Trong 1 tháng trở lại đây, nhiều địa phương ghi nhận số ca mắc đau mắt đỏ tăng cao, có nơi tăng gấp đôi so với năm ngoái. Theo các bác sĩ, dịch bệnh đau mắt đỏ năm nay kéo dài hơn. Nhiều ca có biến chứng nặng và lâu khỏi.
Nguy cơ biến chứng
Tại Bệnh viện Mắt Trung ương, gần 1 tháng nay, mỗi ngày đơn vị này tiếp nhận khoảng 2.000 bệnh nhân đến khám, có ngày có tới 3.000 bệnh nhân đến khám các bệnh về mắt. Trong đó, số bệnh nhân đến khám do đau mắt đỏ chiếm 10%.
Trung bình mỗi tuần có khoảng 700 trường hợp đau mắt đỏ đến khám. Riêng tuần vừa qua, con số lên tới hơn 800 ca. Nhiều trường hợp bị đau mắt đỏ với biến chứng mờ mắt kéo dài thậm chí cả tháng.
Đáng nói, số ca mắc đau mắt đỏ tại Hà Nội, TPHCM và một số địa phương tăng gấp đôi, thậm chí gấp 3 lần so với cùng kỳ năm trước. Ngoài các triệu chứng thông thường của viêm kết mạc cấp do Adenovirus, dịch đau mắt đỏ năm nay kéo dài hơn với diễn biến nặng. Nhiều trường hợp xuất hiện giả mạc và viêm giác mạc, gây ảnh hưởng đến thị lực của người bệnh.
Theo PGS.TS Lê Xuân Cung - Trưởng khoa Giác mạc, Bệnh viện Mắt Trung ương, hằng năm, mùa Hè nắng nóng là thời điểm những nơi đông dân cư (thành phố, đô thị) xuất hiện những đợt dịch viêm kết mạc cấp.
Dịch đau mắt đỏ năm nay kéo dài hơn với diễn biến nặng. Nhiều trường hợp xuất hiện giả mạc và viêm giác mạc (phần lòng đen của nhãn cầu) gây ảnh hưởng đến thị lực của người bệnh.
Viêm kết mạc cấp nếu được chẩn đoán và điều trị kịp thời sẽ khỏi và không để lại di chứng gì. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp dù được phát hiện và điều trị kịp thời, nhưng bệnh vẫn gây biến chứng như viêm giác mạc, thậm chí gây viêm loét giác mạc (phần lòng đen của nhãn cầu).
Đây là biến chứng nặng và thường xảy ra ở những trường hợp: Người có sức đề kháng yếu (người già, trẻ nhỏ), những người không tuân thủ tốt điều trị, những trường hợp viêm kết mạc cấp nặng (mi sưng phù nhiều, có giả mạc).
“Viêm kết mạc cấp làm cho kết mạc bị tổn thương và dễ bị bội nhiễm các yếu tố vi sinh khác tại mắt cũng như từ môi trường bên ngoài, thường gặp nhất là bội nhiễm vi khuẩn. Với những người có sức đề kháng kém như người cao tuổi, trẻ nhỏ thì càng dễ bội nhiễm hơn. Bệnh thường nặng, có thể gây viêm loét giác mạc”, bác sĩ Cung cho biết.
Khi điều trị bệnh viêm kết mạc cấp cho trẻ nhỏ, đặc biệt là những trường hợp nặng, thì vai trò của bố mẹ và người thân vô cùng quan trọng. Bởi, trẻ không tự dùng thuốc được. Với những bé bị viêm kết mạc cấp đặc biệt là trường hợp nặng, người chăm sóc cần ngăn không cho trẻ dụi tay vào mắt.
Cố gắng tra thuốc vào mắt cho trẻ và dỗ bé không khóc để không rửa trôi thuốc ra ngoài. Tuân thủ đúng những khuyến cáo của bác sĩ về điều trị. Đồng thời, đưa trẻ đến khám bác sĩ đúng theo hẹn. Hoặc, đưa trẻ đến khám lại ngay khi có diễn biến bất thường.
