Chuyển đổi số (Digital transformation) là việc tích hợp công nghệ và kỹ thuật số vào quá trình hoạt động kinh doanh của tổ chức, với mục tiêu chính là gia tăng hiệu quả vận hành, nâng cao trải nghiệm và làm hài lòng khách hàng và hơn nữa là tạo được lợi thế cạnh tranh trên thị trường.
Chuyển đổi số đòi hỏi tổ chức phải có một quyết tâm thay đổi từ "gốc rễ", liên tục thách thức những thói quen, không ngừng thử nghiệm cái mới và học làm quen với thất bại. Chính vì thế, nhiều tổ chức rất chật vật trong quá trình chuyển đổi số vì không thể nào bỏ được những giá trị cốt lõi.
1. Khái quát
Chuyển đổi số trong hoạt động kinh doanh là một trong ba định hướng chính của doanh nghiệp, bao gồm:
Định hướng tối ưu hoạt động: Định hướng này đòi hỏi doanh nghiệp áp dụng công nghệ số vào quản trị và vận hành nhằm tối ưu hóa quy trình và giảm chi phí hoạt động. Bằng cách này, doanh nghiệp có thể nâng cao hiệu quả, tăng doanh thu, duy trì tính cạnh tranh và từng bước cải thiện sự hài lòng của nhân viên.
Định hướng tăng cường trải nghiệm khách hàng: Định hướng này nhằm giúp doanh nghiệp tìm kiếm và xây dựng mối quan hệ mạnh mẽ với khách hàng. Để thực hiện điều này, doanh nghiệp cần xác định khách hàng mục tiêu và áp dụng các công nghệ mới để nâng cao trải nghiệm khách hàng, cải thiện sự trung thành. Điều này đảm bảo tính bền vững cho doanh nghiệp trong thời gian dài.
Định hướng tạo lập mô hình kinh doanh mới: Định hướng này tập trung vào việc áp dụng công nghệ số để thay đổi cách thức hoạt động của doanh nghiệp từ các phương pháp truyền thống sang môi trường số. Mục tiêu là tạo ra các mô hình kinh doanh mới, mang đến trải nghiệm tiện ích hơn cho khách hàng và thu về nguồn doanh thu mới.
Trong ba định hướng trên, việc tạo lập mô hình kinh doanh mới có thể coi là giai đoạn tiến xa hơn trong quá trình chuyển đổi số. Đây là thời điểm mà doanh nghiệp có thể phân tích và tận dụng dữ liệu đã thu thập, tạo ra các mô hình kinh doanh đột phá, thay đổi hành vi tiêu dùng và tạo ra nguồn doanh thu mới.
Dưới đây là một số ví dụ và phân tích về định hướng này:
Ví dụ về mô hình kinh doanh mới: Một ví dụ nổi bật cho định hướng tạo lập mô hình kinh doanh mới có thể được thấy trong các dịch vụ gọi xe công nghệ như Grab, Uber. Trước khi có mạng gọi xe công nghệ, khách hàng vẫn có thể đặt xe qua tổng đài, tuy nhiên, việc này thường gặp phải nhiều hạn chế như thời gian chờ đợi, giá cước không rõ ràng, và tính tương tác kém. Mô hình kinh doanh gọi xe công nghệ thông qua ứng dụng đã thay đổi hoàn toàn cách thức tương tác, mang lại trải nghiệm mới mẻ cho khách hàng với sự tiện lợi, nhanh chóng và giá cả hợp lý hơn.
Áp dụng công nghệ số vào kênh bán hàng: Doanh nghiệp có thể chuyển đổi mô hình kinh doanh thông qua việc chuyển từ kênh bán hàng truyền thống sang bán hàng trực tuyến. Đồng thời, họ có thể tiến tới mô hình bán hàng đa kênh (omni channel), kết hợp bán hàng truyền thống và trực tuyến (O2O). Điều này cho phép khách hàng mua sắm và tương tác với doanh nghiệp qua nhiều kênh khác nhau, tạo ra trải nghiệm mua sắm linh hoạt và tiện ích hơn.
