Có lẽ nhiều người nghĩ rằng Nước mắm là của châu Á, người châu Á được thể cũng hay xem nước mắm là phát minh của mình. Tuy nhiên, nước mắm lại bắt nguồn từ nền văn minh cổ đại ở châu Âu, châu Phi.
Đế chế nước mắm
Bình đựng garum khai quật ở vùng Địa Trung Hải (ảnh st)
Ghi chép xưa nhất nhắc đến nước mắm nằm trong tài liệu của Mago - một học giả Carthage chuyên viết về nông nghiệp - niên đại khoảng thế kỷ thứ 6 hoặc thứ 5 trước Công nguyên (BCE). Nhà sử học Marcus Porcius Cato của La Mã cũng nhắc đến quá trình giao dịch buôn bán “nước mắm Carthage” vào thế kỷ thứ 2 BCE.
Năm 146 BCE, Carthage chính thức rơi vào tay đế quốc La Mã, hàng ngàn người Carthage bị biến thành nô lệ. Theo nhiều giả thuyết hiện đại, kẻ chiến thắng tiện thể chôm luôn quy trình ủ cá của Carthage và nhiều cơ sở nước mắm bắt đầu nở rộ khắp châu Âu.
Pompeii trở thành vựa nước mắm lớn nhất nhì La Mã thời bấy giờ, dần dần cách làm nước mắm còn lan xuống các tỉnh thuộc địa như Cartagena và Baelo Claudia - bây giờ nằm ở Tây Ban Nha.
Ngày nay, dấu tích của xưởng ủ nước mắm cổ cũng như các kiểu bình đựng, chai lọ vẫn còn vắt vẻo tại Ý cũng như vài nước lân cận, ai đến thăm Ý và ghé thành phố Pompeii chơi sẽ có cơ hội ngắm các bình gốm đựng nước mắm trong bảo tàng.
Dân La Mã có hai tên gọi cho nước mắm: garum và liquamen, nhưng garum là từ phổ biến hơn. Ban đầu garum là loại nước lên men thu về sau khi ủ các phần thừa như ruột cá, mang cá, vây cá... trong muối.
Dần dà người La Mã chơi sang hơn, mon men ủ nước mắm bằng các mẻ cá nguyên con. Nguyên liệu càng xịn thì nước mắm càng đắt tiền, và thời ấy nước mắm ở La Mã niêm yết đủ loại giá như rượu bia bây giờ.
Garum ủ bằng ruột rà, vây mang thừa thãi sẽ y như bia rẻ tiền thời nay, chủ yếu dành cho dân lao động hoặc nô lệ. Garum từ cá ngon, mực ngon sẽ đắt ngang rượu vang xịn. Tính theo tiền tệ thời hiện đại, một chai nước mắm tốt dành cho tầng lớp quý tộc thời ấy sẽ có giá xấp xỉ 500 USD thời nay.
Tuy nhiên, cùng với sự sụp đổ của đế chế La Mã vào thế kỷ V, nước mắm cổ đại cũng dần chìm vào quên lãng. Theo các nhà nghiên cứu, khi nhà nước La Mã suy vong, muối bỗng trở nên đắt đỏ bởi nhà nước sau đó đã đặt mức thuế rất cao cho muối. Điều này làm ngành sản xuất nước mắm lâm vào khó khăn, đình trệ rồi phá sản.
Lan tỏa sang nhiều quốc gia
Dần dà garum trở thành món đế chế La Mã đem đi trao đổi buôn bán với các nước khác. Các nhà khảo cổ tin rằng nhờ giao dịch vận chuyển trên con đường tơ lụa mà garum đã đến với châu Á.
Lan tỏa sang nhiều quốc gia, nước mắm biến đổi để hòa hợp, để trở thành một phần văn hóa ẩm thực của đất nước bản địa. Ở phương Tây, nước Ý có món colatura di alici chính là một phiên bản của nước mắm. Ở phương Đông, nước mắm có mặt ở Thái Lan với tên gọi “nam-pla”, ở Trung Quốc là “yu lu”, ở Indonesia là “kecap ikan”, ở Phillipines là “patis”…
Trong vùng Đông Á, người Nhật cũng lên men cá để nước mắm tương tự như nước ta, có 2 loại nổi tiếng nhất là Shottsuru (魚汁) và Ishiru.
Shottsuru có phương pháp lên men gần giống nhất với nước mắm. Nguyên liệu là một loài cá nhỏ tương tự như cá cơm nước ta tên là hatahata ( ハタハタ, 鰰, 鱩, 燭魚, Arctoscopus japonicus). Sau khoảng 6 tháng, nước shottsuru được lọc và đun sôi, đóng chai có thể để được vài năm. Trước đây, Shottsurui được sản xuất chủ yếu dưới dạng nhỏ lẻ, khoảng từ năm 1950, việc sản xuất Shottsurui mới được công nghiệp hóa. Vùng sản xuất Shottsurui chủ yếu là tại tỉnh Akita, thuộc vùng Đông Bắc Nhật Bản.
Trong khu vực Đông Nam Á, ngoài Việt Nam thì các nước còn lại đều có các loại sản phẩm lên men từ cá và muối tương tự như nước mắm, với tên gọi khác nhau. Mặc dù vậy, các bằng chứng về khảo cổ và di chỉ lịch sử cho thấy. Nước mắm của Việt Nam là sản phẩm xuất hiện đầu tiên và lâu đời nhất so với loại sản phẩm tương tự còn lại trong khu vực.
Nguồn bài viết
Bài viết được tổng hợp từ trang tin điện tử của:
- Báo Tuổi Trẻ Onine
- Báo Đà Nẵng Online
- Hiệp hội Nước mắm Truyền thống Việt Nam (VATFI).