Các địa phương phải chủ động có phương án đảm bảo ổn định nguồn nước ngọt cho sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của nhân dân. Các địa phương phải chủ động triển khai thực hiện những giải pháp ứng phó với nguy cơ hạn, mặn xâm nhập, đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh trong mùa khô 2021-2022.
Nội dung bài viết
HẠN, MẶN ĐẾN SỚM
Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và tỉnh Kiên Giang nói riêng sẽ đến sớm và ở mức cao hơn trung bình nhiều năm. Tình hình hạn hán, xâm nhập mặn vẫn đe dọa sản xuất vụ mùa, vụ Đông Xuân năm 2021-2022 và nước sinh hoạt của nhân dân.
Riêng tại Kiên Giang, theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, tháng 2.2022 khả năng mặn xâm nhập trên sông Cái Lớn ảnh hưởng đến xã Vĩnh Phước B, xã Vĩnh Hòa Hưng Nam huyện Gò Quao. Trên sông Cái Bé tình trạng mặn ảnh hưởng tới xã Minh Hòa huyện Châu Thành, xã Long Thạnh huyện Giồng Riềng. Trên kênh Chắc Băng huyện Vĩnh Thuận độ mặn dao động từ 7- 25‰.
Căn cứ vào những dự báo về tình hình diễn biến mặn xâm nhập trên địa bàn, Sở NNPTNT Kiên Giang đã đề nghị các địa phương tiếp tục triển khai thực hiện những giải pháp ứng phó với nguy cơ hạn, mặn xâm nhập, đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh trong mùa khô 2021-2022.
Tại cuộc họp thường kì tháng 1.2022, UBND tỉnh đã triển khai chương trình phục hồi kinh tế sau dịch và nhiệm vụ năm 2022. ông Lâm Minh Thành, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: “Ngành nông nghiệp và các địa phương phải theo dõi sát tình hình thời tiết, đảm bảo điều tiết nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt của người dân, đặc biệt không để thay đổi tập quán sản xuất, có giải pháp tốt tránh thiệt hại cho người dân sau khi đưa vào vận hành cống Cái Lớn, Cái Bé”.
CHỦ ĐỘNG PHÒNG TRÁNH
Sau khi hoàn thành thử nghiệm Quy trình vận hành Hệ thống thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé giai đoạn 1, một số địa phương trong vùng Tây Sông Hậu đã có kiến nghị trung ương tiếp tục triển khai giai đoạn 2 của dự án này để đảm bảo khép kín hơn nữa việc ngăn xâm nhập mặn cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
UBND tỉnh Kiên Giang đề nghị các huyện thành phố theo dõi chặt chẽ tình hình hạn, mặn xâm nhập để kịp thời triển khai các biện pháp ứng phó. Tuyên truyền vận động người dân thường xuyên kiểm tra các bờ bao, cống, đập… nhằm sớm phát hiện sự cố rò rỉ mặn để khắc phục kịp thời. Kiểm tra độ mặn trong nước trước khi bơm tưới, tích trữ, đồng thời sử dụng nước tiết kiệm.
Chi cục Thủy lợi phối hợp với Đài Khí tượng thủy văn của tỉnh, Viện Khoa học thủy lợi miền Nam theo dõi chặt chẽ diễn biến khí tượng, thủy văn, kịp thời thông báo tình hình mặn, diễn biến mực nước cho các địa phương và nhân dân biết để chủ động trong sản xuất và sinh hoạt.
Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn cần đẩy nhanh tiến độ thi công xây dựng cống T3 (xã Hòa Điền, huyện Kiên Lương), cống Vàm Bà Lịch (huyện Châu Thành) để phục vụ kịp thời cho việc kiểm soát mặn, giữ ngọt phục vụ sản xuất.
Theo UBND tỉnh Kiên Giang, tình hình kinh tế – xã hội của tỉnh trong tháng đầu năm 2022 có nhiều tín hiệu lạc quan, kinh tế khởi sắc, một số chỉ tiêu chủ yếu đạt khá so với kế hoạch và tăng so với cùng kỳ như: Diện tích lúa vụ mùa và vụ Đông Xuân 2021-2022 vượt kế hoạch, sản lượng nuôi trồng thủy sản, kiểm soát, phòng, chống hạn mặn và điều tiết nguồn nước đáp ứng yêu cầu sinh hoạt và phục vụ cho sản xuất… Chính vì thế, các địa phương phải phát huy thế chủ động, tiếp tục đảm bảo ổn định nguồn nước ngọt cho sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của nhân dân.
NGUYÊN ANH