Sáng 16/4, tại Khu du lịch Văn hóa Phương Nam (Đồng Tháp) đã long trọng tổ chức 204 năm giỗ Tổ Thủy sư Đô đốc Đặng Nhân Cẩm. Hàng ngàn du khách, dòng họ Đặng, các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long và Thành phố Hồ Chí Minh đã đến tham quan, vãng cảnh, dâng hương tưởng nhớ tiền nhân.
Tỏ lòng tri ân các bậc tiền nhân làm rạng danh vùng đất Phương Nam
Đọc Văn tế các bậc tiên liệt có có công lao to lớn đối với vùng đất phương Nam tại Nam Phương Linh Từ.
Đến hẹn lại lên, hàng năm, cứ đến ngày 8-9 tháng 3 âm lịch (trong đó mùng 8/3 giỗ hội các nhân vật lịch sử đất Phương Nam, mùng 9/3 giỗ Tổ Thủy sư Đô đốc Đặng Nhân Cẩm - Thủy tổ của họ Đặng Long Hưng và Phương Nam), Khu du lịch Văn hóa Phương Nam long trọng tổ chức giỗ Tổ Thủy sư Đô đốc Đặng Nhân Cẩm, để tỏ lòng tri ân các bậc tiền nhân có công khai phá mở gìn giữ và làm rạng danh vùng đất Phương Nam.
Năm nay, Khu du lịch Văn hóa Phương Nam tổ chức kỷ niệm lần thứ 204 năm giỗ Tổ Thủy sư Đô đốc Đặng Nhân Cẩm (1820-2024) vào ngày 16/4/2024 (ngày 08/3 âm lịch). Hàng ngàn du khách, dòng họ Đặng từ muôn phương đã đến tham dự lễ tri ân các bậc tiền nhân và lễ kỷ niệm lần thứ 204 năm giỗ Tổ Thủy sư Đô đốc Đặng Nhân Cẩm. Đền thờ Nam Phương Linh Từ - điểm nhấn của Khu du lịch Văn hóa Phương Nam hôm nay rộn rã nhộn nhịp người như ngày hội lớn lớn.
Nam Phương Linh Từ – Nhà thờ họ Đặng ở Đồng Tháp
Nhiều người dân trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến tri ân những bậc tiền nhân ngày 204 năm giỗ Tổ Thủy sư Đô đốc Đặng Nhân Cẩm (1820-2024) tại Nam Phương Linh Từ.
Nam Phương Linh Từ là một công trình xây dựng độc đáo và điểm đến có một không hai vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Diện tích chung cả quần thể công trình trên 5ha. Diện tích xây dựng 509m2, với 60 cột. Chiều cao cột chính 8,6m, đường kính cột chính 0,45m. Nam Phương Linh Từ gồm 7 gian, 2 chái, 3 lòng, có mái hạ và hàng hiên (hành lang) bao quanh. Tất cả được làm bằng gỗ căm xe, nhập khẩu từ các nước ASEAN. Công trình được khởi công xây dựng ngày 30/10/2009, được thực hiện bởi đội ngũ kiến trúc sư, kỹ sư, công nhân và hơn 150 nghệ nhân đến từ cố đô Huế. Các hệ thống cửa, bao lam, phù điêu, hoành phi, câu đối đều sử dụng loại gỗ danh mộc, được chạm khắc rất nghệ thuật và công phu. Đặc biệt hơn, bên trong đền thờ còn có 21 tượng đồng của các vị có công thời khai mở và linh vị của 128 nhân vật có công khai phá, gìn giữ và làm rạng danh vùng đất Nam bộ.
Đồng thời, nằm trong quần thể công trình này còn có Đền thờ Đặng tộc, Bảo tàng Đặng tộc, Bảo tàng Nam bộ và dãy trường lang bao bọc chung quanh công trình với tổng chiều dài 675m và 240 cây cột gỗ (tượng trưng cho 5 châu), có 4 hồ nuôi trồng thực vật và các loài thủy sinh (tượng trưng cho 4 biển), có 63 chậu mai vàng (tượng trưng cho 63 tỉnh, thành của Việt Nam) và 54 loài hoa kiểng, cây xanh (tượng trưng cho 54 dân tộc anh em). Công trình đã xác lập 02 kỷ lục Việt Nam đã được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác lập cho Hội đồng Đặng tộc tỉnh Đồng Tháp là: Nam Phương Linh Từ - Đền thờ đầu tiên thờ các vị danh nhân có công trong quá trình khai mở, gìn giữ và làm rạng danh đất phương Nam; Nam Phương Linh Từ - Đền thờ có nhiều tượng đồng danh nhân lớn nhất về các nhân vật có công thời khai mở đất phương Nam.
