Hiện nay, rất nhiều người chọn làm 2 công việc cùng lúc để tăng thêm thu nhập cũng như kinh nghiệm nghề nghiệp. Do đó, việc người lao động có từ 2 hợp đồng lao động trở lên là điều hết sức bình thường. Vậy, cả 2 công ty cùng lúc đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) cho người lao động có được không? Cilaf & Partners xin được phép giải đáp thông qua bài viết dưới đây.
1. Ký hợp đồng lao động với 2 công ty được không?
Bộ luật Lao động năm 2019 quy định hợp đồng lao động là sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả tiền công, tiền lương kèm theo điều kiện lao đông, quyền và nghĩa vụ của từng bên. Hiện luật không giới hạn số lượng hợp đồng lao động mà người lao động được ký với những người sử dụng lao động khác nhau.
Theo khoản 1 Điều 19 Bộ luật Lao động quy định, người lao động có thể ký nhiều hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động nhưng phải bảo đảm thực hiện đầy đủ các nội dung đã thỏa thuận. Như vậy, người lao động được phép ký hợp đồng lao động với 02 công ty cùng lúc, chỉ cần đảm bảo thực hiện công việc của cả hai hợp đồng.
2. Đóng bảo hiểm xã hội 2 nơi được không?
Người lao động ký hợp đồng lao động với 02 công ty được hưởng đầy đủ quyền lợi theo từng hợp đồng lao động đã ký. Tuy nhiên, dù làm việc cùng lúc cho 02 công ty nhưng người lao động sẽ không đóng bảo hiểm xã hội 02 nơi cùng một thời điểm. Thay vào đó, người lao động chỉ đóng bảo hiểm xã hội theo hợp đồng lao động được ký đầu tiên (khoản 4 Điều 85 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014).
Tương tự với bảo hiểm thất nghiệp, theo Điều 43 Luật Việc làm 2013, trường hợp người lao động giao kết và đang thực hiện nhiều hợp đồng lao động thì người lao động cũng chỉ đóng bảo hiểm thất nghiệp theo hợp đồng lao động ký đầu tiên.
Đối với bảo hiểm y tế, nếu làm việc cùng lúc 02 nơi, người lao động phải đóng bảo hiểm y tế theo hợp đồng lao động có mức tiền lương cao nhất (theo khoản 2 Điều 13 Luật Bảo hiểm y tế năm 2008, sửa đổi năm 2014).
3. Hợp đồng ký sau được giải quyết quyền lợi bảo hiểm thế nào?
Đối với hợp đồng lao động được ký sau, người lao động không phải đóng bảo hiểm xã hội nên sẽ không được tính hưởng quyền lợi về bảo hiểm đối với hợp đồng này.
Tuy nhiên, người lao động sẽ được bù đắp quyền lợi bằng việc được người sử dụng lao động trả thêm khoản tiền tương đương với mức đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế mà người sử dụng lao động phải đóng (theo khoản 3 Điều 168 Bộ luật Lao động năm 2019). Số tiền này sẽ được chi trả cùng lúc với tiền lương trong từng kỳ trả lương cho người lao động.
4. Giải quyết như thế nào nếu lỡ đóng trùng BHXH?
Khi làm cùng lúc cho nhiều công ty sẽ không tránh khỏi việc đóng trùng bảo hiểm giữa các công ty đang làm. Việc đóng trùng bảo hiểm xã hội là nguyên nhân khiến cơ quan bảo hiểm xã hội từ chối giải quyết các chế độ hưởng của người lao động, đồng thời cũng gây không ít khó khăn cho doanh nghiệp trong việc xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động khi họ nghỉ việc.
Để xử lý tình trạng đóng trùng bảo hiểm xã hội, người lao động tự mình hoặc phải phối hợp với doanh nghiệp thực hiện thủ tục giảm trùng (nếu cả hai doanh nghiệp mà người lao động đang làm việc đều cùng đóng bảo hiểm) và gộp sổ bảo hiểm xã hội.
