó không còn là lợi thế cạnh tranh nữa. Các doanh nghiệp, các nền kinh tế trong nước và thế giới lại rất cần người có thực lực; mà muốn có thực lực chắc chắn phải thực học rồi. Trong thời đại mà bằng cấp trở nên quá đại trà thì cũng là lúc mà "chân tài thực học" sẽ lên ngôi; bởi lẽ, chỉ có học thực mới có thể làm thực, chỉ có làm thực mới có thể sống thực, tất cả bắt đầu từ thực học.
Phải chăng đó cũng là lý do ôngmở trường PACE là để doanh nhân có thể "thực học" và nâng cao doanh trí - điều mà cách đây 20 năm chưa ai nghĩ tới?
- Chúng tôi tập trung vào sự học của doanh nhân. Nếu giúp thay đổi một sinh viên hay một nhân viên thì chỉ thay đổi được một người, nhưng nếu giúp cho một doanh nhân thay đổi thì sẽ thay đổi cả một xã hội đằng sau lưng của họ. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu chúng ta có thể góp sức cho sự thay đổi hàng ngàn, hàng vạn doanh nhân? Chúng ta có thể góp phần thay đổi cả nền kinh thương.
Vì sao ông cho rằng mỗi người tự thay đổi thì tự khắc nền giáo dục cũng phải thay đổi?
- Có một phương châm hành động phù hợp bối cảnh này, đó là, ta không thể thay đổi được hướng gió nhưng có thể điều chỉnh được cánh buồm. Có một nguyên lý rất hay của hàng hải ngày xưa đó là thuyền muốn đi từ A sang B nhưng nhiều lúc gió lại thổi từ B sang A, nhưng nhờ biết điều chỉnh cánh buồm nên thuyền vẫn có thể đi ngược gió. Chúng ta sống trong thời đại rất nhiều gió, gió lại mạnh và thổi theo rất nhiều hướng, nhưng nếu cứ muốn thay đổi hướng gió thì sẽ không khả thi, sẽ cảm thấy vô vọng,thậm chí tuyệt vọng.
Nhìn lại vấn đề giáo dục, chúng ta đừng cầu xin nền giáo dục phải thay đổi, cơ chế phải thay đổi, mà hãy chủ động kiểm soát bằng tư duy "thay đổi đến từ tôi". Mahama Gadhi từng nói: "Bạn hãy là sự thay đổi mà bạn muốn nhìn thấy trong cuộc đời". Để chuyển từ nghề "bán than" (than thở, than vãn) sang nghề "bán hy vọng", bán niềm tin, bán hạnh phúc, bán thành công thì con người phải ý thức được 2 thay đổi: (1) Thay đổi đến từ tôi; và (2) Tuy không thay đổi được hướng gió nhưng tôi có thể điều chỉnh được cánh buồm nằm trong tay tôi.
Nhiệm vụ của giáo dục không phải là lựa chọn thay cho người khác hay khuyên bảo họ hay nhào nặn họ, mà chính là tiếp sức cho họ để họ biết cách tự lực khai phóng chính mình, tự thay đổi mình theo cách của họ để trở thành con người mà họ muốn, sống cuộc đời mà họ mơ. Điều sâu xa nhất của giáo dục khai phóng chính là giáo dục nhân bản mà thôi. Lâu nay nhiều khi cái từ "khai phóng" bị "loạn", trong khi bản chất chính là giáo dục nhân bản. Nhân là người, bản là gốc. Lấy con người làm gốc, cụ thể, lấy độc lập, tự do, hạnh phúc của người học làm gốc chứ không phải lấy áp đặt của mình làm gốc. Về mặt rộng hơn, nền giáo dục quốc gia cũng phải lấy độc lập, tự do, hạnh phúc của người học, người dạy làm trọng. Chứ không phải áp đặt hay nhào nặn, nhồi sọ - vì như thế không những không nhân bản mà còn phi nhân.
Xin ông nêu ví dụ cụ thể thế nào là "nhân bản"?
