Phong trào thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp, đổi mới sáng tạo được Tỉnh đoàn và Hội liên hiệp thanh niên Việt Nam các cấp trong tỉnh quan tâm triển khai thực hiện sôi nổi. Phong trào góp phần đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, lập nghiệp trong thanh niên, thúc đẩy tạo ra những kết quả đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội.
Phát huy tinh thần khởi nghiệp
Anh Danh Đẹp (bìa phải) - Bí thư Chi đoàn ấp Cái Nước Ngọn, xã Đông Yên (An Biên) thử nghiệm mô hình nuôi ốc bươu đen.
Đảng và Nhà nước quan tâm và phát động nhiều chương trình đồng hành, cổ vũ, động viên thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp. Công tác triển khai, tuyên truyền, động viên tinh thần khởi nghiệp sáng tạo trong đoàn viên, thanh niên được Đoàn các cấp trong tỉnh tích cực thực hiện, cùng với đó là công tác hỗ trợ tiếp sức về vốn, khoa học, kỹ thuật…
KHƠI DẬY TINH THẦN KHỞI NGHIỆP
Phát huy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong đoàn viên, thanh niên, Tỉnh đoàn, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh tổ chức các cuộc thi khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, mở nhiều lớp tập huấn về khởi nghiệp (bình quân 1 lớp/đơn vị/năm) cho đoàn viên, hội viên, thanh niên tham gia. Trong các cuộc thi khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của tỉnh hàng năm, đoàn viên, thanh niên đem đến nhiều ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo, mới và ứng dụng cao trong sản xuất, kinh doanh. Các cuộc thi là sân chơi giao lưu, học hỏi các phương thức triển khai ý tưởng, xây dựng tốt các mô hình phát triển kinh tế. Đồng thời, tạo động lực, khuyến khích đoàn viên, hội viên, thanh niên khởi nghiệp sáng tạo; tạo môi trường thúc đẩy, hỗ trợ, từng bước đáp ứng nhu cầu của thanh niên trong quá trình khởi nghiệp, phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện của Đoàn, Hội các cấp và tuổi trẻ tỉnh nhà trong phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới.
Nhằm giúp đoàn viên, hội viên, thanh niên trang bị kiến thức về khởi nghiệp, Đoàn, Hội các cấp tổ chức nhiều lớp tập huấn, triển khai các hoạt động hỗ trợ, tư vấn, huy động nguồn lực hỗ trợ các ý tưởng khởi nghiệp của thanh niên; kết nối các quỹ hỗ trợ khởi nghiệp, các nhà đầu tư khởi nghiệp để hỗ trợ các dự án khởi nghiệp của thanh niên. Thực hiện phong trào tuổi trẻ sáng tạo, Đoàn trường Cao đẳng Kiên Giang phối hợp tổ chức các hội thi sáng tạo trong sinh viên. Các hoạt động khuyến khích đoàn viên, thanh niên đóng góp sáng kiến, ý tưởng sáng tạo góp phần nâng chất lượng, hiệu quả trong học tập, công tác. Đồng chí Nguyễn Văn Tuấn Vũ - Bí thư Đoàn Trường Cao đẳng Kiên Giang cho biết: “Trong phong trào đồng hành với thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp, Đoàn trường xây dựng kế hoạch và đưa vào chương trình hoạt động hàng năm nội dung phát huy tinh thần khởi nghiệp trong sinh viên khi còn học tại trường; xây dựng mối quan hệ làm việc với các tổ chức Đoàn trong tỉnh để hỗ trợ công tác giải quyết việc làm cho sinh viên”.
Đoàn trường Cao đẳng Kiên Giang phối hợp các trung tâm mở các lớp đào tạo ngắn hạn kỹ năng mềm, kỹ năng giao tiếp trong môi trường làm việc, ngắn hạn; tổ chức ngày hội việc làm, tư vấn, hỗ trợ thông tin, kiến thức, kỹ năng, tìm kiếm và phát triển ý tưởng khởi nghiệp trong sinh viên. Thời gian tới, Đoàn trường tiếp tục đẩy mạnh phong trào đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp trong đoàn viên, thanh niên; phối hợp với Trung tâm Khởi nghiệp KGC triển khai đề án thanh niên khởi nghiệp giai đoạn 2022-2024”, trong đó tập trung hỗ trợ sáng kiến, ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp; hỗ trợ sáng kiến, ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp trong sinh viên; các dự án, đề án trong lĩnh vực đổi mới, sáng tạo.