Nâng cao trải nghiệm khách hàng thông qua công nghệ số: Doanh nghiệp có thể áp dụng công nghệ số để tăng cường trải nghiệm tương tác với khách hàng. Ví dụ, việc sử dụng chatbot và trí tuệ nhân tạo (AI) có thể giúp giải đáp các câu hỏi tự động, cung cấp thông tin nhanh chóng và thuận tiện cho khách hàng. Điều này cải thiện sự hài lòng và tạo sự kết nối tốt hơn với khách hàng, đảm bảo tính bền vững cho doanh nghiệp.
Chuyển đổi việc phân phối hàng hóa: Doanh nghiệp có thể chuyển đổi việc phân phối hàng hóa từ các cửa hàng truyền thống sang sử dụng các sàn thương mại điện tử chuyên nghiệp và hiện đại như Tiki, Shopee, Lazada, hoặc thậm chí tới các sàn quốc tế như Amazon, eBay, Alibaba. Điều này mở rộng khả năng tiếp cận khách hàng, tăng cường khả năng bán hàng và mở rộng doanh thu.
Chuyển đổi số trong lĩnh vực kinh doanh mang lại nhiều cơ hội và lợi ích cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, quá trình này cũng đòi hỏi sự hiểu biết và chiến lược phù hợp để tận dụng các công nghệ số và áp dụng chúng vào hoạt động kinh doanh một cách hiệu quả.
2. Lợi ích
Chuyển đổi số mô hình kinh doanh mang lại nhiều lợi ích quan trọng cho các doanh nghiệp. Dưới đây là một số lợi ích chính mà chuyển đổi số mô hình kinh doanh có thể mang lại:
Tạo ra lợi thế cạnh tranh: Chuyển đổi số mô hình kinh doanh giúp các doanh nghiệp tạo ra lợi thế cạnh tranh vượt trội, đặc biệt trong thời kỳ cạnh tranh gay gắt khi các doanh nghiệp cạnh tranh nhau bằng cách áp dụng các công nghệ số mới nhất để tạo ra giá trị đột phá so với cách thức truyền thống. Điều này giúp doanh nghiệp giữ vững vị trí dẫn đầu và tạo ra một sự khác biệt trong ngành.
Gia tăng trải nghiệm khách hàng: Chuyển đổi số mô hình kinh doanh tạo điều kiện để doanh nghiệp áp dụng công nghệ nhằm tăng cường trải nghiệm thuận tiện, nhanh chóng và liền mạch cho khách hàng. Điều này trở nên cần thiết trong thời đại mà khách hàng ngày càng ưa thích và lựa chọn các sản phẩm/dịch vụ có thao tác đơn giản nhất trên ứng dụng di động và có khả năng lưu trữ các hoạt động lịch sử của họ. Điều này không chỉ tăng sức cạnh tranh mà còn tạo ra sự hài lòng và trung thành từ phía khách hàng.
Dễ dàng tiếp cận khách hàng đa vùng: Các mô hình kinh doanh mới thường được xây dựng và thực hiện trên môi trường số, giúp vượt qua các rào cản địa lý mà các mô hình truyền thống thường gặp phải. Nhờ đó, doanh nghiệp có thể dễ dàng tiếp cận khách hàng ở nhiều khu vực địa lý khác nhau, mở rộng cơ hội bán hàng và tăng doanh thu và lợi nhuận. Việc tiếp cận và phục vụ khách hàng từ xa thông qua các kênh trực tuyến cũng giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian và chi phí liên quan đến việc xây dựng và duy trì cơ sở vật chất vật lý.
Tạo ra luồng doanh thu mới: Chuyển đổi số mô hình kinh doanh có thể giúp doanh nghiệp tạo ra các luồng doanh thu mới. Việc áp dụng công nghệ số và tạo lập mô hình kinh doanh mới có thể mang lại cơ hội bán hàng và thu nhập từ các kênh trực tuyến, dịch vụ và sản phẩm mới, và khám phá các phương thức kinh doanh khác nhau. Điều này giúp doanh nghiệp tăng doanh thu và mở rộng phạm vi hoạt động kinh doanh.