- Ví dụ, hàng ngàn năm nay người ta vẫn định nghĩa hôn nhân là cuộc hôn phối giữa một người đàn ông và một người đàn bà. Chân lý đó giờ không còn đúng nữa. Giờ thì người ta định nghĩa: Hôn nhân là một cuộc hôn phối giữa con người và một con người, không liên quan đến đàn ông và đàn bà. Đó chính là nhân bản, vì người ta tôn trọng giá trị ai cũng có quyền hạnh phúc bất kể giới tính nào.
Hay trong tuyên ngôn độc lập của Mỹ hoặc trong tuyên ngôn nhân quyền của Pháp đều nói rằng: Mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng, tạo hóa đã cho họ những quyền không ai có thể chối cãi được, không ai có thể xâm phạm được, đó là quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc. Nhưng bây giờ người ta có quyền mà trước đây chưa từng có - đó là quyền được chết! Nhiều nước đã có luật về quyền được chết êm ái, cái quyền mà hàng ngàn năm chưa ai dám nghĩ đến. Nhưng hàng ngàn năm trước chưa từng có. Đó cũng là nhân bản! Bởi lẽ, họ có quyền được thoát khỏi nỗi đau đớn, họ có quyền được ra đi và được trợ giúp để ra đi nhẹ nhàng (nếu thỏa các điều kiện theo quy định của pháp luật).
Cụ thể hơn trong giáo dục, cách tốt nhất để dạy người khác là giúp người đó biết cách tự dạy chính họ; cách tốt nhất để dạy con là giúp con biết cách tự dạy mình cả đời, là giúp con trở thành chính nó, chứ không phải nhào nặn con thành thứ mà mình muốn. Trong lãnh đạo cũng thế, cách tốt nhất để lãnh đạo người khác là giúp người đó biết cách tự lãnh đạo họ; cách tốt nhất để quản trị người khác là giúp người đó biết cách tự quản trị họ. Đây cũng là cách lấy sự độc lập và tự do, lấy sự phát triển của con người làm trọng. Đó chính là giáo dục nhân bản và lãnh đạo nhân bản.
Thiết nghĩ, chỉ khi ta xây dựng quốc gia, tổ chức, gia đình và cuộc đời trên nền tảng nhân bản thì mới bền. Chỉ những người có lương tri, có nhân tính thì hành động của họ mới nhân bản. Bởi lẽ, họ phải nhân bản với chính mình thì mới nhân bản với người khác. Có nghĩa là mình sẽ cố gắng không làm những việc phản bội lại danh dự, phẩm giá, uy tín của mình. Nói rộng hơn, khi chúng ta đầu tư cho văn hóa, tức là đầu tư cho lương tri, cho cái bên trong. Đó mới là "yêu bản thân".
Lâu nay, nhiều người hiểu yêu bản thân khá hẹp hoặc thậm chí sai lệch, kiểu như yêu chiều thân thể mình, cho mình quyền hưởng thụ nhiều hơn… Thật ra, yêu bản thân có hai phần: Yêu bản thể và yêu thân thể.Yêu thân thể cũng đúng, nhưng chưa đủ, cần yêu bản thể nữa. Bản thể chính là nhân bản, nhân tính của mình, là căn tính và đức tin của mình. Có bản thể mới có chính mình. Khi ấy mới có thể xây dựng mọi thứ của cuộc đời mình trên đó. Mà trong bản thể của mình cần có nhân tính, nhân bản. Khi con người nhân bản thì hành động thường sẽ có tính nhân văn!
Ông có lời khuyên gì cho những con người hiện đại đang sống trong một thời đại đầy hoang mang và dễ rời xa tính nhân bản?