ĐỒNG HÀNH CÙNG THANH NIÊN KHỞI NGHIỆP
Năm 2023, Tỉnh đoàn triển khai hỗ trợ thanh niên làm kinh tế với nhiều nội dung như nâng cao nhận thức, kỹ năng kiến thức cho cán bộ Đoàn đối với nhiệm vụ hỗ trợ thanh niên làm kinh tế; đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền cảm hứng, cổ vũ, động viên thanh niên mạnh dạn, tự tin làm kinh tế; phát hiện, hỗ trợ và nhân rộng mô hình thanh niên làm kinh tế hiệu quả; tăng cường cơ hội tiếp cận vốn cho thanh niên làm kinh tế. Đồng thời, Đoàn các cấp hỗ trợ cung cấp thông tin thị trường, kết nối giao thương; hỗ trợ xây dựng thương hiệu, bảo hộ nhãn hiệu cho các sản phẩm do thanh niên sản xuất, kinh doanh. Đồng chí Phan Đình Nhân - Bí thư Tỉnh đoàn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh cho biết: “Thông qua các hoạt động hỗ trợ nhằm tạo môi trường thuận lợi để thúc đẩy, hỗ trợ, từng bước đáp ứng nhu cầu của thanh niên trong quá trình phát triển kinh tế; khuyến khích tinh thần lập thân, lập nghiệp, khởi nghiệp, sáng tạo trong thanh niên. Đồng thời huy động các nguồn lực từ cộng đồng, kết hợp nguồn lực từ các chương trình, dự án để hỗ trợ thanh niên phát triển kinh tế”.
Thực hiện các chính sách hỗ trợ và xây dựng các mô hình khởi nghiệp trong thanh niên, Xã đoàn Hòa Chánh (U Minh Thượng) chỉ đạo các chi đoàn ấp rà soát nắm nguyện vọng khởi nghiệp, lập nghiệp của thanh niên trên địa bàn. Đồng thời, câu lạc bộ khởi nghiệp trong thanh niên xã Hòa Chánh rà soát, khảo sát, đánh giá kết quả thực hiện các mô hình phát triển kinh tế trong thanh niên. Tiêu biểu anh Châu Văn Phước, ngụ ấp Vĩnh Chánh, xã Hòa Chánh khởi nghiệp với mô hình nuôi bò và nuôi trùng quế, vốn đầu tư 150 triệu đồng. Qua khảo sát, Ban Thường vụ Xã đoàn tạo điều kiện cho anh Phước vay 40 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội.
Phát huy tinh thần khởi nghiệp trong đoàn viên, thanh niên, anh Danh Đẹp - Bí thư Chi đoàn ấp Cái Nước Ngọn, xã Đông Yên (An Biên) thử nghiệm mô hình nuôi ốc bươu đen. Sau đợt nuôi đầu tiên, nắm được kỹ thuật nuôi ốc bươu đen và nhận thấy đây là mô hình hiệu quả kinh tế cao, anh Đẹp được Xã đoàn hỗ trợ vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội để mở rộng mô hình. Đến nay, gia đình anh Đẹp có 5 bồn nuôi ốc bươu đen cung cấp ốc thương phẩm cho thị trường và ốc giống cho những hộ nuôi xung quanh, đem lại thu nhập hơn 20 triệu đồng/tháng cho gia đình. Mô hình nuôi ốc bươu đen của anh Đẹp được nhiều gia đình trong ấp học tập và triển khai thực hiện. Anh Danh Đẹp chia sẻ: “Tôi chọn mô hình khởi nghiệp với số vốn đầu tư “vừa sức” mình, nhưng khi triển khai thực hiện, thấy hiệu quả nên muốn mở rộng mô hình. Được Đoàn các cấp hỗ trợ vay vốn, tôi đầu tư mở rộng mô hình nuôi ốc bươu giống, góp phần tăng thu nhập”.
Sáng tạo trong khởi nghiệp, lập nghiệp
Với khát khao khởi nghiệp, lập nghiệp, đoàn viên, thanh niên trong tỉnh không ngừng học hỏi, đổi mới, sáng tạo, thử sức với những mô hình mới. Nhiều đoàn viên, thanh niên khởi nghiệp trên mảnh đất quê hương; sáng tạo mô hình mới trên nền tảng phát triển ngành nghề nuôi, trồng truyền thống ở địa phương.
