Không chỉ đến thế kỷ XX với sự kiện “Đoàn Tàu Không số”, Phú Yên mới đi vào lịch sử hải quân như một địa danh có nhiều vũng vịnh an toàn, có ngọn hải đăng tự nhiên dẫn đường cho tàu thuyền trên đại dương.
Trong sách cổ của các thám hiểm gia châu Âu, châu Mỹ từ thế kỷ XVII, Phú Yên đã được nhắc đến với những dấu mốc trên hải trình Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương như Mũi Điện, vịnh Xuân Đài, vịnh Vũng Rô… Đặc biệt, hồi ký của Đặc sứ Hoa Kỳ Edmund Roberts “Phái bộ tới các triều đình phương Đông” (1) đã có những trang miêu tả rất kỹ về khu vực cảng Vũng Lắm của Phú Yên. Đây chính là nơi trú đậu của chiến thuyền USS Peacock (tàu Khổng tước) thuộc Hải quân Hoa Kỳ khi tới Việt Nam nhằm mục tiêu thúc đẩy thương mại và ngoại giao năm 1833.
Từ khi mới tuyên bố độc lập, Hoa Kỳ qua nhiều đời tổng thống luôn chủ trương hướng ngoại và quan tâm mở rộng quan hệ bang giao. Trong số đó, Tổng thống đời thứ 7 Andrew Jackson là người tiên phong mở rộng ngoại thương hàng hải, tạo nên lịch sử phong phú về quan hệ thương mại và ngoại giao của Hoa Kỳ với phương Đông. Từng là một vị tướng lục quân Hoa Kỳ trong chiến tranh Hoa Kỳ – Anh Quốc năm 1812, Tổng thống Andrew Jackson (1829-1837) áp dụng chính sách “ngoại giao chiến hạm” gây tranh cãi với nhiều nước nhằm mở rộng ảnh hưởng của Hoa Kỳ. Song bên cạnh đó, không thể phủ nhận thành công của Hoa Kỳ trong việc ký các hiệp ước thân thiện và hợp tác xuyên lục địa với phương Đông dưới thời Tổng thống Andrew Jackson.
USS Peacock là một trong số ít những chiến tàu cổ của Hải quân Hoa Kỳ đã phục vụ các sứ mệnh ngoại giao và thương mại hải hành này. Sau khi tham gia chiến tranh Hoa Kỳ – Anh Quốc năm 1812, tàu được sửa chữa lại vào năm 1828 để phù hợp với các chuyến thám hiểm dài ngày. Tàu có chiều dài 36m, trên tàu có 10 khẩu pháo và một thủy thủ đoàn 130 người. Ngày 8/3/1832, dưới sự chỉ huy của thuyền trưởng David Geisinger, USS Peacock lên đường bắt đầu cuộc hành trình “gặp gỡ phương Đông”. Thuyền trưởng David Geisinger có “người thư ký” bí mật là Đặc sứ của Tổng thống – ngài Edmund Roberts, người mà sau này được coi là nhà ngoại giao đặc biệt nhất trong lịch sử ngoại giao Hoa Kỳ.
Trong chuyến hành trình gặp gỡ Đông – Tây đầu tiên này, tàu USS Peacock và Đặc sứ Edmund Robert đã ký kết các hiệp ước bang giao, mở ra những cơ hội mới cho nền ngoại thương của quốc gia non trẻ Hoa Kỳ. Tại Thái Lan, ngày 20/3/1833, Đặc sứ Hoa Kỳ và Bộ trưởng đại diện cho vua Rama III ký kết Hiệp ước Thân thiện và Thương mại. Tại Oman, ngày 13/9/1833, Đặc sứ ký Hiệp ước Hữu nghị và Hàng hải với Quốc vương Sultan Said bin Sultan. Tuy nhiên, tại Việt Nam, Đặc sứ Hoa Kỳ không thành công dù đã mang sẵn lá thư của Tổng thống Andrew Jackson gửi vua Minh Mạng kèm thông điệp thân thiện về quyền tự do đi lại cho tàu bè, tăng cường trao đổi hàng hóa, cam kết không đòi hỏi định cư hay đặc lợi trong quan hệ với Việt Nam. Sau gần một tháng, từ 6-31/1/1833 neo đậu tại Vũng Lắm mà hai bên thương thuyết không thành, tàu USS Peacock và Đặc sứ Hoa Kỳ đã phải rời đi.
Tuy vậy, hơn 2 thế kỷ nhìn lại vẫn có thể thấy sự thành công của Phái bộ Ngoại giao thế kỷ XIX trong nỗ lực thúc đẩy ngoại giao với châu Á và Trung Đông qua con đường thương mại hải hành. Các thỏa thuận ký với Thái Lan và Oman năm 1833 sau này đều có ý nghĩa tạo nền móng cho quan hệ của Hoa Kỳ với hai quốc gia. Các hiệp ước đều là những văn bản đầu tiên của Hoa Kỳ tại khu vực châu Á và Trung Đông, chính thức hóa quan hệ ngoại giao với hai nước. Cho đến nay, Thái Lan là đồng minh có hơn 200 năm quan hệ hữu nghị bền bỉ lâu đời, còn Oman vẫn là đối tác rất quan trọng với Hoa Kỳ ở Trung Đông đối với các mục tiêu thương mại, an ninh, chống khủng bố, thúc đẩy ổn định và phát triển khu vực.
