Trường đại học Hòa Bình vừa tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia “Công nghệ tài chính và Tiền kỹ thuật số tại Việt Nam”. Theo Hiệu trưởng Trường đại học Hòa Bình, PGS,TS Tô Ngọc Hưng, Cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra mạnh mẽ đã tạo những biến chuyển trên nhiều lĩnh vực xã hội. Tại Việt Nam, công nghệ tài chính và tiền kỹ thuật số là những lĩnh vực tương đối mới nhưng đã thu hút được nhiều sự chú ý do những tác động to lớn đến xã hội, nền kinh tế, hệ thống tài chính, cộng đồng và đời sống nhân dân, cũng như tiềm năng và xu hướng phát triển mạnh của công nghệ tài chính và tiền kỹ thuật số trong tương lai.
Trong những năm gần đây, công nghệ tài chính Việt Nam đã tăng trưởng đáng kể nhờ việc áp dụng ngày càng nhiều các giao dịch kỹ thuật số, sự phát triển của thị trường thương mại điện tử cũng như sự hỗ trợ của Chính phủ về việc mở rộng các hình thức thanh toán số. Công nghệ tài chính và tiền kỹ thuật số không chỉ làm thay đổi bộ mặt của hệ thống ngân hàng, tài chính truyền thống mà còn giữ vai trò quan trọng trong việc phổ cập tài chính toàn diện tới người dân, qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.
Hiệu trưởng Trường đại học Hòa Bình, PGS,TS Tô Ngọc Hưng phát biểu tại hội thảo
Đề cập đến thực trạng và khuyến nghị của việc ứng dụng công nghệ tài chính trong thanh toán tại Việt Nam, TS Nguyễn Thị Thu Trang, Khoa Ngân hàng, Học viện Ngân hàng cho rằng, có 2 chủ thể cung cấp dịch vụ thanh toán ứng dụng tài chính tại Việt Nam là ngân hàng và các tổ chức phi ngân hàng. Dự đoán đến năm 2025, số lượng người sử dụng một số ví điện tử tại Việt Nam sẽ tăng nhanh chóng mặt. Cụ thể, ví Momo sẽ đạt 59 triệu người sử dụng; ViettelPay là 28 triệu người; Airpay là 12 triệu người; ZaloPay là 6 triệu và GrabPay là 2 triệu người. Bên cạnh đó, tỷ lệ tiền mặt lưu thông trên tổng phương tiện thanh toán tại Việt Nam giai đoạn 2015-2022 có xu hướng giảm, từ 11,98% (tháng 6.2015) xuống còn 10,5% (tháng 6.2022).
Để thúc đẩy việc ứng dụng công nghệ tài chính tại Việt Nam, TS Nguyễn Thị Thu Trang khuyến nghị, cần tăng cường hợp tác giữa các bên trong việc cung cấp các sản phẩm thanh toán ứng dụng công nghệ tài chính. Các tổ chức cung ứng sản phẩm thanh toán ứng dụng công nghệ tài chính cần tăng cường công tác quản lý an ninh mạng để có thể giành được sự tin tưởng của người dùng. Các nhà cung ứng sản phẩm thanh toán ứng dụng công nghệ tài chính cần tiếp tục cập nhật, bổ sung các tính năng mới, nâng cao trải nghiệm của người dùng. Bên cạnh đó, người dùng cũng cần cởi mở hơn trong việc chấp nhận sử dụng các sản phẩm thanh toán không dùng tiền mặt; tự trang bị cho mình những kiến thức nhất định về công nghệ và tài chính.
Hội thảo “Công nghệ tài chính và Tiền kỹ thuật số tại Việt Nam” đã thu hút được sự quan tâm và gửi bài viết tham gia của nhiều nhà khoa học, nhà quản lý và giảng viên của một số trường đại học; lãnh đạo và cán bộ quản lý của một số hiệp hội nghề nghiệp, doanh nghiệp. Các bài viết tập trung vào khái niệm, lợi ích, cơ hội và thách thức đối với sự phát triển của hệ thống tài chính; xu hướng cạnh tranh và hợp tác giữa ngân hàng và công nghệ tài chính; những xu hướng phát triển của công nghệ tài chính trên thế giới. Đồng thời, đề cập đến những kết quả, hạn chế và nguyên nhân; xu hướng phát triển tiền kỹ thuật số và chính sách quản lý...
Thông qua các bài tham luận, trao đổi, thảo luận tại Hội thảo đã làm rõ hơn cơ sở lý luận và thực tiễn về công nghệ tài chính và tiền kỹ thuật số; thực trạng, xu hướng áp dụng và phát triển công nghệ tài chính, tiền kỹ thuật số trên thế giới và Việt Nam; qua đó, đề xuất các giải pháp phát triển công nghệ tài chính, ứng xử hợp lý với tiền kỹ thuật số, phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước.
Báo điện tử Nhân Dân