KHỞI NGHIỆP TỪ GẤC
Dự án tinh dầu gấc và các sản phẩm làm từ gấc của đồng chí Trần Thanh Phúc - Bí thư Đoàn xã Thạnh Đông A (Tân Hiệp) vừa lọt vào vòng chung kết cuộc thi khởi nghiệp thanh niên nông thôn năm 2023 do Trung ương Đoàn tổ chức. Đây là tâm huyết khởi nghiệp của đồng chí Phúc từ năm 2020 đến nay. Sản phẩm mới nhất từ gấc mà đồng chí Phúc vừa trình làng là son gấc có nguồn gốc từ quả gấc.
Là thủ lĩnh thanh niên, đồng chí Phúc mong khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, lập nghiệp ngay trên quê hương cho đoàn viên, thanh niên. Dám nghĩ, dám làm, năm 2020, đồng chí Phúc tìm tòi và thực hiện mô hình trồng và chế biến sản phẩm từ gấc. Đồng chí Phúc chia sẻ: “Sau khi quyết định khởi nghiệp, tôi xem thông tin trên mạng và thấy cây gấc dễ trồng, nhẹ công chăm sóc, phù hợp với người đi làm; quả gấc có nhiều hàm lượng dinh dưỡng tốt cho sức khỏe, có công dụng làm đẹp, thực phẩm chức năng… Tôi đi nhiều tỉnh tham quan, học hỏi kinh nghiệm và về triển khai thực hiện. Thời gian đầu khởi nghiệp tôi gặp nhiều khó khăn như công cụ sản xuất thô sơ, chủ yếu làm thủ công chi phí cao, nhưng với quyết tâm cao, tôi sắp xếp công việc và đến nay, mô hình dần phát triển”.
Đồng chí Trần Thanh Phúc - Bí thư Đoàn xã Thạnh Đông A (Tân Hiệp) dự thi vòng bán kết cuộc thi khởi nghiệp thanh niên nông thôn năm 2023 do Trung ương Đoàn tổ chức.
Đồng chí Phúc nghiên cứu và đưa ra thị trường 2 sản phẩm từ gấc là tinh dầu gấc và trà gấc thảo mộc với 100% nguyên liệu làm từ thiên nhiên và nhiều công dụng được người tiêu dùng quan tâm. Các sản phẩm được bán tại nhiều gian hàng trong và ngoài huyện kết hợp với bán hàng trên website, mạng xã hội và sàn giao dịch điện tử. Đồng chí Phúc chia sẻ: “Xác định phát triển thương hiệu là một trong những bước quan trọng để xây dựng thương hiệu, quyết định sự thành công của thương hiệu nên tôi tập trung vào các chương trình quảng bá như xây dựng, định giá thương hiệu nông thôn tiêu biểu, sản phẩm OCOP cho tinh dầu gấc và trà gấc thảo mộc”. Đến nay, thu nhập bình quân những sản phẩm khởi nghiệp từ gấc của đồng chí Phúc trên 40 triệu đồng/tháng.
Tại cuộc thi dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn năm 2023 do Trung ương Đoàn tổ chức, đồng chí Phúc tham gia dự án tinh dầu gấc và trà gấc thảo mộc như lời khẳng định khởi nghiệp làm giàu tại địa phương không khó.
CHUYỂN ĐỔI MÔ HÌNH CHĂN NUÔI
Nuôi heo sinh sản theo hướng an toàn sinh học là mô hình khởi nghiệp được anh Nguyễn Văn Quyết, ngụ ấp Hòa Bình, Xã Bình Giang (Hòn Đất) triển khai thực hiện thành công, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Nhận thấy phát triển chăn nuôi heo nái sinh sản kết hợp nuôi gà, vịt thả vườn phù hợp điều kiện của gia đình, thu nhập ổn định, anh Quyết đầu tư mở rộng quy mô chăn nuôi hộ gia đình. Anh phát triển dự án nuôi heo nái sinh sản, an toàn sinh học theo quy trình ổn định. Quá trình nuôi, anh cung cấp thêm một số loại thảo dược cho heo mẹ, giúp heo tăng sức đề kháng thay thế hoàn toàn thuốc kháng sinh. Nhờ thực hiện tốt quy trình nuôi theo hướng an toàn sinh học cùng thực hiện nghiêm việc chủng ngừa, diệt khuẩn, vệ sinh chuồng trại thường xuyên nên đàn heo của anh Quyết phát triển tốt, không nhiễm bệnh. Từ thành công ban đầu, năm 2021 anh mở rộng mô hình chăn nuôi với 2 con heo nái sinh sản trên diện tích 320m2. Sau hơn 3 năm thực hiện, mô hình chăn nuôi mang đến nguồn thu ổn định.
