Internet vạn vật (IoT) là gì?
Internet vạn vật tích hợp “vạn vật” với Internet mỗi ngày. Các kỹ sư máy tính đã và đang thêm các cảm biến và bộ xử lý vào các vật dụng hàng ngày kể từ những năm 90. Tuy nhiên, tiến độ ban đầu rất chậm vì các con chip còn to và cồng kềnh. Loại chip máy tính công suất thấp gọi là thẻ tag RFID, lần đầu tiên được sử dụng để theo dõi các thiết bị đắt đỏ. Khi kích cỡ của các thiết bị điện toán dần nhỏ lại, những con chip này cũng trở nên nhỏ hơn, nhanh hơn và thông minh hơn theo thời gian.
Chi phí tích hợp công suất điện toán vào trong các vật dụng nhỏ bé hiện nay đã giảm đáng kể. Ví dụ: bạn có thể thêm khả năng kết nối với các tính năng của dịch vụ giọng thoại Alexa vào các MCU tích hợp sẵn RAM chưa đến 1 MB, chẳng hạn như cho công tắc đèn. Nguyên cả một ngành công nghiệp đã bất ngờ xuất hiện với trọng tâm xoay quanh việc trang bị các thiết bị IoT khắp mọi ngóc ngách căn nhà, doanh nghiệp và văn phòng của chúng ta. Những vật dụng thông minh này có thể tự động truyền và nhận dữ liệu qua Internet. Tất cả những “thiết bị điện toán vô hình” này và công nghệ liên quan được gọi chung là Internet vạn vật.
IoT hoạt động như thế nào?
Một hệ thống IoT thông thường hoạt động thông qua việc thu thập và trao đổi dữ liệu theo thời gian thực. Một hệ thống IoT có ba thành phần:
Thiết bị thông minh
Đây là một thiết bị, giống như tivi, camera an ninh hoặc thiết bị tập thể dục đã được trao cho khả năng điện toán. Thiết bị này thu thập dữ liệu từ môi trường xung quanh, thao tác nhập liệu của người dùng hoặc mô thức sử dụng và truyền cũng như nhận dữ liệu qua Internet từ ứng dụng IoT của nó.
Ứng dụng IoT
Ứng dụng IoT là một tập hợp các dịch vụ và phần mềm có chức năng tích hợp dữ liệu nhận được từ các thiết bị IoT khác nhau. Ứng dụng này sử dụng công nghệ máy học hoặc trí tuệ nhân tạo (AI) để phân tích dữ liệu và đưa ra các quyết định sáng suốt. Những quyết định này được truyền trở lại thiết bị IoT và sau đó, thiết bị IoT đó sẽ phản hồi lại dữ liệu đầu vào một cách thông minh.
Giao diện đồ họa người dùng
Một hoặc một nhóm các thiết bị IoT có thể được quản lý thông qua giao diện đồ họa người dùng. Các ví dụ phổ biến bao gồm một ứng dụng di động hoặc trang web có thể được sử dụng để đăng ký và kiểm soát các thiết bị thông minh.
Một vài ví dụ về các thiết bị IoT?
Hãy cùng tìm hiểu một số ví dụ về các hệ thống IoT đang được sử dụng hiện nay:
Ô tô thông minh
Những phương tiện, chẳng hạn như ô tô, có thể kết nối với Internet bằng rất nhiều cách. Có thể là thông qua camera hành trình thông minh, hệ thống tin học giải trí hoặc thậm chí qua cổng kết nối của phương tiện. Chúng thu thập dữ diệu từ chân ga, phanh, đồng hồ đo tốc độ, đồng hồ đo quãng đường, bánh xe và bình xăng để giám sát cả hiệu suất của người lái và tình trạng phương tiện. Ô tô thông minh được sử dụng cho hàng loạt mục đích:
- Giám sát đội xe ô tô cho thuê để tăng cường hiệu quả sử dụng nhiên liệu và giảm chi phí.
- Giúp cha mẹ theo dõi hành vi lái xe của con cái.
- Tự động thông báo cho bạn bè và người thân trong trường hợp xảy ra tai nạn xe.
- Dự đoán và hạn chế nhu cầu bảo dưỡng xe.
Nhà thông minh
Các thiết bị gia đình thông minh tập trung chủ yếu vào hoạt động cải thiện hiệu quả và độ an toàn của ngôi nhà, cũng như mạng lưới kết nối trong nhà. Các thiết bị như ổ điện thông minh có thể giám sát mức sử dụng điện và bộ điều nhiệt thông minh có thể cung cấp khả năng kiểm soát nhiệt độ tốt hơn. Các hệ thống thủy canh có thể sử dụng cảm biến IoT để quản lý khu vườn, trong khi đó, máy báo khói IoT có thể phát hiện khói thuốc lá. Các hệ thống an ninh gia đình như khóa cửa, camera an ninh và máy phát hiện rò nước có thể phát hiện và ngăn chặn các mối nguy hiểm, đồng thời gửi cảnh báo tới chủ nhà.
