Theo Báo cáo mới đây của UBND tỉnh về ngành du lịch Kiên Giang, 11 tháng năm 2023 ước đón hơn 8 triệu lượt khách, đạt 97,2% kế hoạch và tăng 17% so cùng kỳ.
Nội dung
Giám đốc Trung tâm xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Kiên Giang, bà Quảng Xuân Lụa cho biết, ngoài sự nỗ lực của doanh nghiệp, năm 2023 các hoạt động xúc tiến của Trung tâm luôn hướng về doanh nghiệp để hỗ trợ kịp thời. Qua đó các chỉ tiêu về thương mại và du lịch của tỉnh đều vượt kế hoạch và tăng trưởng cao hơn năm ngoái.
“Từ cuối tháng 10 đến nay, lượng khách du lịch có sự tăng mạnh trở lại, nhất là khách quốc tế đến Phú Quốc. Từ nay đến cuối năm 2023, sẽ đón tiếp 3 chuyến bay của khách Ấn Độ tổ chức đám cưới tại Phú Quốc”.
Hỗ trợ thiết thực của Trung tâm cho Doanh nghiệp
Với chức năng, nhiệm vụ của mình, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch Kiên Giang (Trung tâm) đã tăng cường công tác phối hợp với các sở, ngành, địa phương và vận động doanh nghiệp tham gia các hoạt động xúc tiến như hội chợ, hội nghị, hội thảo, diễn đàn… tại các tỉnh, thành phố trong nước và nước ngoài nhằm giới thiệu, quảng bá sản phẩm đặc trưng và các thế mạnh, tiềm năng của tỉnh để tìm kiếm cơ hội hợp tác giao thương, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, thu hút đầu tư và phát triển du lịch…
Một số hoạt động xúc tiến thương mại tiêu biểu đã được thực hiện trong thời gian gần đây như:
- Tổ chức 05 cuộc tham gia gian hàng, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm đặc trưng kết hợp quảng bá, giới thiệu du lịch đến khách tham quan các Lễ hội trong tỉnh;
- Tổ chức các buổi gặp gỡ kết nối giao thương cho doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm đặc trưng đủ điều kiện đưa hàng hóa vào các hệ thống phân phối, siêu thị trên địa bàn tỉnh;
- Tổ chức Chương trình xúc tiến thương mại - đầu tư - du lịch nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp gặp gỡ, trao đổi thông tin, nhu cầu hợp tác, học tập kinh nghiệm, liên kết hợp tác với các doanh nghiệp trong nước;...
Đối với thị trường ngoài tỉnh:
- Tổ chức 6 cuộc tham gia gian hàng, hỗ trợ doanh nghiệp trưng bày, giới thiệu năng Kiên Giang;
- Sản phẩm OCOP, đặc trưng kết hợp quảng bá tại các tỉnh, thành trong nước (Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Thành phố Cần Thơ, Bến Tre, Trà Vinh, Đà Nẵng).
- Qua các đợt tham gia, có 7 bản ghi nhớ được ký kết trong lĩnh vực thương mại, du lịch.
Với thị trường ngoài nước, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch Kiên Giang tổ chức 06 đợt xúc tiến nước ngoài tại các thị trường Nhật Bản, Thái Lan, Vương quốc Anh, Ấn Độ, Campuchia đã hỗ trợ cho sản phẩm của tỉnh quảng bá tại thị trường nước ngoài như nước mắm, gạo, các sản phẩm từ tiêu, bánh cốm gạo, thủ công mỹ nghệ từ cỏ bàng, thuỷ sản đóng hộp, cá cơm sấy, các loại sản phẩm từ khóm, tinh dầu, tinh bột nghệ, các sản phẩm từ Linh chi.
Vì sao năm nay ngành du lịch cả nước khá ảm đạm, thế nhưng Kiên Giang được nổi lên như một điểm sáng về du lịch
Theo Báo cáo mới đây của UBND tỉnh về ngành du lịch Kiên Giang:
- 11 tháng ước đón hơn 8 triệu lượt khách, đạt 97,2% kế hoạch và tăng 17% so cùng kỳ.
- Trong đó khách quốc tế 538,6 nghìn lượt, tăng 53,9% kế hoạch và tăng 217,1% so cùng kỳ...