Phú Yên trên hải trình của đoàn Đặc sứ Hoa Kỳ
Trên đường tới Việt Nam, thuyền trưởng David Geisinger xác định Đà Nẵng (vịnh Turan) là điểm neo tàu gần nhất và tốt nhất để liên lạc với kinh thành Huế. Tuy nhiên, thời tiết mưa và mây mù nhiều ngày đã khiến tàu USS Peacock dạt về phương nam, neo tại cảng Vũng Lắm, thuộc khu vực vịnh Xuân Đài (Shundai), TX Sông Cầu, tỉnh Phú Yên ngày nay. Phú Yên chính là nơi trú ngụ an toàn cho tàu USS Peacock và đoàn Đặc sứ Hoa Kỳ trong chuyến hành trình trắc trở khi tới Việt Nam.
Trước đó, đã từng có các tài liệu và hải đồ của người châu Âu ghi chép lại đặc điểm của bờ biển Phú Yên thuộc miền Trung Việt Nam như “trông không thoải, không lặng như biển Nam Kỳ mà nhiều cát, nhiều núi, hiểm trở, nhiều động vật hoang dã, nhưng lại có cảnh sắc hiền hòa, vẻ đẹp kết hợp tuyệt vời của núi, biển và trời”. Còn theo biểu đồ và sách về các tuyến đường biển dọc vành đai Thái Bình Dương – Ấn Độ Dương cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX của James Horsburgh (1762-1836), nhà thủy văn học Scotland được mệnh danh là “Nhà tiên tri hàng hải của thế giới”, vịnh Xuân Đài thuộc Phú Yên có địa hình “rất an toàn và nước đủ độ sâu”.
Chính vì nắm được những thông tin trên về vịnh Xuân Đài mà chiến thuyền USS Peacock đã quyết định neo tại cảng Vũng Lắm. Ghi chép của ngài Đặc sứ Hoa Kỳ trong hải trình phương Đông năm 1833 cũng khẳng định giá trị hấp dẫn của vịnh Xuân Đài: Nơi đây quả đúng là một trong những hải cảng tự nhiên tốt nhất thế giới, không hề bị hạn chế tầm nhìn, xa xa cách nơi neo tàu tầm dặm rưỡi mới có một tảng đá nổi trên mặt nước. Vùng thôn quê xung quanh rõ ràng rất màu mỡ, đất đai chia thành những mảnh nhỏ, giống như những vườn cây. Quang cảnh đẹp như tranh vẽ và rất ấn tượng, những mảng xanh bát ngát chạy tới tận những dãy đồi cao từ 30-450m, màu xanh cây trái trải dài khắp mọi nơi, lan đến tận mép nước. Trên mỗi mảnh vườn màu mỡ này, ắt hẳn có bàn tay lao động miệt mài của những người nông dân. Thấp thoáng bao ngôi làng hiện lên sau những hàng cọ, gần những bãi biển đầy cát, và trên những cánh đồng màu mỡ, dài hàng dặm quanh chúng tôi.
Miêu tả của Đặc sứ Edmund Roberts cũng cho thấy lợi thế quan sát rộng của tàu thuyền tại cửa vịnh Xuân Đài… Sau 5 ngày nỗ lực lái tàu USS Peacock vào bờ, tàu đã neo vào bến cảng gần nhất và phù hợp nhất – Vũng Lắm – vào lúc hoàng hôn của ngày thứ năm. Hướng tầm mắt về phía nam, chúng tôi nhận thấy một đội tàu đánh cá lớn; một ngọn núi hình nón rất cao, mà chúng tôi chắc rằng đó là núi Chóp Chài (Epervier); một vệt núi kéo dài về phía đông, mà chúng tôi chắc rằng mũi Điện (Averella, hoặc là mũi Pagoda); và cùng lúc, về phía nam của bến cảng là hòn cù lao Mái Nhà (Maignia), chúng tôi mạnh dạn tiến vào…
Vẻ đẹp nên thơ của vịnh Xuân Đài, cảng Vũng Lắm, cảng Vũng Chào cũng được Đặc sứ ghi chép lại… “vào lúc 12 giờ, mở ra trước mắt chúng tôi là bến cảng Vũng Lắm tươi đẹp, cạnh đó về phía tây nam một ngôi làng nhỏ, cách đó ba phần tư dặm về phía nam là một hòn đảo nhỏ không tên và không có người ở, những bãi biển cát trắng, trải dài… những đụn đất dần lộ diện về phía nam của cù Lao Mái Nhà…” Những miêu tả của Đặc sứ Hoa Kỳ về lợi thế địa hình cũng như nét đẹp nguyên sơ ở vịnh không khác mấy so với hình ảnh Xuân Đài ngày nay.
Cũng theo nhật ký của Đặc sứ Hoa Kỳ, trên chiến thuyền neo tại cảng Vũng Lắm đã diễn ra các hoạt động lễ tân, đón tiếp, đàm phán ngoại giao của triều vua Minh Mạng đối với phái bộ Hoa Kỳ. Quan chức chính quyền Vũng Lắm, thị trấn Xuân Đài cùng với quan ngoại lang (người phụ trách ngoại giao) Nguyễn Tri Phương của triều đình nhà Nguyễn tổ chức yến tiệc, thết đãi đoàn Đặc sứ trong nhiều ngày liên tiếp. Lễ chào mừng cũng được tổ chức trọng thể với 13 khẩu súng pháo được bắn lên từ một pháo đài tại thị trấn Xuân Đài. Quan chức Vũng Lắm được ủy quyền của quan thị trấn Xuân Đài giới thiệu với thủy thủ đoàn về địa phương, hệ thống chính quyền, trao đổi với đoàn Đặc sứ về tầm quan trọng của lá thư Tổng thống Andrew Jackson gửi vua Minh Mạng. Trong miêu tả của Đặc sứ, vị quan chức cai quản Vũng Lắm “là một người đàn ông lớn tuổi sôi nổi và vui vẻ, thật dễ dàng cho chúng tôi trao đổi với ông ấy”.