Nếu thuộc trường hợp cần làm thủ tục giảm trùng, người lao động cần yêu doanh nghiệp ký hợp đồng lao động sau thực hiện. Sau đó tiến hành thủ tục gộp sổ BHXH. Thủ tục gộp sổ bảo hiểm xã hội do có thời gian đóng trùng nhau được thực hiện theo Quyết định 222/QĐ-BHXH năm 2021 và Quyết định 896/QĐ-BHXH năm 2021 như sau:
* Trường hợp đang làm việc:
Người lao động thực hiện thủ tục gộp sổ thông qua doanh nghiệp.
Cơ quan bảo hiểm xã hội tiếp nhận: Cơ quan bảo hiểm xã hội nơi đang đóng bảo hiểm.
Bước 1: Nộp hồ sơ trực tiếp hoặc qua bưu điện hoặc dịch vụ I-VAN cho cơ quan bảo hiểm xã hội.
Hồ sơ bao gồm:
- Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, BHTN (Mẫu TK1-TS).
- Tất cả các sổ bảo hiểm xã hội của người lao động.
Bước 2: Cơ quan bảo hiểm xã hội tiếp nhận và giải quyết hồ sơ đề nghị gộp sổ.
Thời hạn giải quyết: Tối đa 10 ngày kể từ ngày cơ quan bảo hiểm xã hội nhận đủ hồ sơ.
Bước 3: Nhận kết quả đã giải quyết.
Cơ quan bảo hiểm xã hội sẽ trả kết quả về cho doanh nghiệp và người lao động bao gồm:
- Sổ bảo hiểm xã hội.
- Tiền hoàn trả thời gian đóng trùng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.
- Quyết định hoàn trả (Mẫu C16-TS).
* Trường hợp đã nghỉ việc:
Người lao động tự thực hiện thủ tục gộp sổ tại cơ quan bảo hiểm xã hội nơi mình đang đóng cư trú (thường trú hoặc tạm trú).
Bước 1: Nộp hồ sơ trực tiếp hoặc qua bưu điện hoặc dịch vụ I-VAN cho cơ quan bảo hiểm xã hội.
Hồ sơ bao gồm:
- Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, BHTN (Mẫu TK1-TS).
- Các sổ bảo hiểm xã hội mà người lao động đề nghị gộp (nếu có).
Bước 2: Cơ quan bảo hiểm xã hội tiếp nhận và giải quyết hồ sơ đề nghị gộp sổ.
Thời hạn giải quyết: Tối đa 10 ngày kể từ ngày cơ quan bảo hiểm xã hội nhận đủ hồ sơ.
Bước 3: Người lao động đến nhận kết quả đã giải quyết.
Cơ quan bảo hiểm xã hội sẽ trả kết quả về cho người lao động bao gồm:
- Sổ bảo hiểm xã hội.
- Tiền hoàn trả thời gian đóng trùng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.
- Quyết định hoàn trả (Mẫu C16-TS).
Lưu ý: Tiền đóng trùng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp sẽ được cơ quan bảo hiểm xã hội hoàn trả theo hình thức mà người lao động đã đăng ký trên tờ khai như:
- Nhận tiền tại cơ quan bảo hiểm xã hội.
- Nhận tiền tại doanh nghiệp.
- Nhận tiền qua tài khoản cá nhân mở tại ngân hàng.
- Nhận tiền qua hệ thống tiện ích thông minh.
Thông tin liên hệ
Công Ty Luật Cilaf & Partners
- Address: 234 Ngô Thì Nhậm, P. An Khánh, Q. Ninh Kiều, Tp. Cần Thơ
- Phone: 0706.68.78.68
- Mail: Contact@cilaf.Vn
- Website: Www.Cilaf.Vn
Hoặc Inbox Trực Tiếp qua Fanpage
- Facebook: Https://www.Facebook.Com/cilaf.Vn
- Zalo Oa: Zalo.Me/2884625428758109382c