Khu trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP và nông sản hợp tác xã do Liên minh Hợp tác xã tỉnh Kiên Giang tổ chức đã chính thức đi vào hoạt động
Nội dung
Khu trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP và nông sản hợp tác xã (HTX) do Liên minh Hợp tác xã tỉnh Kiên Giang tổ chức đã chính thức đi vào hoạt động. Có thể nói, đây là nơi tập hợp và quảng bá các sản phẩm OCOP và nông sản HTX, doanh nghiệp thành viên, đặc biêt là các sản phẩm truyền thống của địa phương.
Bước đầu, khá thuận lợi do sự quan tâm sâu sắc của lãnh đạo Tỉnh uỷ, UBND tỉnh, sự hỗ trợ của các ngành có liên quan và sự đồng hành của HTX, doanh nghiệp thành viên. Tuy nhiên, trước thuận lợi vẫn còn nhiều quan ngại do số lượng sản phẩm chưa nhiều, trong thời gian tới cần có định hướng, tạo động lực cho HTX phát triển thêm nhiều sản phẩm, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, xây dựng thương hiệu nông sản địa phương, mang lại thu nhập cao hơn cho thành viên.
Ảnh: Liên minh Hợp tác xã tỉnh Kiên Giang khai trương khu trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP và nông sản Hợp tác xã
Ngay từ khi Liên minh Hợp tác xã tỉnh Kiên Giang đưa vào hoạt động khu trưng bày giới thiệu sản phẩm OCOP và nông sản HTX, doanh nghiệp thành viên đã nhận ký gửi 76 sản phẩm OCOP và nông sản của 14 hợp tác xã, doanh nghiệp là thành viên Liên minh HTX tỉnh.
Với mong muốn tạo cơ hội cho các HTX, doanh nghiệp thành viên mở rộng các kênh phân phối hàng hóa trên địa bàn toàn tỉnh Kiên Giang và liên kết với các tỉnh, thành phố trên cả nước. Thông qua đó, dễ dàng tìm kiếm thị trường đầu ra, kết nối tiêu thụ sản phẩm để HTX, doanh nghiệp thành viên tồn tại và phát triển trong nền kinh tế thị trường hiện nay.
Tuy nhiên hiện nay, theo Liên minh Hợp tác xã tỉnh Kiên Giang thống kê, trên địa bàn tỉnh có 453 HTX nông nghiệp nhưng chỉ có 12 HTX với 18 sản phẩm tham gia chương trình OCOP. Con số này thật sự rất nhỏ so với số lượng HTX và tiềm năng lợi thế hiện có trên địa bàn tỉnh. Chính vì thế, việc phát triển sản phẩm OCOP gặp một số khó khăn do các HTX hầu hết đều có quy mô nhỏ, việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng, liên kết theo chuỗi giá trị, đầu ra sản phẩm còn gặp khó khăn.
Mặc dù, sản phẩm hàng hóa HTX của tỉnh rất phong phú về chủng loại, số lượng, chất lượng, nhưng do các HTX chưa quan tâm đến kiểu dáng, nhãn mác, bao bì đóng gói, nhất là các loại giấy chứng nhận như: An toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, sở hữu trí tuệ…nên chưa đáp ứng nhu cầu thị trường, sức cạnh tranh thấp. Bên cạnh đó, quá trình thực hiện Chương trình OCOP còn đòi hỏi HTX phải mở rộng sản xuất, liên kết chuỗi giá trị, thay đổi công nghệ sản xuất, nguồn lực có tay nghề…
Để tạo động lực cho HTX phát triển sản phẩm để đẩy mạnh phát triển các sản phẩm OCOP trong các HTX, một trong những định hướng hời gian tới là tiếp tục phối hợp với các địa phương, tuyên truyền các nội dung của Quyết định số 919/QĐ-TTg ngày 01/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình OCOP giai đoạn 2021 - 2025.
Đồng thời, tập trung tuyên truyền, hướng dẫn các HTX triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách liên quan đến Chương trình OCOP thông qua nhiều hình thức như: Cấp phát tờ rơi, xây dựng pano giới thiệu, các chương trình phóng sự truyền hình và truyền thanh, xây dựng sổ tay hướng dẫn tham gia Chương trình OCOP.
Ngoài ra, Liên minh Hợp tác xã tỉnh Kiên Giang sẽ phối hợp với cơ quan chuyên môn triển khai các lớp tập huấn, phát triển sản phẩm OCOP, đưa sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử; hỗ trợ các HTX tiếp cận nguồn vốn để đầu tư máy móc, thiết bị sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm…
Tập trung phát huy tiềm năng, lợi thế và sản phẩm đặc sản truyền thống của địa phương có giá trị cao về kinh tế để phát triển OCOP; phát huy sáng tạo, sức mạnh cộng đồng trong sản xuất, hình thành sản phẩm gắn với giá trị cộng đồng.
Các sở, ngành, địa phương, đặc biệt là chính quyền cơ sở cần hỗ trợ HTX phát triển liên kết theo chuỗi giá trị, nhằm nâng cao năng lực sản xuất, phát triển bền vững sản phẩm hàng hóa; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của HTX.