Nhìn lại lịch sử xây dựng và phát triển ngàn năm Thăng Long – Hà Nội, cùng với tinh hoa của “bách gia trăm họ” nhiều thế hệ những người họ Đặng đã từng sinh sống, hoặc học tập, làm việc, đóng góp công sức, trí tuệ và ghi dấu ấn; góp phần xây dựng Thủ đô ngày càng hiện đại và văn minh như ngày nay.
Nhìn lại lịch sử xây dựng
Nhìn lại lịch sử xây dựng và phát triển ngàn năm Thăng Long – Hà Nội, cùng với tinh hoa của “bách gia trăm họ” nhiều thế hệ những người họ Đặng đã từng sinh sống, hoặc học tập, làm việc, đóng góp công sức, trí tuệ và ghi dấu ấn; góp phần xây dựng Thủ đô ngày càng hiện đại và văn minh như ngày nay.
Nhiều danh nhân lịch sử và Văn hóa họ Đặng đã vinh dự được Nhà nước đặt tên đường phố tại Thủ đô Hà Nội như: Quốc công Đặng Tất (1357 – 1409); Danh tướng Đặng Dung (1373 – 1414); Trạng nguyên Đặng Công Chất (1622 – 1683); Đô đốc Đặng Tiến Đông (1738 – 1794); Tiến sĩ Đặng Xuân Bảng (1828 – 1910); Giáo sư, Nhà văn Đặng Thai Mai (1902 – 1984); Tổng Bí thư Trường Chinh (tức Đặng Xuân Khu, 1907 – 1988); Kỹ sư Đặng Phúc Thông (1906 – 1951); Giáo sư, Liệt sĩ Đặng Văn Ngữ (1910 – 1967); Giáo sư Bác sĩ Đặng Vũ Hỷ (1910 – 1972); Anh hùng, Liệt sĩ Đặng Thuỳ Trâm (1942 – 1970)…
Họ Đặng Hà Nội tự hào vì có Nhà nghiên cứu Thiên văn và lịch pháp đầu tiên ở Việt Nam: Cụ Đặng Lộ, thế kỷ XIII, làm quan dưới các thời vua Trần Minh Tông và Trần Hiến Tông. Được xem như là một nhà khoa học thực nghiệm ra đời sớm nhất của Việt Nam vào thời phong kiến, cụ Đặng Lộ chính là người đã phát minh ra máy quan sát thiên văn rất tinh xảo gọi là “Lung linh nghi”. Đó là phát minh quan trọng nhất về thiên văn trong nước, đo được chính xác vị trí các sao, độ lệch hoàng đạo, bạch đạo qua các thời gian. Đại Việt Sử ký Toàn thư đánh giá: “Lung linh nghi khảo nghiệm thiên tượng, không việc gì là không đúng”. Những công trình khoa học của nhà nghiên cứu Đặng Lộ ngày nay vẫn còn được sử sách nhắc đến.
Đặc biệt, họ Đặng Hà Nội rất tự hào vì cụ Đặng Văn Hoà (tức Đặng Văn Thiêm, 1791 – 1856) – Vị Tổng đốc đầu tiên của Hà Nội. Là một quan đại thần dưới triều đại nhà Nguyễn, cụ Đặng Văn Hoà làm quan gần 40 năm, nắm giữ những chức vụ quan trọng từ Tổng đốc đến Thượng thư. Cụ là một “Nguyên lão tứ triều”, có nhiều đóng góp trên các lĩnh vực chính trị, nông nghiệp và văn hóa cho Nhà nước. Sử sách còn ghi chép Tổng đốc Đặng Văn Hoà là người tài cao, đức trọng, uy tín lớn, được nhân dân Hà Nội thời đó yêu mến, làm nhiều bài thơ văn và bài hát ca tụng.
Họ Đặng Hà Nội cũng tự hào vì có cụ Đặng Huy Trứ (1825 – 1874) người không những được xem là một nhà canh tân công nghệ, mà còn đựơc tôn vinh là “ông tổ nghề” của nhiếp ảnh ở nước ta. Cụ đã mở hiệu ảnh đầu tiên của Việt Nam tại Hà Nội. Đặng Huy Trứ cũng là người đầu tiên đưa kỹ nghệ đóng tàu phương Tây du nhập vào Việt Nam trong thời gian đó.