- Không phải là lời khuyên, tôi chỉ chia sẻ suy nghĩ và góc nhìn của mình về vấn đề này để mọi người tham khảo. Bây giờ, điều ta cần làm là nhìn mọi thứ tỉnh táo và tĩnh tại. Trong một xã hội, một thế giới quá nhiều khủng hoảng: từ khủng hoảng y tế, kinh tế, văn hóa, xã hội, đến chính trị, từ khủng hoảng trong nước đến khắp nơi trên thế giới… nếu người ta không ý thức cho sự tĩnh tại và tỉnh táo thì chắc sẽ khó sống.
Ngày xưa, người ta nói "tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến", còn ngày nay, câu nói này có vẻ không còn phù hợp, xin phép thay đổi, "tâm bất biến giữa dòng đời tỉ tỉ biến". Có thể ví von sự thay đổi của mấy ngàn năm cộng lại cũng không bằng sự thay đổi của riêng thế kỷ 20, nhưng sự thay đổi của cả thế kỷ 20 có khi cũng không bằng sự thay đổi của hơn chục năm đầu của thế kỷ 21.
Chúng ta đang sống trong mộtthế giới biến động chóng mặt và khôn lường, mọi giá trị đều bị thách thức, nhiều chuẩn mực bị đảo lộn, nhiều niềm tin bị đổ vỡ, làm người ta hoang mang và lạc trôi. Nếu dùng một từ chuẩn xác để mô tả về thời đại này của thế giới mà chúng ta đang sống là "thời loạn chuẩn"!
Có những giá trị hôm nay mình thấy đúng, ngày mai đã thấy sai, ngày mốt lại đúng. Tức là "sáng đúng, chiều sai, mai lại đúng". Sống trong một thời loạn như vậy, làm sao đứng vững? Chỉ có một cách duy nhất: Phải có một điểm tựa, một cái neo -đó là những giá trị vượt không gian và thời gian. Vượt không gian nghĩa là ở đâu cũng đúng, vượt thời gian nghĩa làtrăm năm trước đúng, trăm năm sau vẫn đúng. Vậy tìm đâu ra những giá trị như thế? Giá trị đó chỉ có một từ thôi - nhân bản! Chỉ từ đó là trường tồn, bất biến. Còn những thứ khác đều có thể bị thay đổi, lật đổ.
Và để hình thành tínhnhân bản trong bản thân mỗi người thì mình phải qua hành trình khai minh để có cái "đầu sáng", trái "tim nóng" và cái "bụng rộng".
"Đầu sáng" là cái đầu có khả năng minh định được ai là ai, cái gì là cái gì, và mình là ai."Tim nóng" là trái tim có hồn, biết rung cảm trước cái đẹp, nhất là cái đẹp vô hình, cái đẹp không nhìn thấy, không sờ thấy, mà chỉ có thể cảm thấy mà thôi; biết thổn thức trước nỗi đau của đồng loại; biết phẫn nộ trước cái ác; đầy tình yêu thương và giàu lòng trắc ẩn… "Bụng rộng" là sự bao dung, vị tha; chỉ có "bụng rộng" thì ta mới bớt hẹp hòi, bon chen, đố kỵ; chỉ có bụng rộng thì ta mới có thể chứa được cả sự hẹp hòi của người khác…
Có thể thấy những việc ông làm đều ẩn chứa thật nhiều tư tưởng và khát vọng lớn, vậy ông có thể chia sẻ khao khát lớn nhất của ông là gì?
- Theo tôi, khát khao lớn nhất của một đời người là trở thành con người tự do. Trong một thời cuộc nhiều biến động, để sống theo cách mình muốn mà vẫn có trách nhiệm và mang lại nhiều giá trị tốt đẹp cho đời không dễ. Nhưng người ta chỉ hạnh phúc khi sống theo cách mà mình muốn thôi. Nếu làm được điều đó là thành công lớn nhất trên đời.
Thế nên, trong các danh vị khó đạt mà trên khắp thế gian này con người có thể có như giáo sư, tiến sỹ, anh hùng, Nobel, triệu phú, tỉ phú…, theo tôi, có lẽ không có danh hiệu nào đẹp hơn "con người tự do".
Xin cảm ơn ông.