Nhắc đến Tết, mọi người vẫn nghĩ ngay đến những bữa cơm tất niên ngày cuối năm, mâm cơm cúng kiến, đưa rước ông bà, là bữa tiệc đoàn viên của gia đình, là những món ngon được sẻ chia, mời mọc láng giềng, bạn bè.
Chính vì lẽ đó, ẩm thực ngày Tết vẫn luôn là một nét văn hoá hết sức đa dạng, phong phú và mang đậm dấu ấn Việt. Bên cạnh trái dưa hấu đỏ, mâm trái cây ngũ quả, bánh Tét, bánh mứt - những đặc trưng không thể thiếu trong ngày Tết, những món ăn mặn mang phong vị miền biển và miền biên giới Hà Tiên lại mang chút văn hóa thật khang khác so với các địa phương lân cận từ những cộng hưởng văn hóa nhiều dân tộc và sản vật đặc trưng địa phương.
Nội dung
Đến vùng đất ven biển Hà Tiên, chúng ta bắt gặp những người lai: Việt lai Hoa, Việt lai Khmer, Hoa lai Khmer. Người địa phương hay gọi là người Việt lai Hoa là “đầu gà đít vịt”, có lẽ do cúng kiến, người Việt cúng gà, còn người Hoa cúng vịt. Người Hoa lai Khmer được gọi đùa là “đầu ông Tà đít ông Bổn”, bởi tất cả người Hoa đều thờ ông Bổn, còn người Khmer thì rất tin tưởng ông Tà. Như vậy, chúng ta thấy rằng, trên địa bàn Hà Tiên có 3 tộc người sống cộng cư. Mỗi tộc người mang tập quán, phong tục, tín ngưỡng riêng, mà những phong tục, tập quán, tín ngưỡng đó chi phối nhất định đến thức ăn hàng ngày, trong lễ hội, lễ tết, cúng kiến, cùng với sản vật sẵn có tại địa phương, những món ăn hàng ngày hình thành nên khẩu vị và phong cách ăn uống của từng nhóm người, tộc người.
Nhắc đến Tết, mọi người vẫn nghĩ ngay đến những bữa cơm tất niên ngày cuối năm, mâm cơm cúng kiến, đưa rước ông bà, là bữa tiệc đoàn viên của gia đình, là những món ngon được sẻ chia, mời mọc láng giềng, bạn bè. Chính vì lẽ đó, ẩm thực ngày Tết vẫn luôn là một nét văn hoá hết sức đa dạng, phong phú và mang đậm dấu ấn Việt.
Bên cạnh trái dưa hấu đỏ, mâm trái cây ngũ quả, bánh Tét, bánh mứt - những đặc trưng không thể thiếu trong ngày Tết, những món ăn mặn mang phong vị miền biển và miền biên giới Hà Tiên lại mang chút văn hóa thật khang khác so với các địa phương lân cận từ những cộng hưởng văn hóa nhiều dân tộc và sản vật đặc trưng địa phương.
Một số món ăn phổ biến hay dùng để cúng trong đêm giao thừa tại đất Hà Tiên như: bánh tét, thịt kho tàu, canh măng, chả giò, canh khổ qua (canh mướp đắng). Nói đến canh khổ qua, món ăn này có ý nghĩa rất đặc biệt. Nếu như xôi gấc ở miền Bắc thể hiện sự may mắn trong đầu năm mới thì canh khổ qua bày tỏ ước nguyện mọi điều đau khổ trong năm cũ sẽ qua mau, tràn trề hạnh phúc no đủ (nhân thịt ở giữa). Bên cạnh đó, đây là món ăn giúp thanh nhiệt, cân bằng cơ thể rất hiệu quả, nhất là trong những ngày Tết.
Bên cạnh những món ăn phổ biến, món ăn có sự giao thoa với người Hoa thường xuất hiện trong những ngày Tết ở Hà Tiên là món hủ tiếu xào tôm thịt. Món này cũng giống như bún xào, được xào chung với thịt heo, lòng heo, hải sản, rau cần. Người ta xào hủ tiếu cho ngấm với mỡ tỏi, mỡ hành như theo cách chế biến của người Hoa thích những món ăn chế biến có nhiều dầu mỡ.
Ngoài ra, mâm cơm Tết ở Hà Tiên không thể thiếu các món nguội như tôm khô củ kiệu, gỏi ngó sen, tai lợn ngâm giấm, giò lợn, lạp xưởng, nem bì, gỏi gà xé phay...
Đặc biệt, nhiều gia đình khá giả ở Hà Tiên, những ngày Tết trên mâm cơm cúng gia tiên hay buổi cơm họp mặt gia đình, chiêu đãi khách còn có món canh chua sả nghệ nấu với cá nhám giàu. Bởi họ tin rằng, chữ “giàu” trong tên gọi loài cá nhám giàu (cá mập con) sẽ đem lại sự giàu có, làm ăn phát đạt cho gia chủ. Cũng chính lý do này, giá bán cá nhám giàu trong những dịp Tết cũng tăng cao hơn so với ngày thường. Ngày thường, giá cá nhám giàu khoảng 150.000 đồng/kg nhưng đến Tết lại cao ngất ngưởng. Canh chua cá nhám giàu phải có sả bằm nhuyễn đâm chung với nghệ. Cách làm này mang cung cách ẩm thực Kinh – Khmer, lại giúp bán mùi tanh cá biển. Lẩu canh chua sả nghệ cá nhám giàu thường ăn kèm với đĩa bún trắng tươi, rau muống và nước mắm ớt cay.
Bữa cơm cuối năm là thời điểm hết sức đầm ấm, gắn kết mọi người lại, ôn chuyện năm cũ, bàn chuyện năm mới. Bởi thế mà, trong sâu thẳm tiềm thức của mỗi người dân đất Việt dù ở vùng nào, xứ nào thì mâm cơm ngày Tết luôn gắn kết tình thân và luôn mang ý nghĩa thiêng liêng trong mỗi gia đình Việt. Vì vậy, ăn uống trong ngày Tết không chỉ dừng lại ở ăn để no và uống giải khát mà nó còn bao hàm mang tính văn hóa, nhân văn ở mỗi địa phương.