Nhằm kết nối tất cả bà con cộng đồng người họ Đặng đã, đang sinh sống, học tập, công tác và lập nghiệp tại Thủ đô Hà Nội, không phân biệt nguồn gốc và quê quán; cùng tập hợp, sinh hoạt trong một tổ chức thống nhất và đoàn kết; vì lợi ích chung của cả dòng họ và mỗi gia đình. Căn cứ đề nghị của Ban Vận động thành lập Hội đồng Họ Đặng Hà Nội; Ngày 9/4/2023, Hội đồng họ Đặng Việt Nam đã công bố Quyết định thành lập Hội đồng lâm thời Họ Đặng Hà Nội, do Trung tướng, Tiến sĩ Đặng Vũ Sơn (nguyên Trưởng Ban Cơ yếu Chính phủ) làm Chủ tịch.
Sau Lễ ra mắt, các thành viên của Hội đồng Lâm thời Họ Đặng Hà Nội đã tiến hành dâng hương ở nhiều phủ thờ, nhà thờ và kết nối bà con họ Đặng gần xa; không chỉ trong các quận, huyện, thị của Thủ đô, mà còn đến cả các tỉnh lân cận, thậm chí là tới các tỉnh thành xa hơn như Nghệ An, Hà Tĩnh, TP.HCM, Đồng Tháp… Điều đó, đã thể hiện tinh thần xây dựng, khát vọng đoàn kết và thống nhất các tổ chức của Họ Đặng có trên địa bàn Hà Nội.
Có thể nói, các thành viên trong Hội đồng lâm thời họ Đặng Hà Nội đi dâng hương các phủ thờ, nhà thờ và kết nối ở đâu cũng không chỉ được bà con trong họ Đặng, mà còn có cả dâu, rể tiếp đón rất nồng hậu và chân tình. Đó là tình cảm của anh em một nhà, cùng chung tổ tiên, từ trái tim đến trái tim người họ Đặng. Đặc biệt là thế hệ những người họ Đặng còn trẻ. Họ có thể không sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, mà từ các tỉnh thành khác về Thủ đô học tập, sinh sống và làm việc, đã coi Hà Nội là quê hương thứ 2 của mình…
Để chuẩn bị cho Đại hội lần thứ Nhất, nhiệm kỳ 2023 – 2028 của họ Đặng Hà Nội được diễn ra thuật lợi nhất trong điều kiện cho phép, từ nhiều tháng nay, Thường trực Hội đồng lâm thời đã phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên, phụ trách cụ thể các công việc “bếp núc” và kỹ thuật cho Đại hội…
Hiện nay, Họ Đặng Hà Nội vinh dự là đơn vị Thường trực của Chương trình trao tặng “Tủ sách Đặng Thùy Trâm” cho các Trường học và Bệnh viện; do Họ Đặng Việt Nam (chủ trì), phối hợp với nhiều cơ quan đơn vị: Tổ chức “Trái tim người lính Việt Nam; Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam; Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam và CLB “Mãi mãi tuổi 20” cùng thực hiện.
Thông qua hoạt động của “Tủ sách Đặng Thuỳ Trâm”, cộng đồng và xã hội sẽ biết đến nhiều hơn họ Đặng Việt Nam nói chung và họ Đặng Hà Nội nói riêng; góp phần kết nối bà con họ Đặng gần xa…
(Trích Lời dẫn phim tài liệu về họ Đặng Hà Nội của Đặng Vương Hưng).
Sáng nay, nhóm Thường trực của Hội đồng lâm thời họ Đặng Hà Nội đã gặp nhau tại Thư phòng “Trái tim người lính” để ghi hình, trả lời phỏng vấn, phục vụ cho Đại hội đại biểu lần thứ I, nhiệm kỳ 2023 – 2028 của họ Đặng Hà Nội, sẽ diễn ra vào cuối tháng 11/2023. Cảm ơn Nhà báo Trần Công Hà (đến từ Đài VTV) đã trợ giúp chúng tôi thực hiện phim phóng sự tài liệu nêu trên.
Hà Nội, 25/10/2023
Trái Tim Người Lính