Chia sẻ của Chủ tịch Đặng Phước Thành
Lễ giỗ các bậc tiền nhân được Khu du lịch Văn hóa Phương Nam tổ chức thường niên.
Tại lễ giỗ lần thứ 204 năm Tổ Thủy sư Đô đốc Đặng Nhân Cẩm (1820-2024), ông Đặng Phước Thành - Chủ tế chia sẻ: “Khu Du lịch Văn hóa Phương Nam được UBND tỉnh Đồng Tháp công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh là một quần thể công trình văn hóa – tâm linh phụng thờ các vị tiền nhân, các họ tộc cả nước, trong đó có tổ tiên họ Đặng đã khai phá ra vùng đất mới này, cũng như những người của các thế hệ, các giai đoạn lịch sử đã nằm xuống nơi đây. Để tỏ lòng tri ân, tôn vinh sự xả thân của các bậc tiền nhân cũng chỉ vì muốn cho quốc thái dân an, xã tắc đời đời hưng thịnh mà tôi Đặng Phước Thành (hiện là Cố vấn cấp cao Vinasun Corporation đồng thời là Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH MTV Khu du lịch Văn hóa Phương Nam), cùng chi tộc Đặng xã Long Hưng A , huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp phát tâm công đức xây dựng công trình này. Với truyền thống bất khuất, kiên cường và lao động cần cù, sáng tạo của cả dân tộc, các thế hệ người Việt Nam đã viết nên trang sử hào hùng trong quá trình gây dựng, gìn giữ và phát triển vùng đất Nam bộ, góp phần tô điểm cho đất nước Việt Nam ngày thêm tươi đẹp.
Trong quá trình Nam tiến lâu dài, Nam bộ là vùng đất mới, có được bộ mặt trù phú như ngày hôm nay để cháu con sinh sống cũng là nhờ trong suốt nhiều thế kỷ, cha ông chúng ta đã dày công khai mở, trải biết bao gian khổ hiểm nguy, rồi lại phải đấu tranh liên tục với mồ hôi nước mắt và cả xương máu đổ ra để vun bồi, giữ gìn cơ đồ cho các lớp cháu con, từ đó xuất hiện không ít những bậc danh nhân chí sĩ mãi đến nay vẫn được nhân dân cả nước nói chung và Nam bộ nói riêng tôn kính phụng thờ. Thực tế lịch sử cho thấy, hầu hết những công trình thờ phụng như thế đều xuất phát từ dân gian rồi sau mới được Nhà nước chính thức công nhận, mà một số nơi hiện nay đã trở thành di tích cấp quốc gia, được nhân dân cả nước coi là những điểm hành hương, tham quan chiêm ngưỡng.
Giá trị văn hóa – lịch sử thiêng liêng
Du khách gần xa đến Nam Phương Linh Từ.
Thật ra, 128 nhân vật chỉ là con số giới hạn khởi đầu tạm thời, được chọn lựa trong số những vị có công lao nổi bật và đã quá cố từ mốc lịch sử trước và sau 1975. Rồi đây không ít những nhân vật lịch sử khác có công cũng sẽ được dần dần xét chọn để đưa vào thờ tự. Có dịp đến thăm Nam Phương Linh Từ hiểu được ý nghĩa cùng lý do của việc thờ tự những nhân vật có công với vùng đất phương Nam trù phú, nơi luôn có sẵn những người dân Nam bộ hào phóng đầy nghĩa khí vẫn đang tô điểm non sông gấm vóc, tiếp tục phát huy sự nghiệp quý báu của cha ông để lại. Nam Phương Linh Từ nơi cháu con thành kính thờ tự ghi nhớ công ơn của các bậc tiền nhân, một đền thờ mang tính thế kỷ. Nếu một lần ghé qua nơi đây, chắc hẳn người người sẽ có cảm giác vô cùng linh thiêng, sẽ cảm nhận được tâm tư cũng như tấm lòng của người xây dựng nên công trình này”.
Ông Trần Ngọc Phúc, một lão nông tri điền huyện Lấp Vò ngoài lục tuần, đã được truyền nhân làm học trò lễ, hôm nay, ông đã xúc đọng đọc Văn tế các bậc tiên liệt có có công lao to lớn đối với vùng đất phương Nam: “Kính cẩn cầu xin các bậc tiên liệt cùng các vị thần linh phù hộ cho chúng con, luôn luôn được bình an, để tiếp tục sự nghiệp cao cả của các vị, xây dựng, phát triển vùng đất phương Nam, trở thành vùng trọng điểm kinh tế giàu có, vững mạnh của Tổ quốc Việt Nam”.
Nguồn trích dẫn
Bài viết được trích dẫn từ:
- Nguồn: Báo điện tử Xây Dựng
- Cre: Huỳnh Biển
Để xem chi tiết bài viết gốc, vui lòng truy cập vào liên kết bên dưới...