- Tổng thu từ du lịch của Kiên Giang ước đạt 17,5 nghìn tỷ đồng, tăng 65,1% so với cùng kỳ.
Để có kết quả về du lịch như trên, Trung tâm đã tổ chức nhiều đoàn doanh nghiệp lữ hành đi giới thiệu, quảng bá những tiềm năng, thế mạnh, tài nguyên du lịch Kiên Giang đến với du khách trong nước và quốc tế. Trong đó Trung tâm đã tích cực phối hợp với ngành du lịch, các địa phương trong vùng ĐBSCL và doanh nghiệp tổ chức nhiều hội thảo, khảo sát, liên kết xây dựng dịch vụ sản phẩm, xây dựng các chương trình kích cầu du lịch với các tỉnh, thành trên cả nước và nước ngoài.
Cụ thể, Trung tâm đã tổ chức các đợt tham gia gian hàng trưng bày giới thiệu du lịch Kiên Giang tại các hội chợ, triển lãm chuyên đề du lịch; tổ chức Hội nghị xúc tiến, quảng bá du lịch ĐBSCL tại các thị trường trọng điểm như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Lào Cai; tổ chức đón các đoàn farmtrip nước ngoài đến khảo sát sản phẩm du lịch Phú Quốc; tổ chức các đoàn farmtrip ĐBSCL đến khảo sát sản phẩm dịch vụ Kiên Hải,... Qua đó, đã có nhiều bản ghi nhớ hợp tác được ký kết giữa các đơn vị, doanh nghiệp du lịch Kiên Giang với các đối tác trong việc thúc đẩy kết nối tour tuyến, khai thác sản phẩm du lịch của địa phương.
Với nỗ lực vượt khó của doanh nghiệp và không ngừng đổi mới công tác xúc tiến hiệu quả đã góp phần “gặt hái” chung cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh như thế nào?
Kiên Giang lấy mục tiêu Thương mại, Dịch vụ và Du lịch là động lực tăng trưởng. Do vậy trong 11 tháng đầu năm 2023, kinh tế của tỉnh Kiên Giang tiếp tục phục hồi và tăng trưởng khá so với cùng kỳ, nhiều chỉ tiêu kinh tế tăng trưởng mạnh. Trong đó, điểm sáng nổi lên là thương mại, dịch vụ và du lịch.
Cụ thể, theo đánh giá của UBND tỉnh mới đây, tình hình kinh tế - xã hội tháng 11 tiếp tục phục hồi và phát triển, có nhiều tín hiệu khởi sắc hơn so với tháng 10. Đến nay đã có nhiều chỉ tiêu vượt kế hoạch cả năm như:
- Sản lượng lương thực năm 2023 đạt 103,54% kế hoạch; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 102,4% kế hoạch;
- Thu ngân sách đạt 103,1% dự toán; tỷ lệ bảo hiểm y tế đạt 93,92%....
- Thu ngân sách 11 tháng được 12.556 tỷ đồng, đạt 103,1% dự toán và tăng 16,6% so cùng kỳ.
- Kim ngạch xuất khẩu 11 tháng ước đạt 803,67 triệu USD, đạt 94,05% kế hoạch và tăng 8,77% so với cùng kỳ.
Có thể nói, sự nỗ lực vượt khó của doanh nghiệp, cùng với công tác xúc tiến được thực hiện hiệu quả trong thời gian qua là yếu tố quan trọng để ngành thương mại, du lịch Kiên Giang tăng trưởng mạnh, trở thành điểm sáng kinh tế của tỉnh. Với khí thế đó, hiện nay cộng động doanh nghiệp trên địa bàn đang đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, xuất khẩu, chủ động nguồn cung và bình ổn hàng hóa; tăng cường tổ chức các sự kiện thu hút khách du lịch dịp Noel, Tết Dương lịch; chuẩn bị chu đáo các hoạt động vui xuân, đón tết…
Trung tâm tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện để cộng đồng doanh nghiệp tích cực tham gia các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch trong và ngoài nước; tiếp tục hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đưa các sản phẩm đặt trưng của tỉnh vào các hệ thống phân phối trong và ngoài tỉnh.
Nguồn bài viết
Tin và ảnh: Tạp chí Diễn Đàn Doanh Nghiệp