Nhận thức rõ vai trò của việc chuyển đổi số đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, ngày 8-6-2022, Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 22-NQ/TU về chuyển đổi số tỉnh Kiên Giang đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. Công tác chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh bước đầu đạt kết quả tích cực.
Chuyển đổi số toàn diện trên mọi lĩnh vực
Xung quanh vấn đề này, đồng chí Võ Minh Trung (ảnh) - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết
Nghị quyết số 22-NQ/TU đề ra mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện công tác quản lý, điều hành của Nhà nước tiến tới xây dựng chính quyền số; phát triển kinh tế số, xã hội số và thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh theo hướng ứng dụng công nghệ số, hình thành các doanh nghiệp công nghệ số có sức cạnh tranh trên thị trường; phấn đấu tỉnh nằm trong tốp dẫn đầu về các chỉ tiêu chuyển đổi số. Trên cơ sở đó, tỉnh ta tập trung triển khai các nhiệm vụ ở cả 3 trụ cột về xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển nhanh, bền vững. Hiện nay, công cuộc chuyển đổi số tại tỉnh đang diễn ra mạnh mẽ, đồng bộ, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực.
- Phóng viên: Để quá trình chuyển đổi số diễn ra hiệu quả, tạo bước chuyển mới trên tất cả các lĩnh vực, cần những yếu tố nào làm tiền đề, thưa đồng chí?
- Đồng chí Võ Minh Trung: Trước hết cần phải thay đổi về nhận thức, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và trách nhiệm của người đứng đầu về chuyển đổi số. Rà soát, bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện các cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy chuyển đổi số; xây dựng bộ chỉ số đánh giá, xếp loại chuyển đổi số của tỉnh. Tỉnh tập trung phát triển hạ tầng số; triển khai mạng truyền số liệu chuyên dùng đến 100% các cơ quan Đảng, Nhà nước. Phấn đấu đến năm 2025 tỉnh phổ cập dịch vụ mạng di động 4G/5G và điện thoại di động thông minh phục vụ quá trình chuyển đổi số.
Công tác phát triển dữ liệu số cần được chú trọng gồm cổng dữ liệu mở của tỉnh; kho dữ liệu lớn dùng chung toàn tỉnh; phát triển các nền tảng số; bảo đảm an toàn, an ninh mạng; phát triển nguồn nhân lực; đầu tư trang thiết bị phục vụ việc số hóa hồ sơ; nghiên cứu, phát triển và đổi mới, sáng tạo trong môi trường số... Để thực hiện tốt nhiệm vụ chuyển đổi số, tỉnh cần quan tâm ưu tiên bố trí ngân sách nhà nước đầu tư cho chuyển đổi số, hàng năm dành khoản kinh phí đầu tư cho công nghệ thông tin, an toàn, an ninh mạng.
- Phóng viên: Đồng chí cho biết những kết quả bước đầu đạt được từ quá trình chuyển đổi số ở tỉnh ta đã và đang tạo ra các giá trị mới nào đáng ghi nhận?
- Đồng chí Võ Minh Trung: Tỉnh đã quan tâm và cơ bản hoàn thiện môi trường pháp lý, đầu tư hạ tầng, ứng dụng công nghệ thông tin, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, xây dựng chính quyền điện tử, góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao hiệu quả chỉ đạo, điều hành. Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh phê duyệt các chương trình, đề án, dự án về công nghệ thông tin; ưu tiên chuyển đổi số trong một số ngành, lĩnh vực như giáo dục và đào tạo, y tế, nông nghiệp, tài nguyên và môi trường, giao thông, công nghiệp…
Đến nay, hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin từng bước được triển khai cơ bản đồng bộ, hiện đại, đáp ứng tốt yêu cầu về thúc đẩy kết nối thông tin và truyền thông phát triển kinh tế - xã hội tỉnh. Hiện 100% các sở, ban, ngành tỉnh, UBND các huyện, thành phố và UBND các xã, phường, thị trấn có mạng nội bộ và kết nối internet; sóng di động phủ kín trên 99%, internet cáp quang kết nối tận xóm, ấp. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan Đảng, chính quyền có bước đột phá quan trọng; tỷ lệ trao đổi văn bản điện tử giữa các cơ quan hành chính nhà nước đạt 100%. Hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến được duy trì, đảm bảo công tác chỉ đạo, điều hành các cấp của tỉnh với 22 điểm cầu cấp tỉnh, huyện và 56 điểm cầu cấp xã; có 1.904 thủ tục hành chính được cung cấp, công khai đầy đủ các nội dung theo quy định, kết nối liên thông, tích hợp với Cổng Dịch vụ công quốc gia, đạt 100%. Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh tiếp nhận 321.195 hồ sơ, trong đó hồ sơ trực tuyến đạt 55,3%. Tỷ lệ thanh toán trực tuyến đạt 29,67%; số hóa hồ sơ đạt 31,2%, tăng đáng kể so năm 2022.
- Phóng viên: Thời gian tới, Sở Thông tin và Truyền thông tham mưu UBND tỉnh triển khai những giải pháp gì nhằm nâng cao hiệu quả chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh?
- Đồng chí Võ Minh Trung: Phát huy vai trò cơ quan chuyên trách, Sở Thông tin và Truyền thông tham mưu UBND tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về tầm quan trọng, ý nghĩa, mục tiêu của chuyển đổi số; rà soát, xây dựng các cơ chế, chính sách đủ mạnh để huy động nguồn lực đầu tư từ xã hội thực hiện chuyển đổi số, nhất là cơ chế, chính sách tạo điều kiện, hỗ trợ phát triển kinh tế số, doanh nghiệp chuyển đổi số trên các lĩnh vực trọng điểm. Đồng thời, tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương cải thiện, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến gắn nâng cao mức độ hài lòng của người dân; ban hành chính sách hỗ trợ, khuyến khích người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến.
Sở tập trung khai thác hiệu quả cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030, nhất là triển khai thành công 25 dịch vụ công thiết yếu; đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến, các tiện ích, dịch vụ số an toàn, hiệu quả, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân; tăng tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt, thúc đẩy thương mại điện tử, thương mại số, nhất là thương mại điện tử vùng nông thôn, giúp nông dân cung cấp, kinh doanh hàng hóa, sản phẩm OCOP trên các sàn thương mại điện tử.
- Phóng viên: Cảm ơn đồng chí!
Nguồn trích dẫn
Bài viết được trích dẫn từ:
- Nguồn: Cổng thông tin chuyển đổi số Kiên Giang
- Phóng viên: Cẩm Tú
Xem chi tiết bài viết gốc ở đường link bên dưới...