Ngày 21/9/2023 tại Hà Nội, Bộ Tài chính tổ chức Hội thảo - Triển lãm về tài chính số trong quản lý ngân sách nhà nước năm 2023 (Vietnam Digital Finance 2023, VDF-2023), với chủ đề “Dữ liệu số - Nền tảng phát triển tài chính số bền vững”.
Ông Nguyễn Việt Hà, Cục trưởng, Cục Tin học và Thống kê tài chính phát biểu khai mạc Hội thảo - Triển lãm VDF 2023. Ảnh: QM.Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Việt Hà, Cục trưởng, Cục Tin học và Thống kê tài chính (Bộ Tài chính) cho biết: Năm 2023 được xác định là năm dữ liệu số và vấn đề xây dựng, phát triển, kết nối, chia sẻ, khai thác dữ liệu là yếu tố quan trọng trong chuyển đổi số, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, tạo ra giá trị mới. Trong thời gian tới, việc nâng cấp, hiện đại hóa các hạ tầng thông tin dùng chung, tăng cường kết nối, trao đổi thông tin, dữ liệu giữa các đơn vị trong ngành Tài chính, giữa Bộ Tài chính với các cơ quan, tổ chức, cá nhân ngoài ngành Tài chính là rất quan trọng.
Kế hoạch chuyển đổi số của Bộ Tài chính đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 cũng nhấn mạnh: “Dữ liệu là tài nguyên mới. Bộ Tài chính cung cấp dữ liệu mở phục vụ phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số đối với lĩnh vực tài chính. Kết nối, chia sẻ dữ liệu để người dân chỉ phải khai báo, cung cấp dữ liệu một lần cho các cơ quan nhà nước và các đơn vị cung ứng dịch vụ công thiết yếu”.
Ông Hà cho biết, trong những năm qua, Bộ Tài chính đã ban hành Nghị Quyết và các Quyết định về Chiến lược, Kế hoạch của Bộ Tài chính để thực hiện các Nghị quyết của Đảng và các Nghị quyết, Chiến lược Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để xây dựng và phát triển dữ liệu của ngành tài chính trên cơ sở ứng dụng những công nghệ tiên tiến, hiện đại của cuộc cách mạng công nghệ 4.0. Đồng thời, các nền tảng xây dựng và quản trị dữ liệu được xây dựng theo hướng tăng cường sự tương thích giữa các cơ sở hạ tầng thông tin của các cơ quan nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi cho giao dịch điện tử giữa các Cơ quan Nhà nước và giữa Cơ quan Nhà nước với tổ chức, cá nhân; Đảm bảo việc chia sẻ dữ liệu của ngành Tài chính cho các bộ, ngành, địa phương khác có nhu cầu khai thác, sử dụng; Áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đồng thời, được xây dựng trên nền tảng dữ liệu mở nhằm thực hiện công khai thông tin, dữ liệu về tài chính, ngân sách cho người dân và doanh nghiệp; cung cấp dịch vụ truy vấn dữ liệu theo yêu cầu người sử dụng; thúc đẩy việc giám sát của người dân trong quản lý, điều hành tài chính - ngân sách của Chính phủ.
Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đã đạt được, theo ông Hà một số dữ liệu trong các cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin của ngành Tài chính vẫn còn rời rạc, phân tán, trùng lặp, chưa có sự liên kết và thống nhất. Công tác phân tích dự báo còn chưa đáp ứng yêu cầu quản lý, điều hành của các đơn vị và của Bộ Tài chính. Một số loại hồ sơ, giấy tờ đã được người dân, doanh nghiệp khai báo nhưng chưa được kế thừa và tận dụng để thực hiện các thủ tục hành chính khác. Cán bộ, công chức, viên chức của ngành phải xử lý nghiệp vụ trên nhiều phần mềm. Một số đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ chưa thực hiện mở dữ liệu theo quy định của pháp luật do lo ngại về tính đầy đủ, chính xác của dữ liệu, về quyền và trách nhiệm của cơ quan chia sẻ dữ liệu, và về các biện pháp bảo đảm an toàn, thông tin mạng. Hạ tầng kỹ thuật CNTT cho việc lưu trữ, phân tích, quản trị dữ liệu lớn chưa được đầu tư tương xứng.
Do đó, để đạt được các mục tiêu đã đề ra là tối ưu hóa dữ liệu số trong chuyển đổi số của ngành Tài chính, ông Hà cho rằng: Với khối lượng dữ liệu của ngành Tài chính rất lớn và nhiều lĩnh vực quản lý khác nhau. Tuy nhiên, việc liên kết, tích hợp, khả năng kết nối và chia sẻ thông tin, dữ liệu giữa các đơn vị trong ngành Tài chính còn hạn chế. Do đó, cần các giải pháp quản lý thông tin và dữ liệu một cách tổng thể, thống nhất; Các giải pháp nhằm đẩy mạnh phát triển dữ liệu cả xây dựng, hoàn thiện chính sách, tạo lập và khai thác sử dụng, cung cấp thông tin cho người dân, doanh nghiệp. Trong đó, tập trung vào các giải pháp công nghệ, kinh nghiệm thực tiễn trong tích hợp, trao đổi thông tin trực tuyến với các bộ, ngành, cơ quan chính phủ, người dân và doanh nghiệp thông qua các nền tảng thông tin tập trung...
Cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về tài chính là một trong sáu CSDL quốc gia cần ưu tiên triển khai tạo nền tảng phát triển chính phủ điện tử đã được phê duyệt theo Quyết định số 714/QĐ-TTg ngày 22/5/2015 của Thủ tướng Chính phủ và là trách nhiệm chung của toàn ngành Tài chính. Ngày 01/11/2016, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 2376/QĐ-BTC phê duyệt Đề án “Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về Tài chính”.
Chia sẻ về tính hiệu quả và lợi ích của cơ sở dữ liệu quốc gia về tài chính, ông Nguyễn Minh Ngọc, Phó Cục trưởng, Cục Tin học và Thống kê tài chính cho biết cơ sở dữ liệu quốc gia về tài chính là: Nguồn thông tin, dữ liệu trung thực duy nhất. Sử dụng các công cụ báo cáo thông minh (BI) và trí tuệ nhân tạo (AI). Cải thiện công tác quản trị dữ liệu (Data Governance). Nâng cao năng lực phân tích, hoạch định chính sách. Người dùng tại các Bộ, Ngành, Địa phương khai thác và sử dụng thống nhất. Cải thiện dịch vụ cung cấp thông tin cho người dân. Xây dựng Cơ sở dữ liệu về Tài chính nhằm hình thành Cơ sở dữ liệu tập trung, thống nhất, đảm bảo tính liên kết, tích hợp, khả năng kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu giữa các đơn vị trong ngành Tài chính, giữa Bộ Tài chính với các cơ quan, tổ chức, cá nhân ngoài ngành Tài chính; hỗ trợ xây dựng Chính phủ điện tử (E-Government) ngành Tài chính, hướng tới xây dựng Tài chính số (Digital Finance) dựa trên dữ liệu lớn và dữ liệu mở.
Ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Thuế cho rằng cần xây dựng khung pháp lý phải đảm bảo nguyên tắc: “Pháp luật làm nền tảng hỗ trợ cho việc quản lý hiệu quả lĩnh vực quản lý rủi ro. Ảnh: QM.Chia sẻ về quản lý rủi ro trong quản lý thuế và áp dụng dữ liệu lớn (Big Data), ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết: Ngành Thuế đã tạo lập một hệ thống thông tin, dữ liệu toàn diện về tất cả các rủi ro tuân thủ mà cơ quan thuế phải đối mặt. Có phân đoạn người nộp thuế (NNT), theo từng sắc thuế và theo từng trụ cột tuân thủ (đăng ký, khai thuế, nộp thuế và kê khai thu nhập chính xác). Từ đó, cơ quan thuế hỗ trợ NNT bằng việc cung cấp thông tin; cảnh báo/thông báo các nghĩa vụ NNT cần thực hiện hoặc chưa tuân thủ. Đồng thời, tăng hiệu quả ngăn chặn gian lận, giám sát bảo đảm nâng cao tính tuân thủ pháp luật và nộp thuế tự nguyện. Ngành Thuế tổ chức hệ thống CNTT gồm các phần mềm ứng dụng đánh giá rủi ro để lập kế hoạch thanh tra – kiểm tra; hoàn thuế; quản lý hộ khoán; kiểm tra hồ sơ khai thuế; hóa đơn điện tử; xây dựng hạ tầng kỹ thuật, đáp ứng lưu trữ xử lý dữ liệu lớn, xây dựng hệ thống trao đổi thông tin; lưu trữ, sao lưu dữ liệu phục vụ công tác quản lý rủi ro. Bên cạnh hạ tầng dữ liệu, phần mềm, quan trọng là phải có bộ máy cùng cơ chế phối hợp chặt chẽ các bộ phận quản lý thuế, quản trị dữ liệu, công nghệ để tăng hiệu quả quản lý rủi ro.
Tiến sỹ Nguyễn Thanh Nga, Phó Viện trưởng, Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính cho biết với định hướng dữ liệu là tài nguyên mới, ngành sẽ xây dựng tài chính điện tử. Ảnh: QM.Tiến sỹ Nguyễn Thanh Nga, Phó Viện trưởng, Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính cho biết với định hướng dữ liệu là tài nguyên mới, ngành sẽ xây dựng tài chính điện tử. Theo đó, mục tiêu cơ bản là thiết lập nền tảng tài chính số hiện đại, công khai, minh bạch dựa trên dữ liệu lớn - dữ liệu mở và hệ sinh thái tài chính số, đảm bảo tính hiệu quả, an toàn thông tin toàn diện.
Các đại biểu tham quan gian hàng triển lãm. Ảnh: QM.Trong khuôn khổ VDF-2023, Bộ Tài chính còn tổ chức Triển lãm về các kết quả ứng dụng chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính nói chung và thuế nói riêng. Bên cạnh đó là các gian hàng của các đơn vị với các sản phẩm, giải pháp công nghệ mới nhất của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư cũng như các công nghệ về lưu trữ, phân tích dữ liệu lớn.
Phương An | Cổng Thông Tin Điện Tử Bộ Tài Chính