Gia đình có thể sử dụng những thiết bị thông minh cho các mục đích:
- Tự động tắt các thiết bị khi không sử dụng.
- Quản lý và bảo trì các bất động sản cho thuê.
- Tìm đồ thất lạc như chìa khóa hoặc ví.
- Tự động hóa các công việc hàng ngày như hút bụi, pha cà phê, v.v.
Thành phố thông minh
Các ứng dụng IoT đã giúp quá trình quy hoạch đô thị và bảo trì cơ sở hạ tầng hiệu quả hơn. Các chính phủ đang sử dụng ứng dụng IoT để giải quyết những vấn đề về cơ sở hạ tầng, y tế và môi trường. Ứng dụng IoT có thể được sử dụng cho các mục đích:
- Đo lường chất lượng không khí và mức độ bức xạ.
- Giảm chi phí năng lượng nhờ hệ thống chiếu sáng thông minh.
- Xác định thời điểm cần bảo trì các cơ sở hạ tầng quan trọng như đường xá, cầu cống và đường ống.
- Tăng lợi nhuận thông qua công tác quản lý bãi đỗ xe hiệu quả.
Công trình thông minh
Các công trình như khuôn viên trường đại học và công trình thương mại sử dụng ứng dụng IoT để thúc đẩy hoạt động hiệu quả hơn. Những công trình thông minh có thể sử dụng các thiết bị IoT cho mục đích:
- Giảm mức tiêu thụ năng lượng.
- Giảm chi phí bảo trì.
- Tận dụng không gian làm việc hiệu quả hơn.
IoT công nghiệp là gì?
IoT công nghiệp (IIoT) đề cập đến các thiết bị thông minh được sử dụng trong sản xuất, bán lẻ, y tế và các lĩnh vực khác để tạo ra hiệu quả kinh doanh. Các thiết bị công nghiệp, từ cảm biến đến máy móc, cung cấp cho chủ doanh nghiệp dữ liệu chi tiết theo thời gian thực để các doanh nghiệp có thể sử dụng phục vụ mục đích cải thiện quá trình kinh doanh. Những thiết bị này cung cấp thông tin chuyên sâu về quản lý chuỗi cung ứng, kho vận, nguồn nhân lực và sản xuất – giảm chi phí và tăng luồng doanh thu.
Hãy cùng tìm hiểu các hệ thống công nghiệp thông minh trong các ngành dọc khác nhau:
Sản xuất
IoT doanh nghiệp trong sản xuất sử dụng khả năng bảo trì dự đoán để giảm thời gian ngừng hoạt động ngoài dự kiến và công nghệ đeo trên người để cải thiện an toàn cho người lao động. Các ứng dụng IoT có thể dự đoán lỗi máy móc trước khi nó xảy ra, giúp giảm thời gian ngừng sản xuất. Thiết bị gắn trên mũ bảo hiểm và vòng tay, cũng như các camera thị giác máy tính được sử dụng để cảnh báo người lao động về những mối nguy hiểm tiềm ẩn.
Công nghiệp ô tô
Phân tích dựa theo cảm biến và robot giúp tăng hiệu quả trong sản xuất ô tô và công tác bảo dưỡng. Ví dụ: các cảm biến công nghiệp được sử dụng để cung cấp hình ảnh 3D của các thành phần bên trong phương tiện theo thời gian thực. Việc chẩn đoán và khắc phục sự cố có thể được thực hiện nhanh hơn nhiều trong khi hệ thống IoT tự động đặt hàng các phụ tùng thay thế.
Kho vận và vận tải
Các thiết bị IoT thương mại và công nghiệp có thể hỗ trợ quản lý chuỗi cung ứng, bao gồm quản lý hàng tồn kho, mối quan hệ với nhà cung cấp, quản lý đội xe và bảo trì theo lịch. Các công ty vận chuyển sử dụng ứng dụng IoT công nghiệp để theo dõi tài sản và tối ưu hóa mức tiêu thụ nhiên liệu trên các tuyến vận chuyển. Công nghệ này đặc biệt hữu dụng trong việc kiểm soát chặt chẽ nhiệt độ trong các công-ten-nơ lạnh. Nhờ các thuật toán định tuyến và tái định tuyến thông minh, các quản lý chuỗi cung ứng có thể đưa ra những dự đoán sáng suốt.
Bán lẻ
Amazon đang thúc đẩy quá trình đổi mới tự động hóa và hợp tác giữa con người và máy móc trong lĩnh vực bán lẻ. Các cơ sở của Amazon sử dụng robot được kết nối Internet để theo dõi, định vị, phân loại và vận chuyển sản phẩm.