Anh Nguyễn Văn Quyết (bìa trái), ngụ ấp Hòa Bình, Xã Bình Giang (Hòn Đất) khởi nghiệp với mô hình nuôi heo sinh sản theo hướng an toàn sinh học.
Trên cơ sở phát triển của mô hình sẽ liên kết với các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ trên địa bàn xã và lân cận, tổ chức, đoàn thể trên địa bàn huyện cung cấp con giống an toàn đến người chăn nuôi. Đồng thời, hỗ trợ giá heo con giống cho các gia đình thuộc hộ nghèo, cận nghèo, thanh niên xuất ngũ có nhu cầu chăn nuôi phát triển kinh tế hộ gia đình trên địa bàn, góp phần phát triển nông thôn, giúp thanh niên ở địa phương tham gia sản xuất phát triển kinh tế. Đồng chí Đỗ Văn Dân - Bí thư Huyện đoàn Hòn Đất cho biết: “Anh Quyết là đoàn viên tiêu biểu cho trong phong trào khởi nghiệp trên địa bàn huyện. Với số vốn khiêm tốn ban đầu nhưng với sự nhiệt huyết của tuổi trẻ, không lùi bước trước khó khăn anh Quyết đạt được thành công, phát triển kinh tế”.
Những năm qua, Tỉnh đoàn tổ chức nhiều cuộc thi khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo, thu hút nhiều đoàn viên, thanh niên trong tỉnh tham gia. Nhiều đề án khởi nghiệp dự thi được hiện thực hóa. Tại thi cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo năm 2023 có 51 đề án đăng ký dự thi với các nhóm ngành, lĩnh vực như nông, lâm, ngư nghiệp và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; giao thông vận tải, khoa học công nghệ, tài nguyên và môi trường; phát triển dịch vụ du lịch và các lĩnh vực ngành, nghề kinh doanh khác. Dự kiến tháng 11-2023 có 15 đề án tiêu biểu vào vòng chung kết.
Tạo động lực cho thanh niên khởi nghiệp
Ngày 10-5-2018, Ủy ban nhân dân tỉnh ký và ban hành quyết định số 94/KH-UBND về hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh. Ban Thường vụ Tỉnh đoàn, Ủy ban Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh cụ thể hóa quyết định và triển khai đến đông đảo đoàn viên, thanh niên. Từ đó phong trào thanh niên khởi nghiệp, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của tuổi trẻ Kiên Giang diễn ra sôi nổi, tạo hiệu ứng tích cực trong đoàn viên, thanh niên.
THÁO GỠ KHÓ KHĂN
Quá trình triển khai thực hiện phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh thời gian qua còn nhiều khó khăn, hạn chế, cụ thể như trình độ của thanh niên, nhất là thanh niên nông thôn thấp, nhận thức về khởi nghiệp chưa đầy đủ, thiếu kinh nghiệm trong đầu tư, quản lý; chưa chủ động ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ mới vào sản xuất; thiếu kiến thức thị trường, chưa quan tâm đến xây dựng thương hiệu sản phẩm. Nhiều thanh niên có ý tưởng khả thi nhưng không lập thành dự án cụ thể, chưa dám nghĩ hoặc dám nghĩ nhưng không dám làm, sợ thất bại, còn tư duy cá thể, nhỏ lẻ. Cơ chế hỗ trợ vốn cho thanh niên khi khởi nghiệp chưa thông thoáng, việc hỗ trợ vốn triển khai dự án khởi nghiệp chưa nhiều. Mô hình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo chưa nhiều, khởi nghiệp chưa gắn với phát triển tiềm năng bản địa. Công tác kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp chưa đáp ứng nhu cầu... Đồng chí Danh Đẹp - Bí thư Chi đoàn ấp Cái Nước Ngọn, xã Đông Yên (An Biên) chia sẻ: “Là thanh niên ở nông thôn, tôi tìm hiểu và khởi nghiệp với mô hình nuôi ốc bươu đen, phù hợp điều kiện của địa phương. Quá trình thử sức, tôi gặp khó khăn về vốn và kỹ thuật. Tôi rút ra kinh nhgiệm, muốn khởi nghiệp thanh niên cần chọn mô hình phù hợp, trang bị tốt kiến thức về khởi nghiệp”.