Tổng hợp lại, chuyển đổi số mô hình kinh doanh không chỉ giúp các doanh nghiệp tồn tại trong kỷ nguyên công nghệ số mà còn tạo ra lợi thế cạnh tranh, nâng cao trải nghiệm khách hàng, dễ dàng tiếp cận khách hàng và tạo ra các luồng doanh thu mới. Đây là một quá trình không thể bỏ qua trong việc xây dựng một nền tảng kinh doanh thành công trong thế giới ngày càng số hóa.
3. Ví dụ
Việc chuyển đổi số mô hình kinh doanh đã được các doanh nghiệp lớn trên thế giới áp dụng từ lâu, mang lại sự đột phá và dẫn đầu ngành trong một số lĩnh vực cho một số doanh nghiệp, thể hiện qua một số ví dụ sau:
3.1. Ví dụ 1 – IKEA và mô hình kinh doanh đa kênh
IKEA hiện là công ty nội thất lớn nhất thế giới, có thể coi là một ví dụ về doanh nghiệp chuyển đổi mô hình kinh doanh sang các kênh kỹ thuật số. Trước đây IKEA có hơn 300 cửa hàng tại 41 quốc gia, tập trung vào trải nghiệm thực tế của khách hàng.
Sau nhiều thập kỷ trung thành với mô hình kinh doanh này, gần đây IKEA đã ra mắt cửa hàng mua sắm trực tuyến. Đây được coi là một thay đổi “chưa từng có” tại IKEA, nhằm chuyển đổi từ mô hình kinh doanh các cửa hàng lớn tại các khu vực ngoại ô sang hình thức gắn kết và gần gũi hơn với khách hàng thông qua các cửa hàng trực tuyến, tiến tới mở một số cửa hàng nhỏ trong nội đô.
Điều này là cần thiết nhằm kéo lại năng lực cạnh tranh cho IKEA, vốn đang dần kém hấp dẫn so với các đối thủ trên không gian mạng như Amazon hay Alibaba… Hoạt động chuyển đổi này giúp IKEA cung cấp trải nghiệm liền mạch cho khách hàng trên toàn chuỗi giá trị, tăng thêm các lựa chọn mua hàng từ đó đáp ứng nhu cầu đa dạng và mang lại sự chủ động và thích thú cho khách hàng sử dụng dịch vụ, sản phẩm của IKEA.
3.2. Ví dụ 2 – Hệ sinh thái thương mại Square, Inc
Square có xuất thân từ một cổng thanh toán POS, khởi đầu là một công ty B2B – làm cổng thanh toán cho merchants. Tuy nhiên, sau này theo dòng chuyển đổi số, Square bắt đầu áp dụng công nghệ hiện đại cho mô hình kinh doanh. Kết quả Square đã có thể phát triển được một sản phẩm B2C cực kỳ thành công về mobile wallet mang tên Cash App – ứng dụng cho phép người dùng chuyển tiền cho nhau bằng ứng dụng điện thoại di động.
Với rất nhiều lợi ích mang lại như thuận lợi, phí sử dụng thấp, cho phép đầu tư ngay trên ứng dụng… Cash App giúp người dùng thay đổi cách thức giao dịch truyền thống và rời rạc sang mô hình mới tập trung hơn, thuận tiện hơn. Vì vậy Cash App ngày càng được nhiều người dùng ưa chuộng và trở nên phổ biến. Việc chuyển đổi mô hình kinh doanh này giúp Square sở hữu cả hai đầu của một giao dịch, tạo tiền để dữ liệu để Square xây dựng các dịch vụ bổ sung sau này.
Không chỉ dừng ở đó, gần đây Square đã tiến hành thành công phi vụ mua AfterPay – một trong những công ty BNPL lớn nhất hiện nay. Với thương vụ này, Square đã tạo tiền đề cho công cụ kết nối hai đầu giao dịch. Qua đó Square trở thành ứng cử viên nặng ký cho ngôi vị cổng thanh toán lớn nhất nước Mỹ.