Tôi sinh ra và lớn từ nền văn hóa lúa mùa nên nó đã ăn sâu vào máu thịt. Vì vậy, khi thấy văn hóa lúa mùa ngày càng mai một, mình tiếc lắm.
Giới thiệu
“Ông Tư lúa mùa” hay “Tư Việt lúa mùa” là cách gọi thân thương mà những người xung quanh dành cho ông Lê Quốc Việt, một lão nông, kỹ sư tâm huyết với việc giữ gìn đời sống lúa mùa- nét đẹp đã tồn tại và phát triển hàng trăm năm trong văn hóa nông nghiệp Nam bộ
Sinh ngày 16 tháng 12 năm 1964, Ông Tư lúa mùa tốt nghiệp đại học Cần Thơ, chuyên ngành trồng trọt, sau đó về công tác ngành nông nghiệp tại tỉnh Kiên Giang, đến tháng 6/2023 thì nghỉ hưu, chuyển qua làm Chủ tịch hội đồng quản trị Hợp tác xã Nông dân sáng tạo.
Được sống giữa hai nền sản xuất lúa truyền thống và hiện đại, và với khát khao phục dựng lại nền văn hóa lúa mùa xưa. Trong thâm tâm cứ ấp ủ nguyện vọng một ngày nào đó sẽ đầu tư, xây dựng một trung tâm bảo tồn văn hóa lúa mùa, trải qua hơn mười năm để làm”.
Mấy chục năm gần đây, với trào lưu trồng lúa gạo cao sản, một năm hai-ba vụ, đồng ý là người dân thu hoạch được nhiều lúa hơn, nhưng cũng vì để cây lúa ngắn ngày cao năng suất hơn mà người dân đã phải tốn thêm rất nhiều chi phí cho phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật. Và rồi, thu nhập từ lúa gạo cũng không khá lên bao nhiêu, trong khi môi trường đồng ruộng thì ngày càng ô nhiễm, con cá trên đồng sắp tới chỉ còn trong ca dao.
Lúa mùa ông bà xưa trồng thì khác, canh tác hoàn toàn thuận theo tự nhiên. Dùng chính chất hữu cơ từ tự nhiên để nuôi cây lúa, dùng chính thiên địch để đuổi chuột, sâu, bệnh hại, cây lúa dẫu năng suất thấp hơn xíu, nhưng hạt gạo bổ dưỡng hơn, lành hơn, đồng ruộng cũng vì không có chất hóa học mà trù phú nào là cá sặc điệp, cá rô, cá lóc…
Vừa làm vừa đánh giá chất lượng qua từng năm, hiện chú Tư đã phục tráng được một số giống lúa mùa cho chất lượng gạo rất tốt, như: Chim Rơi, Tàu Hương, Châu Hồng Vỏ… Trong đó, giống Châu Hồng Vỏ là giống chú tâm đắc nhất. Giống này cho loại gạo với chất lượng dinh dưỡng cao, mùi thơm rất đặc trưng.
40 Giống Lúa mùa
Chú Tư Việt đã trồng được 40 giống lúa mùa. Chú tâm sự: Giống nào thấy phát triển được tôi sẽ nhân nó lên. Giống không đạt, tôi gửi lại nguồn gen cho trường đại học trữ đông lưu giữ.
Mỗi năm chỉ gieo cấy 1 vụ lúa vào thời điểm thời tiết thuận lợi, còn lại là cho đất nghỉ, phục hồi nhờ các chất hữu cơ tự phân hủy sau quá trình canh tác. Không cần bón phân gì vì lượng chất hữu cơ từ bèo hoa dâu, phân cá, vịt… đã dư sức làm ruộng lúa phì nhiêu. Đã vậy cộng thêm lối cày trục, bừa bằng sức trâu xới đất sâu nên đất tơi xốp hơn so với cày bằng máy. Vụ lúa mùa thường kéo dài khoảng 6 tháng mới cho thu hoạch. Nếu gieo mạ cấy sớm có khi kéo dài tới 7 tháng. Còn nếu làm trễ thì cũng phải 5 tháng.