Những năm qua, Tỉnh đoàn phối hợp Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức nhiều cuộc thi, diễn đàn đi tìm “Ý tưởng đổi mới sáng tạo” thông qua các cuộc thi chọn dự án, đề án có tính khả thi tiếp tục ươm mầm hướng dẫn đoàn viên, thanh niên tiếp tục hoàn thiện ý tưởng, phát triển thành sản phẩm hoàn chỉnh. Tỉnh đoàn, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh hỗ trợ các ý tưởng tiếp cận các chính sách khởi nghiệp, lập nghiệp. Đến nay toàn tỉnh hỗ trợ trên 35/352 ý tưởng đăng ký tham gia cuộc thi ý tưởng đổi mới sáng tạo, trong đó có các dự án tiêu biểu như trà mãng cầu xiêm Hai Đậu (Giồng Riềng), dự án nuôi heo sinh sản của anh Nguyễn Văn Quyết (Hòn Đất), tinh dầu chống muỗi Nathea Oil của nhóm Đoàn Ngọc Dũng (Tân Hiệp), phân bón hữu cơ của anh Hứa Trường Giang (Gò Quao)....
Đoàn viên, thanh niên trong tỉnh trưng bày sản phẩm khởi nghiệp tại ngày hội thanh niên công nhân năm 2023 do Tỉnh đoàn và Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh tổ chức
TẠO HỆ SINH THÁI KHỞI NGHIỆP
Thực hiện Kế hoạch số 240/KH-UBND, ngày 11-11-2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc triển khai thực hiện chương trình hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp giai đoạn 2022-2030 trên địa bàn tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn ban hành kế hoạch triển khai thực hiện chương trình hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp giai đoạn 2022-2030 trên địa bàn tỉnh năm 2023. Tỉnh đoàn tìm kiếm, sàng lọc và củng cố ý tưởng, dự án, mô hình khởi nghiệp có tiềm năng thông qua việc tổ chức cuộc thi ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp tỉnh năm 2023. Qua cuộc thi nhằm tìm kiếm các ý tưởng, dự án khởi nghiệp tiềm năng, nhất là các ý tưởng, dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và áp dụng công nghệ số. Đồng thời, tổ chức ngày hội khởi nghiệp và trưng bày sản phẩm khởi nghiệp trong thanh niên; tổ chức hội thảo, tọa đàm, nói chuyện chuyên đề về khởi nghiệp, lập nghiệp, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Nhằm hỗ trợ nâng cao năng lực kinh doanh, khởi nghiệp cho thanh niên, năm 2023, Tỉnh đoàn tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn kiến thức nền tảng cho thanh niên về khởi sự kinh doanh, phát triển doanh nghiệp; hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp tiếp cận nguồn vốn, nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh; xây dựng, phát triển kênh hỗ trợ phân phối và tiêu thụ sản phẩm khởi nghiệp của thanh niên; hỗ trợ tư vấn pháp lý cho thanh niên khởi nghiệp…
Đồng chí Phan Đình Nhân - Bí thư Tỉnh đoàn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh cho biết: “Phong trào khởi nghiệp, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong thanh niên Kiên Giang thời gian qua đạt nhiều kết quả thiết thực là nhờ sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh và các sở, ban, ngành, từ đó tạo động lực cho thanh niên tỉnh nhà tiếp tục phát huy vai trò, tinh thần xung kích, tình nguyện, cổ vũ, động viên thanh niên xây dựng ước mơ, hoài bão, đam mê sáng tạo và khát vọng vươn lên làm giàu chính đáng”. Nhằm phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp trong thanh niên, Tỉnh đoàn, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh thành lập các hội đồng chuyên gia tư vấn hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp tỉnh. Trong đó, Tỉnh đoàn, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh phối hợp tổ chức các hoạt động khởi nghiệp trong các trường đại học, cao đẳng, kịp thời phát hiện và hỗ trợ ý tưởng, dự án, nghiên cứu mang tính sáng tạo có thể ứng dụng thực tiễn và hiện thực hóa. Đồng thời thiết lập mạng lưới liên kết giữa các cơ quan, tổ chức, cơ sở đào tạo, chuyên gia, quỹ đầu tư khởi nghiệp để hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp; xây dựng và phát triển cộng đồng thanh niên khởi nghiệp trong các lĩnh vực.
Tú Anh