Phòng, chống dịch tại trường học
Bệnh đau mắt đỏ có thể lây lan ở mọi lứa tuổi. Trẻ em có nguy cơ cao hơn do tới trường học. Trong bối cảnh này, các trường học đang rốt ráo thực hiện biện pháp phòng bệnh đau mắt đỏ.
Theo Trưởng phòng GD&ĐT quận Ba Đình Lê Đức Thuận, trong bối cảnh dịch đau mắt đỏ đang gia tăng, Phòng GD&ĐT đã ban hành công văn về việc chủ động triển khai công tác phòng, chống dịch tại các cơ sở giáo dục.
Trong đó, đề nghị nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong công tác phòng chống dịch bệnh tại trường học. Quán triệt cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh nghiêm túc chấp hành các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Không để dịch bùng phát và hạn chế tối đa xảy ra nguy cơ dịch chồng dịch.
Đồng thời, kiện toàn ban chăm sóc sức khỏe học sinh, xây dựng và triển khai kế hoạch cụ thể phòng, chống dịch bệnh trong trường học năm học 2023 - 2024. Các trường cũng được yêu cầu tổ chức tuyên truyền cho học sinh về các biện pháp, phòng chống dịch bệnh trong nhà trường. Khuyến khích học sinh tham gia vào các hoạt động phòng, chống dịch tại cộng đồng. Phổ biến kiến thức phòng, chống dịch bệnh trên bảng tin, website của nhà trường.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt - Hiệu trưởng Trường Mầm non Yên Hoà (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, nhà trường thực hện đảm bảo tốt nhất quy trình vệ sinh cá nhân cho trẻ. Hướng dẫn và cho trẻ thực hiện đúng quy trình 6 bước rửa tay bằng xà phòng hằng ngày.
Đồng thời, áp dụng việc giáo dục kỹ năng phòng bệnh đau mắt đỏ bằng cách hướng dẫn trẻ rửa tay bằng xà phòng, không dụi tay lên mắt, hắt hơi phải quay ra ngoài che miệng…
Bên cạnh đó, mỗi trẻ có đồ dùng cá nhân riêng với ký hiệu riêng (khăn mặt, gối, cốc...). Trẻ cũng được khuyến khích mang bình nước hằng ngày. Nhà trường cũng thực hiện đều đặn giặt sạch khăn mặt bằng xà phòng và nước sạch, phơi khăn ngoài nắng hàng ngày.
Hằng tuần, nhà trường yêu cầu các lớp luộc khăn cốc 2 lần/ tuần và giám sát việc thực hiện một cách sát sao. Tổng vệ sinh lớp học hàng ngày, đảm bảo lớp học được thông thoáng. Công tác vệ sinh đồ dùng, đồ chơi cũng được nhà trường đề cao.
Ngoài ra, nhà trường đảm bảo công tác an toàn thực phẩm tại bếp ăn, thực hiện ăn chín uống sôi. Đảm bảo sử dụng nguồn nước sạch trong trường học theo đúng quy định của Bộ Y tế, đảm bảo an ninh, an toàn nguồn nước. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến cán bộ giáo viên, công nhân viên và phụ huynh, phối hợp với phụ huynh học sinh giám sát, theo dõi sức khỏe trẻ.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hương - Hiệu trưởng Trường Mầm non Sao Mai (Ba Đình, Hà Nội) cho biết, trong trường hợp phát hiện trẻ đau mắt đỏ, nhà trường đề nghị cho học sinh nghỉ học để đến bệnh viện, tránh dịch lây lan.
Ngoài ra, trường cũng thường xuyên cập nhật học sinh bị bệnh để nắm bắt tình hình. Sử dụng xà phòng hoặc các chất sát khuẩn thông thường để sát trùng các đồ dùng, bàn ghế của học sinh. Thông báo thông tin ca bệnh cho trạm y tế để phối hợp xử lý.
Đẩy mạnh công tác truyền thông phòng bệnh đau mắt đỏ bằng nhiều hình thức cho giáo viên, nhân viên nhà trường, học sinh và phụ huynh. Truyền thông tạo sự đồng thuận cho phụ huynh với thông điệp không để học sinh đau mắt đỏ đến trường.
Nguồn https://giaoducthoidai.vn/truong-hoc-doi-pho-the-nao-voi-dich-dau-mat-do-post654846.html