IoT có thể cải thiện cuộc sống của chúng ta như thế nào?
Ví dụ: các thiết bị thông minh có thể thay đổi hoàn toàn thói quen buổi sáng của bạn. Khi bạn nhấn nút tạm hoãn, chiếc đồng hồ báo thức của bạn sẽ tự động bật máy pha cà phê và kéo mở rèm cửa sổ. Tủ lạnh của bạn sẽ tự động phát hiện những thực phẩm sắp hết và đặt mua giao tận nhà. Lò nướng thông minh sẽ cho bạn biết thực đơn trong ngày và thậm chí còn nấu những nguyên liệu đã được chuẩn bị sẵn để đảm bảo rằng bữa trưa của bạn đã sẵn sàng. Chiếc đồng hồ thông minh sẽ lên lịch họp cho bạn, trong khi đó, chiếc ô tô thông minh của bạn tự động đặt vị trí GPS dừng xe để nạp nhiên liệu. Tiềm năng là vô hạn trong thế giới IoT!
IoT mang tới cho doanh nghiệp những lợi ích gì?
Tăng tốc độ đổi mới
Internet vạn vật mang tới cho các doanh nghiệp khả năng tiếp cận với những phân tích nâng cao để khám phá các cơ hội mới. Ví dụ: các doanh nghiệp có thể tạo ra những chiến dịch tiếp thị nhắm mục tiêu chuẩn xác bằng cách thu thập dữ liệu về hành vi của khách hàng.
Chuyển đổi dữ liệu thành thông tin chuyên sâu và hành động bằng AI và ML
Dữ liệu và xu hướng trong quá khứ đã thu thập có thể được sử dụng để dự đoán kết quả trong tương lai. Ví dụ: thông tin bảo hành có thể được ghép cặp với dữ liệu do IoT thu thập để dự đoán các sự cố bảo trì. Lợi thế này có thể được sử dụng để chủ động cung cấp dịch vụ khách hàng cũng như xây dựng lòng trung thành của khách.
Tăng tính bảo mật
Việc liên tục giám sát cơ sở hạ tầng kỹ thuật số cũng như vật lý có thể tối ưu hóa hiệu suất, cải thiện mức độ hiệu quả và giảm bớt rủi ro an toàn. Ví dụ: dữ liệu được thu thập từ một thiết bị giám sát tại chỗ có thể kết hợp với dữ liệu phần cứng và phiên bản firmware để tự động lên lịch cập nhật hệ thống.
Thay đổi quy mô các giải pháp khác biệt
Công nghệ IoT có thể được triển khai theo hướng tập trung vào khách hàng để cải thiện mức độ hài lòng. Ví dụ: các sản phẩm bán chạy có thể được bổ sung kịp thời để tránh tình trạng thiếu hụt hàng hóa.
Các công nghệ IoT là gì?
Các công nghệ được sử dụng trong hệ thống IoT có thể bao gồm:
Điện toán biên
Điện toán biên đề cập đến công nghệ được sử dụng để điều khiển các thiết bị thông minh thực hiện nhiều tác vụ hơn, không chỉ đơn thuần là gửi hay nhận dữ liệu từ nền tảng IoT của chúng. Công nghệ này tăng cường công suất điện toán tại biên của một mạng lưới IoT, giảm bớt độ trễ trong giao tiếp và cải thiện tốc độ phản hồi.
Điện toán đám mây
Công nghệ đám mây được sử dụng để lưu trữ dữ liệu từ xa và quản lý thiết bị IoT, giúp nhiều thiết bị trong mạng lưới có thể truy cập dữ liệu.
Máy học
Máy học đề cập đến phần mềm và thuật toán được sử dụng để xử lý dữ liệu và đưa ra các quyết định theo thời gian thực dựa trên dữ liệu đó. Những thuật toán máy học này có thể được triển khai trên đám mây hoặc tại biên.
AWS IoT và những lợi ích dịch vụ này có thể mang lại là gì?
AWS IoT bao gồm các dịch vụ như an ninh, mã hóa dữ liệu và kiểm soát truy cập vào dữ liệu thiết bị. Dịch vụ này được xây dựng trên cơ sở hạ tầng đám mây và mạng lưới IoT đã được chứng minh và bảo mật, đồng thời có quy mô mở rộng tới hàng tỷ thiết bị và hàng nghìn tỷ tin nhắn. AWS IoT cũng tích hợp với các dịch vụ AWS khác, qua đó bạn có thể tạo ra các giải pháp toàn diện.
Xây dựng với AWS IoT
Bắt đầu sử dụng AWS IoT bằng cách tạo một tài khoản AWS miễn phí. Bạn mới làm quen với IoT? Tìm hiểu các kiến thức cơ bản và bắt đầu xây dựng các ứng dụng IoT đơn giản toàn diện.